Trung Quốc điều hành hơn 100 đồn cảnh sát trên thế giới, với hỗ trợ từ một số quốc gia sở tại, báo cáo mới cho biết

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders đã vén màn thêm 48 đồn cảnh sát ở nước ngoài do Trung Quốc điều hành, nâng tổng số lên 102 đồn. Một số đồn đã được thiết lập với sự hỗ trợ từ các quốc gia sở tại.

Một báo cáo mới cập nhật có tiêu đề "Tuần tra và Thuyết phục" đã làm sáng tỏ hơn quy mô của mạng lưới đồn cảnh sát, và cách các thỏa thuận chung đã tạo điều kiện cho chính quyền Trung Quốc mở rộng hoạt động kiểm soát xuyên quốc gia trên toàn cầu.

Cuộc điều tra mới được công bố này là phần tiếp theo của báo cáo mà tổ chức Safeguard Defenders đưa ra hồi tháng 9/2022 có tiêu đề "110 Hải ngoại: Chính sách kiểm soát xuyên quốc gia bằng cảnh sát của Trung Quốc đã trở nên dữ dội".

Báo cáo tiết lộ rằng, bên cạnh việc cung cấp dịch vụ hành chính bề ngoài, các đồn cảnh sát mang danh "trung tâm dịch vụ" này còn phục vụ các mục đích nham hiểm hơn, chẳng hạn như theo dõi, bắt giữ, và dẫn độ những người bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) truy nã, bao gồm cả những người bất đồng chính kiến ​​với chính quyền và nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.

Phát hiện mới

Phần lớn các đồn cảnh sát mới được phát hiện và công bố trong báo cáo đã được thiết lập từ năm 2016 bởi hai chính quyền địa phương của Trung Quốc — chính quyền thành phố Nam Thông và Ôn Châu. Tổng cộng cho đến nay, đã có bốn địa phương tại Trung Quốc được xác định là đã thành lập lực lượng cảnh sát ở nước ngoài như thế này, theo báo cáo cho biết.

Mạng lưới đồn cảnh sát này đã được phát hiện có mặt ở 53 quốc gia tính đến nay.

Báo cáo mới này đã bác bỏ biện luận của ĐCSTQ rằng, các văn phòng này có nhiệm vụ hỗ trợ gia hạn hồ sơ giấy tờ cho những công dân Trung Quốc bị kẹt bên ngoài Trung Quốc do đại dịch COVID-19.

Một mạng lưới đồn cảnh sát của một huyện thuộc Trung Quốc đã thuê 135 nhân viên phụ trách 21 đồn đầu tiên của mình, báo cáo mới cho biết.

Những con số này trái ngược với tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng các trung tâm dịch vụ ở nước ngoài được điều hành bởi các tình nguyện viên.

Cụ thể, tổ chức Safeguard Defenders đã phát hiện một nhân viên được thuê làm việc cho một đồn tại Stockholm, Thụy Điển, theo hợp đồng 3 năm.

Tại Paris, Safeguard Defenders cũng ghi nhận có sự tham gia của đồn cảnh sát thuộc chính quyền thành phố Ôn Châu vào ít nhất một hoạt động "thuyết phục trở về" bất hợp pháp. Ngoài ra, còn có 80 trường hợp tương tự trên thế giới được hỗ trợ bởi hệ thống cảnh sát hải ngoại thuộc chính quyền thành phố Nam Thông.

"[Các phát hiện này] bổ sung thêm vào các hoạt động đã bị vén màn ở Tây Ban Nha và Serbia", tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders cho biết.

Thỏa thuận tuần tra chung

Báo cáo cho biết, một số quốc gia ở châu Âu bao gồm Ý, Croatia, Serbia, và Romania đã ký thỏa thuận hợp tác cảnh sát với Trung Quốc từ năm 2015 đến 2019.

Trung Quốc và Ý đánh dấu quan hệ hợp tác an ninh vào năm 2015 với một loạt thỏa thuận song phương.

Cảnh sát Ý thường xuyên tuần tra cùng với cảnh sát Trung Quốc từ năm 2016 và ngừng lại vào năm 2020 do đại dịch COVID-19 bùng phát. Các cuộc tuần tra chung bắt đầu tại Rome và Milan, sau đó là tại các thành phố khác như Naples — nơi mà theo tổ chức Safeguard Defenders, có bằng chứng cho thấy một hệ thống camera giám sát đã được cài đặt ở khu dân cư Hoa kiều với lý do "nhằm ngăn chặn tội phạm ở đó một cách hiệu quả".

Tại Ý có 11 đồn cảnh sát Trung Quốc, bao gồm ở Venice và Prato, gần Florence, theo tổ chức Safeguard Defenders cho biết.

Trung Quốc cũng đã tham gia vào các thỏa thuận tương tự với CroatiaSerbia lần lượt vào năm 2018 và 2019.

Tổ chức Safeguard Defenders cũng chỉ ra một bài viết từng nằm trên trang web của chính quyền Nam Thông, và hiện tại vẫn còn trên trang Legal Daily, trong đó báo cáo về sự hợp tác của cảnh sát Nam Thông với sở cảnh sát Dobroesti ở Romania, cảnh sát Johannesburg, Nam Phi, và cảnh sát Lusaka, Zambia.

Phản ứng sau báo cáo đầu tiên

Sau khi báo cáo đầu tiên của Safeguard Defenders được công bố vào tháng 9/2022, chính quyền Trung Quốc đã phủ nhận việc điều hành các đồn cảnh sát ở nước ngoài, gọi các cáo buộc này là một nỗ lực nhằm "bôi nhọ" danh tiếng của Trung Quốc.

Nhưng Safeguard Defenders tuyên bố rằng, mặc dù thực tế là Bắc Kinh không trực tiếp phụ trách các đồn, nhưng "một số tuyên bố và chính sách đang bắt đầu cho thấy sự chỉ đạo rõ ràng hơn từ chính quyền trung ương trong việc khuyến khích việc thành lập [các đồn] và các chính sách [về các đồn]".

Báo cáo đầu tiên của Safeguard Defenders đã mở ra các cuộc điều tra ở ít nhất 14 quốc gia cho đến nay.

IrelandHà Lan đã đóng cửa các đồn cảnh sát Trung Quốc được phát hiện ở quốc gia mình, và điều tra đang được tiến hành ở Tây Ban Nha. Canada đã lên tiếng phản đối chính thức tới Đại sứ Trung Quốc về việc các trung tâm dịch vụ cảnh sát không chính thức của Trung Quốc hoạt động tại Canada.

Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray đã lên tiếng vào tháng trước về sự tồn tại của các đồn cảnh sát do Trung Quốc điều hành trên đất Mỹ.

"Tôi phải cẩn thận khi nói về công việc điều tra cụ thể của chúng tôi, nhưng đối với tôi, thật là thái quá khi cảnh sát Trung Quốc cố gắng thành lập đồn — quý vị biết đấy, chẳng hạn như ở New York — mà không có sự phối hợp đúng đắn. Việc này vi phạm chủ quyền và phá vỡ các quy trình hợp tác về tư pháp và thực thi pháp luật tiêu chuẩn", ông Wray cho biết trong phiên điều trần ngày 17/11/2022 của Ủy ban về Các vấn đề Chính phủ và An ninh Nội địa của Thượng viện.

Cao Dương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc điều hành hơn 100 đồn cảnh sát trên thế giới, với hỗ trợ từ một số quốc gia sở tại, báo cáo mới cho biết