Mỹ và Philippines kêu gọi hòa bình ở Eo biển Đài Loan trong Tuyên bố chung

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong một tuyên bố chung được công bố hôm thứ Hai (1/5), Hoa Kỳ và Philippines đã nhấn mạnh sự cần thiết của hòa bình trên Eo biển Đài Loan, bất chấp các chiến thuật đe dọa của Bắc Kinh đối với hòn đảo tự trị này.

Hôm 1/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Philippines, ông Ferdinand Marcos Jr., tại Nhà Trắng và đưa ra tuyên bố chung tái khẳng định mối quan hệ chiến lược giữa Mỹ và Philippines.

Chuyến công du của ông Marcos tới Mỹ là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Philippines trong gần một thập kỷ.

"Chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức mới. Và tôi không thể nghĩ ra một đối tác nào tốt hơn ông", Tổng thống Biden nói với người đồng cấp Philippines.

Trong khi đó, ông Marcos cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Hoa Kỳ với tư cách là đồng minh hiệp ước duy nhất của đất nước ông ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi mà ông mô tả là có "tình hình địa chính trị phức tạp nhất trên thế giới hiện nay”.

"Việc Philippines tìm đến đối tác hiệp ước duy nhất của mình trên thế giới để củng cố và tái xác định mối quan hệ song phương cũng như vai trò của chúng ta khi đối mặt với những căng thẳng leo thang là điều tự nhiên. Đó là những căng thẳng mà chúng ta đang chứng kiến xung quanh Biển Đông, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và các khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, ông nói.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng vào ngày 1/5/2023. (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)

Hai nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định cam kết về “tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông” cũng như “duy trì hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan”, nơi Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự.

Theo tuyên bố chung, cả hai đối tác "khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan như một thành phần không thể thiếu đối với an ninh và thịnh vượng toàn cầu”.

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Đài Loan ca ngợi tuyên bố chung của Hoa Kỳ và Philippines, ghi nhận "mức độ đồng thuận cao giữa các quốc gia trong khu vực về duy trì hòa bình và ổn định xuyên Eo biển".

Cuộc gặp của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Philippines diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh bị cáo buộc vi phạm vùng lãnh thổ của Philippines ở vùng Biển Đông đang tranh chấp, mà Bắc Kinh hầu như chỉ tuyên bố chủ quyền dựa trên đường chín đoạn của mình. Từ ngày 18/4 đến ngày 24/4, hơn 100 tàu dân quân biển của Trung Quốc đã được phát hiện trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Philippines mong muốn tránh xung đột

Vào ngày 30/4, chỉ vài giờ trước khi khởi hành tới Washington, ông Marcos đã kêu gọi Bắc Kinh thiết lập một "đường dây liên lạc trực tiếp" giữa các cơ quan chức năng của hai bên để tránh các tai nạn nguy hiểm giữa các tàu chiến trong vùng biển tranh chấp.

Phát biểu trước báo giới, ông Marcos cho hay: "Đây là điều mà chúng tôi hy vọng sẽ tránh được. Vì lần này [các con tàu] ở quá gần nhau nên sẽ nguy hiểm hơn một chút. Những con tàu suýt chút nữa va vào nhau, điều này sẽ gây ra thương vong cho cả hai bên”.

Ông tuyên bố rằng với tư cách là một thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Philippines đóng một "vai trò quan trọng" trong việc duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

"Mục tiêu của Philippines rất rõ ràng: chúng tôi kiến tạo hòa bình. Chúng tôi không khuyến khích bất kỳ hành động khiêu khích nào... Chúng tôi sẽ không cho phép điều đó xảy ra", ông khẳng định.

Đại sứ Trung Quốc đe dọa Philippines

Trước đó, Đại sứ Trung Quốc Hoàng Khê Liên (Huang Xilian) đã chỉ trích Philippines vì cho phép Mỹ tăng cường tiếp cận các địa điểm quân sự của nước này theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng nâng cao (EDCA).

Ông Hoàng Khê Liên nhấn mạnh tại một cuộc hội thảo ở Manila vào ngày 16/4 rằng Philippines phải "dứt khoát phản đối" nền độc lập của Đài Loan nếu nước này "thực sự quan tâm" đến 150.000 người Philippines đang sinh sống tại Đài Loan.

"Chúng tôi sẽ không từ bỏ việc sử dụng vũ lực và chúng tôi bảo lưu lựa chọn thực hiện mọi biện pháp cần thiết", ông tuyên bố.

Ông Hoàng cảnh báo rằng, việc Philippines cho phép Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự của nước này của sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình.

Đáp lại, Bộ Quốc phòng Philippines khẳng định rằng quyết định mở rộng các địa điểm EDCA không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào, mà nhằm tăng cường năng lực phòng thủ của đất nước.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng ở hai bờ Eo biển, Bộ Quốc phòng Philippines cho rằng cần thận trọng chuẩn bị cho bất kỳ tình huống bất ngờ nào để đảm bảo an toàn cho người Philippines ở nước ngoài, đặc biệt là những người đang sinh sống ở Đài Loan”, tuyên bố nêu rõ.

Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và khẳng định sẽ chinh phục hòn đảo bằng vũ lực nếu cần thiết. Tuy nhiên, vì có vị trí gần Đài Loan, nơi có chung đường biên giới bên ngoài Eo biển Luzon, bất kỳ cuộc tấn công nào vào Đài Loan đều có thể gây nguy hiểm cho an ninh của Philippines.

Philippines trước đây đã cho binh lính Mỹ tiếp cận thêm bốn căn cứ quân sự gần Đài Loan, bao gồm một căn cứ hải quân, một sân bay ở tỉnh Cagayan và một doanh trại quân đội ở Isabela.

Mỹ và Philippines đã ký kết Hiệp ước Phòng thủ chung Philippines - Mỹ (MDT) năm 1951, trong đó cam kết hai nước sẽ hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp nước còn lại bị tấn công. Giới chức Mỹ nhiều lần bảo đảm với người đồng nhiệm Philippines rằng họ sẽ tôn trọng các nghĩa vụ trong hiệp ước nếu các lực lượng, tàu chiến và máy bay Philippines bị tấn công tại Biển Đông, kể cả bởi Trung Quốc.

Hôm 29/4, Hoa Kỳ cảnh báo Bắc Kinh rằng Mỹ sẽ đáp trả bất kỳ hành vi tấn công vũ trang nào nhằm vào lực lượng vũ trang, thuyền công vụ hoặc máy bay của Philippines theo điều khoản trong Hiệp ước Phòng thủ chung Philippines - Mỹ đối với Biển Đông vào năm 1951.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ và Philippines kêu gọi hòa bình ở Eo biển Đài Loan trong Tuyên bố chung