Lằn ranh đỏ của Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan ‘chồng chéo và hỗn loạn’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuối tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ công du Bắc Kinh. Quốc vụ viện đã tiết lộ những nội dung mà Washington sẽ thảo luận với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong cuộc gặp lần này. Thứ nhất là xung đột giữa Nga và Ukraine, thứ hai là vấn đề Eo biển Đài Loan. Vấn đề thứ nhất là điều mà Hoa Kỳ muốn thảo luận, trong khi vấn đề thứ hai là mối quan tâm đặc biệt của ĐCSTQ.

Rõ ràng, Trung Quốc và Mỹ sẽ không thảo luận về bất kỳ kết quả nào đối với hai chủ đề này.

Mỹ cần Trung Quốc ngừng công khai ủng hộ Nga, không viện trợ quân sự cho Nga, không chuyển giao vũ khí và đạn dược cho Nga.

Về vấn đề này, có lẽ ĐCSTQ sẽ “nước chảy xuôi dòng” bởi ĐCSTQ không muốn ra tay vì mối quan hệ của Nga với phương Tây, và họ cũng không muốn gánh chịu bất kỳ hậu quả nào trong cuộc chiến của Nga.

Cái gọi là mối quan hệ “không giới hạn”, theo cách nói của các quan chức ĐCSTQ, thì “chỉ là lời nói khoa trương” và không mang ý nghĩa thực chất.

Eo biển Đài Loan vạch hai lằn ranh đỏ Mỹ - Trung

Điều quan trọng hơn cả đối với ĐCSTQ là mối quan hệ với châu Âu. Bởi vì cuộc đối đầu quy mô lớn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ chắc chắn là một sự kiện toàn cầu, nên việc ĐCSTQ lôi kéo châu Âu chống lại Hoa Kỳ là một chính sách quốc gia mà chỉ có họ mới có thể lựa chọn.

Khi Nga xâm lược Ukraine, châu Âu là bên lo ngại nhất. Do đó, nếu ĐCSTQ ủng hộ Nga chẳng khác nào đắc tội với châu Âu, ĐCSTQ không thể đắc tội ở giai đoạn này.

Do đó, vấn đề Eo biển Đài Loan là vấn đề trọng yếu nhất giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ và cũng thể hiện hai lằn ranh đỏ không thể hòa giải.

Đối với ĐCSTQ, lằn ranh đỏ chính là Mỹ không thể hỗ trợ Đài Loan, đặc biệt là không thể hỗ trợ quốc đảo này về mặt quân sự, chứ đừng nói đến việc can thiệp quân sự trực tiếp vào một cuộc chiến tiềm tàng.

Đối với Mỹ, lằn ranh đỏ chính là ĐCSTQ không thể tấn công Đài Loan bằng vũ lực, tức là không thể đơn phương thay đổi hiện trạng ở Eo biển Đài Loan. Hàm ý là nếu có sự thay đổi đơn phương, chắc chắn Hoa Kỳ sẽ can thiệp, kể cả can thiệp quân sự.

Các lằn ranh đỏ về vấn đề Đài Loan giữa Trung Quốc và Mỹ đã chạm đến giới hạn của nhau, vì vậy đây là phần nguy hiểm và không khoan nhượng nhất trong quan hệ Mỹ - Trung.

Mỹ sẵn sàng can dự về vấn đề Đài Loan ở mức nào?

Tại Đài Loan, luôn có "sự hoài nghi đối với Hoa Kỳ" về vấn đề liệu Washington có can dự một khi xảy ra xung đột ở Eo biển Đài Loan hay không. Hoài nghi này chia thành ba cấp độ.

Cấp độ thứ nhất là Hoa Kỳ sẽ không can thiệp và cũng không tổn thất một binh lính nào để bảo vệ Đài Loan.

Cấp độ thứ hai là dù Hoa Kỳ có can thiệp cũng không thể đánh bại quân đội của ĐCSTQ. Bắc Kinh sở hữu nhiều tên lửa mạnh mẽ nên Washington không thể tiếp cận Đài Loan từ Thái Bình Dương (kể cả hải quân và không quân) bởi ĐCSTQ có lợi thế về địa lý.

Cấp độ thứ ba là ngay cả khi Hoa Kỳ can thiệp quân sự (không phải vì lợi ích của Đài Loan mà vì lợi ích của chính Hoa Kỳ) thì Đài Bắc cũng chỉ là con tốt thí của Washington. Mỹ sẽ dùng Đài Loan để tấn công Trung Quốc nhằm ngăn cản sự trỗi dậy của nước này để tránh gây nguy hại cho bá quyền của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, cấp độ hoài nghi đầu tiên ngày càng yếu đi. Lý do là vì tiếng nói của Hoa Kỳ đang ngày càng có trọng lượng. Báo cáo gần đây nhất của RAND Corporation đã làm rõ điểm này.

