Chuyên gia: Trung Quốc đang hứng chịu áp lực quốc tế bất chấp các chuyến công du gần đây của ông Tập

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đã thực hiện các chuyến thăm cấp cao ra nước ngoài, gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới sau khi ông đảm bảo nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là người đứng đầu ĐCSTQ. Các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc ca ngợi những thành tựu ngoại giao của ông Tập sau các chuyến công du này. Tuy nhiên, giới phân tích chỉ ra rằng, ông Tập gặt hái được những thành tựu rất 'ít ỏi' và khó có thể che giấu những khủng hoảng mà Bắc Kinh đang phải đối mặt.

Ông Tập đã gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Bali, Indonesia, vào ngày 14/11 trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20. Trong sự kiện được tổ chức vào ngày 15/11 và 16/11, ông Tập cũng đã gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo thế giới khác. Từ ngày 17/11 đến ngày 19/11, ông tham dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Bangkok, Thái Lan.

Các phương tiện truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đưa tin về việc ông Tập tham dự các sự kiện quốc tế này và ca ngợi những thành tựu của ông. Đài CCTV đưa tin về cuộc gặp giữa ông Tập và ông Biden, nói rằng, “Chủ tịch Tập đã chỉ ra phương hướng và con đường cho sự phát triển của quan hệ Mỹ - Trung”. Hãng tin Tân Hoa Xã đã đăng một bài báo có tiêu đề “Bài phát biểu quan trọng của Chủ tịch Tập Cận Bình tại giai đoạn đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 17 định hướng phát triển toàn cầu”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự một phiên họp tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia vào ngày 16/11/2022. (Ảnh: Willy Kurniawan/Pool/AFP/Getty Images)

Những thành tựu ngoại giao 'ít ỏi' của ông Tập sau chuyến thăm

Ông Su Tze-yun, Giám đốc Viện Nghiên cứu Bảo mật và Quốc phòng quốc gia Đài Loan, nói với The Epoch Times vào ngày 17/11 rằng, sau Đại hội 20, ông Tập đã có các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo thế giới với mong muốn tìm kiếm sự chấp nhận và ủng hộ của cộng đồng quốc tế cho các chính sách của mình trong nhiệm kỳ thứ ba, điều này sẽ củng cố quyền lực của ông Tập. “Nhưng ngoài đó ra, ông Tập không đạt được bất cứ thành tích gì về mặt ngoại giao", ông nói

Ông Su cho biết, ĐCSTQ lo ngại nhất về việc bị Hoa Kỳ và các đồng minh kiềm chế.

“Sau khi ông Tập Cận Bình gặp Tổng thống Mỹ Biden, thông cáo báo chí của Trung Quốc nói rằng, Hoa Kỳ hứa sẽ không có ý định kiềm chế ĐCSTQ, nhưng không có tuyên bố nào như vậy từ Nhà Trắng".

Ông Su đã chỉ ra rằng, liên quan đến mối quan hệ Mỹ - Trung, ông Tập Cận Bình đang ở một vị thế khó khăn.

“Về vấn đề Đài Loan, ông Tập đã phản ứng thái quá khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Pelosi đến thăm hòn đảo. Sẽ có một cuộc tập trận quân sự khác ở eo biển Đài Loan nếu Lãnh đạo Đảng Cộng hòa của Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đến thăm hòn đảo sau khi ông trở thành Chủ tịch Hạ viện Mỹ chăng? ĐCSTQ có thể sẽ khó đối phó với tình huống này hơn. Bất kể là làm gì, ĐCSTQ đều sẽ bị mắc kẹt trong một tình huống khó khăn".

“Những thành tựu ngoại giao của ông Tập lần này là rất ít ỏi. Việc trao cho mình tính hợp pháp quốc tế sau Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ chỉ là một nghi lễ”, ông Su nhấn mạnh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Thủ tướng Canada Justin Trudeau tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires, Argentina, hôm 30/11/2018. (Ảnh: Alejandro Pagni/AFP/Getty Images)

ĐCSTQ sẽ tiếp tục chính sách 'Ngoại giao Chiến lang'

Tiến sĩ Cheng Chin-mo, Giám đốc Khoa Đối ngoại và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Tamkang, Đài Loan, nói với The Epoch Times hôm 19/11 rằng: “Sau Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, ông Tập đã xem xét lại 'chính sách ngoại giao nước lớn mang đặc điểm của ĐCSTQ', chủ yếu là để tạo hiệu ứng tuyên truyền nội bộ. Chính sách này nhấn mạnh rằng, dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ, vị thế quốc tế của Trung Quốc đã được nâng lên thành một nước lớn trên thế giới và ông Tập đã định hướng cho thế giới hỗn loạn ngày nay. Đối với quan hệ đối ngoại, ĐCSTQ sẽ tiếp tục chính sách ngoại giao 'chiến lang' của mình, nhưng nó sẽ được đóng gói theo một cách tinh tế hơn".

Phát biểu tại Hội nghị APEC hôm 18/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, ông sẽ xem xét tổ chức Diễn đàn "Vành đai và Con đường" lần thứ ba vào năm 2023. Tuy nhiên, dưới tác động của xu thế chống toàn cầu hóa và 'Ngoại giao Chiến lang' của Bắc Kinh, quan hệ với châu Âu và Mỹ ngày càng trở nên căng thẳng.

Ông Tập Cận Bình tuyên bố tại cuộc họp rằng: "Năm tới, Trung Quốc sẽ xem xét đăng cai Diễn đàn Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ ba để tạo động lực mới cho sự phát triển và thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương và thế giới".

Hai diễn đàn trước đó được tổ chức vào năm 2017 và 2019, đã thu hút sự tham dự của các nhà lãnh đạo và quan chức từ hàng chục quốc gia. Tuy nhiên, kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19, Trung Quốc gần như đã đóng cửa hoàn toàn biên giới, và hầu hết các sự kiện lớn theo dự kiến cũng đã bị hủy bỏ.

Diễn đàn Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ ba có được tổ chức vào năm tới hay không còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh.

Ông Cheng chỉ ra rằng, “ĐCSTQ vẫn sử dụng các phương pháp khuyến khích kinh tế truyền thống, hối lộ các chính trị gia địa phương để thúc đẩy Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, vốn đã gần như phá sản. Chính sách 'Zero Covid' của ĐCSTQ đã khiến nền kinh tế trong nước suy thoái nhanh chóng, mang lại lợi thế cho Hoa Kỳ và các nước phương Tây".

Nhà bình luận Trung Quốc tại Hoa Kỳ Wang He nói với The Epoch Times rằng, xét từ Hội nghị thượng đỉnh G20, ĐCSTQ không còn chiếm thế thượng phong trong các sự kiện ngoại giao đa phương và ảnh hưởng quốc tế của họ đã dần suy yếu. Ông nhấn mạnh rằng, năm 2022 không chỉ là một bước ngoặt đối với nền kinh tế Trung Quốc và quyền lực chính trị của ĐCSTQ, mà còn có thể là một bước ngoặt đối với ảnh hưởng quốc tế của ĐCSTQ.

Ông Wang nói: “Ảnh hưởng quốc tế của ĐCSTQ đang suy yếu vì cộng đồng quốc tế đã nhìn thấu bản chất thực sự của ĐCSTQ".

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Trung Quốc đang hứng chịu áp lực quốc tế bất chấp các chuyến công du gần đây của ông Tập