Từ kẻ ăn mày khốn khổ, làm thế nào lại trở thành đề đốc thủy quân và lục quân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ăn mày sắt

Thời nhà Thanh, vùng Hải Ninh, Chiết Giang có một vị Tra hiếu liêm (hiếu liêm là cách xưng hô trang nhã đối với cử nhân thời nhà Thanh), ông tài hoa xuất chúng, cử chỉ phong độ trang nhã. Ông thường nói, những người mà ông nhìn thấy đều là hạng tầm thường, không đáng kết giao, những hào kiệt trong thiên hạ, ắt phải đến tầng lớp xã hội thấp tìm thì mới thấy.

Khi đó là cuối năm, Tra hiếu liêm ở nhà tự rót rượu tự uống một mình. Một lúc sau, mây đen che phủ, những bông tuyết lớn bằng lòng bàn tay bay tới tấp. Ông chậm rãi bước đến bên cửa, hy vọng có vị khách cùng chí hướng đến, cũng nhau thưởng thức cảnh tuyết rơi, uống rượu.

Lúc đó, ông trông thấy một người ăn mày đang đứng dưới mái hiên tránh tuyết. Tra hiếu liêm nhìn kỹ một lút, trong lòng cảm thấy vô cùng kinh ngạc. Thế là, ông bảo người đó vào nhà, mời ngồi và hỏi: “Tôi nghe nói trên phố có một người, tay không chống gậy, miệng chẳng nói năng, mặc y phục rách rưới, bụng trống không mà chẳng lộ ra sắc mặt đói rét. Mọi người đều gọi anh ta là ăn mày sắt. Anh có phải là người đó không?”

Người đó trả lời rằng: “Vâng”.

Hiếu liêm lại hỏi: “Uống được rượu không?”

Người đó nói: “Uống được”.

Thế là hiếu liêm sai rót rượu còn lại trong bình vào một cái bát nhỏ rồi đưa cho người ăn mày uống. Anh ta nâng bát, uống một hơi cạn. Hiếu liêm rất vui mừng, lại đốt than hâm rượu và giao ước với anh ta rằng: “Anh uống bằng bát, tôi uống bằng chén, uống hết chỗ rượu này mới dừng”.

Người ăn mày uống hơn 30 bát mà vẫn vẫn tỉnh như không, còn hiếu liêm thì đã say lăn ra phản rồi, được người hầu dìu vào nhà trong.

Người ăn mày do dự bước ra ngoài, vẫn ra ngoài mái hiên ngủ qua đêm.

Sáng sớm hôm sau, tuyết đã ngừng rơi, trời nắng, hiếu liêm tỉnh dậy nói với gia nhân rằng: “Hôm qua ta uống rượu với ăn mày sắt, vui quá. Nhưng thấy anh ta chỉ mặc chiếc áo cánh cũ rách, sao có thể chống lại lạnh giá được, hãy mau lấy cái áo khoác bông của ta ra cho anh ấy”.

Người ăn mày khoác áo bông rồi ra đi, cũng không thấy anh ta nói lời cảm ơn hiếu liêm.

Tái ngộ

Mùa xuân năm sau, Tra hiếu liêm tạm thời cư trú ở chùa Trường Minh ở Hàng Châu. Một lần, ông và mấy người bạn đem rượu ra Tây Hồ du ngoạn, ngẫu nhiên, ông trông thấy ăn mày sắt ở bên đình Phóng Hạc. Chỉ thấy anh ta ngẩng đầu bước những bước dài, đi chân đất, hai cánh tay trần, đi một mình.

Hiếu liêm lại đưa anh ta vào trong chùa, hỏi anh ta chiếc áo khoác bông đâu rồi. Anh ta trả lời: “Đã sang xuân rồi, còn cần cái đó làm gì. Tôi đã cầm đồ lấy tiền mua rượu uống rồi”.

Hiếu liêm thấy anh ta nói năng phi phàm thì cảm thấy rất kinh ngạc, bèn hỏi: “Anh đã từng đọc sách chưa, có biết chữ không?”

Người ăn mày nói: “Không đọc sách không biết chữ thì đã không đến nỗi trở thành ăn mày như ngày nay”.

Hiếu liêm trong lòng kinh sợ, liền bảo anh ta tắm rửa, đưa y phục và giày cho anh ta, sau đó chậm rãi hỏi anh ta tên tuổi, quê quán.

