Bắc Kinh xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các đối thủ của Hoa Kỳ gồm Taliban, Iran và Nga

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dù Bắc Kinh chưa công nhận chính quyền Taliban ở Afghanistan, nhưng gã khổng lồ viễn thông Huawei của Trung Quốc đã bắt đầu làm việc với Taliban để lắp đặt các hệ thống truyền hình mạch kín tiên tiến tại Afghanistan. Ngoài ra, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) còn có mối quan hệ chặt chẽ với các đối thủ khác của Mỹ là Iran và Nga.

Trong những năm gần đây, có nhiều bằng chứng cho thấy ĐCSTQ đang sử dụng Hong Kong như “găng tay trắng” để có được công nghệ phương Tây và trốn tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ.

ĐCSTQ hợp tác với chính quyền Taliban

Huawei mới đây đã đồng ý giúp chính quyền Taliban lắp đặt hệ thống truyền hình mạch kín (CCTV) tiên tiến ở tất cả các tỉnh của Afghanistan. Vào ngày 14/8, người phát ngôn Bộ Nội vụ Afghanistan đăng trên X (tên mới của Twitter) rằng Thứ trưởng Bộ An ninh Abdullah Mukhtar đã gặp gỡ đại diện của Huawei ở Kabul. Bài đăng cũng dẫn lời đại diện của Huawei cho biết, Huawei đã chuẩn bị sẵn sàng để bắt đầu triển khai hoạt động tại Afghanistan dưới sự bảo vệ của chính quyền Taliban.

Hệ thống truyền hình mạch kín tại Afghanistan sẽ cho phép chính quyền Trung Quốc truy cập và sử dụng cơ sở dữ liệu nhận dạng khuôn mặt cho mục đích an ninh nội địa ở Trung Quốc đại lục. Thỏa thuận giữa Huawei và Taliban thể hiện tâm thái sẵn sàng của ĐCSTQ trong việc hợp tác với Taliban, nhằm giảm thiểu các mối đe dọa an ninh và bất ổn, đặc biệt là từ các tổ chức cực đoan như ISIS và Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM).

Hơn nữa, vào tháng 1 năm nay, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc - một doanh nghiệp nhà nước - đã ký thỏa thuận trị giá 540 triệu USD trong 3 năm với ông Mullah Abdul Ghani Baradar - Phó Thủ tướng phụ trách các vấn đề kinh tế của Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan - để tiến hành thăm dò dầu ở miền bắc Afghanistan. Tiếp đó, một công ty khác của Trung Quốc, Gochin, hồi tháng 4 đã bày tỏ rằng họ sẵn sàng đầu tư 10 tỷ USD vào việc phát triển các mỏ lithi (lithium) ở Afghanistan.

Giao dịch giữa Huawei với Iran thông qua Hong Kong

Ngay từ tháng 12/2018, Hong Kong đã dính líu đến vụ bà Mạnh Vãn Châu - Giám đốc tài chính của Huawei. Hoa Kỳ cáo buộc rằng Huawei đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ lên Iran khi bán hàng hóa do Mỹ sản xuất cho Iran thông qua một công ty có trụ sở tại Hong Kong tên là Skycom.

Các công tố viên Hoa Kỳ cáo buộc rằng, từ năm 2010 đến năm 2014, Skycom đã được sử dụng để che giấu các giao dịch của Huawei với Iran, và những thông tin sai sự thật của bà Mạnh đã lừa được nhiều ngân hàng chấp nhận phê duyệt các giao dịch mà vi phạm lệnh trừng phạt của Washington.

Năm 2012, Reuters từng điều tra được rằng Skycom vào cuối năm 2010 đã đề xuất xuất khẩu thiết bị máy tính từ công ty Hewlett-Packard của Mỹ cho nhà điều hành di động lớn nhất Iran là MCI.

Bất chấp các lệnh trừng phạt mà Hoa Kỳ áp đặt lên Iran, vào năm 2021, ĐCSTQ đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược trị giá 400 tỷ USD với Iran trong 25 năm, cho phép Trung Quốc mua dầu của Iran một cách ổn định. Ngoài ra, Trung Quốc đã tăng đáng kể dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực viễn thông, hải cảng, điện lực của Iran, cũng như vào các thành phố thông minh và mạng 5G tại nước này.

Bắc Kinh xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các đối thủ của Hoa Kỳ
Người dân đi ngang qua một cửa hàng Huawei, bên dưới tiệm Pizza Hut, ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 22/10/2020. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)

Doanh nghiệp Hong Kong bị trừng phạt vì hỗ trợ Iran

Vào tháng 6 năm nay, Mỹ đã công bố một danh sách trừng phạt nhằm vào các cá nhân và công ty đang bí mật hỗ trợ Iran phát triển tên lửa đạn đạo. Danh sách này bao gồm hơn mười cá nhân và tổ chức từ Iran, Trung Quốc và Hong Kong. Một trong những thực thể có liên quan là công ty vỏ bọc có tên Hong Kong Ke. Do International Trade Co Ltd. Giám đốc công ty này là Qin Xutong, mang hộ chiếu Trung Quốc và cũng là cổ đông của một công ty bị trừng phạt khác có tên Qingdao Zhongrong Tong Trade Development Co Ltd.

