Chuyên gia: Việt Nam và Trung Quốc không có 'vận mệnh chung'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 12/12, người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm chính thức Việt Nam. Trong chuyến thăm lần này, ông Tập đã mang một lượng lớn vốn đầu tư sang Việt Nam và tuyên bố hai nước sẽ xây dựng một “cộng đồng cùng chung vận mệnh", nhưng báo chí nhà nước Việt Nam lại không sử dụng cụm từ này.

Chuyến đi lần này của ông Tập Cận Bình trùng với dịp kỷ niệm 15 năm thiết lập "quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện" giữa Trung Quốc và Việt Nam. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Tập tới Việt Nam sau 6 năm, và chỉ sau 3 tháng Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm Hà Nội. Các cường quốc dường như đang cố gây ảnh hưởng lên quốc gia Đông Nam Á này.

Trong ngoại giao quốc tế, năm 2023, Việt Nam là nước duy nhất tiếp đón cả nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ và Trung Quốc. Việt Nam không chỉ nâng cấp quan hệ với Mỹ lên hai mức (từ Đối tác toàn diện lên thẳng Đối tác chiến lược toàn diện, bỏ qua mức Đối tác chiến lược) mà còn nhận được nhiều cam kết đầu tư và kinh tế từ Mỹ, cũng như Trung Quốc.

Mặc dù Việt - Trung có quan hệ chặt chẽ trên phương diện kinh tế nhưng luôn có những khác biệt về vấn đề Biển Đông, hơn nữa tâm lý ‘bài Trung’ của người dân Việt ngày càng gia tăng. Giới chính trị Việt Nam cũng nhiều lần bày tỏ không sẵn lòng gia nhập “cộng đồng cùng chung vận mệnh” do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khởi xướng.

Chuyên gia: Hai nước không có ‘vận mệnh chung’

Hãng tin Reuters đưa tin, các quan chức và giới ngoại giao Việt Nam cho biết ban đầu họ không sẵn lòng dùng thuật ngữ “cộng đồng cùng chung vận mệnh”. Các nhà ngoại giao hai nước đã tranh luận về thuật ngữ này trong nhiều tháng.

Nghĩa mặt chữ của cụm từ này trong tiếng Trung là "vận mệnh chung", nhưng bản dịch tiếng Anh và tiếng Việt là "tương lai chung" - cách nói nghe có vẻ ít sự ràng buộc hơn.

Một nhà ngoại giao ở thủ đô của Việt Nam bình luận về cách giải thích thuật ngữ này: “Một tuyên bố, nhiều bản dịch”.

Ông Tập Cận Bình đã đề xuất khái niệm này vào năm 2013. Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan đã tham gia sáng kiến ​​“Cộng đồng nhân loại cùng chung vận mệnh” của ĐCSTQ.

Trong chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng hồi tháng 10 năm nay, chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vào đầu tháng 12 này và chuyến thăm Hà Nội lần này của ông Tập Cận Bình, các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ đều đưa tin rầm rộ về “cộng đồng nhân loại cùng chung vận mệnh”. Nhưng truyền thông chính thống Việt Nam lại không nhắc đến hoặc chỉ đề cập lướt qua.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia về các vấn đề chính trị Việt Nam tại Viện ISEAS - Yusof Ishak ở Singapore, cho rằng việc nâng cấp quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc chỉ mang tính biểu tượng.

Ông Lê nói: “Sự bất tín nhiệm của Việt Nam đối với Trung Quốc đã ăn sâu vào gốc rễ, và từ góc nhìn của người dân Việt Nam, chừng nào Trung Quốc còn tiếp tục tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông thì sẽ có rất ít hoặc không có ‘vận mệnh chung’ giữa hai nước”.

Theo truyền thông Việt Nam, trong cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình vào chiều ngày 12/12, hai bên đã nhất trí xây dựng ‘Cộng đồng chia sẻ tương lai’ Việt Nam - Trung Quốc.

Ông Tập mang theo ‘gói quà lớn’ trong chuyến đi lần này

Truyền thông Việt Nam dẫn lời ông Hùng Ba (Xiong Bo), Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, nói rằng trong chuyến đi lần này của ông Tập Cận Bình, ngoài việc nâng quan hệ Trung - Việt lên mức mà Bắc Kinh coi là “cao hơn quan hệ Mỹ - Việt”, ông Tập cũng sẽ ký “hàng chục văn kiện hợp tác” với Việt Nam.

Dự kiến, một trong số đó ​​sẽ bao gồm khoản đầu tư của Trung Quốc vào việc nâng cấp các tuyến đường sắt giữa hai nước, nhưng số tiền và điều khoản đầu tư vẫn chưa rõ ràng.

Hai nước cũng mong muốn tăng cường liên kết vận tải. Điều này sẽ giúp Việt Nam xuất khẩu nhiều sản phẩm hơn sang Trung Quốc, đặc biệt là nông sản. Trong khi đó Bắc Kinh hy vọng sẽ tích hợp hơn nữa mạng lưới chuỗi cung ứng ở phía bắc và phía nam của nước này.

Năm nay, các công ty Trung Quốc đã nhanh chóng chuyển một số hoạt động kinh doanh sản xuất sang Việt Nam vì cho rằng việc xuất hàng từ Việt Nam sẽ được khách hàng phương Tây chấp nhận hơn, giảm rủi ro từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và giảm nguy cơ bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế đang lao dốc của Trung Quốc.

Trước chuyến thăm này, ông Tập Cận Bình đã đăng bài bình luận trên một tờ báo của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm kêu gọi tăng cường hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng.

Mặc dù tàu điện ngầm Hà Nội là dự án duy nhất ở Việt Nam nhận được khoản vay từ sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), nhưng chính quyền Việt Nam vẫn chưa dán nhãn BRI cho khoản vay của dự án này vì tâm lý bài Trung đang gia tăng ở Việt Nam.

Một cuộc khảo sát năm 2017 của Pew Research cho thấy người dân Việt Nam có ít thiện cảm với ĐCSTQ nhất trong số các nước châu Á - Thái Bình Dương. Trước đó, báo Việt Nam Plus cũng dẫn một kết quả thăm dò cho thấy, tại Việt Nam có đến 74% người được hỏi coi Trung Quốc là một nước nguy hiểm, tại Nhật Bản tỷ lệ cũng gần như vậy (68%), kế đến là Philippines (58%).

Chiều ngày 13/12, ông Tập Cận Bình đã kết thúc chuyến thăm Việt Nam, hai nước đã ký kết 36 văn kiện hợp tác.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch và tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Việt Nam và Trung Quốc không có 'vận mệnh chung'