Thất bại tại Olympic và cái giá phải trả cho việc đại diện cho Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong lời bài hát bất hủ “The Winner Takes It All” của nhóm nhạc pop Thụy Điển ABBA, “người chiến thắng sẽ có tất cả", nhưng kẻ thua cuộc lại “phải gục ngã". Ở Trung Quốc, như những gì chúng ta chứng kiến, mọi “kẻ thua cuộc” nào nếu chẳng may bị ngã đều bị chế giễu không thương tiếc.

Thay vì được đề nghị giúp đỡ, ủng hộ, và hỗ trợ, họ lại bị ức hiếp và mắng nhiếc, chế giễu, và nhận phải những lời miệt thị ác ý. Cá nhân tôi cho rằng, điều này tiết lộ chúng ta rất nhiều về trạng thái tâm lý của đất nước này, và cũng giải thích tại sao ĐCS Trung Quốc lại có tiếng xấu trên trường quốc tế như vậy.

Hôm 08/02/2022, người hâm mộ trên khắp Trung Quốc đã dành vô số lời ca tụng cho cô Cốc Ái Lăng (Eileen Gu), vận động viên trượt tuyết tự do giành được huy chương vàng đầu tiên tại Thế vận hội Bắc Kinh. Những lời tâng bốc quá đà đến mức Weibo, nền tảng mạng xã hội hàng đầu của nước này, đã tạm thời gặp sự cố với 90,000 bình luận trong vòng 30 phút.

Cô Cốc, một thiếu nữ sinh ra ở San Francisco, có cha là người Mỹ và mẹ là người Trung Quốc. Năm 2019, cô quyết định đại diện cho Trung Quốc. Có vẻ như quyết định này đã mang lại lợi ích rất nhiều cho cô. Trong vòng một giờ sau khi giành được chiến thắng, hashtag “Cốc Ái Lăng giành huy chương vàng” đã nhận được hơn 300 triệu lượt xem. Lúc này, trên khắp Trung Quốc, cô Cốc là một người hùng.

Cô Cốc Ái Lăng của Trung Quốc thi đấu vòng loại trượt tuyết tự do trong Thế vận hội Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022 tại Big Air Shougang ở Bắc Kinh vào ngày 7/2/2022. (Ảnh Getty Images)

Tuy nhiên, cô Chu Dị (Zhu Yi), một vận động viên khác sinh ra ở Hoa Kỳ, người cũng cam kết trung thành với Trung Quốc, lại hoàn toàn không phải là một người hùng. Hai ngày trước khi cô Cốc giành huy chương vàng, thì cô Chu, một vận động viên trượt băng nghệ thuật, đang thi đấu trong nội dung đồng đội. Cô gái 19 tuổi sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ này đã có một lần ra mắt kinh hoàng, với hai lần bị ngã và phải rời sân trượt trong nước mắt.

Người ta tự hỏi liệu cô Chu, người đã từ bỏ quốc tịch Mỹ để thi đấu cho Trung Quốc từ năm 2018, có hối hận về quyết định của mình hay không. Ngay sau màn thể hiện đáng tiếc của cô, những người dùng mạng xã hội trên Weibo đã tấn công cô, đặt câu hỏi về việc được vào đội tuyển lẫn khả năng của cô với tư cách là một vận động viên trượt băng nghệ thuật.

Theo một bản tin của Fox News, “hashtag #ZhuYiFellOver (#Chu Dị Ngã Lộn Nhào) đã có hơn 230 triệu lượt xem vào chiều ngày Chủ Nhật (06/02) trước khi bị xóa khỏi trang web này. Tag thứ hai, #ZhuYiMessedUp (#Chu Dị Làm Hỏng Việc), vẫn còn trên trang web với chỉ khoảng 80 triệu lượt xem vào thời điểm đó.”

Điều gì giải thích cho sự căm ghét, dè bỉu, tàn nhẫn vô ý tứ này? Có thể do 'chủ nghĩa dân tộc thái quá' đã khiến họ buông những lời lẽ cay độc hướng về cô Chu. Hơn nữa, không giống như Hoa Kỳ, nơi đề cao chủ nghĩa cá nhân hơn chủ nghĩa tập thể, Trung Quốc là nơi mà chủ nghĩa cá nhân bị trừng phạt. Nếu còn nghi ngờ về điều này, quý vị chỉ cần hỏi Jack Ma, một người đàn ông đã can đảm bày tỏ ý kiến ​​trung thực.