Tiền đề chính của toàn bộ báo cáo là liệu Hoa Kỳ có can thiệp nếu ĐCSTQ tấn công Đài Loan hay không. Báo cáo đi đến kết luận rằng can thiệp là điều cần thiết. Lý do cũng rất đơn giản. Nếu Hoa Kỳ không can thiệp, thì chẳng khác nào tuyên bố chính thức chấm dứt "Kỷ nguyên của nước Mỹ" sau Thế chiến II.

Hầu hết các quốc gia châu Á từ lâu đã duy trì chính sách phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế và dựa vào Mỹ về an ninh. Một khi Hoa Kỳ phớt lờ các vấn đề an ninh của Đài Loan, điều đó đồng nghĩa với việc tuyên bố với thế giới rằng sự bảo vệ của Hoa Kỳ là vô hiệu, và các nước sẽ không còn dựa vào Mỹ trong các vấn đề an ninh nữa. Kịch bản này sẽ đặt dấu chấm hết cho “Kỷ nguyên của nước Mỹ”.

Cấp độ hoài nghi thứ hai đang dần trở nên kém thuyết phục do cuộc chiến Nga - Ukraine. Lợi thế địa lý của Nga đối với Ukraine tốt hơn nhiều so với lợi thế của ĐCSTQ đối với Đài Loan. Nga và Ukraine có chung đường biên giới trên bộ dài gần 2.000 km. Với máy bay và tên lửa của Nga, họ không thể làm gì được Ukraine (vốn được phương Tây hậu thuẫn đắc lực), chưa kể giữa đại lục và Đài Loan còn cách nhau một eo biển dài hơn 100 km.

Cấp độ hoài nghi thứ ba về Hoa Kỳ phức tạp hơn, bởi vì sự ngờ vực của Quốc Dân Đảng đối với Hoa Kỳ đã ăn sâu bám rễ. Tổng cộng Hoa Kỳ đã “bỏ rơi” Quốc Dân Đảng hai lần, một lần là trong cuộc nội chiến giữa Quốc Dân Đảng và ĐCSTQ trước năm 1949; lần hai là năm 1979, khi Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao với ĐCSTQ. Tuy nhiên, xét từ tình hình hiện tại, đấu tranh chống lại sự mở rộng sức ảnh hưởng của ĐCSTQ sẽ là quốc sách lớn nhất của Hoa Kỳ trong tương lai.

Thời kỳ trăng mật Mỹ - Trung đã qua

Có ba tổng thống Mỹ có ảnh hưởng to lớn nhất đến chính sách của Mỹ đối với châu Á.

Người đầu tiên là ông Theodore Roosevelt, giữ chức Tổng thống Mỹ từ năm 1901 đến năm 1908. Trong nhiệm kỳ của mình, ông đã thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản, giúp Nhật Bản và Nga đạt được thỏa thuận đình chiến, và từ đó chính thức can thiệp vào các vấn đề châu Á.

Người thứ hai là ông Franklin D.Roosevelt. Trong nhiệm kỳ của mình, ông đã vướng phải Thế chiến II. Vì hỗ trợ Trung Quốc kháng chiến, cuối cùng Mỹ lại gây chiến với Nhật Bản, và ông là nhân vật đã định hình nên cục diện châu Á hiện nay.

Người thứ ba là ông Richard Nixon. Dưới thời Nixon, Hoa Kỳ dần mất đi vị thế của mình trong Chiến tranh Lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô, cho dù ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi hay Châu Á, Hoa Kỳ đều dốc hết sức mình để chống lại sự xâm lược của Liên Xô. Và sau khi vượt qua vũng lầy của Chiến tranh Việt Nam, người Mỹ dần cảm thấy lao đao.

Đó là thời điểm ông Kissinger bắt đầu chính sách ngoại giao với Trung Quốc và hình thành một liên minh chiến lược toàn cầu tiềm năng với ĐCSTQ. Liên minh này chủ yếu chống lại Liên Xô. Mặc dù sức mạnh quân sự của ĐCSTQ là hữu hạn, nhưng trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, người dân Trung Quốc không thiếu sự điên cuồng.

Vào thời điểm đó, ĐCSTQ đã cho thế giới cảm giác rằng họ đang tuyệt vọng và khiến mọi người sợ hãi. Đặc biệt là sau trận đảo Trân Bảo, Liên Xô rất sợ ĐCSTQ.

Kể từ khi lên cầm quyền, Đặng Tiểu Bình thậm chí còn áp dụng đường lối ngoại giao thân Mỹ, thân phương Tây một cách trần trụi. ĐCSTQ lúc này không chỉ có thái độ thù địch với Liên Xô mà còn trực tiếp tấn công Việt Nam, sau đó là áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Liên Xô, liên minh với thế giới phương Tây, và thậm chí tẩy chay Thế vận hội Moscow 1980.

