Mỹ tập trận ở Biển Đông giữa căng thẳng leo thang với Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ đang tiến hành các cuộc tập trận chung ở Biển Đông, trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Bắc Kinh sau sự cố Mỹ bắn hạ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc.

ThHôm Chủ nhật (12/2), Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ đóng quân tại Yokosuka, Nhật Bản, cho hay, nhóm tấn công tàu sân bay USS Nimitz và Đơn vị Viễn chinh Thủy quân lục chiến số 13 đã tiến hành "các hoạt động của lực lượng tấn công viễn chinh tổng hợp" ở Biển Đông.

Hạm đội 7 cho biết, các cuộc tập trận liên quan đến tàu chiến, lực lượng mặt đất và máy bay đã diễn ra từ thứ Bảy (11/2), nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết về thời điểm bắt đầu cuộc tập trận hoặc liệu cuộc tập trận này đã kết thúc hay chưa.

Chính quyền Trung Quốc không những tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, mà còn phản đối mạnh mẽ hoạt động quân sự của các quốc gia khác trên tuyến đường thủy đang tranh chấp này. Biển Đông là nơi vận chuyển hàng hóa trị giá 5 nghìn tỷ USD mỗi năm.

Mỹ không có lập trường chính thức nào về chủ quyền ở Biển Đông, nhưng nước này cho rằng quyền tự do hàng hải và hàng không cần được bảo vệ. Vài lần trong năm, Hoa Kỳ lại cho tàu của họ đi qua các tiền đồn kiên cố mà Trung Quốc dựng lên ở quần đảo Trường Sa. Các động thái như vậy của Washington luôn vấp phải sự phản đối quyết liệt của Bắc Kinh.

Hoa Kỳ cũng đang tăng cường liên minh quốc phòng với Philippines. Quốc gia này vẫn luôn phải đối mặt với sự xâm phạm các đảo và nghề cá của hải cảnh Trung Quốc và các hạm đội trên danh nghĩa dân sự nhưng do chính phủ Bắc Kinh hậu thuẫn.

Các cuộc tập trận của quân đội Mỹ đã được lên kế hoạch từ trước. Động thái này diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh càng trở nên trầm trọng hơn với cuộc khẩu chiến xuất phát từ việc Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu của Trung Quốc trên không phận Mỹ cách đây hơn một tuần.

Mỹ tuyên bố khí cầu không người lái có khả năng phát hiện và thu thập tín hiệu tình báo, nhưng Bắc Kinh khẳng định đây là khí cầu nghiên cứu thời tiết đã vô tình bay lệch khỏi quỹ đạo. Vụ việc đã khiến Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đột ngột hủy chuyến công du Bắc Kinh, chuyến đi nhằm xoa dịu căng thẳng giữa hai cường quốc.

Trung Quốc ban đầu bày tỏ sự hối tiếc ‘hiếm hoi’ về vụ việc, nhưng sau đó họ đã có những lời lẽ cứng rắn hơn khi cho rằng động thái của Mỹ là phản ứng thái quá và vi phạm các quy tắc quốc tế. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa từ chối nhận điện thoại của người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin để thảo luận về vấn đề này.

Hôm thứ Sáu (10/2), Mỹ đã liệt 6 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen xuất khẩu vì cho rằng các thực thể này đã hỗ trợ "các nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, đặc biệt là các chương trình hàng không vũ trụ của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) bao gồm khí cầu và khinh khí cầu".

Hơn nữa, Hạ viện Mỹ cũng bỏ phiếu thông qua việc lên án Trung Quốc “vi phạm trắng trợn” chủ quyền của Mỹ và nỗ lực “lừa dối cộng đồng quốc tế thông qua những tuyên bố sai sự thật về các chiến dịch thu thập thông tin tình báo của họ”.

Lầu Năm Góc cho rằng khí cầu bị bắn hạ là một phần của chương trình do thám quy mô lớn mà Trung Quốc đã tiến hành trong vài năm qua. Mỹ cũng khẳng định các khí cầu của Trung Quốc đã bay qua hàng chục quốc gia trên khắp 5 châu lục trong những năm gần đây.

Theo đó, chỉ sau khi theo dõi chặt chẽ vụ bắn rơi khinh khí cầu gần tiểu bang Nam Carolina, Mỹ mới biết thêm về chương trình khinh khí cầu do thám của Trung Quốc.

Trong thông cáo báo chí ngày 12/2, Hạm đội 7 cho biết hoạt động tập trận chung đã “thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ tại khu vực này, vốn hỗ trợ hòa bình và ổn định”.

“Là một lực lượng sẵn sàng phản ứng, chúng tôi hỗ trợ một loạt các nhiệm vụ bao gồm đưa lính thủy đánh bộ lên bờ, cứu trợ thảm họa nhân đạo và ngăn chặn những kẻ thù tiềm năng thông qua sức mạnh chiến đấu hiện tại và hữu hình", thông cáo của Hạm đội 7 cho biết.

Theo The Epoch Times

Thanh Hải biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ tập trận ở Biển Đông giữa căng thẳng leo thang với Trung Quốc