Tàu chiến Hoa Kỳ đi qua eo biển Đài Loan lần đầu tiên kể từ chuyến thăm của bà Pelosi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hai tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ đang đi qua tuyến đường biển quốc tế ở Eo biển Đài Loan, đánh dấu động thái đầu tiên của Washington kể từ khi căng thẳng với Trung Quốc leo thang sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi. Bài viết cũng điểm lại các cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đài Loan.

Trong những năm gần đây, các tàu chiến của Mỹ và đôi khi là của các quốc gia đồng minh như Anh và Canada, thường xuyên đi qua eo biển Đài Loan. Điều này không khỏi khiến Bắc Kinh tức giận.

Trung Quốc, tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của riêng mình trước sự phản đối của chính phủ được bầu cử dân chủ ở Đài Bắc, đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự gần hòn đảo sau khi bà Pelosi đến thăm vào đầu tháng 8. Kể từ đó, các cuộc tập trận của Bắc Kinh vẫn tiếp tục leo thang.

Theo báo chí Mỹ, Trung Quốc đã triển khai các tàu ngầm tàng hình mới đến Hạm đội Hoa Đông, và nhiều nước cũng đang bí mật giúp Đài Loan tự chế tạo tàu ngầm. Hình ảnh cho thấy tàu ngầm lớp Stegosaurus và trực thăng chống ngầm của Đài Loan thực hiện cuộc tập trận ở vùng biển phía đông Đài Loan ngày 26/7/2022. (Ảnh: Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan/The Epoch Times)

Chuyến thăm đã khiến Bắc Kinh tức giận, vốn luôn coi đây là nỗ lực của Mỹ nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Ngay sau đó, quân đội Trung Quốc đã đáp trả bằng cách thực hiện nhiều cuộc tập trận hơn gần Đài Loan

Các quan chức Mỹ giấu tên hôm thứ Bảy (27/8) cho biết các tàu tuần dương của Hải quân Hoa Kỳ là Chancellorsville và Antietam đang thực hiện nhiệm vụ qua tuyến đường biển quốc tế ở Eo biển Đài Loan.

Các hoạt động kể trên thường mất từ ​​8 đến 12 giờ để hoàn thành và được quân đội Trung Quốc giám sát chặt chẽ.

Eo biển Đài Loan vốn là nguồn cơn căng thẳng quân sự thường xuyên kể từ khi Mao Trạch Đông lên nắm quyền ở Bắc Kinh sau khi đánh bại những người theo chủ nghĩa dân tộc Quốc dân đảng (KMT) của Tưởng Giới Thạch trong một cuộc nội chiến năm 1949. Chính phủ do Quốc Dân Đảng lãnh đạo rút lui ra đảo Đài Loan, cắt đứt liên lạc với Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn, một nhà lập pháp Hoa Kỳ trong các ủy ban Thương mại và Dịch vụ Vũ trang của Thượng viện, đã đến Đài Loan hôm thứ Năm (25/8) trong chuyến thăm thứ ba của một chức sắc Hoa Kỳ trong tháng này, bất chấp áp lực từ Bắc Kinh.

Thượng nghị sĩ Mỹ Marsha Blackburn đã đến Đài Loan hôm 25/8, bất chấp cơn thịnh nộ của Bắc Kinh. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Chính quyền ông Biden đã nỗ lực tìm cách kiềm chế căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, vốn bùng phát từ các chuyến thăm, không phát triển thành xung đột. Washington lặp đi lặp lại rằng các chuyến thăm của Quốc hội Mỹ như vậy là "thường lệ".

Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng bị ràng buộc bởi Đạo luật quan hệ Đài Loan (TRA) 1979 trong việc cung cấp cho hòn đảo này các phương tiện để tự vệ.

Trung Quốc chưa bao giờ loại trừ việc sử dụng vũ lực để đưa Đài Loan vào tầm kiểm soát của mình.

Chính phủ Đài Loan nói rằng Trung Quốc chưa bao giờ cai trị hòn đảo này và chỉ 23 triệu người dân Đài Loan mới có thể quyết định tương lai của họ.

Các dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đài Loan

Dưới đây là những diễn tiến chính trong quan hệ giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đài Loan:

