Chuyên gia: Lệnh cấm vận chip đẩy nhanh tốc độ Mỹ tách rời khỏi Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mỹ mở rộng lệnh cấm chất bán dẫn đối với Trung Quốc và ban hành 'Chiến lược An ninh Quốc gia' hôm 12/10, coi Trung Quốc là 'mối đe dọa' ngay trước thềm đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Các chuyên gia tin rằng, những động thái chưa từng có tiền lệ này sẽ đẩy nhanh việc Mỹ tách rời khỏi Trung Quốc và kéo theo sự sụp đổ của “Bức màn sắt mới”.

Giới chuyên gia tin rằng chính quyền ông Biden đã ngăn chặn ĐCSTQ một cách toàn diện. Hơn nữa, các biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực chất bán dẫn có thể mới chỉ là bước khởi đầu. Nếu các biện pháp trừng phạt mở rộng sang các lĩnh vực khác như tài chính và công nghệ sinh học thì sẽ đẩy nhanh tốc độ tách rời Mỹ khỏi Trung Quốc.

Lệnh cấm chip cứng rắn chưa từng có tiền lệ

Bộ Thương mại Mỹ thông báo (pdf) vào ngày 7/10 rằng, họ đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu mới cứng rắn đối với chất bán dẫn tiên tiến và thiết bị sản xuất chip, nhằm ngăn chặn Trung Quốc sử dụng công nghệ của Mỹ để cải tiến các chương trình quân sự.

Lệnh này cũng nghiêm cấm một số thực thể, công dân Mỹ, thường trú nhân và các công ty cung cấp hỗ trợ cho một số công ty sản xuất chip Trung Quốc. Theo quy định này, công dân Mỹ làm việc trong các công ty liên quan đến chip của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn, hoặc là mất quốc tịch Mỹ hoặc là bỏ việc ở Trung Quốc.

Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc trong nhiều năm qua chỉ áp dụng trong lĩnh vực công nghệ, sản phẩm, công ty hoặc thực thể. Lệnh cấm mới lần đầu tiên mở rộng kiểm soát xuất khẩu đối với từng công dân Mỹ và người có thẻ xanh. Đây được coi là lệnh cấm hạn chế nhất đối với ngành bán dẫn của Trung Quốc.

Theo Đài Á Châu Tự Do (RFA), vào ngày lệnh cấm có hiệu lực, hàng trăm người Mỹ gốc Hoa làm việc trong các công ty bán dẫn đã từ chức tại Yangtze Memory Technologies, Changxin Memory Technologies, Shanghai IC R&D Center Jiading Factory, Hefei Changxin Memory Technologies và nhiều công ty khác.

Ông Chiou Jiunn-Rong, Giáo sư Kinh tế tại Đại học Quốc gia Đài Loan, nói với The Epoch Times vào ngày 14/10: “Đây rất có thể sẽ hình thành nên một xu hướng là các chuyên gia công nghệ nhanh chóng rời khỏi Trung Quốc".

Ông Chiou nói rằng, tác động gián tiếp của lệnh cấm là sau khi ngành công nghiệp chip chao đảo sẽ ảnh hưởng chung đến toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc. Điều này sẽ tác động đến các lĩnh vực khác như kinh doanh và quản lý doanh nghiệp.

Mỹ cũng công bố Chiến lược An ninh Quốc gia vào ngày 12/10, trong đó tập trung vào Trung Quốc và Nga. Mỹ coi hai quốc gia này là “mối đe dọa tức thời” và ĐCSTQ là đối thủ cạnh tranh duy nhất có khả năng định hình lại trật tự quốc tế và không ngừng phát triển năng lực để hiện thực hóa điều đó.

Ông Doong Sy-Chi, Phó giám đốc điều hành của một tổ chức tư vấn Đài Loan, nói với The Epoch Times vào ngày 14/10 rằng, Mỹ đã xác định ĐCSTQ là một đối thủ cạnh tranh chiến lược về mọi mặt. Cạnh tranh thương mại trước đây chỉ tập trung vào các doanh nghiệp thì nay đã mở rộng sang các cá nhân. Chính quyền ông Biden đã mở rộng một chiến lược với quy mô lớn hơn.

Tăng tốc độ tách rời khỏi Trung Quốc

Ông Tsai Ming-fang, một nhà kinh tế công nghiệp tại Trường đại học Tamkang, có trụ sở tại Đài Loan, nói với The Epoch Times vào ngày 12/10 rằng, từ lệnh cấm mới, có thể nhìn ra rằng xu hướng tách biệt giữa Mỹ và Trung Quốc rõ rệt hơn và chắc chắn hơn. Ông dự đoán rằng, “Các nhà máy ở Đài Loan sẽ không còn hỗ trợ các nhà sản xuất Trung Quốc nữa mà sẽ tập trung nhiều hơn vào các thương hiệu của những quốc gia dân chủ”.

Ông Shen Rongqin, một Giáo sư tại Đại học York ở Canada, nói với The Epoch Times rằng chính quyền ông Biden ngay từ đầu đã coi trọng các biện pháp thắt chặt kiểm soát và trừng phạt những công ty công nghệ của Trung Quốc. Các nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa cũng tập trung vào các thực thể của ĐCSTQ bị liệt vào danh sách đen trước đây. Nhưng những gì ông Biden đã làm là triệt để và toàn diện hơn nhiều so với các đề nghị của những nghị sĩ Đảng Cộng hòa.

Ông Shen nói: “Bắt đầu từ chính quyền cựu Tổng thống Trump, bây giờ ông Biden đã thúc đẩy xu hướng tách rời giữa Trung Quốc và Mỹ trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn".

Nhà bình luận các vấn đề thời sự hiện sinh sống tại Mỹ, ông Lý Lâm Nhất (Li Linyi), nói với The Epoch Times hôm 14/10 rằng, hành động của chính quyền ông Biden lần này cứng rắn hơn nhiều so với trước đây.

Ông Lý nói: “Những biện pháp này có thể chỉ là bước khởi đầu đối với chính phủ Mỹ. Nếu các biện pháp này được mở rộng sang các lĩnh vực khác như tài chính, công nghệ sinh học, v.v., nó sẽ thực sự trở thành vấn đề đau đầu đối với ĐCSTQ. Điều đó chứng tỏ, sự tách rời giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra”.

Ông Chiou Jiunn-Rong chỉ ra rằng, căng thẳng Mỹ - Trung hiện nay dường như đang lên rất cao, nhưng không phải về phương diện quân sự như mối quan hệ Mỹ - Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, mà sẽ là chiến tranh kinh tế và chiến tranh công nghệ.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Lệnh cấm vận chip đẩy nhanh tốc độ Mỹ tách rời khỏi Trung Quốc