Vào tháng 7, Washington đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với một mạng lưới thương mại bị cáo buộc đang hỗ trợ Iran bán các sản phẩm dầu và hóa dầu, cũng như giúp Iran vận chuyển hàng hóa đến khu vực Đông Á, bao gồm Trung Quốc đại lục, sau khi các sản phẩm này được bán ra. Các thực thể có liên quan bao gồm 2 công ty vỏ bọc Hong Kong là: Lustro Industry Limited và Oligei International Trading Co., Limited.

Lượng chip Mỹ nhập khẩu vào Nga thông qua Hong Kong tăng 10 lần sau chiến tranh Nga - Ukraine

Các công ty Hong Kong vẫn luôn tiến rất xa trong việc lách các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tháng 2/2022, khi Nga xâm chiếm Ukraine, Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt lên Nga. Vào tháng 6 năm ngoái, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố các lệnh trừng phạt đối với nhiều thực thể hỗ trợ các hoạt động quân sự của Nga, bao gồm 4 công ty đăng ký tại Hong Kong, trong đó có World Jetta và Winninc Electronic.

Vào tháng 4 năm nay, Nikkei Asia đưa tin rằng Agu Information Technology - một công ty được đăng ký tại Hong Kong - đã thực hiện 6 giao dịch với công ty Mistral của Nga từ tháng 9 đến tháng 12/2022, liên quan đến hơn 60.000 vi mạch Intel, bao gồm cả các bộ vi xử lý có giá 13.000 USD mỗi bộ.

Ngoài ra, dữ liệu hải quan Nga tiết lộ rằng, từ ngày 24/2/2022 - khi Nga bắt đầu đổ quân vào Ukraine - cho đến ngày 3/12/2022, gần 70% lượng chất bán dẫn có giá trị cao nhập khẩu vào Nga đã được xác định là sản phẩm của các nhà sản xuất chip Hoa Kỳ, và khoảng 75% trong số này được xuất khẩu từ Trung Quốc đại lục hoặc Hong Kong sang Nga. Tổng số tiền giao dịch liên quan là khoảng 570 triệu USD, cao hơn khoảng 10 lần so với năm 2021. Nhiều công ty xuất khẩu là doanh nghiệp vừa và nhỏ; một số được thành lập sau khi Nga tấn công Ukraine.

Không còn ‘một quốc gia, hai chế độ’

Ngày 9/8, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp, trong đó cấm các công ty, công dân và thường trú nhân Hoa Kỳ đầu tư vào các công ty trí tuệ nhân tạo (AI), chất bán dẫn và công nghệ thông tin lượng tử của Trung Quốc. Hong Kong và Ma Cao cũng được đưa vào danh sách bị áp đặt những hạn chế này.

Theo Tòa Bạch Ốc, tổng thống Mỹ chọn cấm 3 lĩnh vực nêu trên vì chúng rất quan trọng đối với sự phát triển quân sự, tình báo, giám sát và không gian mạng.

Sắc lệnh của ông Biden yêu cầu các doanh nghiệp Hoa Kỳ phải báo cáo định kỳ cho chính phủ Hoa Kỳ về các khoản đầu tư của họ vào Trung Quốc, Hong Kong và Ma Cao, ngay cả khi các công ty này không tham gia các lĩnh vực công nghệ nhạy cảm.

Nhà bình luận chính trị Đường Tịnh Viễn (Tang Jingyuan) - hiện đang sống ở Hoa Kỳ - cho rằng sắc lệnh mới sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài tại Hong Kong cân nhắc đến việc rút khỏi nơi này, gây ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế và công nghệ của Hong Kong. Không giống như các lệnh trừng phạt trước đây ngăn cản người mua hàng, lần này, các lệnh trừng phạt của Mỹ tập trung vào việc "ngăn cản người sản xuất", nghĩa là nếu không có dòng vốn đầu tư, nhân tài sẽ không hội tụ tại nơi đó, đổi mới sẽ không xảy ra, và thành công trước đây của Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính công nghệ cao thông qua đầu tư nước ngoài sẽ giảm dần, cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến Hong Kong.

Lý do khiến Hong Kong bị Hoa Kỳ đối xử giống như Trung Quốc đại lục là: sau khi ĐCSTQ ban hành Luật An ninh Quốc gia Hong Kong vào năm 2020, Tổng thống Hoa Kỳ khi đó là ông Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp vào ngày 14/7 cùng năm. Sắc lệnh đã chấm dứt đặc quyền của Hong Kong về thuế quan, quan hệ kinh tế và khả năng tiếp cận các công nghệ nhạy cảm; ngụ ý rằng tình trạng "một quốc gia, hai chế độ" của Hong Kong không còn được Washington công nhận.

Mỹ vào thời điểm đó tuyên bố rằng “Hong Kong không còn được hưởng quyền tự trị mức độ cao và do đó, không còn được tiếp tục đối xử đặc biệt, khác biệt với Trung Quốc”.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các đối thủ của Hoa Kỳ gồm Taliban, Iran và Nga