Người ăn mày nói: “Tôi là hậu duệ của họ Ngô ở Viêm Lăng (huyện Vũ Tiến Giang Tô ngày nay), từ nhỏ đã sùng bái Khúc Nghịch Hầu Trần Bình. Sau này tôi cư trú ở Quảng Đông, tên gọi Lục Kỳ. Nhưng vì cha và anh đã mất khi tôi còn nhỏ, tôi lại thích đánh bạc vui chơi, tính tình phóng khoáng, không chịu ước thúc, cho nên tiêu tán hết gia sản, phiêu bạt giang hồ, nghèo khổ chán ngán, lưu lạc trôi dạt đến đây. Nghĩ rằng, đến từng nhà hành khất thì các Thánh hiền cổ đại cũng khó tránh khỏi, mình có gì là ghê gớm đâu, sao dám coi đây là việc đáng xấu hổ?

Không ngờ hôm nay gặp đại nhân, đại nhân vượt trên cái nhìn thế tục mà đánh giá cao tôi, cứu giúp tôi. Tôi tuy không phải cậu thiếu niên Hàn Tín khốn cùng ở Hoài Âm, nhưng ân tình một bữa ăn, tôi cả đời không bao giờ quên”.

Hiếu liêm vội vàng kéo tay anh ta và nói: “Ngô tiên sinh là bậc tuấn kiệt kỳ tài trong thiên hạ, tôi coi ngài như bằng hữu, là một vị anh hùng thất lạc”.

Thế là hiếu liêm sai hòa thượng đem ra một thạch rượu “lê hoa xuân”, hàng ngày uống rượu khoan khoái với Ngô Lục Kỳ. Liên tục như vậy trong 1 tháng, cuối cùng Tra hiếu liêm tặng Lục Kỳ y phục và tiền đi đường, bảo Lục Kỳ hãy trở về Quảng Đông.

Tra hiếu liêm tặng Lục Kỳ y phục và tiền đi đường, bảo Lục Kỳ hãy trở về Quảng Đông. (Tranh: Bình Minh - NTDVN)

Phát tích

Các đời nhà Ngô Lục Kỳ cư trú ở Triều Châu, là hậu duệ của Quan sát Ngô Đạo Phu (tức Ngô Uyên) triều Nam Tống. Lục Kỳ đã từng đọc một số thơ ca và thư tịch, nhưng do chìm đắm trong các trò chơi cờ bạc dẫn đến khuynh gia bại sản, sau đó làm một người lính đưa tin của trạm dịch. Vì vậy, đối với địa hình thành quách, quan ải, đường sông, cầu cống, những nơi hiểm yếu, Lục Kỳ đều rõ như lòng bàn tay.

Khi đó, thiên hạ mới bình định, quân Thanh từ Chiết Giang tiến về Quảng Đông, tàu thuyền san sát, tinh kỳ nghi trượng khí phách uy nghi, kéo dài trăm dặm. Những thành phố và thôn trang nơi đại quân đi qua, bách tính đều trốn vào trong núi sâu và trong các thung lũng, trên đường không một bóng người. Ngô Lục Kỳ một mình đi đường, bị binh sĩ tuần tra bắt giữ, áp giải vào doanh trại.

Ngô Lục Kỳ yêu cầu gặp chủ soái, anh nói với chủ soái rằng: “Hình thế ở Quảng Đông, chỉ cần đưa ra một công văn là có thể yên ổn. Tôi có 30 huynh đệ kết nghĩa, trước nay đều được gọi là anh hùng. Chỉ vì thiên hạ đại loạn, tứ hải vô chủ, nên mọi người đều chiếm cứ lãnh địa tạo phản. Ngày nay vua sáng lên ngôi, thiên binh tiến xuống phía nam, đúng là lúc để anh hùng báo đáp quốc gia, an định bách tính. Nếu cấp cho tôi 30 công hàm, đến các nơi thông báo nói rõ cho các vị anh hùng, thì nhất định sẽ khiến những người ở gần thì đến đầu hàng, những người ở xa thì đến hưởng ứng, không quá 1 tháng, đại quân thế như chẻ tre, sẽ bình định được Quảng Đông”.

Chủ soái tiếp nhận ý kiến của Lục Kỳ, quả nhiên rất nhanh chóng, toàn bộ vùng Quảng Đông đã dẹp yên. Từ đó, chủ soái nhất nhất nghe theo lời nói và mưu kế của Lục Kỳ. Hơn nữa, Lục Kỳ còn có vũ dũng địch nổi vạn người, đánh trăm trận đều thắng nhanh như chẻ tre. Lục Kỳ lần lượt chinh phạt Phúc Kiến, Ba Thục, liên tiếp lập kỳ công. Chỉ vài năm, Ngô Lục Kỳ làm quan đến chức đề đốc thủy quân và lục quân của một tỉnh. Đây là chức võ quan cao nhất thống lĩnh quân đội của một tỉnh thời nhà Thanh.

