Thiền trước gương - phương pháp hữu hiệu giải tỏa và quản lý cơn giận

Giúp NTDVN sửa lỗi

Catherine, một đồng nghiệp, đã đến gặp tôi sau một trong những buổi thuyết trình của tôi về thiền trước gương. Cô thấy mình trông thật giận dữ trong gương, điều mà cô chưa từng thấy trước đây.

Cách cư xử thường ngày của Catherine có phần khắc nghiệt và hung hãn nên có thể cô là người cuối cùng biết người khác nghĩ gì về mình. Trên thực tế, mọi người đều sợ cô vì vẻ mặt cau có, miệng mím chặt, đôi mắt sắc bén và vẻ ngoài xấu tính.

"Chồng và các con luôn nói tôi trông xấu tính, bạn có nghĩ tôi trông như vậy không?" Đó là một câu hỏi khó trả lời, nhưng điều tôi biết là gương có hàng triệu cách để xoay chuyển mọi thứ. Vì vậy, tôi chỉ trả lời: "Bạn nhìn thấy gì trong gương? Tôi có thể giúp bạn tự mình có được câu trả lời".

Tại sao tôi trông tức giận trong gương? (Shutterstock)

Khi Catherine đến để được hướng dẫn thiền qua gương, tôi yêu cầu cô ấy nhớ lại trải nghiệm sống về sự tức giận. Cô nói với tôi rằng, mình dường như lúc nào cũng tức giận, như thể không thể kiểm soát được nó.

Khi còn nhỏ, cha mẹ của Catherine thường nhanh chóng thỏa hiệp hoặc làm bất cứ điều gì để xoa dịu cô. Vì học rất xuất sắc và là một cô gái nên Catherine không bao giờ bị coi là một đứa trẻ có vấn đề về hành vi.

Catherine sau đó kết hôn với Will, một người siêu thông minh và niềm nở. Will tự hào về khả năng ứng phó với những người khó tính, đặc biệt là phụ nữ. Vì vậy, anh coi Catherine là một thử thách, thấy cô rất kích thích và thích được cô cần đến mình.

Will thường có thể xoa dịu những tranh chấp và bất mãn do sự liều lĩnh của Catherine gây ra. Anh thấy những hành động bộc phát thường xuyên của cô thật quyến rũ, chúng chỉ tạo thêm chút kịch tính cho trải nghiệm của mình.

Trong suy nghĩ của Catherine, cô chỉ là thành thật và thẳng thắn với mọi người, không muốn lãng phí thời gian của mọi người vào những chi tiết không cần thiết. Hơn nữa, thỉnh thoảng gây rắc rối thì có hại gì?

Khi lần đầu tiên Catherine thử thiền trước gương, suy nghĩ của cô đã thay đổi, khiến cô muốn tìm hiểu thêm. "Trông tôi rất tức giận, tôi gần như sợ hãi". Catherine cười nhưng sau đó lại trở nên nghiêm túc: "Tôi muốn biết tại sao".

Khi chúng ta đang cố gắng thay đổi, việc hỏi tại sao mọi việc lại xảy ra không giống mong muốn là bình thường. Rất nhiều điều có thể khiến Catherine tức giận trong cuộc sống và về thế giới, nhưng điều quan trọng là cô ấy muốn có những trải nghiệm gì? Cô ấy muốn khuôn mặt của mình trông như thế nào trước chồng con?

Nhưng trước tiên, cô phải đối mặt với sự tức giận của mình.

Khi Catherine ngồi trước gương, cảm xúc trở nên kích động, như thể cô muốn nâng cao trải nghiệm hơn là tập trung vào thời điểm hiện tại và để mọi chuyện diễn ra. Tôi đề nghị cô tập ngồi trước gương trong năm phút, sau đó cố gắng tăng thêm một chút thời gian mỗi ngày, mười phút, mười lăm phút đến hai mươi phút.

