Ukraine kêu gọi Nga rút khỏi địa điểm hạt nhân trước nguy cơ thảm họa phóng xạ toàn cầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Ukraine kêu gọi thế giới cần hành động nhanh hơn nữa để buộc quân đội Nga rút khỏi nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, sau khi địa điểm này bị cắt điện trong nhiều giờ - một sự cố mà ông cho rằng có nguy cơ xảy ra thảm họa phóng xạ toàn cầu.

Tổng thống Volodymyr Zelenskyy nói vụ pháo kích của Nga hôm 25/8 đã làm bùng lên đám cháy trong các hố tro của một nhà máy điện chạy bằng than gần đó, khiến cho nhà máy điện hạt nhân Zaporozhzhia bị ngắt điện. Một quan chức Nga cho rằng Ukraine phải chịu trách nhiệm về việc này.

Ông Zelenskyy nói các máy phát điện diesel dự phòng đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống làm mát và hệ thống an toàn tại nhà máy, đồng thời ca ngợi các kỹ thuật viên Ukraine vận hành nhà máy dưới sự giám sát của quân đội Nga.

“Điều quan trọng là ... áp lực quốc tế cần thiết để buộc những kẻ chiếm đóng ngay lập tức rút khỏi lãnh thổ của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia”, ông nói trong một bài phát biểu video vào tối ngày 25/8.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia trở thành nhà máy điện hạt nhân lớn nhất không chỉ ở Ukraine, mà còn ở châu Âu, tại Enerhodar, vùng Zaporizhzhia, đông nam Ukraine, ngày 9/7/2019. Ukrinform. (Ảnh Getty Images)

“Cơ quan năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác phải hành động nhanh hơn nữa. Bởi vì mỗi phút quân đội Nga ở lại nhà máy điện hạt nhân này là nguy cơ gây thảm họa phóng xạ toàn cầu”, ông nói.

Tại Moscow, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Nga đang làm mọi thứ để đảm bảo chuyến thăm của IAEA tới nhà máy có thể diễn ra an toàn. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, tố cáo Ukraine đang cố gắng làm gián đoạn chuyến thăm đó bằng cách tấn công nhà máy.

Công ty hạt nhân nhà nước Ukraine Energoatom cho biết một trong hai lò phản ứng đang hoạt động của nhà máy đã được kết nối lại với lưới điện và đang cung cấp điện trở lại sau khi bị ngắt hoàn toàn vào ngày 25/8.

Ông Vladimir Rogov, một quan chức do Nga bổ nhiệm tại thị trấn Enerhodar bị chiếm đóng gần nhà máy, đổ lỗi cho các lực lượng vũ trang Ukraine về sự cố ngày 25/8, nói rằng họ đã gây ra hỏa hoạn tại một khu rừng gần nhà máy.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 26/8 nói lực lượng của họ đã phá hủy một khẩu pháo Howitzer M777 do Mỹ sản xuất. Moscow cáo buộc Ukraine đã sử dụng khẩu pháo này để bắn phá nhà máy Zaporizhzhia.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy một đám cháy gần nhà máy nhưng không thể kiểm chứng nguyên nhân.

Nga là thách thức chiến lược của NATO ở Bắc Cực

Năng lực của Nga ở Bắc Cực là một thách thức chiến lược đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổng thư ký Jens Stoltenberg tuyên bố ngày 26/8. Ông hoan nghênh các khoản đầu tư được công bố gần đây của Canada vào các hệ thống phòng thủ Bắc Mỹ sau chuyến thăm đầu tiên của ông tới vùng Bắc Cực của Canada.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong cuộc họp báo Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ, vào ngày 27/6/2022. (Ảnh: Kenzo Tribouillard/AFP/Getty Images)

Ông Stoltenberg nói: “Bắc Cực đang ngày càng có ý nghĩa quan trọng đối với NATO và Canada vì chúng tôi nhận thấy sự tăng cường quân sự đáng kể của Nga ở khu vực này”, ông Stoltenberg cho biết khi đứng bên cạnh Thủ tướng Canada Justin Trudeau ở Cold Lake, Alberta.

Ông Stoltenberg cho hay Nga đã mở lại hàng trăm địa điểm quân sự từ thời Liên Xô ở Bắc Cực, sử dụng vùng này để thử nghiệm các hệ thống vũ khí mới.

Ông cũng cảnh báo rằng Nga và Trung Quốc đang hình thành quan hệ đối tác chiến lược ở Bắc Cực, thách thức các giá trị và lợi ích của NATO.

Canada bị chỉ trích vì chi quá ít cho quân sự trong tư cách là một thành viên NATO. Nhưng sau khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng Hai, Canada vào tháng Sáu loan báo sẽ đầu tư 4,9 tỷ dollar Canada (3,8 tỷ USD) trong sáu năm tới để hiện đại hóa NORAD, tổ chức quốc phòng chung giữa Mỹ và Canada.

“Tình hình địa chính trị đã thay đổi trong những tháng qua. Đó là lý do tại sao việc ghi nhận Nga là mối quan tâm ngày càng tăng đối với tất cả chúng ta giúp chúng tôi kịp thời chia sẻ với Tổng thư ký và với NATO về tất cả những điều Canada đang làm thông qua NORAD", ông Trudeau nói.

Hai ông Trudeau và Stoltenberg đã đến thăm Vịnh Cambridge, Nunavut, hôm 25/8, một ngôi làng phía trên Vòng Bắc Cực, nơi đặt một tiền đồn radar phòng không. Đây là một phần của Hệ thống Cảnh báo phía Bắc của NORAD, mà các chuyên gia cho rằng đang rất cần được nâng cấp.

Hệ thống Cảnh báo phía Bắc của NORAD với tuổi thọ hơn sáu thập kỷ này có ý nghĩa trong việc phát hiện các mối đe dọa an ninh đối với Bắc Mỹ. Hệ thống radar cảnh báo sớm cho vùng cực có từ cuối những năm 1980.

Cả ông Trudeau và ông Stoltenberg đều đồng ý rằng biến đổi khí hậu đang khiến Bắc Cực dễ dàng tiếp cận hơn cho các hoạt động kinh tế và quân sự, làm gia tăng lo ngại về an ninh.

Vịnh Cambridge là một trong những điểm dừng chính của các tàu thuyền đi qua Đường Tây Bắc của Bắc Băng Dương giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Hoa Kỳ đã thách thức chủ quyền của Canada đối với tuyến đường này trong nhiều thập kỷ, nói rằng đây là một tuyến đường thủy quốc tế.

Khi được hỏi về vấn đề chủ quyền vào ngày 26/8, ông Trudeau nói: “Đường Tây Bắc là vùng biển của Canada. Chấm hết".

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Ukraine kêu gọi Nga rút khỏi địa điểm hạt nhân trước nguy cơ thảm họa phóng xạ toàn cầu