Vì sao chúng ta cần ‘điều kỳ diệu’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Không cảm thấy kỳ diệu và đánh giá cao thì không có gì để tổ chức lễ hội. Khi không có lễ hội thì không có gì để trau dồi. Khi không có gì để trau dồi thì không có văn hóa.

Có thể nói, ‘điều kỳ diệu’ củng cố tất cả triết lý và văn hóa thực sự. Ban đầu, ‘điều kỳ diệu’ có ý nghĩa sâu xa hơn là sự tò mò vu vơ. Giáo sư người Anh Dennis Quinn đã viết cả một cuốn sách về chủ đề này, ‘Iris bị lưu đày: Lịch sử khái quát về điều kỳ diệu’ (tiêu đề gốc: ‘Iris Exiled: A Synoptic History of Wonder’). Trong sách, ông bắt đầu phác họa một định nghĩa cho chúng ta: “Điều kỳ diệu, luôn được coi là niềm đam mê, được Aquinas và nhiều người trước ông xếp vào loại sợ hãi.”

(Chú thích: Thomas Aquinas là một tu sĩ, linh mục dòng Đa Minh người Ý, là một nhà Thần học và triết học có nhiều ảnh hưởng trong truyền thống chủ nghĩa kinh viện, hay còn gọi là triết học sĩ lâm, là một trường phái triết học tại châu Âu thời Trung Cổ dựa trên phương pháp phân tích.)

Thoạt nhìn, gọi ‘điều kỳ diệu’ là một loại sợ hãi có thể khiến chúng ta thấy kỳ quặc. Nhưng Giáo sư Quinn tiếp tục giải thích rằng ‘điều kỳ diệu’ cũng bao hàm nỗi lo sợ, vì nó khiến chúng ta nhận thức được tất cả những điều chúng ta chưa biết, và cũng khiến chúng ta sợ rằng mình không biết gì.

Niềm vui liên quan đến ‘điều kỳ diệu’ bắt nguồn từ ‘sự lo sợ’ này, vì nó làm tăng thêm niềm vui khi khám phá ra điều gì đó. Ví dụ, khi một đứa trẻ đối mặt với một bí ẩn hùng vĩ, chẳng hạn như thủy triều của đại dương, trẻ sẽ cảm thấy kính sợ nhất định trước sự vĩ đại, đồng thời cũng nhận ra sự thiếu hiểu biết của trẻ về nguyên nhân của hiện tượng tự nhiên. Ước muốn đi sâu hơn vào bí ẩn này sẽ kích thích và thúc đẩy đứa trẻ tìm kiếm câu trả lời. Cảm giác ngạc nhiên càng sâu thì niềm vui càng lớn hơn khi đứa trẻ bắt đầu hiểu được vai trò của mặt trăng đối với thủy triều (mặc dù bản thân nó cũng là một tầng bí ẩn khác).

Giáo sư Quinn viết: “Đúng là ‘điều kỳ diệu’ phát sinh từ điều gì đó khó chịu, nhận ra mình thiếu hiểu biết, và cho đến khi có thể biết, thì bản thân vẫn ở trong tình trạng này. Nhưng cách duy nhất mà con người có thể thoát khỏi sự thiếu hiểu biết là mong muốn và cố gắng tìm hiểu, đây là những hoạt động thú vị. Ví như một người bị cầm tù sẽ cảm thấy hoàn cảnh khó chịu, nhưng anh ta sẽ vui vẻ khi lên kế hoạch trốn thoát.”

Chúng ta có thể nói thêm rằng ngoài việc gieo rắc nỗi lo sợ về sự thiếu hiểu biết, ‘điều kỳ diệu’ thực sự còn mang lại cảm giác nhỏ bé hoặc khiêm tốn trong chúng ta.

Đồng nghiệp của Giáo sư Quinn, là ông John Senior, đã định nghĩa ‘điều kỳ diệu’ là: “nỗi sợ hãi tôn kính trước vẻ đẹp xâm chiếm trong chúng ta”.

Khi trải nghiệm một điều gì đó hùng vĩ và vĩ đại, chúng ta bị cuốn hút ra khỏi chính mình và nhận ra rằng chúng ta có đặc quyền tiếp xúc với điều gì đó vĩ đại hơn bản thân mình, một điều gì đó vượt qua khả năng hiểu biết đầy đủ của chúng ta, có thể nói đó là một loại ‘sợ hãi’, nhưng là một sự sợ hãi vui vẻ.

