Mỹ công bố gói vũ khí mới trị giá 300 triệu USD cho Ukraine kèm lời cảnh báo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Tư (30/5), chính phủ Mỹ đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 300 triệu USD cho Ukraine kèm lời cảnh báo rằng không nên sử dụng các loại vũ khí này để tấn công bên trong lãnh thổ nước Nga.

Thông báo trên được đưa ra sau khi Moscow bị máy bay không người lái tấn công vào ngày 30/5. Cuộc không kích khiến một số tòa chung cư bị hư hại nhẹ. Mặc dù Ukraine đã phủ nhận mọi liên quan đến vụ tấn công, nhưng Điện Kremlin vẫn đổ lỗi cho Kyiv. The Epoch Times không thể xác minh các khẳng định của cả hai bên.

Giới chức Mỹ cho biết, không có bằng chứng nào cho thấy máy bay không người lái hoặc vũ khí do Mỹ sản xuất đã được sử dụng trong các cuộc không kích ở Moscow. Chính quyền ông Biden khẳng định rằng họ đã nói rõ với Ukraine về việc không nên sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất cho các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ nước Nga vì có nguy cơ làm leo thang căng thẳng.

"Chúng tôi đã nói rất rõ ràng với Ukraine, cả riêng tư lẫn công khai, rằng chúng tôi không ủng hộ các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ nước Nga. Chúng tôi không cho phép hoặc khuyến khích các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ nước Nga”, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết tại một cuộc họp báo tại Nhà Trắng.

Tuy nhiên, ông Kirby cũng thừa nhận rằng chính quyền Hoa Kỳ không có thẩm quyền đối với quân đội của Ukraine.

"Chúng tôi không chỉ đạo địa điểm họ tấn công. Chúng tôi cũng không nói cho họ biết nơi nào không được tấn công. Chúng tôi không nói cho họ biết cách tiến hành các hoạt động quân sự của mình," ông giải thích.

"Chúng tôi cung cấp cho họ thiết bị. Chúng tôi huấn luyện họ. Chúng tôi tư vấn và hỗ trợ họ. Thậm chí chúng tôi còn tổ chức diễn tập bàn tròn (Table-Top Exercise) để giúp họ lên kế hoạch cho những gì họ sẽ làm. Nhưng cuối cùng, chính Tổng thống Zelenskyy và các chỉ huy quân sự của ông mới là người quyết định những gì họ sẽ làm từ quan điểm quân sự, cũng như những gì họ sẽ làm với vũ khí mà họ đã nhận và đang sở hữu”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động cuộc xung đột Nga - Ukraine từ ngày 24/2/2022.

“Nga vẫn tiếp tục tiến hành một cuộc chiến tàn bạo, hoàn toàn vô cớ chống lại Ukraine, thực hiện nhiều cuộc không kích và bắn phá các thành phố trên khắp Ukraine. Đáp lại, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ cung cấp cho họ những khí tài mà họ cần để tự vệ", ông Kirby cho biết.

Chỉ tính riêng trong tháng 5, Nga đã tiến hành 17 cuộc không kích khác nhau nhằm vào Kyiv. Theo ông Kirby, các cuộc tấn công đã khiến nhiều dân thường bị thương và làm hư hại cơ sở hạ tầng dân sự trọng yếu của Ukraine.

Đây là gói viện trợ vũ khí thứ 39 của Mỹ cho Ukraine, nâng tổng viện trợ quân sự Washington dành cho Kyiv từ khi xung đột bùng phát tháng 2/2022 lên 37,6 tỷ USD.

Theo Lầu Năm Góc, gói viện trợ mới nhất bao gồm các loại vũ khí giúp Ukraine bảo vệ không phận của mình.

“Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với các đồng minh và đối tác của mình để đáp ứng cho Ukraine những nhu cầu trên chiến trường trước mắt cũng như nhu cầu hỗ trợ an ninh lâu dài”, Lầu Năm Góc tuyên bố.

Thông tin từ Lầu Năm Góc cho biết, gói viện trợ mới gồm đạn dược cho hệ thống phòng không Patriot, tên lửa phòng không AIM-7, tổ hợp phòng không tầm ngắn Avenger và tên lửa phòng không Stinger. Ngoài ra, một phần của gói này sẽ bao gồm các loại đạn dược sử dụng cho Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), đạn pháo 155mm và 105mm, đạn xe tăng 105mm và tên lửa không đối đất Zuni.

Các quân nhân của Lực lượng Vũ trang Ukraine di chuyển tên lửa FIM-92 Stinger do Mỹ sản xuất và các thiết bị hỗ trợ quân sự khác đến Sân bay Boryspil ở Kyiv, Ukraine, hôm 13/2/2022. (Ảnh: Sergei Supinsky/AFP/Getty Images)

Tại cuộc họp lần thứ 12 của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine, nhóm quy tụ 31 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và một số quốc gia khác, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết điều quan trọng là tăng cường năng lực phòng không của Ukraine.

“Một trong những yêu cầu cấp bách nhất của Ukraine là năng lực phòng không trên mặt đất", ông Austin cho biết.

Theo ông Lloyd Austin, ngoài việc cung cấp máy bay chiến đấu hiện đại cho Ukraine, Mỹ hiện đang tập trung vào việc cung cấp cho Ukraine “các hệ thống phòng không và vũ khí bổ sung”. Ông nói thêm rằng hệ thống phòng không “rất quan trọng” để “bảo vệ bầu trời và cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine khỏi các cuộc tấn công của Nga” .

“Và nhóm liên lạc này sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình để giúp Ukraine bảo vệ bầu trời. Trong những tuần gần đây, Nga đã tăng cường bắn phá các thành phố và cơ sở hạ tầng của Ukraine. Và sự tàn ác của Điện Kremlin chỉ nhấn mạnh nhu cầu của Ukraine về một cơ sở hạ tầng phòng không trên mặt đất mạnh mẽ hơn, nhiều lớp hơn”.

Lam Giang tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ công bố gói vũ khí mới trị giá 300 triệu USD cho Ukraine kèm lời cảnh báo