Tôn Quyền (2): Mở rộng biên cương, anh hùng cái thế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau đại thắng Xích Bích không lâu, Chu Du bị bệnh qua đời. Tôn Quyền hết sức thương tiếc, cho Lỗ Túc tiếp quản chức vị. Từ đây, Tôn Quyền tiến bước mở rộng cương thổ. Năm 210, ông phái Bộ Chất làm Thứ sử Giao Châu, xuất binh nam chinh. 

Liên minh với Tào đánh Thục, mở rộng cương thổ

Giao Châu bao gồm vùng Bắc bộ, Trung bộ Việt Nam ngày nay, bán đảo Lôi Châu Quảng Đông cùng Nam bộ Quảng Tây. Khi quân Ngô áp sát biên giới, Thái thú Giao Châu là Sĩ Nhiếp biểu thị hàng phục. Biên giới nước Ngô được mở rộng tới Giao Châu.

Năm 211, Tôn Quyền di chuyển trị sở tới Mạt Lăng, năm thứ hai cho tu sửa thành Thạch Đầu, đổi tên Mạt Lăng thành Kiến Nghiệp (nay là Nam Kinh), đồng thời sửa sang lũy Nhu Tu phòng Tào Tháo xâm lược từ phía Nam.

Mùa Xuân năm 213, Tào Tháo đích thân dẫn 40 vạn đại quân thủy lục nhằm Nhu Tu Khẩu thảo phạt Giang Đông, chiêng trống ầm vang, cờ xí rợp trời, khí thế cuồn cuộn. Tôn Quyền dẫn 7 vạn tướng sĩ ra nghênh địch, đội hình chỉnh tề, nghiêm trang đợi lệnh, phòng thủ cả đường bộ và đường thủy.

公元211年,孫權將治所遷至秣陵,第二年,改秣陵名為建業(今南京)。圖為南京儀鳳門。(公有領域)
Năm 211, Tôn Quyền di chuyển trị sở tới Mạt Lăng, năm thứ hai, đổi tên Mạt Lăng thành Kiến Nghiệp (nay là Nam Kinh). Ảnh Nam Kinh Nghi Phụng môn. (Miền công cộng)

Cố thủ hơn một tháng, Tôn Quyền từng dùng thuyền nhỏ thâm nhập xem xét doanh trại quân Tào, tên bắn như mưa, Tôn Quyền trúng tên quay về. Tình tiết này trong “Tam Quốc diễn nghĩa” bị viết thành điển tích ‘Thuyền cỏ mượn tên’ của Gia Cát Lượng.

曹操畫像。(公有領域)
Tranh vẽ Tào Tháo. (Miền công cộng)

Tào Tháo thấy quân tướng Giang Đông uy mãnh nghiêm trang, buột miệng khen: ‘Sinh con nên được như Tôn Trọng Mưu, chứ con Lưu Cảnh Thăng (Lưu Biểu) chỉ là hàng chó lợn thôi!’. Câu nói này lưu truyền thiên cổ.

Chính vì những điều này, Tào Tháo đành ra lệnh lui binh.

Sau đó, Tôn Quyền chinh thảo Hoán Thành, bắt Thái thú Lư Giang Chu Quang làm tù binh.

Năm 215, Lưu Bị, người dùng Kinh Châu làm căn cứ để mở rộng thế lực, đã lấy được đất Thục. Tôn Quyền liền phái Gia Cát Cẩn đến thương thảo đòi lại Kinh Châu, Lư Bị không nghe. Tôn Quyền nổi giận cử đại tướng Lã Mông liên tiếp công hạ ba quận Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng, Lưu Bị cũng xuất 5 vạn quân binh, kích phát một trận đại chiến.

Nhưng sau khi Tào Tháo đánh Hán Trung, Ích Châu lâm vào cảnh bị uy hiếp, nên Lưu Bị đành giảng hòa với Tôn Quyền, hai bên lấy sông Tương làm ranh giới, Lưu Bị lấy Trường Sa, Giang Hạ, miền đông Quế Dương giao cho Tôn Quyền.

