Điều gì đang hủy hoại tầm nhìn của một đứa trẻ? Không chỉ là thiết bị điện tử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những năm gần đây, trẻ em bị cận thị ngày càng nhiều, khi đi trên đường, chúng ta có thể bắt gặp trẻ ở các độ tuổi đeo kính cận thị. Lý do ở đâu? Chúng ta hãy cùng đi tìm câu trả lời.

Nguyên nhân gây cận thị

Cận thị là một trong các tật khúc xạ phổ biến nhất ở mắt. Theo số liệu thống kê mới nhất, nước ta hiện có 5 triệu trẻ em mắc phải các tật khúc xạ ở mắt. Toàn bộ cả nước có khoảng 15-40% người mắc phải tật khúc xạ. Đối tượng phổ biến nhất mắc phải cận thị là trẻ em từ 6-15 tuổi với tỷ lệ 20-40% ở khu vực thành thị và 10-15% ở khu vực nông thôn.

Điều này làm cho nhiều bé phải đeo kính cận thị khi còn nhỏ, khiến các bậc cha mẹ lo lắng. Các bậc cha mẹ đều cho rằng thủ phạm là các sản phẩm điện tử, chẳng hạn như điện thoại di động, TV, máy tính... Sẽ không cha mẹ nào nói con cận thị là do học hành, điều này cũng khiến nhiều trẻ rất khổ tâm, có thật là do đồ điện tử?

Nguyên nhân hàng đầu khiến tình trạng cận thị ở Việt Nam hiện nay gia tăng nhanh là môi trường sống. Thời đại công nghệ phát triển, trẻ em được tiếp xúc sớm với các thiết bị điện tử như: laptop, máy tính bảng, tivi, điện thoại... có nguồn ánh sáng xanh cực kỳ nguy hiểm, người lớn cũng quen dần với việc lạm dụng chúng hàng ngày khiến cho tình trạng cận thị ở Việt Nam ngày càng gia tăng cấp độ với con số đáng báo động.

Các sản phẩm điện tử không phải là thủ phạm duy nhất phá hủy thị lực của trẻ, các yếu tố gia đình, dinh dưỡng, thói quen hàng ngày,... cũng có thể ảnh hưởng đến thị lực của trẻ.

Thói quen, tư thế sai cũng gây cận thị ở trẻ. (Pixabay)

Bên cạnh yếu tố gia đình, bố mẹ bị cận từ 6 độ trở lên thì mức độ di truyền cho con là 100%. Cùng với đó là thói quen nhìn gần quá nhiều, làm việc, học tập sai tư thế và với điều kiện ánh sáng kém là những nguyên nhân cơ bản khiến tình trạng cận thị ở Việt Nam ngày càng gia tăng.

Sau mùa dịch Covid trẻ phải học online, có những trẻ trước nay không có thói quen, không tiếp xúc nhiều với điện thoại, máy tính thì giờ lại hàng ngày tiếp cận đã khiến nhiều trẻ “nghiện”, dẫn đến tỷ lệ mắc tật cận thị ở trẻ em gia tăng chóng mặt. Đặc biệt, các chuyên gia đã cảnh báo thực tế tại nước ta hiện nay có rất nhiều bố mẹ để con bị lệ thuộc rất nhiều vào các thiết bị điện tử hàng ngày. Thậm chí để cho trẻ sử dụng chúng ngay cả khi đã lên giường, trong điều kiện tắt đèn, thiếu ánh sáng, rất hại mắt.

Hơn nữa, dinh dưỡng không cân đối cũng sẽ ảnh hưởng đến thị giác của trẻ, có một số trẻ không thích ăn sáng hoặc ăn uống kém sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng. Đặc biệt, vitamin A có tác dụng chống bệnh khô mắt, giảm mỏi mắt, khi trẻ ăn uống không điều độ hoặc kén ăn sẽ bị thiếu vitamin A, đồng thời thiếu vitamin C, B cũng ảnh hưởng đến tình trạng giảm thị lực của trẻ.