Các nền văn hóa theo chủ nghĩa tập thể nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hòa hợp, đồng điệu, và phụ thuộc lẫn nhau. Trong những nền văn hóa như vậy, bản sắc của một người gắn chặt với ý tưởng làm hài lòng đám đông. Cú ngã của một người, theo đúng nghĩa đen, như cú ngã của cô Chu, hay nghĩa bóng, như việc “ngã ngựa” của ông Ma, tượng trưng cho sự trượt ngã của đất nước này. Trong các nền văn hóa theo chủ nghĩa tập thể, giữ thể diện là chìa khóa. Việc mang lại nỗi nhục cho một gia đình, một cộng đồng, một đất nước là điều không thể dung thứ. Không sớm nhận ra được điều này, quý vị sẽ phải trả giá đắt.

Cô Chu Dị (Zhu Yi) thể hiện nỗi thất vọng trong Cuộc thi Đồng đội Trượt băng Tự do Đơn nữ tại Thế vận hội Olympic Mùa Đông Bắc Kinh 2022 tại Sân vận động Quốc gia Trong nhà ở Bắc Kinh hôm 07/02/2022. (Ảnh Getty Images)

Nếu đây là vào một ngày khác, trong những hoàn cảnh khác, thì có lẽ cô Chu đã có thể xông xáo giành chiến thắng, còn cô Cốc thì có thể trượt ngã. Cả hai cô gái trẻ này đều là những vận động viên ưu tú. Cả hai đều quay lưng lại với Hoa Kỳ để đại diện cho Trung Quốc. Nhưng chỉ một trong số họ được khen ngợi.

Ở Trung Quốc, như chúng ta thấy, lòng trung thành không phải lúc nào cũng được đền đáp. Trên thực tế, điều này rất hiếm khi xảy ra. Người ta phải làm một điều gì đó thực sự xuất chúng, chẳng hạn như giành huy chương vàng tại Thế vận hội, mới có thể nhận được lời khen ngợi. Tuy nhiên, một người chỉ cần sơ sẩy trong một giây ngắn ngủi là sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc trong chớp mắt. Đây là cái giá phải trả cho việc đại diện cho Trung Quốc.

Sự thờ ơ của tâm lý đám đông

Sự ác ý đơn thuần hướng tới cô Chu dường như là dấu hiệu của một xu hướng rộng hơn. Tháng 10/2011, một bé gái hai tuổi người Trung Quốc tên là Vương Duyệt đã bị hai phương tiện khác nhau cán qua trên một con đường ở Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông. Khi đứa trẻ mới biết đi nằm trên vũng máu trên đường, khóc thét trong hơn bảy phút, ít nhất 18 tài xế khác nhau đã đi vòng qua thân thể của bé gái này, chọn làm ngơ thay vì giúp đỡ em. Cuối cùng, một người với lòng tử tế đã đưa cô bé đến bệnh viện để điều trị. Đáng buồn thay, một tuần sau vụ việc khủng khiếp, bé Vương đã không qua khỏi với những vết thương trên cơ thể và đã qua đời. Một lần nữa, điều gì có thể giải thích cho sự tàn nhẫn đến thế? Làm sao gần 20 tài xế khác nhau lại có thể phớt lờ một bé gái, rõ ràng là đang bị thương, nằm ở giữa đường?

Tại thời điểm đó, một số nhà bình luận tin rằng vụ việc này phản ánh sự suy thoái đạo đức trong xã hội Trung Quốc đương đại. Nhưng tôi cho rằng, tình huống của bé Vương đã và đang là dấu hiệu cho thấy một điều gì đó đáng lo ngại hơn. Bản thân tôi từng sống ở đất nước này, và chứng kiến ​​sự tàn nhẫn thường trực đối với các thường dân, từ trẻ nhỏ cho đến những người ở tuổi xế chiều, tôi đang nói điều này với mức độ chắc chắn cao – điều này thật là lạ, đặc biệt là trong một nền văn hóa theo chủ nghĩa tập thể. Tuy nhiên, việc duy trì sự hòa hợp của đám đông không phải lúc nào cũng cần đến sự đồng cảm. Đôi khi, những lời đe dọa và ép buộc, chứ không phải là hành động hỗ trợ và sự thấu hiểu, là đủ.

Ở một đất nước mà một chế độ chuyên chế ngự trị tối cao, phẩm giá con người rất thiếu thốn. Rốt cuộc thì đất nước này do một nhóm những kẻ ức hiếp tàn bạo điều hành, và gây ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của văn hóa Trung Quốc. Giờ đây, nhiều người Trung Quốc – chẳng hạn như những người bị bắt nạt – đang đổi vai thành những kẻ bắt nạt. Không còn có lòng trắc ẩn và sự thấu hiểu ở nơi đây

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả bài viết là ông John Mac Ghlionn - một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được xuất bản bởi những tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US, và những tờ báo đáng kính khác. Ông cũng là một chuyên gia tâm lý xã hội, rất quan tâm đến các rối loạn chức năng xã hội và thao túng truyền thông.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Thất bại tại Olympic và cái giá phải trả cho việc đại diện cho Trung Quốc