Viện nghiên cứu chính sách: Sức mạnh quân sự Mỹ đang suy yếu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một báo cáo mới từ Viện nghiên cứu chính sách Heritage Foundation cảnh báo rằng, nhiều năm chính sách yếu kém của Mỹ đã dẫn đến "một quân đội suy yếu, các đối thủ trở nên bạo gan, và quốc gia gặp nguy hiểm".

Quân đội Mỹ suy yếu

Đa số người Mỹ tự tin vào sức mạnh quân đội quốc gia mình, dù độ tự tin đó đã giảm dần trong những năm gần đây. Một phân tích chi tiết mới đây từ Viện nghiên cứu chính sách Heritage Foundation có trụ sở tại Washington, D.C. cho thấy, lòng tin suy giảm đó không phải là vô căn cứ, sức mạnh quân sự của Mỹ đã không còn như trước.

Báo cáo "Chỉ số Sức mạnh Quân sự Mỹ năm 2023" của Viện nghiên cứu chính sách Heritage Foundation cảnh báo rằng, sau nhiều năm thiếu thốn ngân sách quốc phòng và đưa ra các chính sách yếu kém, quân đội Mỹ về tổng thể được đánh giá là "yếu so với khả năng cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia trên phạm vi toàn cầu", trong lúc Trung Quốc "mối đe dọa toàn diện nhất mà Mỹ phải đối mặt" liên tục mở rộng khả năng đe dọa "đáng gờm".

Đây là lần đầu tiên báo cáo đánh giá quân đội Mỹ là "yếu" trong lịch sử 9 năm của mình. Trong suốt 8 năm trước đó, báo cáo đều đánh giá quân đội "mấp mé khả năng đáp ứng được các yêu cầu bảo vệ các lợi ích quốc gia quan trọng của Mỹ".

Hàng năm, báo cáo Chỉ số Sức mạnh Quân sự Mỹ đánh giá sức mạnh quân sự quốc gia này trên các mặt: khả năng hoặc tính hiện đại, năng lực hoạt động, và khả năng sẵn sàng chiến đấu. Báo cáo cũng xem xét các mối đe dọa đến lợi ích quốc gia của Mỹ, và mức độ mà Mỹ có thể dễ dàng hoạt động ở các khu vực chính trên thế giới.

Viện nghiên cứu chính sách Heritage Foundation lưu ý rằng, Không quân và Hải quân Mỹ nói riêng đã suy yếu nghiêm trọng, với việc Không quân được đánh giá là "rất yếu" và Hải quân là "yếu". Khả năng hạt nhân của Mỹ vẫn ở mức "mạnh" nhưng có xu hướng giảm xuống mức "mấp mé khả năng đáp ứng" hoặc thậm chí là "yếu" do hệ thống già cỗi.

Các máy bay từ Nhóm máy bay tháp tùng số 5 (CVW-5) và Nhóm máy bay tháp tùng số 9 (CVW-9) của Mỹ bay theo đội hình phía trên tàu sân bay lớp Nimitz USS John C. Stennis (CVN 74), ở Biển Philippines, 18/06/2016. (Đại úy Hải quân Steve Smith / Hải quân Mỹ, qua Getty Images)

Năm 2018, Không quân Mỹ đã công bố một phân tích nhằm vạch ra những gì Không quân cần để cạnh tranh với Trung Quốc và Nga. Phân tích kết luận: "Lực lượng Không quân quá nhỏ so với những gì quốc gia đang yêu cầu chúng tôi làm. Chúng tôi có 312 phi đội hoạt động hiện tại. Lực lượng Không quân mà Chúng ta Cần thì [phải] có 386 phi đội hoạt động vào năm 2030". Điều này tương đương với việc cần "thêm 182 máy bay chiến đấu, 50 máy bay ném bom, 210 máy bay tiếp nhiên liệu, và 15 máy bay vận tải quân sự", theo tính toán của Heritage Foundation. Mặc dù vậy, ngân sách cho việc mua sắm máy bay vẫn tương đối trì trệ, và Không quân đang có kế hoạch cắt giảm 19% tổng số máy bay chiến đấu.

Trong khi đó, hạm đội chiến đấu của Hải quân Mỹ đã giảm từ gần 600 tàu hồi thập kỷ 80 xuống còn 298 tàu hiện tại, và Heritage Foundation dự kiến con số này sẽ tiếp tục giảm xuống còn 280 chiếc vào năm 2037.