Ba năm sau, Quan Vũ trấn thủ Kinh Châu phát động trận chiến Tương Phàn. Lúc này, Tôn Quyền thấy thế lực Lưu Bị dần dần lớn mạnh gây uy hiếp, nên quyết định xưng thần với Tào Ngụy, kết liên minh, đồng thời cử Lã Mông làm đô đốc, tập kích Kinh Châu, bắt giết Quan Vũ.

Năm 219, Tào Tháo nhậm mệnh Tôn Quyền làm Phiêu Kỵ Tướng Quân, phong làm Nam Xương Hầu. Biết là giết Quan Vũ, Lưu Bị sẽ không bỏ qua, Tôn Quyền mang thủ cấp của Quan Vũ dâng cho Tào Tháo. Tào Tháo dùng đại lễ an táng chư hầu để chôn cất.

Tháng Giêng năm 220, Tào Tháo bị bệnh qua đời, con trai là Tào Phi kế vị. Tháng 10, Tào Phi thay thế nhà Hán xưng đế, quốc hiệu là Ngụy, sử sách ghi là Tào Ngụy.

Năm sau, Lưu Bị xưng đế, quốc hiệu là Hán, sử gọi là Thục Hán. Để trả thù cho Quan Vũ, sau khi xưng đế ba tháng, Lưu Bị xuất binh thảo phạt Tôn Quyền.

Tôn Quyền hai lần phái sứ giả sang sông cầu hòa nhưng không thành. Tôn Quyền một mặt cử đại đô đốc Lục Tốn 39 tuổi cầm quân nghênh địch, mặt khác để tránh Thục Hán liên kết với Tào Ngụy hợp công, nên phái sứ giả tới Tào Ngụy xin làm phiên thuộc. Tào Phi ban tặng Tôn Quyền chín vật phẩm, sách phong Ngô Vương, Đại tướng quân, Lĩnh Kinh Châu Mục, Tiết đốc Kinh, cai quản quân sự cả ba châu (Kinh Châu, Dương Châu, Giao châu).

Năm tiếp theo, trong trận chiến Di Lăng, Lục Tốn không phụ lòng mong đợi của Tôn Quyền, đại phá 70 vạn đại quân Thục, làm thực lực Thục Hán bị tổn hao nặng nề ngay sau khi Quan Vũ mất Kinh Châu. Thục quốc trong thời gian ngắn khó có thể gây uy hiếp cho nước Ngô, nước Ngụy. Nhưng về Đông Ngô mà nói, thì phải độc thân chịu áp lực chính trị quân sự từ phía Tào Ngụy.

Tôn Quyền muốn phát triển độc lập, tất phải tìm cách cân bằng lực lượng, thoát khỏi nguy cơ. Sau trận chiến Di Lăng, ông chủ động xin lỗi Lưu Bị, khôi phục quan hệ Ngô Thục, đồng thời đoạn tuyệt quan hệ với Tào Ngụy, làm Tào Ngụy không dám manh động.

Tôn Quyền có thể vào những thời khắc then chốt mà lấy yếu địch mạnh, lấy ít thắng nhiều, làm Đông Ngô luôn đứng ở vị trí bất bại, chủ yếu là do ông có nhãn quang dùng người độc đáo, biết lắng nghe kiến nghị của quần thần.

Đại chiến Tào Ngụy, đăng cơ xưng đế

Năm 223, sau khi Lưu Bị mất, các đại thần Đông Ngô khuyên Tôn Quyền xưng đế. Tôn Quyền nhận định thời cơ vẫn chưa chín muồi. Năm sau đó, Tào Phi phái binh phạt Ngô, nhưng lúc ấy đúng vào mùa lũ lớn, nước sông dâng cao nên không thể vượt sông, nên đành lui binh.