Ban đầu khi phiêu bạt giang hồ, bất đắc chí, Ngô Lục Kỳ cho rằng cả đời mình nghèo hèn đến hết đời. Nhưng sau khi gặp Tra hiếu liêm, được hiếu liêm tặng áo khoác bông dưới mái hiên, được tặng tiền bạc ở trong chùa, và được hiếu liêm coi là bậc kỳ tài tuấn kiệt trong thiên hạ, khiến Lục Kỳ vui mừng quá đỗi, đã khôi phục lại sự tự tin, cuối cùng đã hăng hái theo quân đội, sau này thăng quan đến chức chủ soái. Ngô Lục Kỳ từng nói, thiên hạ chỉ có một người hiểu mình, đó chính là Tra hiếu liêm.

Báo ân

Năm Khang Hy thứ nhất, Ngô Lục Kỳ được bổ nhiệm làm Đốc phủ Tuần Châu (vùng huyện Long Xuyên, Quảng Đông ngày nay). Lục Kỳ sai võ quan đem theo 3000 lượng vàng đến tặng Tra hiếu liêm để ông lo liệu cho gia đình. Sau đó lại sai người đem theo thư tín và tiền tài đến mời Tra hiếu liêm đến Quảng Đông. Lục Kỳ chuẩn bị kiệu xe, võng lọng, tàu thuyền cho Tra hiếu liêm, tất cả đều cực kỳ đẹp và tinh tế, mọi đồ dùng sinh hoạt đều đầy đủ, lâu thuyền chơi nhạc du dương, dọc theo dòng Tu Giang xuống phía nam.

Khi đoàn xe mà Tra hiếu ngồi sắp qua Mai Lĩnh, Ngô Lục Kỳ lại sai con trai mình đứng bên đường nghênh tiếp, lễ tiết vô cùng chu toàn, cung kính. Văn võ bá quan dưới sự cai quản của Lục Kỳ không ai là không muốn đích thân gặp Tra hiếu liêm, mọi người tranh nhau dâng lễ. Từng hộp từng hộp tơ lụa, từng túi từng túi châu báu, không đếm xuể. Ngô Lục Kỳ đích thân đi 20 dặm ngoài thành Tuần Châu đến nghênh đón Tra hiếu liêm. Binh sĩ cưỡi ngựa đi trước mở đường cho Tra hiếu liêm, mấy nghìn binh sĩ phía sau tùy tùng, đội nghi trượng dẫn đường, quy cách như vương hầu.

Sau khi đón Tra hiếu liêm đến phủ đề đốc, Ngô Lục Kỳ quỳ xuống, cực kỳ thành kính nói: “Rất vinh hạnh được tiên sinh hạ cố ghé bước, kẻ ăn xin bần cùng năm xưa, nếu không gặp được tiên sinh, thì sao có ngày hôm nay. Tấm thân của kẻ ăn mày hèn hạ này dẫu thịt nát xương tan, cũng không đủ báo đáp ân tình của tiên sinh”.

Tra hiếu liêm ở phủ đề đốc 1 năm, Lục Kỳ bận rộn quân vụ, nhưng hễ Tra tiên sinh nói một câu, Lục Kỳ liền lập tức làm ngay. Tiền bạc tặng Tra tiên sinh, dường như đã lên đến cả vạn lượng vàng. Khi Tra hiếu liêm trở về, Lục Kỳ lại tặng 3000 lạng vàng đưa tiễn và nói: “Không dám nói là báo đáp, chỉ bày tỏ chút lòng cảm tạ của thiếu niên Hoài Âm mà thôi” (*).

(*) Chú thích: Hoài Âm Hầu Hàn Tín là người Hoài Âm. Mồ côi cha từ nhỏ, gia cảnh bần cùng, không thể được tuyển làm quan, lại không biết buôn bán để duy trì cuộc sống, thường ăn nhờ trong nhà người đình trưởng. Vợ đình trưởng rất ghét Hàn Tín. Có tần Hàn Tín câu cá, ở đó có mấy người phụ nữ giặt lụa, trong đó có một bác gái (phiếu mẫu) trông thấy Hàn Tín đói lả đi, liền đem cơm đến cho Hàn Tín ăn. Mấy chục ngày đều như thế, cho đến khi công việc giặt lụa của nhóm phụ nữ hoàn thành.

Hàn Tín rất vui mừng, nói với bác gái đó rằng: “Cháu nhất định sẽ hậu tạ bác”.

Bác gái tức giận nói: “Đại trượng phu không thể nuôi nổi bản thân, ta xót thương ngươi mới cho ngươi ăn cơm, lẽ nào là hy vọng sẽ được ngươi báo đáp”.

Sau này, Hàn Tín hiển quý, đã đem ngàn lạng vàng đến tạ ơn bà lão. (Sử ký - Hoài Âm Hầu liệt truyện).

Nguồn tư liệu: “Cô thặng” của Nữu Tú đời Thanh

Thái Nguyên - Epoch Times
Trung Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Từ kẻ ăn mày khốn khổ, làm thế nào lại trở thành đề đốc thủy quân và lục quân