Catherine cần thiền trước gương một mình mà không bị phân tâm, bởi vì trước đây cô đã dựa vào người khác để xoa dịu mọi căng thẳng hoặc cảm xúc tiêu cực. Và sự tức giận có thể thúc đẩy những cuộc tấn công bằng lời nói của mình đối với người khác.

Sự tức giận có thể dễ dàng gây tổn hại cho bản thân và người khác. Các nhà tâm lý học không biết liệu mong muốn gây tổn hại này có phải là cốt lõi của sự tức giận. Nhưng họ biết rằng, việc gây tổn hại thường là một phần của quá trình tức giận, và cũng gây ra nhiều rắc rối. Catherine đã có thể phá vỡ vòng luẩn quẩn khi thấy mình trở nên tức giận và muốn làm tổn thương ai đó.

Sau đó, cô đã tìm được một nhà trị liệu chuyên về quản lý cơn giận, cùng với phương pháp thiền định trước gương, giúp cô củng cố khả năng của mình trong việc lựa chọn cách phản ứng với các tình huống. Bởi vì không phải bản thân sự tức giận mà là cách thức đối phó với cơn giận dữ - sự biểu lộ mới thường gây ra rắc rối cho cô..

Catherine đã tạo ra một không gian an toàn, yên tĩnh trong nhà để có thể thực hành thiền trước gương mỗi ngày. Trong quá trình thực hành này, cô đã phát triển sự hiểu biết sâu sắc hơn về sự tức giận của mình và tự nhiên phát hiện ra nhiều lý do khiến mình tức giận mà không cần phải tìm kiếm chúng.

Cô nhận ra rằng, mình thường tức giận khi cần không gian riêng hoặc cảm thấy bất lực. Sự tức giận lúc này thường là do dễ bị tổn thương và bất lực. Catherine nổi cơn thịnh nộ vì cảm thấy bất lực, không tin rằng sẽ có người giúp đỡ mình, thậm chí còn cảm thấy mọi người đang tránh mặt và sợ hãi mình. Điều này khiến cơn tức giận của cô càng tăng cao. Nó là sự hoảng loạn sâu sắc và bất lực.

Catherine đã tạo ra một không gian an toàn để nhìn thấy kiểu hành vi này trong gương, đồng thời để mình khóc và hoảng sợ trước gương. Cô làm việc với bác sĩ trị liệu của mình để thay đổi. Khi bắt đầu cảm thấy cáu kỉnh, Catherine chú ý đến cảm xúc của mình, lắng nghe và nhận thức được những gì thực sự đang diễn ra bên trong.

Ngoài ra, có thể nhiều người đã nghe về liệu pháp giải phóng cảm xúc (catharsis), một phương pháp để giải quyết cơn giận tiềm ẩn. Sử dụng một đồ vật để đại diện cho người mà bạn (vẫn) tức giận. Ví dụ, dùng một chiếc gối để tưởng tượng ai đó khiến bạn tức giận và sau đó đánh nó.

Về lý thuyết, đây là cách an toàn để giải tỏa cơn giận dồn nén nhưng nghiên cứu cho thấy rằng, cách này thực sự có thể khiến mọi người tức giận hơn.

Điều đó không dễ dàng, nhưng đó là một lựa chọn tốt hơn để đối mặt trực tiếp với cơn giận và những cảm xúc mong manh mà nó bảo vệ bên dưới. Bạn có thể tìm một nhà trị liệu chuyên về quản lý cơn giận để hỗ trợ khi bạn muốn khám phá sâu hơn.

Theo Tara. Will -The Epoch Times

Thiện Tâm biên dịch

  • Bạn có thể giải tỏa tâm trạng của mình, giúp nội tâm bình an hơn khi tham gia lớp thiền định miễn phí online tại đây.



BÀI CHỌN LỌC

Thiền trước gương - phương pháp hữu hiệu giải tỏa và quản lý cơn giận