Triều Tiên: Vì sao lương ngày của thợ sửa giày còn nhiều hơn lương tháng của công chức?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những khó khăn kinh tế của Bắc Triều Tiên và sự tàn phá của đại dịch Covid-19 đã khiến cuộc sống của hầu hết cư dân trong nước trở nên khó khăn. Đại dịch Covid-19 đã mang lại những khó khăn lớn cho những người thợ sửa giày ở hầu hết các quốc gia, bởi vì sửa giày là một công việc được trả lương tương đối thấp, nhưng ở Triều Tiên lại khác, tiền lương trong ngày của thợ sửa giày còn nhiều hơn tiền lương hàng tháng của các quan chức chính quyền địa phương.

Lương ngày của thợ sửa giày nhiều hơn lương tháng của công chức

Theo Đài Á Châu Tự Do (RFA) đưa tin vào ngày 14 tháng 3, do kinh tế khó khăn, Bắc Triều Tiên chủ yếu dựa vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng việc đóng cửa biên giới Trung Quốc-Triều Tiên sau khi dịch bệnh bùng phát đã gây thêm thiệt hại cho nền kinh tế vốn đã mong manh của Triều Tiên, khiến nhiều cư dân Triều Tiên phải vật lộn để kiếm sống.

Một người dân Triều Tiên tiết lộ, trong thời buổi khó khăn, việc mua một đôi giày mới quả là quá đắt đỏ, người dân Triều Tiên đã đổ xô đến các chợ để nhờ những người thợ đóng giày sửa lại những đôi giày bị mòn của họ.

"Người kiếm được nhiều tiền nhất ở chợ Unsan là thợ sửa giày. Anh ta có thể dễ dàng kiếm được ít nhất 10.000 won (1,2 USD) mỗi ngày" - một người dân ở tỉnh Nam Pyongan nói với đài phát thanh RFA.

Một cư dân ở tỉnh Bắc Hamgyong cho biết, những người thợ sửa giày đôi khi kiếm được 50.000 won (6 USD) mỗi ngày, cao hơn nhiều so với mức lương quy định hàng tháng của một bí thư đảng ủy địa phương, khoảng 4.500 won (54 cent).

Người dân địa phương cho biết, quần áo hay tất có thể dùng kim và chỉ để sửa, nhưng việc sửa giày đòi hỏi kỹ năng và dụng cụ chuyên nghiệp, phải là thợ giày thì mới sửa được.

"Tiệm sửa giày nằm ngay đầu chợ, khách hàng nườm nượp kéo đến từ sáng đến tối. Những người có nhu cầu sửa giày đổ về tiệm với những đôi giày thiếu đế hoặc giày thủng đế" - ông nói.

Sản lượng tại các nhà máy giày của nhà nước cũng bị ảnh hưởng

Việc đóng cửa biên giới Trung Quốc-Triều Tiên không chỉ gây tổn hại cho các công ty nhỏ, mà còn làm gián đoạn việc cung cấp nguyên liệu thô cho các nhà máy giày do nhà nước điều hành, đồng nghĩa với việc sản lượng của họ bị sụt giảm.

Một nguồn tin thứ hai ở tỉnh Bắc Hamgyong cho biết, sau hơn 3 năm đóng cửa biên giới Trung Quốc-Triều Tiên, nhà máy Giày Sinuiju vẫn đang bị đình trệ sản xuất vì nguyên liệu thô vẫn không thể nhập về.

Ông nói: “Giày thể thao và giày vải chỉ có thể được sản xuất theo lô nhỏ từ vật liệu tái chế được mua từ các cửa hàng tiết kiệm của nhà nước”.

Ông đề cập rằng đối với hầu hết người dân Triều Tiên, những đôi giày do nhà máy sản xuất là quá đắt. Đôi rẻ nhất trên thị trường có giá hơn 30.000 won Hàn Quốc (3,6 USD).

"Mua được một đôi giày mới giờ là ước mơ của những cư dân đang phải vật lộn kiếm sống. Hầu hết cư dân đi giày cũ đã được sửa nhiều lần ở các tiệm sửa giày", ông nói.

Ông cũng cho biết, mọi người đã nhận thấy một lượng lớn khách hàng tại cửa hàng sửa giày và đang cân nhắc việc thay đổi công việc. "Bởi vì thợ sửa giày kiếm được nhiều tiền, nên nhiều cư dân cũng muốn mở cửa hàng sửa giày".

Theo Trần Tuấn Thôn - Epochtimes

Lý Ngọc biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Triều Tiên: Vì sao lương ngày của thợ sửa giày còn nhiều hơn lương tháng của công chức?