Ngày nay, nhiều trẻ em không thích ra ngoài mà chỉ thích ở nhà xem TV, xem điện thoại… Ánh sáng ngoài trời tự nhiên, phong cảnh cũng rất đẹp, đôi mắt sẽ được thư giãn theo tự nhiên khi trẻ ra ngoài. Nếu ở nhà trong thời gian dài, không gian chật hẹp, nhìn các thiết bị điện tử nhiều, ăn uống không đảm bảo dinh dưỡng thì thị giác sẽ bị kém, ảnh hưởng đến thị lực.

Làm thế nào để bảo vệ đôi mắt của trẻ?

Cải thiện điều kiện làm việc, học tập: Đảm bảo nơi làm việc, học tập phải luôn đầy đủ ánh sáng và cần ngồi đúng tư thế.

Thiết lập chế độ sinh hoạt khoa học: Phân bổ thời gian làm việc, học tập, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Ngủ đủ giấc để mắt được nghỉ ngơi đầy đủ, hạn chế để mắt phải làm việc căng thẳng quá sức.

Chế độ ăn uống đủ chất: Bổ sung vào thực đơn ăn uống hàng ngày thật nhiều rau xanh, hoa quả tươi như: Rau cải xanh, súp lơ, cà rốt, bí đỏ, trứng, bơ, việt quất, cam, bưởi, dâu... Các loại thực phẩm này rất giàu vitamin cùng các hoạt chất chống oxy hóa giúp nuôi dưỡng mắt sáng khỏe, cải thiện tầm nhìn.

Bổ sung nhiều vitamin cho trẻ để duy trì cơ thể khỏe mạnh, từ đó cũng có thể bảo vệ đôi mắt hiệu quả hơn. Cố gắng cho trẻ ăn ít đường, quá trình chuyển hóa đường cũng sẽ làm giảm lượng canxi trong máu, hậu quả là củng mạc bị mềm.

Bổ sung các chất dinh dưỡng cho trẻ để cải thiện thị lực. (Pixabay)

Củng mạc là bộ phận bao bọc nhãn cầu và duy trì hình dạng của mắt, vì vậy một khi củng mạc trở nên mềm thì thị lực của trẻ sẽ giảm sút, hãy cố gắng giảm lượng đường nạp vào, chú ý đến thói quen ăn uống của trẻ.

Tham gia các hoạt động thực tiễn: Tạo cho trẻ những sân chơi lành mạnh, tiếp xúc với thiên nhiên, tránh ngồi trong nhà quá nhiều thụ động, xem điện thoại, đọc sách quá lâu,..

Khám mắt định kỳ: Thiết lập thói quen khám mắt định kỳ hàng năm để bảo vệ sức khỏe đôi mắt cũng như phát hiện sớm các bệnh lý ở mắt, tật khúc xạ như cận thị để có biện pháp can thiệp, điều trị kịp thời, ngăn chặn biến chứng nguy hiểm cho mắt.

Bạn cũng có thể cho trẻ tập một số bài tập về mắt, điều này cũng có thể làm giảm mệt mỏi thị giác. Việc chú ý đến thời gian sử dụng mắt và thói quen nhìn của trẻ cũng rất quan trọng.

Nhiều cư dân mạng nói về người cận thị: Cách 5 mét không nhận ra người thân, cách 10 mét không phân biệt được nam nữ, cách 20 mét không phân biệt được người và vật.

Cả cha mẹ và con cái đều phải bảo vệ đôi mắt của chính mình, chú ý hình thành thói quen tốt cho mắt, đặc biệt cha mẹ phải làm gương, trẻ một khi đã đeo kính cận thị thì rất khó tháo ra. Bảo vệ thị lực phải bắt đầu từ bé.

Nguyên Anh
(Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Điều gì đang hủy hoại tầm nhìn của một đứa trẻ? Không chỉ là thiết bị điện tử