Mỹ trừng phạt các công ty Trung Quốc liên quan đến UAV và máy bay quân sự của Iran

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Ba (19/9), Mỹ đã công bố các lệnh trừng phạt mới đối với các công ty Trung Quốc, Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như những cá nhân mà họ cho là đang cung cấp thiết bị cho hoạt động phát triển máy bay không người lái (UAV) và máy bay quân sự của Iran.

Một công ty Trung Quốc và hai cá nhân nằm trong số những đối tượng bị trừng phạt. Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong một tuyên bố rằng Công ty TNHH Công nghệ Jiasibo Thâm Quyến đã hỗ trợ việc cung cấp các linh kiện có thể được sử dụng để sản xuất máy bay không người lái, chẳng hạn như hệ thống và cảm biến đo độ cao radar cấp hàng không vũ trụ cho đến Công ty Công nghiệp Sản xuất Máy bay Iran.

Ông Brian E Nelson, Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách vấn đề khủng bố và tình báo tài chính, cho biết: “Việc Iran tiếp tục phổ biến máy bay không người lái một cách có chủ ý đã cho phép Nga, các lực lượng ủy nhiệm của họ ở Trung Đông và các tác nhân gây bất ổn khác làm suy yếu sự ổn định toàn cầu”.

Ông nói: “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hành động chống lại mạng lưới mua sắm UAV của Iran và khuyến khích các khu vực pháp lý thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết để ngăn chặn việc xuất khẩu các linh kiện này sang Iran”.

Vào tháng 3, Bộ Tài chính Mỹ đã bổ sung 5 thực thể có trụ sở tại Trung Quốc cũng như một cá nhân vào Danh sách các công dân bị chỉ định đặc biệt và những người bị phong tỏa, cáo buộc họ phải "chịu trách nhiệm bán và vận chuyển hàng ngàn linh kiện hàng không vũ trụ" cho nhà sản xuất máy bay không người lái của Iran.

Theo chính quyền Washington, Iran đã sử dụng máy bay không người lái Shahed-136 do Công ty Công nghiệp Sản xuất Máy bay Iran chế tạo để tấn công các tàu chở dầu. Nó còn khẳng định rằng mẫu Shahed-136 đã được bán cho Nga và được sử dụng trong cuộc tấn công Ukraine.

Các thực thể Trung Quốc bị nhắm tới vào thời điểm đó là Công ty Máy móc Fuyang Koto Hàng Châu, Công ty Thương mại Quốc tế Raven, Công ty S&C Trade PTY, Công ty Công nghệ Caspro Thâm Quyến và Công ty Công nghệ Cao su và Nhựa Quế Lâm Alpha.

Hôm 19/9, Hoa Kỳ cũng đã nêu tên giám đốc và cổ đông kiểm soát của Guilin Alpha có trụ sở tại Trung Quốc, ông Dong Wenbo, và chủ sở hữu kiêm giám đốc điều hành của Thâm Quyến Jiasibo, ông Su Chunpeng

Cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ cũng xử phạt 3 cá nhân ở Iran, 3 doanh nghiệp ở Nga và 2 cá nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Kể từ khi chiến tranh Nga - Ukraine bắt đầu, Tehran thường xuyên phủ nhận việc gửi vũ khí tới Moscow. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi hôm 18/9 thừa nhận rằng Iran và Nga có mối quan hệ tốt đẹp trong lịch sử. Tuy nhiên, ông phủ nhận việc nước ông chuyển giao máy bay không người lái cho Nga để sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Iran sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết trong cuộc họp báo hôm 19/9: “Việc mua sắm, phát triển và phổ biến UAV của Iran gây bất ổn cho khu vực Trung Đông và hỗ trợ cuộc chiến vô cớ và phi lý của Nga chống lại Ukraine”.

“Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng mọi công cụ có sẵn để ngăn chặn những nỗ lực này và chúng tôi sẽ làm việc với các đồng minh và đối tác để buộc Iran phải chịu trách nhiệm về hành động của mình”.

Quốc hội Mỹ hôm 11/9 thông báo rằng chính quyền ông Biden đã ban hành quyền miễn trừ như một phần của thỏa thuận trao đổi tù nhân nhằm đảm bảo với các ngân hàng quốc tế rằng họ có thể chuyển 6 tỷ USD tài sản bị phong tỏa của Iran từ Hàn Quốc sang Qatar mà không phải chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ. Theo đó, việc miễn trừ áp dụng cho các ngân hàng và tổ chức tài chính ở Hàn Quốc, Đức, Ireland, Qatar và Thụy Sĩ.

Động thái này đã mở đường cho việc trả tự do cho 5 công dân Mỹ bị giam giữ ở Iran và trả tự do cho 5 công dân Iran bị giam giữ tại Hoa Kỳ.

Theo hãng tin AP, Ngoại trưởng Antony Blinken đã thông qua các lệnh miễn trừ trừng phạt hồi đầu tháng này. Việc này diễn ra một tháng sau khi các quan chức Mỹ và Iran đã thông qua một thỏa thuận về nguyên tắc.

Các quan chức Mỹ cho biết số tiền trị giá 6 tỷ USD này dự kiến ​​sẽ được dành cho việc mua sắm nhân đạo của Iran. Theo ông John Kirby, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, số tiền này "chỉ có thể được sử dụng để mua thực phẩm, thuốc men và thiết bị y tế không có mục đích lưỡng dụng (cho quân sự)”.

Iran và Nga đã xây dựng mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn kể từ khi Moscow tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Kyiv. Nhà Trắng cho biết sự hợp tác quân sự ngày càng tăng của hai nước trong việc bán vũ khí đang trực tiếp dẫn đến việc giết hại người dân Ukraine.

Nga và Trung Quốc cũng đã hình thành mối quan hệ đối tác “không giới hạn”, bao gồm hợp tác quân sự chiến lược. Trong suốt cuộc chiến, các công ty Trung Quốc, một số thuộc sở hữu nhà nước, đã nhiều lần bán vũ khí và các thiết bị quân sự khác cho Nga, mặc dù Nhà Trắng không tiết lộ liệu có bằng chứng cho thấy những hành động này là do các quan chức Bắc Kinh phối hợp hay không.

Các chuyên gia đã cảnh báo rằng các chế độ độc tài của Trung Quốc, Iran và Nga đang ngày càng phối hợp thành một khối quyền lực gắn kết, cố gắng làm suy yếu Mỹ và tái cấu trúc trật tự thế giới theo hình ảnh của chính họ.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ trừng phạt các công ty Trung Quốc liên quan đến UAV và máy bay quân sự của Iran