Năm 225, Tào Phi không nghe lời can gián của đại thần Bào Huân, lại khởi binh đánh Ngô, nhưng do nguyên nhân khí hậu thời tiết mà lại phải rút lui.

Trên đường lui binh, Dương uy tướng quân Tôn Thiều của quân Ngô phái bộ tướng là Cao Thọ, dẫn một cánh quân cảm tử năm trăm dũng sĩ, dưới màn đêm theo đường nhỏ xuất kích, đánh thẳng vào đại bản doanh trong trung quân của Tào Phi. Tào Phi kinh sợ tháo lui. Cao Thọ bắt trói phó tướng Vũ Cái của Tào Phi, thu về nhiều đồ quân nhu nghi trượng. Tào Phi xấu hổ quá hóa giận, tìm một tội danh gán cho Bào Huân rồi mang ra chém, quần thần ai nấy đều uất hận thay cho Bào Huân (Mạc bất vi Huân thán hận).

Sau khi Tào Phi mất năm 226, con trai là Tào Duệ kế vị. Năm 228, Thừa tướng Thục Hán Gia Cát Lượng lần đầu xuất binh bắc phạt, triều đình Ngụy quốc chấn động, Tào Duệ đích thân dẫn đại quân đến Trường An, điều động quân đội ở Quan Trung, Ung Châu, Lương Châu đối phó với Gia Cát Lượng. Tôn Quyền nhân cơ hội này phái thuộc hạ là Thái thú Bà Dương Chu Phường giả vờ đầu hàng quân Ngụy, dẫn dụ Đại tư mã-Dương Châu Mục Tào Hưu mắc mưu.

Tào Hưu sau khi được Tào Duệ đồng ý, dẫn mười vạn quân binh tiến vào An Huy, bị phục binh của Lục Tốn đánh bại. Sau khi thất bại, Tào Hưu uất ức khôn nguôi, dẫn đến mụn độc sau lưng phát tác mà mất mạng.

Thắng lợi lớn trong chiến dịch này khiến quần thần lại tiếp tục khuyên Tôn Quyền xưng đế. Lần này, Tôn Quyền đồng ý.

Năm 229, Tôn Quyền cho cử hành lễ tế ở nam thành Vũ Xương, lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu thành ‘Hoàng Long’. Truy tôn phụ thân Phá Lỗ Tướng Quân Tôn Kiên là Vũ Liệt Hoàng đế, mẫu thân Ngô Thị là Vũ Liệt Hoàng hậu; huynh trưởng Thảo Nghịch Tướng Quân Tôn Sách là Trường Sa Hoàn Vương; con cả Tôn Đăng là Hoàng Thái tử.

Trong văn thư tế Trời có viết: “Ý Trời đã bỏ nhà Hán, dòng dõi nhà Hán đã tuyệt, ngôi hoàng đế vắng, không người làm chủ lễ tế Trời, trước sau lộn xộn, nay mệnh Trời đặt lên thân, xin khom mình kính nhận.”

Trong văn tế, Tôn Quyền sẽ kế thừa cơ nghiệp nhà Hán, đồng thời chỉ trích nhà Tào soán ngôi nhà Hán, nhưng đối với nhà Thục Hán lại không đề cập đến một câu nào.

Dụng ý của Tôn Quyền trong câu “Tính tôn nhị đế” (cùng tôn xưng hai đế). Gia Cát Lượng tiếp thu được dụng ý này. Sau khi thuyết phục quần thần, Gia Cát Lượng phái sứ thần Vệ úy Trần Chấn tới Vũ Xương chúc mừng Tôn Quyền đăng cơ, đồng thời lập giao ước chính thức phân chia thiên hạ với nước Ngô.