Phantasy by William Savage Cooper
Bức tranh “Phantasy” năm 1896, của họa sĩ William Savage Cooper. (Phạm vi công cộng)

Thật vậy, niềm vui cũng đóng một vai trò quan trọng trong ‘điều kỳ diệu’. Theo Cha Francis Bethel, một học giả về ý tưởng của Senior, ‘điều kỳ diệu’ không chỉ là một loại sợ hãi mà còn là một loại tình yêu.

(Chú thích: Cha Francis Bethel là bề trên, thạc sĩ nghiên cứu, giáo sư thần học tín lý và thầy hiến tế tại Tu viện Đức Mẹ Clear Creek. Ông đã học tại Đại học Kansas trong Chương trình Nhân văn Tích hợp dưới sự hướng dẫn của John Senior, Dennis Quinn và Franklyn Nelick.)

“Khi đối diện với một điều gì đó đẹp đẽ một cách uy nghiêm, chúng ta bị thu hút để hạ mắt xuống trong sự tôn kính, đồng thời cảm thấy thôi thúc phải ngước mắt lên ngắm nhìn, trong niềm khao khát và hy vọng, vẻ đẹp nổi bật cũng thu hút chúng ta. … ‘Điều kỳ diệu’ là một loại tình yêu.”

Điều này không khó hiểu khi chúng ta nghĩ về trải nghiệm của mình. Chẳng hạn như nghe một bản nhạc du dương và cảm động hoặc lần đầu tiên nhìn thấy những ngọn núi - chúng ta trở nên tĩnh lặng, chúng ta hiện diện trong khoảnh khắc này, chúng ta tràn ngập trong sự bình yên và khao khát, và bị thu hút bởi sự kỳ diệu này.

Điều kỳ diệu và trí tuệ

Solar Eclipse
Bức tranh “Nhật thực” năm 1851, họa sĩ Bengt Nordenberg. Tranh dầu trên vải. Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia, Stockholm, Thụy Điển. (Phạm vi công cộng)

Trong cuốn ‘Siêu hình học’, Aristotle - một nhà triết học và bác học người Hy Lạp cổ điển - giải thích rằng điều kỳ diệu là khởi đầu của mọi triết học, và đó là khởi đầu của trí tuệ:

“Thông qua ‘điều kỳ diệu’, con người bây giờ bắt đầu và khởi đầu triết học; ngay từ đầu đã băn khoăn về những điều phức tạp, và sau đó dần dần đặt ra các câu hỏi về những vấn đề lớn hơn. Ví dụ: về sự thay đổi của mặt trăng và mặt trời, về các ngôi sao và nguồn gốc của vũ trụ. Giờ đây, người đặt ra câu hỏi cảm thấy rằng mình không biết gì (do đó, người yêu thần thoại theo một nghĩa nào đó là một triết gia, vì thần thoại bao gồm những điều kỳ diệu); … Điều này giúp thoát khỏi sự thiếu hiểu biết khi con người nghiên cứu triết học.”

Nếu không có sự khiêm tốn và khao khát mà ‘điều kỳ diệu’ truyền cảm hứng thì không thể có được triết lý sâu sắc. Tất cả kho tàng triết học phương Tây, bao gồm cả những hiểu biết sâu sắc của chính Aristotle, thực sự tạo nên nền tảng cho nền văn minh phương Tây, nhưng điều đó sẽ là không thể nếu một số người không ngước lên và tỏ ra kính sợ trước những bí ẩn cùng sự vĩ đại của thế giới xung quanh.

Nếu ‘điều kỳ diệu’ là điều kiện tiên quyết để có được trí tuệ thực sự, thì điều ngược lại cũng đúng. Việc phủ định ‘điều kỳ diệu’ sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc.

Điều kỳ diệu

Giáo sư văn học Anthony Esolen đã lập luận rằng những người phủ định ‘điều kỳ diệu’ có thể dễ dàng đánh mất đạo đức của mình. Nếu không có sự khiêm tốn và kính sợ trước những gì tồn tại xung quanh chúng ta, chúng ta sẽ có xu hướng theo đuổi sự ích kỷ, chẳng hạn như thú vui, tiền bạc hoặc quyền lực.

