NATO điều động thêm tàu chiến và máy bay phản lực đến Đông Âu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 24/1, Điện Kremlin cáo buộc Mỹ và các đồng minh gây leo thang căng thẳng khi công bố kế hoạch tăng cường các lực lượng NATO tại Đông Âu và cho di tản gia đình của các nhà ngoại giao tại Đại sứ quán Mỹ ở Ukraine.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 24/1 thông báo rằng họ đang đặt các lực lượng trong tình trạng trực chiến và tiếp tục củng cố lực lượng ở Đông Âu, điều động thêm tàu và máy bay chiến đấu đến vùng này trong bối cảnh Nga tiếp tục dàn quân gần lãnh thổ Ukraine. Đây là thông báo của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg.

“Tôi hoan nghênh các nước Đồng minh trong việc hỗ trợ thêm lực lượng cho NATO", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết trong một tuyên bố.

Ông nói thêm: “NATO sẽ tiếp tục thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ và phòng thủ cho tất cả các Đồng minh, bao gồm cả sườn đông của khối. Chúng tôi luôn sẵn sàng ứng phó trước bất kỳ sự xấu đi nào của môi trường an ninh chung, bao gồm cả việc tăng cường khả năng phòng thủ tập thể”.

Liên minh phòng thủ đã tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực bất chấp yêu cầu của Moscow trong các cuộc đàm phán cấp cao ở Brussels vào đầu tháng này. Nga yêu cầu NATO ngừng tiến hành các cuộc tập trận quân sự, các hoạt động tình báo, xây dựng cơ sở hạ tầng bên ngoài biên giới năm 1997, ngừng mở rộng quân sự và đặt tên lửa ở biên giới của Nga.

Các quốc gia Châu Âu nằm trong kế hoạch mở rộng mới nhất gồm: Đan Mạch, Tây Ban Nha, Pháp và Hà Lan. Hoa Kỳ cũng nói rõ rằng họ đang xem xét tăng cường sự hiện diện ở sườn phía đông.

Theo NATO, Đan Mạch đang điều một tàu khu trục đến Biển Baltic và triển khai 4 máy bay chiến đấu F-16 tới Lithuania. Tây Ban Nha đang cân nhắc gửi máy bay chiến đấu đến Bulgaria và xác nhận rằng họ đang triển khai tàu tham gia lực lượng hải quân của NATO, trong khi Pháp cũng thể hiện sự sẵn sàng chiến đấu khi triển khai quân đến Romania. Hà Lan cho biết họ sẽ triển khai hai máy bay chiến đấu F-35 đến Bulgaria vào tháng 4, đồng thời sẽ đưa một tàu và binh sĩ mặt đất vào chế độ trực chiến.

Một quân nhân của Lực lượng Quân sự Ukraine, quan sát qua kính do thám gần Gorlivka, vùng Donetsk vào ngày 23/1/2022. (Ảnh Getty Images)

Ukraine có chung biên giới với 4 nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương: Ba Lan, Slovakia, Hungary và Romania.

Thông báo của NATO được đưa ra một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu các thành viên gia đình của các nhân viên chính phủ tại Đại sứ quán Mỹ ở Kyiv phải rời Ukraine, đồng thời cho phép các công chức không cần thiết tự nguyện rời đi.

Vương quốc Anh hôm 24/1 cũng bắt đầu rút một số nhân viên đại sứ quán và những người phụ thuộc khỏi Kyiv trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở biên giới Nga-Ukraine.

Cổ phiếu trên toàn thế giới giảm do nguy cơ xung đột đã dập tắt nhu cầu đối với các tài sản rủi ro hơn và căng thẳng về Ukraine là một trong những yếu tố đẩy giá dầu lên cao.

Nga phủ nhận kế hoạch xâm lược Ukraine nhưng đã điều động lực lượng ước tính khoảng 100.000 quân đến gần biên giới. Hành động này được cho là buộc phương Tây phải đàm phán về một loạt các yêu cầu nhằm vẽ lại bản đồ an ninh của châu Âu.

NATO muốn hủy bỏ lời hứa để cho phép Ukraine gia nhập vào một ngày không xa. Đồng thời, rút quân đội và vũ khí từ các nước cộng sản cũ ở Đông Âu đã gia nhập liên minh sau Chiến tranh Lạnh.

Washington cho biết, những yêu cầu đó là không thể đem ra thảo luận, nhưng họ sẵn sàng thảo luận về các ý tưởng khác như kiểm soát vũ khí, triển khai tên lửa và các biện pháp xây dựng niềm tin.

Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã cảnh báo Nga không nên tiến hành cuộc xâm lược. Đồng thời cũng cảnh giác cao độ với ý định của Nga kể từ khi chiếm Crimea và ủng hộ lực lượng ly khai chống chính phủ ở miền đông Ukraine vào năm 2014.

Nga tuyên bố lo ngại về sự tăng cường hiện diện quân sự

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, phương Tây đang thể hiện sự “cuồng loạn” và đưa ra những thông tin “bịa đặt đầy dối trá”.

“Chúng ta thấy những tuyên bố của Liên minh Bắc Đại Tây Dương về việc tăng cường, bổ sung lực lượng và nguồn lực sang sườn phía đông. Tất cả những điều này sẽ chỉ thúc đẩy tình hình căng thẳng lên cao”, ông Peskov nói.

“Tất cả những điều này xảy ra không phải vì những gì chúng tôi, nước Nga, đang làm. Chúng xảy ra vì những gì mà NATO và Mỹ đang làm kèm theo những thông tin mà họ đang lan truyền", ông bổ sung.

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

NATO điều động thêm tàu chiến và máy bay phản lực đến Đông Âu