1/4 trẻ em và thanh thiếu niên Trung Quốc có khuynh hướng trầm cảm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 8/12, Trung tâm Trẻ em Trung Quốc và Nhà xuất bản Văn hiến Khoa học Xã hội đã phối hợp phát hành "Báo cáo về sự phát triển của trẻ em Trung Quốc (2021)". Dữ liệu cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên ngày càng tăng, cứ mỗi 4 trẻ thì có 1 trẻ có xu hướng trầm cảm. Tháng 11 vừa qua, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã phải đưa việc sàng lọc bệnh trầm cảm vào phạm vi kiểm tra sức khỏe của học sinh.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc các vấn đề về hành vi tâm lý và rối loạn tâm thần ở trẻ em và thanh thiếu niên Trung Quốc ngày càng tăng lên.

Theo Báo cáo Phát triển Sức khỏe Tâm lý Quốc dân (2019 - 2020) của Trung Quốc công bố năm 2020, tỷ lệ trầm cảm ở thanh thiếu niên là 24,6%. Trong đó, tỷ lệ trầm cảm nhẹ là 17,2%, và tỷ lệ trầm cảm nặng là 7,4%. Tỷ lệ phát hiện trầm cảm có xu hướng tăng lên cùng với việc lên lớp.

Tỷ lệ phát hiện trầm cảm ở học sinh tiểu học là khoảng 10%, trong đó mức độ nặng chiếm khoảng 1,9 - 3,3%. Tỷ lệ này ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông lần lượt là khoảng 30% và gần 40%; trong đó, có 7,6% - 8,6% học sinh cấp 2 và 10,9% - 12,5% học sinh cấp 3 ở mức độ nặng.

Nghĩa là, cứ 4 trẻ thì có 1 em có khuynh hướng trầm cảm và 1/10 học sinh trung học phổ thông bị trầm cảm nặng.

Vào cuối tháng 12/2019, Trung Quốc thừa nhận rằng sức khỏe tâm lý, đặc biệt là của trẻ em và thanh thiếu niên, đã trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng ngày càng nổi cộm.

Vào tháng 11/2021, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã phải đưa việc sàng lọc bệnh trầm cảm vào phạm vi kiểm tra sức khỏe của học sinh.

Nhà xã hội học: Con một, áp lực học tập và dùng đồ điện tử quá sớm là những nguyên nhân nổi cộm

Giáo sư Lưu Khai Minh (Liu Kaiming), Giám đốc Viện quan sát Xã hội Đương đại Thâm Quyến, đã có cuộc phỏng vấn với The Epoch Times. Ông cho biết, trong những năm gần đây, thực sự đã xuất hiện tình trạng rất nhiều trẻ em ở Thâm Quyến và các khu vực khác tự sát, nhảy lầu tự tử; các lý do rất phức tạp và đa dạng.

Xem thêm: 3 nữ sinh lớp 6 ở Giang Tô nhảy lầu tập thể tại trường học, chuyện gì đã xảy ra? (Radio)

Ông nói, trước hết là liên quan đến vấn đề con một, gia đình Trung Quốc hiện đại đều chỉ có một con. Các em không có anh chị em bầu bạn chơi cùng.

Thứ hai là cả nhà trường và phụ huynh đều không chú trọng đến vấn đề sức khỏe tâm lý và sự phát triển toàn diện của cơ thể, mà chỉ chú ý đến thành tích học tập. Có rất nhiều em đã nhảy lầu vì áp lực học hành.

Theo ông, nhiều bậc cha mẹ đặt kỳ vọng quá cao vào con cái, họ đã tạo áp lực không nhỏ cho con em mình. Ngoài áp lực học ở trường và nhiều bài tập về nhà, còn có các môn ngoại khóa. Nhà trường, xã hội, cha mẹ và gia đình không có cách nào để giải tỏa căng thẳng tinh thần cho trẻ, cũng như không quan tâm đến trẻ, do đó dẫn đến tình trạng này.

Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều trẻ em trong độ tuổi từ 3 - 4 tuổi đã bắt đầu sử dụng các sản phẩm điện tử và chơi trò chơi điện tử. Việc tiếp xúc với những sản phẩm này quá sớm cũng khiến trẻ gặp chướng ngại trong phát triển nhân cách, kỹ năng xã hội, khả năng chia sẻ, bộc lộ cảm xúc và kỹ năng giao tiếp. Do đó, chúng ngày càng khép kín hơn, càng khó giải quyết vấn đề áp lực tinh thần. Giáo sư Lưu phát hiện ra rằng, khả năng giao tiếp của nhiều trẻ em ngày càng yếu đi, điều này khiến chúng ngày càng trốn tránh thế giới thực và nghiện thế giới ảo.

Giáo sư Lưu kêu gọi xã hội, nhà trường và gia đình hãy có trách nhiệm và cung cấp cho các em một môi trường phát triển lành mạnh, không tạo áp lực quá lớn và quá sớm. Ông cho rằng, điều quan trọng nhất đối với trẻ em trong 10 năm đầu đời là lớn lên một cách khỏe mạnh và vui vẻ. Xã hội hiện nay gây áp lực cho trẻ ngay từ khi mới đi học mẫu giáo, điều này đi ngược lại bản chất tự nhiên của con người.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

1/4 trẻ em và thanh thiếu niên Trung Quốc có khuynh hướng trầm cảm