Ngoài ra, Heritage Foundation cảnh báo về sự suy giảm độ tin cậy của các đầu đạn hạt nhân và các hệ thống phóng đầu đạn hiện nay của Mỹ, do chúng đã già cỗi trong khi mối đe dọa thì ngày càng gia tăng.

Báo cáo của Heritage Foundation nói rằng, sức mạnh quân sự hiện tại của Mỹ có "nguy cơ lớn là không thể đáp ứng được các yêu cầu của một cuộc xung đột khu vực lớn", chẳng hạn như một xung đột ở Biển Hoa Đông (nơi có mặt Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, và Hàn Quốc).

Trung Quốc là 'mối đe dọa toàn diện nhất' đối với Mỹ

Sức mạnh quân sự đang suy yếu của Mỹ còn đáng lo ngại hơn khi Viện nghiên cứu chính sách Heritage Foundation lưu ý rằng, Quân đội Giải phóng Nhân dân "hung hãn" của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã dần hiện đại hóa năng lực, kết hợp trang thiết bị hiện đại mới và một cơ cấu tổ chức mới, cải thiện tính cơ động.

"Tàu hải quân, máy bay, và vũ khí của Trung Quốc hiện nay có khả năng và hiện đại hơn nhiều", và "hiện có thể so sánh với hải quân phương Tây về nhiều mặt", theo báo cáo của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc cùng các tàu khác trong một cuộc diễn tập thực chiến ở Biển Hoa Đông, 04/2018. (- / AFP, qua Getty Images)

Hải quân Trung Quốc cũng "đã vượt qua Hải quân Mỹ về số lượng tàu chiến", Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ lưu ý.

Cùng với đó, đến trước năm 2030, Trung Quốc có thể có hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân, theo Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay.

Viện Heritage Foundation lưu ý rằng, việc Trung Quốc tích cực hoạt động trong và trên Biển Hoa Đông và Biển Đông, cũng như tuyên bố lãnh thổ và áp đặt quyền kiểm soát tại các vùng biển này, đã bắt đầu đe dọa các lợi ích chồng chéo của Mỹ và các đồng minh.

Heritage Foundation cho rằng, mặc dù Trung Quốc chưa nhất thiết có đủ năng lực ngăn chặn Mỹ hoạt động trong các vùng biển và không phận này, nhưng liệu Mỹ có thể kiểm soát được từ sớm một cuộc xung đột, với cái giá chấp nhận được, thì vẫn là vấn đề còn nhiều tranh luận.

Heritage Foundation cũng giải thích tầm quan trọng của các vùng có xung đột tiềm tàng tại châu Á đối với Mỹ. Những lợi ích này bao gồm: lợi ích kinh tế trong dòng chảy tự do thương mại, và việc có thể sử dụng quân đội tại các nơi này để bảo vệ an ninh của chính nước Mỹ và đóng góp vào an ninh của các đồng minh.

Máy bay chiến đấu J15 trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc trong một cuộc diễn tập thực chiến ở Biển Hoa Đông, 24/04/2018. (- / AFP, qua Getty Images)

Tuy nhiên, các mối đe dọa của Trung Quốc đối với Mỹ không chỉ dừng lại ở nước ngoài. Viện Heritage Foundation cho biết, các nỗ lực gián điệp mạng của Trung Quốc tìm cách nắm được thông tin quân sự cũng như tài sản trí tuệ về kinh tế của Mỹ.

Viện Heritage Foundation đã trích dẫn các bài viết của quân đội Trung Quốc cho thấy, Trung Quốc đang tập trung phát triển mạng máy tính tích hợp và năng lực tác chiến điện tử (INEW). INEW sẽ cho phép quân đội Trung Quốc do thám các hệ thống máy tính của đối thủ trong thời bình, và phá hoại các hệ thống này trong thời chiến. Ngoài việc sử dụng các phương thức chiến tranh truyền thống, Trung Quốc cũng sử dụng INEW và chiến tranh tâm lý nhằm đảm bảo "sự thống trị về thông tin" — điều mà họ cho là cần thiết để giành chiến thắng trong các cuộc chiến tương lai.

Viện Heritage Foundation kết luận rằng "trật tự [thế giới] do Mỹ lãnh đạo có thể nói là đang chịu áp lực lớn nhất kể từ khi thành lập", vì "Mỹ ngày càng chìm trong nợ nần và bất hòa trong nước, làm hạn chế khả năng duy trì lực lượng của mình ở mức tương xứng với lợi ích".

Cao Dương

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Viện nghiên cứu chính sách: Sức mạnh quân sự Mỹ đang suy yếu