4 sai lầm rửa rau ai cũng mắc, nên rửa thế nào cho an toàn?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dưới đây là những sai lầm khiến rau không được rửa sạch mà còn ngấm thêm chất độc hại và mất nhiều giá trị dinh dưỡng.

Rất nhiều người cho rằng ngâm rau trong nước muối, rửa rau ngay sau khi cắt… là cách rửa rau sạch và an toàn. Nhưng thực tế lại không như vậy. Hãy cùng rửa rau, củ, quả đúng cách để rau sạch mà vẫn đảm bảo giá trị dinh dưỡng, bạn nhé.

Các lầm tưởng về việc rửa trái cây và rau:

  1. Ngâm rau trong nước quá lâu

Ngâm rau trong nước thời gian lâu là sai lầm nhiều người đang mắc phải. Không ít người ngâm rau trong nước với suy nghĩ rằng như vậy sẽ loại bỏ hóa chất và thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, thuốc trừ sâu hòa tan trong nước rất kém, vì vậy ngâm nước không thể loại bỏ được thuốc trừ sâu, ngược lại còn khiến lượng vitamin trong rau bị hao hụt.

Hơn nữa, việc ngâm rau lâu trong nước có thể khiến các loại chất bảo quản thực vật thẩm thấu ngược lại vào rau gây nguy cơ nhiều hơn. Thay vì ngâm, bạn cần nhặt sạch rồi rửa nhiều lần bằng nước sạch, rửa trực tiếp từng lá (rau bẹ) dưới vòi nước chảy để loại trừ trứng giun sán, vi khuẩn gây bệnh và dư lượng hóa chất trừ sâu còn bám trên lá rau.

  1. Ngâm rau trong nước muối

Ngâm rau củ quả bằng nước muối trước khi chế biến là thói quen của nhiều bà nội trợ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khuyến cáo rằng đây là cách làm tưởng đúng mà lại là sai, bởi nước muối gần như “vô tác dụng” trong việc loại bỏ thuốc trừ sâu và hóa chất.

Ngâm rau trong nước muối chỉ có tác dụng sát khuẩn nhẹ nhàng chứ hoàn toàn không thể loại trừ thuốc trừ sâu, chất bảo quản, diệt trừ trứng giun sán như mọi người vẫn nghĩ. Không những vậy, nồng độ muối quá cao có thể phá hủy tế bào biểu bì thực vật, cho phép các chất ô nhiễm thâm nhập vào rau gây hại cho sức khỏe và gây ô nhiễm thứ cấp.

Hiện nay chưa một dung dịch nào có thể loại trừ hoàn toàn thuốc trừ sâu và chất bảo quản trên các loại rau, củ và các thực phẩm khác. Đối với một số loại thuốc trừ sâu không thẩm thấu (tức là chỉ bảo vệ ở bề mặt rau bên ngoài), bạn có thể loại bỏ hóa chất bằng cách rửa rau dưới vòi nước sạch nhiều lần.

Riêng đối với những loại thuốc sâu tác dụng lên sâu bệnh theo cơ chế nội hấp (thuốc ngấm vào rau quả, con sâu ăn rau quả đó sẽ chết) thì buộc phải có thời gian cách ly để thuốc phân hủy hết chứ không có cách nào rửa sạch.

  1. Cắt xong mới mang đi rửa

Có nhiều người thường rửa rau ngay sau khi cắt rau xong, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên rửa rau xong rồi mới cắt. Nếu cắt rau xong mới rửa sẽ làm mất một lượng vitamin tồn tại ở dạng nước.

Rau sau khi cắt, lại bị ngâm vào nước sẽ bị tổn thất từ 14-23% giá trị dinh dưỡng, nếu ngâm trong một đêm lượng vitamin C gần như bị thất thoát hoàn toàn. Hàm lượng các chất dinh dưỡng khác như vitamin nhóm B hoặc khoáng chất, protein tan trong nước cũng bị mất lượng lớn.

  1. Chỉ cần rửa 2-3 nước là sạch

Nhiều người cho rằng, rau rửa 2-3 nước là sạch rồi, hơn nữa khi nấu thì các vi khuẩn và ký sinh trùng cũng sẽ chết hết. Tuy nhiên, để rau thực sự sạch thì cần phải rửa cầu kỳ hơn thế rất nhiều.

Nếu chỉ rửa 2-3 nước khó có thể loại bỏ được tạp chất bẩn như đất, rác, kí sinh trùng hay vi sinh vật và các hợp chất hoá học như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật... mà mắt thường không nhìn thấy.

Các phương pháp rửa rau quả an toàn:

- Sau khi xối sạch rau dưới vòi nước, dùng nước vo gạo để ngâm tối đa trong 15 phút. Nước vo gạo có tác dụng trung hòa tính độc tố ở thuốc trừ sâu.

- Đối với trái cây có vỏ cứng như táo, chanh và lê, cũng như các loại rau củ như khoai tây, cà rốt và củ cải, nên dùng một chiếc bàn chải lông mềm để làm sạch đất cát và bụi bẩn bám phần mọc rễ dưới vòi nước.

- Làm nóng ở nhiệt độ cao cũng làm cho thuốc trừ sâu phân giải. Một số loại rau chịu nhiệt như súp lơ, đỗ, rau cần… sau khi rửa sạch, nên chần qua bằng nước nóng trong 2 phút làm cho lượng thuốc trừ sâu suy giảm 30%, sau đó nấu ở nhiệt độ cao, như vậy sẽ tẩy trừ được 90% lượng thuốc trừ sâu.

- Ánh nắng mặt trời làm cho lượng thuốc trừ sâu trên rau bị phá vỡ, phân giải. Để rau dưới ánh nắng mặt trời 5 phút, lượng thuốc trừ sâu tàn lưu trên rau như thủy ngân hữu cơ, Clo hữu cơ giảm được khoảng 60%.

- Rau lá xanh: Rau cải bó xôi, rau diếp, cải Thụy Sĩ, tỏi tây, và các loại rau họ cải như cải Brussels và cải ngọt đều nên cắt bỏ lớp ở bên ngoài cùng, sau đó nhúng vào bát nước mát, vớt ra để ráo, rửa sạch bằng nước ngọt.

- Không dùng xà phòng, chất tẩy rửa, chất tẩy trắng, vì các chất này có thể xâm nhập vào sản phẩm. Không gì có thể đảm bảo các chất này giúp làm cho trái cây và các loại rau sạch hơn cách thức rửa khác.

Tố Như

(Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

4 sai lầm rửa rau ai cũng mắc, nên rửa thế nào cho an toàn?