Cho đến khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, mối quan hệ hợp tác chiến lược này giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn đang trong giai đoạn trăng mật. Ngay cả sự kiện Thiên An Môn ngày 4/6/1989 cũng chỉ có một tác động nhỏ đến quan hệ Mỹ - Trung.

Trong giai đoạn này, mặc dù Đặng Tiểu Bình không giữ lời hứa không sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan, nhưng ông vẫn lấy thống nhất hòa bình làm chủ trương và đề xuất cái gọi là một quốc gia, hai chế độ.

Ba thông cáo chung giữa Mỹ và Trung Quốc, thái độ của Hoa Kỳ đối với Đài Loan, luôn là "thừa nhận" rằng tất cả người Trung Quốc ở cả hai bên Eo biển đều khẳng định “một Trung Quốc”, Đài Loan là một phần của Trung Quốc, và không phản đối lập trường này.

Trong thông cáo thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có đề cập rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là đại diện pháp lý duy nhất của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong nhận thức của Mỹ, Washington chưa bao giờ công nhận hay thừa nhận “Đài Loan là một phần của Trung Quốc”.

Sau thập niên 1990, cục diện quan hệ Mỹ - Trung đã thay đổi rất nhiều. Đặc biệt là trong 10 năm qua, ĐCSTQ ngày càng gây áp lực lớn hơn đối với các lợi ích toàn cầu của Hoa Kỳ, và cam kết phòng thủ của Hoa Kỳ đối với Đài Loan cũng ngày càng trở nên nhạy cảm vì điều này.

Nếu trước đây, sự can dự của Mỹ với Đài Loan ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực, thì giờ đây, nó đã trở thành một dấu mốc trong cuộc tranh giành quyền bá chủ toàn cầu.

Vì vậy, không có gì sai khi chính sách của một quốc gia dựa trên lợi ích của chính họ. Vì vậy, chính sách của Mỹ đối với Đài Loan là chính sách mà nước này cần xem xét đầu tiên. Tuy nhiên, trong bối cảnh địa chính trị như hiện nay, việc hỗ trợ phòng thủ của Đài Loan đã trở thành chìa khóa để tăng cường chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ.

Đối với ĐCSTQ, đặc biệt là đối với ông Tập Cận Bình, Đài Loan cũng là một khâu then chốt trong chiến lược toàn cầu của ĐCSTQ. Nhà lãnh đạo Trung Quốc coi việc thống nhất Đài Loan là biểu tượng của việc hiện thực hóa “giấc mộng Trung Hoa” và sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nói cách khác, không có sự thống nhất Đài Loan thì việc hiện thực hóa giấc mộng Trung Hoa sẽ không thành hiện thực, và Trung Quốc không thể được coi là trỗi dậy.

Ông Tập Cận Bình đã sửa đổi điều lệ Đảng và hiến pháp để tái đắc cử sau Đại hội đại biểu toàn quốc của ĐCSTQ lần thứ 20. Mọi con mắt đều đổ dồn vào bước then chốt là "thống nhất Đài Loan".

Lằn ranh đỏ Mỹ - Trung chồng chéo lẫn nhau

Kết quả là, lằn ranh đỏ giữa ĐCSTQ và Hoa Kỳ đã trở thành một trạng thái chồng chéo, đan xen, trên thực tế là “những vết cắt liên tục và hỗn loạn”. Kết quả là, Eo biển Đài Loan đã trở thành tâm điểm của các cuộc xung đột và chiến tranh giữa các nước lớn, đồng thời là khu vực có mức độ rủi ro địa chính trị cao nhất trên thế giới. Mức độ nguy hiểm của nó vượt xa so với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Xét cho cùng, Mỹ chưa bao giờ hứa hẹn hỗ trợ quân sự để bảo vệ Ukraine trước đây và có thể nhượng bộ, nhưng họ hoàn toàn không hứa hẹn gì về vấn đề Đài Loan.

Hai lằn ranh đỏ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ hiện đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan”. E rằng hướng phát triển này trong tương lai sẽ chủ yếu phụ thuộc vào nhiều biến số khác nhau.

Đối với Mỹ, các biến số này bao gồm mối quan hệ giữa Châu Âu và Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc, nền kinh tế Hoa Kỳ và những thay đổi trong tình hình chính trị trong nước của Hoa Kỳ.

Đối với Trung Quốc, các biến số này chủ yếu là những thay đổi trong cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ ĐCSTQ. Bây giờ ĐCSTQ đang dốc toàn lực để chuẩn bị cho cuộc tấn công Đài Loan, không chỉ về quân sự mà cả về chính trị và kinh tế. Trung Quốc hay Mỹ, nước nào có thể cầm cự lâu nhất đã trở thành nhân tố quyết định trong vấn đề Đài Loan.

Lam Giang tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Lằn ranh đỏ của Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan ‘chồng chéo và hỗn loạn’