Tiểu Hoàng đế Đông Ngô phá án tài tình như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tôn Lượng là một vị hoàng đế 10 tuổi của nước Ngô trong thời kỳ Tam quốc - một thời đại cách đây khoảng 1700 năm, tuy nhỏ tuổi nhưng ông đã có khả năng phá án kỳ diệu khiến quần thần khâm phục.

Tôn Lượng là con trai của Tôn Quyền - Hoàng đế khai quốc nước Ngô. Tôn Lượng từ nhỏ đã vô cùng thông minh, ba tuổi đã có thể đọc sách, bảy tám tuổi có thể làm thơ, viết văn, còn đọc thuộc sách sử.

Tôn Lượng rất thích ăn mơ. Đặt biệt, vị Tiểu hoàng đế này thích nhất là mơ dầm mật ong.

Một ngày nọ, Tiểu hoàng đế sai thái giám bên cạnh đến kho lấy loại mật ong để ngâm mơ. Một lát sau, thái giám nhận được mật ong từ chỗ quan giữ kho, dâng lên cho Tiểu hoàng đế Tôn Lượng. Tiểu hoàng đang ăn, đột nhiên phát hiện trong mật ong có phân chuột.

Lúc này, viên thái giám - người đã đi lấy mật ong đó, lập tức nói: "Nhất định là do quan giữ kho không làm tròn nhiệm vụ, bảo quản không tốt, mới để phân chuột rơi vào trong mật ong. Đây là tội không thể tha! Bệ hạ, ngài nhất định phải trị tội ông ta".

Sau đó, Tiểu hoàng đế cho gọi quan giữ kho đến. Vị quan này nghe nói trong mật ong có phân chuột thì sợ đến mức toát mồ hôi, sắc mặt trắng bệch, liên tục dập đầu, run rẩy nói: "Thần có trách nhiệm bảo quản mật ong cho bệ hạ, hết lòng tận tâm, không hề dám xao nhãng. Hơn nữa mật đựng trong bình đã được bịt kín. Thần quả thật không biết phân chuột này là từ đâu ra".

Tiểu hoàng để cho rằng vị quan giữ kho nói cũng đúng. Tại sao? Nếu quan giữ kho biết trong mật ong có phân chuột thì đã vứt đi rồi, làm sao dám mang mật ong này đưa cho thái giám để phạm phải tội chém đầu.

Thế rồi Tiểu hoàng đế Tôn Lượng nhìn thái giám, ngẫm nghĩ một lúc rồi nói với quan giữ kho đang quỳ trước mặt rằng: "Có phải trước đây quan thái giám này từng đến xin mật ong của khanh phải không?"

Quan giữ kho trả lời: "Đúng vậy! Thế nhưng mật ong này được sản xuất đặc biệt, vô cùng quý giá, chuyên dùng để dâng cho bệ hạ. Không có sự cho phép của bệ hạ, thần làm sao dám tự ý tặng cho người khác? Vì vậy thần đã không đưa".

Vị quan giữ kho nói tiếp: "Hơn nữa, hôm nay khi thần giao mật ong cho thái giám, chắc chắn không có phân chuột".

Thái giám nghe xong, liền lớn giọng nói: "Ông nói láo! Nếu không phải do ông lười biếng, không làm tròn nhiệm vụ, để chuột chạy vào trong kho, thì sao trong mật ong lại có phân chuột được? Hôm nay bệ hạ ăn phải phân chuột, ông không những không nhận tội, mà còn muốn giảo biện, ông đúng là không xem bệ hạ ra gì".

Viên quan giữ kho nghe xong cũng không phục, lớn tiếng nói: "Mật ong khi đưa cho thái giám không có phân chuột".

Vị quan giữ mật ong và thái giám lấy mật ong, mỗi người một câu, cãi nhau không ngớt trước mặt Tiểu hoàng đế.

Những vị quan xung quanh thấy hai người không ngừng tranh cãi, cũng không biết phân xử ra sao. Bỗng có người đưa ra ý kiến: "Nếu họ không đưa ra được kết luận, không biết được rốt cuộc ai đã phạm tội, chi bằng chúng ta bắt giam cả hai người lại, cùng trị tội".

Bắt giam cả hai người, cùng trị tội! Đó có phải là một ý kiến hay không? Đương nhiên là không, nếu làm như vậy, làm sao có thể tìm ra được sự thật?

Thế nhưng Tiểu hoàng đế Tôn Lượng cười nói: "Trẫm có cách".

Sau đó, Tiểu hoàng đế sai người mang dao đến.

Vì sao lại mang dao đến?

Khi dao được mang đến, Tiểu hoàng đế đưa ra một mệnh lệnh kỳ quặc, lệnh cho người cắt phân chuột ra.

Tại sao phải cắt phân chuột ra?

Trong khi mọi người còn chưa hiểu, Tiểu hoàng đế quan sát phân chuột đã cắt ra, nhìn trái, nhìn phải, cố gắng nhìn thật kỹ. Đột nhiên tiểu hoàng đế vỗ bàn "cốp" một tiếng, sau đó mắng thái giám: "Thái giám, ngươi thật to gan, phân chuột này là ngươi bỏ vào để hãm hại quan giữ kho".

Vì sao Tiểu hoàng đế nhìn phân chuột sau khi cắt ra liền xác định được do thái giám làm? Rốt cuộc Tôn Lượng đã nhìn thấy gì?

Thì ra, Tiểu hoàng đế phát hiện rằng phân chuột này bên ngoài ướt, nhưng bên trong lại khô.

Vậy phân chuột ngoài ướt, trong khô có ý nghĩa gì?

Chúng ta hãy xem Tiểu hoàng đế giải thích thế nào.

Tiểu hoàng đế nói: "Nếu mật ong trong kho có phân chuột, thì phân chuột đã được ngâm trong mật ong một khoảng thời gian, như vậy thì phân chuột phải ướt cả trong lẫn ngoài. Nhưng phân chuột này ngoài ướt trong khô, như vậy có thể biết được khi thái giám nhận mật ong xong mới thả vào".

Thái giám nghe xong, cũng không còn lời gì để nói, vội vã quỳ xuống nhận tội: "Hoàng thượng, hoàng thượng, xin hoàng thượng tha mạng!"

Tiểu hoàng đế Tôn Lượng rất thông minh, tuy tuổi vẫn còn nhỏ, nhưng không bị người khác ảnh hưởng, không vội vàng đưa ra phán đoán mà kết tội oan cho quan giữ kho. Tôn Lượng có thể tự mình suy nghĩ, tìm ra chứng cứ để trị tội kẻ xấu.

***

Tôi bỗng nghĩ đến một chuyện khác. Lần sau khi Tiểu hoàng đế muốn ăn mật ong ngâm với mơ, liệu có nhớ đến phân chuột, từ đó không muốn ăn nữa không. Cũng có thể như vậy.

Tôi còn nghĩ đến, liệu có phải là Trời cao muốn mượn câu chuyện phân chuột để nhắc nhở hoàng đế rằng: "Hoàng đế thích ăn thứ này quá rồi. Như vậy không tốt”.

Bởi vì, chúng ta làm việc gì cũng đều phải biết tiết chế, quá thích ăn, hoặc quá tham ăn một thứ gì đều không tốt. Trời cao luôn muốn tốt cho chúng ta nên sẽ dùng rất nhiều biện pháp để cảnh tỉnh chúng ta.

Liệu có phải như vậy không?

Tưởng Tuệ Vân - Epoch Times
Đức Nhân biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Tiểu Hoàng đế Đông Ngô phá án tài tình như thế nào?