  • 1949 - Phe của Mao Trạch Đông lên nắm quyền ở Bắc Kinh sau khi đánh bại những người theo chủ nghĩa dân tộc Quốc dân đảng (KMT) của Tưởng Giới Thạch trong một cuộc nội chiến. Chính phủ do Quốc Dân Đảng lãnh đạo rút lui ra đảo Đài Loan, cắt đứt liên lạc với Trung Quốc đại lục.
  • 1950 - Đài Loan trở thành đồng minh của Hoa Kỳ, quốc gia đối đầu với Trung Quốc tại Triều Tiên. Hoa Kỳ triển khai một hạm đội ở Eo biển Đài Loan để bảo vệ đồng minh trước cuộc tấn công có thể xảy ra từ đại lục.
  • 1954-1955 - Khủng hoảng Eo biển Đài Loan lần thứ nhất: Bắc Kinh mở các cuộc tấn công đạn pháo vào một số đảo xa do Đài Loan kiểm soát ngoài khơi bờ biển đông nam của Trung Quốc. Đài Bắc mất quyền kiểm soát một số hòn đảo và chuyển các lực lượng và cư dân còn lại sang Đài Loan.
  • 1958 - Khủng hoảng Eo biển Đài Loan lần thứ hai: Bắc Kinh phát động các cuộc tấn công đạn pháo kéo dài hàng tháng trời vào các đảo Kim Môn và Mã Tổ do Đài Loan kiểm soát, cả hai đều gần Trung Quốc đại lục. Đài Bắc chống trả bằng một số vũ khí do Mỹ cung cấp. Trung Quốc không giành quyền kiểm soát bất kỳ hòn đảo nào do Đài Loan nắm giữ.
  • 1979 - Hoa Kỳ tán thành “Chính sách Một Trung Quốc” và chuyển công nhận ngoại giao từ Đài Bắc sang Bắc Kinh. Nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đưa ra các khái niệm về “một quốc gia, hai hệ thống” và “thống nhất ôn hòa” để thay cho việc chiếm Đài Loan bằng vũ lực.
  • 1979 - Hoa Kỳ ban hành Đạo luật Quan hệ Đài Loan, trong đó nêu rõ rằng quyết định của Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh dựa trên kỳ vọng rằng tương lai của Đài Loan sẽ được quyết định bằng các biện pháp hòa bình. Luật buộc Washington phải giúp cung cấp cho Đài Loan các phương tiện để tự vệ.
  • 1982 - Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan thông qua Sáu Đảm bảo đối với Đài Loan, trong đó có cam kết không thay đổi Đạo luật Quan hệ Đài Loan.
  • 1995 - Tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy thăm Hoa Kỳ để họp mặt tại Đại học Cornell, bị Bắc Kinh chỉ trích và căng thẳng leo thang.
  • 1996 - Khủng hoảng Eo biển Đài Loan lần thứ ba: Đài Loan tổ chức cuộc bỏ phiếu bầu Tổng thống trực tiếp đầu tiên. Đáp lại, Bắc Kinh phóng phi đạn vào vùng biển gần Đài Loan; Washington điều động các tàu sân bay đến khu vực. Tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy giành chiến thắng áp đảo vào tháng Ba.
  • 2000 - Ông Trần Thủy Biển được bầu làm Tổng thống Đài Loan, đánh dấu lần đầu tiên Đảng Dân Tiến (DPP) lên cầm quyền. Đảng này ủng hộ chủ quyền và độc lập chính thức cho Đài Loan.
  • 2005 - Bắc Kinh thông qua dự luật chống ly khai vào tháng 3 khiến cho việc ly khai của Đài Loan trở thành bất hợp pháp. Tới tháng 4, các nhà lãnh đạo của đảng đối lập Quốc Dân Đảng và ĐCSTQ gặp nhau lần đầu tiên kể từ năm 1949.
  • Tháng 5/2008 - Tổng thống Mã Anh Cửu được Quốc Dân Đảng hậu thuẫn, người ủng hộ quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc, lên nắm quyền và gạt sang một bên các tranh chấp chính trị với Trung Quốc để thảo luận về các thỏa thuận từ du lịch đến các chuyến bay thương mại.
  • 2016 - Bà Thái Anh Văn của Đảng Dân Tiến giành chiến thắng trong cuộc đua Tổng thống vào tháng 1 trên cương lĩnh chống Trung Quốc. Tới tháng 6, Trung Quốc đình chỉ tất cả các liên lạc chính thức với Đài Loan.
  • Tháng 12 năm 2016 - Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ Donald Trump phá vỡ tiền lệ ngoại giao hàng chục năm của Hoa Kỳ khi điện đàm trực tiếp với Tổng thống Thái Anh Văn.
  • 2017 - Chính quyền ông Trump phê duyệt thương vụ bán vũ khí trị giá 1,4 tỷ đô la cho Đài Loan, khiến Bắc Kinh tức giận.
  • Tháng 3/2018 - Ông Trump ký luật khuyến khích Hoa Kỳ cử các quan chức cấp cao đến Đài Loan để gặp những người đồng cấp Đài Loan và ngược lại, một lần nữa khiến Trung Quốc phẫn nộ.
  • Tháng 9/2018 - Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chấp thuận bán cho Đài Loan các bộ phận thay thế cho máy bay chiến đấu F-16 và các máy bay quân sự khác trị giá lên tới 330 triệu đô la, khiến Trung Quốc cảnh cáo rằng chuyện này gây phương hại cho sự hợp tác giữa Bắc Kinh và Washington.
  • Tháng 7/2022 - Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tổ chức một cuộc điện đàm kéo dài hai giờ, trong đó ông Biden nhấn mạnh rằng “chính sách của Hoa Kỳ không thay đổi và Hoa Kỳ mạnh mẽ phản đối những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng hoặc phá hoại hòa bình và ổn định xuyên qua Eo biển Đài Loan".

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Tàu chiến Hoa Kỳ đi qua eo biển Đài Loan lần đầu tiên kể từ chuyến thăm của bà Pelosi