Chuyên gia: Ông Tập có thể xâm lược Đài Loan nhằm chuyển hướng dư luận khỏi thất bại kinh tế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo nhà phân tích kinh tế Trung Quốc Antonio Graceffo, ông Tập Cận Bình có thể khởi động một cuộc xâm lược Đài Loan sau Đại hội 20 nhằm chuyển hướng dư luận khỏi tình trạng bất ổn kinh tế của chế độ này.

Trong một báo cáo trước Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Tập đã cam kết thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc trong khi thực thi chính sách Zero COVID. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc đang ở trong tình trạng tồi tệ đến mức, Bắc Kinh khó có thể sớm đưa ra giải pháp để khắc phục tình trạng này.

“Ông Tập Cận Bình thực sự không thể làm bất cứ điều gì đối với nền kinh tế. Nền kinh tế Trung Quốc đang trong tình trạng tồi tệ như vậy khiến ông Tập không còn cách nào sửa chữa được nữa. Ông ấy không thể chấm dứt đại dịch COVID-19. Vì vậy, tôi rất lo ngại rằng điều duy nhất ông ấy có thể làm sau Đại hội này là xâm lược Đài Loan”, ông Graceffo nói trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “China in Focus” trên kênh NTD News, một hãng truyền thông anh em của The Epoch Times, vào ngày 21/10.

“Tất cả những gì ĐCSTQ phải làm là gây chiến. Và sau đó họ có thể đổ lỗi mọi vấn đề cho chiến tranh. Họ có thể nói rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế không phải là lỗi của ông Tập Cận Bình mà là lỗi của cuộc chiến đó”, ông nói thêm.

Số liệu kinh tế bất thường

Chuyên gia kinh tế này đã phân tích rõ về cuộc khủng hoảng nợ mà Trung Quốc đang phải đối mặt, vốn được thúc đẩy bởi lĩnh vực bất động sản.

“Ngoài tất cả các khoản nợ trực tiếp từ bất động sản, còn có 8 nghìn tỷ USD, gần 8 nghìn tỷ USD nợ chính quyền địa phương. Số tiền này được phát hành để ngăn chặn việc bán tháo bất động sản. Tuy nhiên, doanh số bán bất động sản vẫn tiếp tục sụt giảm 30% trong năm nay", ông Graceffo nói.

Theo ước tính của vị chuyên gia này, khối lượng nợ của ĐCSTQ có thể còn lớn hơn thông qua hiệu ứng gợn sóng (ripple effect).

“Bởi vì các ngân hàng mua trái phiếu chính phủ. Sau đó, họ có thể sử dụng chúng làm tài sản thế chấp cho các khoản đầu tư khác hoặc cho các khoản cho vay khác. Vì thế cho nên, nếu những trái phiếu này vỡ nợ thì sẽ kéo theo một chuỗi các vụ vỡ nợ", ông giải thích.

Chuyên gia này chỉ ra rằng, con số nợ công và tư nhân hiện nay chiếm khoảng 250% GDP của Trung Quốc, dựa trên dữ liệu của CEIC.

“Vì vậy, điều này hoàn toàn có thể hạ gục hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Nó có thể phá hủy tiền tệ và hậu quả sẽ thực sự thảm khốc”, ông nói.

Sáng 28/9, đồng nhân dân tệ lao dốc xuống mức 7,2192 nhân dân tệ đổi 1 USD, mức thấp nhất trong 14 năm, theo hãng tin Bloomberg. Điều này sẽ khiến Trung Quốc khó trả nợ nước ngoài hơn.

Trong khi đó, nỗ lực giải cứu đồng nhân dân tệ đang gặp trở ngại do Trung Quốc có xu hướng cắt giảm lãi suất để kích thích kinh tế.

“Không thể cùng lúc tăng tiền tệ trong khi vẫn kích thích nền kinh tế, bởi vì tác động của chúng là hoàn toàn trái ngược nhau. Điều này sẽ chỉ gây lãng phí thêm tiền tệ và khiến cho tình hình kinh tế trở nên tồi tệ hơn", ông Graceffo lưu ý.

Ông chỉ ra rằng, vào ngày 17/10, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã trì hoãn việc công bố các dữ liệu kinh tế quan trọng mà không có bất kỳ lời giải thích nào. Các dữ liệu kinh tế này đáng lý ra phải được ​​công bố vào tuần trước.

Việc ĐCSTQ từ chối công bố dữ liệu cho thấy, dữ liệu kinh tế tồi tệ đến mức ông Tập thậm chí không thể tiếp tục nói dối thêm nữa. Tình hình tệ đến mức Bắc Kinh không thể vẫy một chiếc đũa thần để phù phép cho những con số này, ông nhận định.

Ông lưu ý: “Goldman Sachs dự đoán mức tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay là dưới 3%".

Quốc tế có quan điểm ngày càng tiêu cực về Trung Quốc

Ông Graceffo cũng lưu ý rằng, thực tế là ngày càng có nhiều quốc gia có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc.

Thiện cảm của quốc tế đối với Trung Quốc đang ở mức thấp nhất mọi thời đại, ông nói và bổ sung thêm rằng, "Quý vị biết đấy, hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện không còn tin tưởng vào Trung Quốc nữa”.

Một cuộc khảo sát toàn cầu mới của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy, số người Mỹ có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi kể từ khi ông Tập nhậm chức vào năm 2012. Trong đó, 82% người Mỹ tham gia khảo sát bày tỏ “quan điểm tiêu cực” về Trung Quốc trong năm nay. Con số này tăng hơn gấp đôi so với mức 40% được ghi nhận vào năm 2012.

Tương tự như vậy, trên 80% những người được hỏi ở Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng được cho là có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc.

“Sự phân cực này đang gia tăng”, ông lưu ý và dự đoán rằng, Châu Âu và Mỹ sẽ duy trì các chính sách nhất quán về Trung Quốc, cũng như duy trì các tiêu chuẩn chính sách kinh tế phù hợp.

“Nỗ lực này sẽ chống lại Nga và Trung Quốc", vị chuyên gia nhận định.

Ông Graceffo cũng cho hay, Mỹ cần tăng cường giám sát Trung Quốc để đảm bảo rằng, Bắc Kinh sẽ không đáp trả Washington bằng các phản ứng quyết liệt.

“Bởi vì khi rơi vào thế tuyệt vọng, một nhà lãnh đạo có thể đưa ra những quyết định cực đoan. Có lẽ đó không phải là một cuộc xâm lược Đài Loan, mà là một cuộc xâm lược vào Ấn Độ”, ông nhận định.

Bên cạnh đó, ông đề nghị Mỹ nên xây dựng các rào cản giữa Trung Quốc và thị trường vốn của nước này. Ông nói Washington không nên để Bắc Kinh hưởng lợi từ thị trường vốn của chính mình.

“Đừng đầu tư vào Trung Quốc, bởi vì làm như vậy nghĩa là chúng ta đang nuôi sống ĐCSTQ. Chúng ta đang bỏ tiền của mình vào túi của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA)".

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Ông Tập có thể xâm lược Đài Loan nhằm chuyển hướng dư luận khỏi thất bại kinh tế