Tại sao người ta nói 'Đàn ông sợ mài, đàn bà sợ ngâm'?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đọc câu "Đàn ông sợ mài, đàn bà sợ ngâm" có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc, không hiểu hai chữ "mài" và "ngâm" ở đây có nghĩa gì? Sao lại sợ?

Thế nào là "Đàn ông sợ mài"?

"Nước chảy đá mòn" hay "Mưa dầm thấm lâu",... rất nhiều những câu nói thể hiện sự kiên trì, tác động của người, sự vật trong điều kiện, hoàn cảnh sống. "Đàn ông sợ mài" cũng thể hiện một "nỗi sợ" tương tự của con người trong sự mài mòn của hoàn cảnh sống, tác động của cá nhân, môi trường.

"Mài" trong câu trên không phải chỉ sự mài dũa, rèn luyện phát triển bản thân mà ý nói về việc người đàn ông bị say đắm trong sự kiên trì, mài mòn trong chuyện tình cảm. Bất cứ người đàn ông nào cũng đều bị mềm lòng trước sự kiên trì “mài” của người phụ nữ, dù đó là người có cá tính riêng biệt, tính cách khác người đến mấy. Xưa nay "anh hùng đều khó qua ải mỹ nhân" (có trường hợp ngoại lệ nhưng số vượt qua được có lẽ không nhiều).

Một người đàn ông có bản lĩnh, có trách nhiệm đối mặt với cám dỗ của ái tình, trước một người phụ nữ đẹp trong một khoảng thời gian ngắn thì có thể giữ vững bản thân và từ chối tình cảm đó. Nhưng nếu thời gian dài trong môi trường, hoàn cảnh tiếp xúc, gặp gỡ với phụ nữ đẹp thì người đàn ông sẽ bị "mài" và "siêu lòng". Đặc biệt, người phụ nữ đó hiền dịu, mang lại sự ấm áp họ sẽ bị "tan chảy" mặc dù trước đó là người cứng rắn thế nào.

Một phương diện nữa về sắc tình, một người đàn ông chính trực, khí chất không giữ vững được bản thân mê đắm trong sắc tình lâu ngày sẽ đánh mất bản thân, tiền đồ, sự nghiệp. Trong lịch sử có không ít những bậc quân vương vì sắc tình mà bỏ bê việc triều chính dẫn đến mất ngôi, mất nước. Đàn ông sợ mài là vì thế.

Vì sao đàn bà sợ "ngâm"

Khi hiểu “đàn ông sợ mài”, nhiều người cũng sẽ hiểu“đàn bà sợ ngâm”. Ai cũng sợ sự lâu bền bởi ở lâu, ở sâu trong một môi trường, hoàn cảnh nào đó người ta dễ bị hòa theo mà không hay biết. Tương tự như người đàn ông, người phụ nữ cũng sợ "ngâm" trong một hoàn cảnh nào đó. Người đàn ông có trách nhiệm, chân thành, kiên trì, nhiệt tình theo đuổi để cô gái được "ngâm" trong tình cảm chân thành của mình sẽ chiếm được cảm tình của người con gái đó.

Thêm nữa, về mặt tình cảm tâm lý của phụ nữ luôn nhạy cảm, yếu mềm, sống thiên về cảm tính hơn đàn ông, đặc biệt là khả năng độc lập trong cuộc sống. Một người phụ nữ sống lâu trong cô đơn, khi gặp người đàn ông quan tâm, theo đuổi kiên trì thì trái tim của cô ấy sẽ dễ rung động.

Câu nói: "Đàn ông sợ mài, đàn bà sợ ngâm" chúng ta có thể hiểu, ai cũng có "gót chân Asin" và bị chinh phục trước sự "mài", "ngâm"-kiên trì của hoàn cảnh, môi trường, nhiệt tình, chân thành của người khác. Nhìn rộng ra cuộc sống, mỗi nơi, mỗi người cũng đều là môi trường sống của từng người điều quan trọng là nhận biết, phân biệt được hoàn cảnh tốt-xấu, sự đúng-sai,...sống tỉnh thức. Chọn cho bản thân được "mài" và "ngâm" trong hoàn cảnh tốt để thuận lợi cho sự phát triển bản thân.

Tuyết Liên



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao người ta nói 'Đàn ông sợ mài, đàn bà sợ ngâm'?