Cuộc chiến chip toàn cầu tăng nhiệt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hà Lan cùng một số quốc gia khác đang liên minh để đối đầu với Trung Quốc trong cuộc chiến chip. Chưa thể xác định bên nào sẽ giành chiến thắng.

Những phát súng đầu tiên đã được bắn ra vào tháng 10 năm ngoái khi Hoa Kỳ thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học. Đạo luật nhắm trực tiếp vào tham vọng trở thành nhà sản xuất chip máy tính tiên tiến hàng đầu thế giới của Bắc Kinh. Nó cung cấp một khoản trợ cấp đáng kể cho các nhà sản xuất chất bán dẫn để thiết lập và mở rộng hoạt động trên đất Mỹ. Nó cũng hạn chế xuất khẩu chip và thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc.

Áp lực đang ngày càng gia tăng. Gần đây, người phát ngôn Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Joe Biden sắp ban hành một lệnh hành pháp, trong đó cấm triệt để người Mỹ đầu tư vào công nghệ cao cấp của Trung Quốc, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán lượng tử, 5G, cũng như chất bán dẫn tiên tiến. Trong khi đó, cả Nhật Bản và Hà Lan đã đồng ý tham gia cùng Hoa Kỳ trong việc hạn chế xuất khẩu chip cũng như bán thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc. Những nỗ lực này sẽ không hoàn toàn đập tan tham vọng của Bắc Kinh nhưng sẽ khiến nỗ lực của họ trở nên khó khăn hơn.

Quyết định của Hà Lan là đặc biệt quan trọng. Đây là nơi duy nhất trên thế giới chế tạo máy sản xuất chip quang khắc siêu tia cực tím (EUV) tiên tiến. Dù Hà Lan sẽ tiếp tục bán một số máy quang khắc siêu tia cực tím sâu (DUV) lỗi thời hơn cho Trung Quốc, nhưng quyết định về EUV vẫn là một đòn giáng mạnh vào tham vọng của Bắc Kinh.

Ngoài việc chỉ đơn giản là gia tăng áp lực, có một điều gì đó mới mẻ trong những diễn biến gần đây. Trước đây, hầu hết nỗ lực hạn chế bán hàng cho Bắc Kinh đều nhắm vào các hoạt động có mối liên hệ rõ ràng với Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) của Trung Quốc. Nỗ lực mới nhất này mang tính tổng quát hơn, mặc dù với Trung Quốc, luôn khó tách biệt thương mại khỏi quân sự.

Mặc dù tất cả dường như đã sẵn sàng để thực thi, Nhật Bản và Hà Lan cho biết có thể mất vài tháng để hoàn thiện các thỏa thuận pháp lý cần thiết để thực hiện các hạn chế đối với Trung Quốc. Tuy vậy, các công ty có liên quan đã sẵn sàng cam kết tuân thủ. Tại Nhật Bản, thương hiệu Nikon và công ty Tokyo Electron sẽ chịu phần lớn gánh nặng. Ở Hà Lan, gánh nặng sẽ đổ lên vai tập đoàn ASML. Giám đốc điều hành của ASML, ông Peter Wennink, thừa nhận rằng khoảng 15% doanh số bán hàng của công ty chịu ảnh hưởng.

Tất nhiên, ít ai mong đợi rằng những hành động này sẽ ngăn chặn hoàn toàn nỗ lực của Bắc Kinh. Ông Wennink là người thực tế. Ông đồng ý rằng lệnh cấm bán hàng sẽ khiến Trung Quốc tiến chậm lại, nhưng ông cũng tin Trung Quốc cuối cùng sẽ có năng lực công nghệ để tự sản xuất máy móc. Những ví dụ trong quá khứ cho thấy, Bắc Kinh đã và đang chuẩn bị để làm điều đó.

Nếu Bắc Kinh vẫn giữ nguyên tham vọng của họ bất chấp nỗ lực ngăn cản từ phía Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hà Lan, thì hành động của những nước này cần phải gửi đi một thông điệp lớn hơn, đồng thuận hơn - một thông điệp mà giới lãnh đạo Trung Quốc phải bận tâm. Bởi vì Bắc Kinh đã thể hiện tính ganh đua rõ rệt, bất chấp sự cởi mở của những bên khác; bởi vì Bắc Kinh đã phớt lờ các khiếu nại của Hoa Kỳ cùng các nước khác và khăng khăng theo đuổi những hoạt động thương mại không công bằng - bao gồm cả việc đánh cắp sở hữu trí tuệ và công nghệ một cách trắng trợn; bởi vì Bắc Kinh đang áp dụng chính sách ngoại giao chiến lang - đặc biệt là ở châu Á; nên Hoa Kỳ cùng các đồng minh châu Âu và châu Á của Hoa Kỳ giờ đây đã hoàn toàn từ bỏ thái độ cởi mở trong quan hệ và trong thương mại với Trung Quốc.

Cách tiếp cận cũ của thế giới đã góp phần thúc đẩy Trung Quốc phát triển. Hiện nay, cách tiếp cận ấy đã nhường chỗ cho cạnh tranh, nếu không phải là thù địch công khai. Sự phát triển của Trung Quốc sẽ chịu một số gánh nặng vốn không tồn tại trong quá khứ. Bắc Kinh sẽ phải sống với những hậu quả của việc họ muốn mọi thứ phải theo ý của họ.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest - một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested - công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề "Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live" (30 mươi năm sau: Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sinh sống).



BÀI CHỌN LỌC

Cuộc chiến chip toàn cầu tăng nhiệt