Giáo sư văn học Anthony Esolen lấy vở kịch ‘Giông tố’ (The Tempest) của Shakespeare làm ví dụ: Các nhân vật Antonio và Sebastian không đánh giá cao cũng như không thắc mắc về sự kỳ diệu của hòn đảo nơi họ bị đắm tàu. Mù quáng trước những điều kỳ diệu, Antonio và Sebastian chỉ nghĩ đến quyền lực và cách đạt được nó - ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc giết chết vị vua hợp pháp.

Miranda - The Tempest By John William Waterhouse
‘Con tàu dũng cảm’ chở người yêu tương lai của Miranda, là Ferdinand, bị sóng dữ tràn qua và “vỡ tan thành từng mảnh” (Màn 2; cảnh 2, trong vở kịch ‘Giông tố’ của Shakespeare). Bức tranh ‘Miranda - Giông tố’ năm 1916, của họa sĩ John William Waterhouse. Tranh dầu trên vải. Bộ sưu tập riêng. (Phạm vi công cộng)

Sự nhấn mạnh của thi hào Shakespeare về tầm quan trọng của ‘điều kỳ diệu’ có thể được thấy qua cái tên mà ông chọn cho cô gái ngây thơ, đức hạnh ở tiêu điểm vở kịch: Miranda.

Miranda là một cái tên có nguồn gốc từ tiếng Latin, có nghĩa là ‘điều kỳ diệu’ hoặc ‘đáng ngạc nhiên’. Bởi vì Antonio và Sebastian không thừa nhận sự kỳ diệu trong bất cứ điều gì, kể cả Miranda, họ đã trở thành nạn nhân của những ham muốn xấu xa.

Điều kỳ diệu và nền văn minh

The Dance of the Villagers
Bức tranh ‘Vũ điệu của dân làng’ năm 1630-1635, của họa sĩ Peter Paul Rubens. Bảo tàng Prado, Madrid, Tây Ban Nha. (Phạm vi công cộng)

Theo triết gia Josef Pieper trong cuốn ‘Giải trí: Nền tảng của Văn hóa’ (tiêu đề gốc: Leisure: the Basis of Culture), văn hóa là một sự kiện lớn, một lễ kỷ niệm hoành tráng của thế giới thông qua nghệ thuật, âm nhạc, khiêu vũ và thậm chí cả tôn giáo. Văn hóa góp phần thúc đẩy tinh thần biết quý trọng tất cả những gì xã hội trân quý nhất, tất cả những gì đáng được tôn vinh trong cuộc sống con người và trên thế giới.

Triết gia Pieper viết: “Tổ chức một lễ kỷ niệm có nghĩa là khẳng định ý nghĩa cơ bản của vũ trụ và cảm giác thống nhất với nó, hòa nhập vào nó. Khi tổ chức lễ hội, con người trải nghiệm thế giới theo một khía cạnh khác với khía cạnh đời thường.”

Tinh thần lễ hội vốn là linh hồn của văn hóa là kết quả của lòng kính sợ và tình yêu được tìm thấy trong ‘điều kỳ diệu’ - đó là điều kỳ diệu về tất cả những gì mạnh mẽ và vĩ đại trong cuộc sống và trong vũ trụ của chúng ta. Không cảm thấy kỳ diệu và đánh giá cao thì không có gì để tổ chức lễ hội. Khi không có lễ hội thì không có gì để trau dồi. Khi không có gì để trau dồi thì không có văn hóa.

Đáng buồn là qua nhiều thế kỷ với sự hoài nghi và bác bỏ quá khứ ngày càng tăng, chẳng hạn như được thể hiện trong Lý thuyết phê phán, nền văn minh phương Tây đã mất đi phần lớn khả năng thắc mắc và cảm nhận ‘điều kỳ diệu’. Chủ nghĩa hoài nghi chính là phản đề của ‘điều kỳ diệu’, vì vậy, chúng ta có thể nói, nó là phản đề của triết học và văn hóa thực sự.

Có lẽ một bước quan trọng trong việc phục hồi văn hóa là khôi phục cảm giác ngạc nhiên khi cảm nhận ‘điều kỳ diệu’ trong mỗi chúng ta.

Theo Walker Larson - The Epoch Times

Cao Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao chúng ta cần ‘điều kỳ diệu’