Phương án phân chia lãnh thổ của Ngụy quốc: ‘Trần Chấn tới Vũ Xương, Tôn Quyền với Chấn lên đàn cao lập thệ kết minh, chia thiên hạ: Đất Từ, Dự, U, Thanh thuộc về Ngô, đất Tinh, Lương, Ký, Duyện thuộc về Thục, các vùng đất này, lấy Hàm Cốc Quan làm ranh giới.’

Hai bên cùng mục tiêu chung là ‘Diệt Tào Duệ’, đồng thời còn ước định: ‘Từ ngày Hán, Ngô kết minh này về sau, đồng tâm hiệp lực ra sức diệt Ngụy tặc, vui cùng hưởng họa cùng chia, lúc tốt lúc xấu không được hai lòng. Nếu Hán bị hại, Ngô sẽ đánh ngay; nếu Ngô bị hại, Hán sẽ ra tay. Mỗi nước trấn một phương, không xâm phạm lẫn nhau.’

Minh ước này được hai bên đồng lòng tuân thủ, đến tận năm 263 Thục Hán diệt vong, trong suốt 30 năm hai bên chưa hề vi phạm, phát huy tác dụng duy trì cục diện chân vạc trong Tam Quốc.

Anh hùng cái thế

Sau khi đăng cơ không lâu, Tôn Quyền hạ chiếu dời đô về Kiến Nghiệp, hơn 20 năm sau mới qua đời.

南京棲霞寺千佛岩南朝石刻。(公有領域)
Chùa Thê Hà ở Nam Kinh, ngàn tượng Phật khắc đá thời Nam triều. (Miền công cộng)

Tháng 11 mùa Đông năm 252, Tôn Quyền làm lễ tế Trời Đất ở đàn Nam Giao thì bị trúng phong. Tháng 12 năm ấy, Tôn Quyền cho gọi gấp đại tướng quân Gia Cát Khác vào triều, ủy thác hậu sự. Tháng 4 mùa Hạ năm 252, Tôn Quyền ốm nặng qua đời, hưởng thọ 71 tuổi, ở ngôi đế 24 năm. Thụy hiệu là ‘Đại Hoàng Đế’, triều hiệu là ‘Thái Tổ’.

Từ khi kế vị tới lúc chia ba thiên hạ, rồi đăng cơ xưng đế, Tôn Quyển quả không hổ danh là bậc hùng chủ một thời. La Quán Trung mô tả về ông trong “Tam Quốc diễn nghĩa”:

‘Tử nhiêm bích nhãn hiệu anh hùng,
Năng sử thần liêu khẩn tận trung.
Nhị thập tứ niên hưng đại nghiệp,
Long bàn hổ cứ tại Giang Đông’

Tạm dịch:

‘Râu tím mắt xanh dáng anh hùng
Tài dùng thuộc hạ thảy tận trung
Hai mươi bốn năm xây đại nghiệp
Rồng cuộn hổ ngồi trấn Giang Đông’

Văn học gia Nguyên Háo Vấn thời đầu nhà Nguyên viết: ‘Tôn lang kiểu kiểu nhân trung long, cố phán sất trá sinh phong vân’(Tạm dịch: Tôn lang dáng mạnh như rồng, ngoảnh đầu quát lớn gió mây đầy trời.) càng làm hậu nhân thêm phần tiếc nhớ.

Nhìn suốt cuộc đời ông, thật xứng với danh hiệu hùng chủ một thời, ‘Dung hiền súc chúng, cố hải nội vọng phong’ (Tạm dịch: Dung mạo hiền từ chúng dân theo về đông đủ, nên nhân tài trong ngoài cõi đều vọng hướng về.). Thời đỉnh thịnh lãnh thổ Ngô quốc sánh ngang với Tào Ngụy, binh lực dồi dào, anh hùng tụ hội, Tôn Quyền thực sự là vị đại anh hùng thiên cổ lưu danh!

(Còn tiếp)

Lưu Hiểu - Epoch Times
Thái Bình biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Tôn Quyền (2): Mở rộng biên cương, anh hùng cái thế