Nga cạn nguồn đạn dược, muốn đổi lương thực lấy vũ khí Triều Tiên?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhà Trắng cho rằng Nga đang "tìm kiếm thêm vũ khí từ Triều Tiên" để sử dụng ở Ukraine, bằng cách gợi ý cung cấp lương thực cho nước này.

Đó là cáo buộc mới nhất nhắm vào Nga, nước khao khát vũ khí và bị hạn chế bởi các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu. Chính quyền Moscow đang tìm đến những quốc gia “thân thiện” để giúp nước này tiếp tục cuộc chiến đã kéo dài 13 tháng ở Ukraine.

“Là một phần của thỏa thuận, Nga sẽ nhận được hơn 20 loại vũ khí và đạn dược từ Bình Nhưỡng”, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết hôm thứ Năm (30/3). “Chúng tôi cũng biết rằng Nga đang tìm cách cử một phái đoàn đến Triều Tiên giúp cung cấp lương thực cho nước này để đổi lấy đạn dược”.

Các chuyên gia tin rằng tình hình lương thực ở Triều Tiên đang ở mức tồi tệ nhất trong suốt 11 năm cầm quyền của ông Kim Jong Un nhưng không thấy có dấu hiệu sắp xảy ra thảm hoạ chết đói hàng loạt. Truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin hồi đầu tháng này rằng ông Kim đã cam kết tăng cường kiểm soát nhà nước đối với nông nghiệp và thực hiện một loạt các bước khác để tăng sản lượng ngũ cốc.

Hồi tháng 2, Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken, cho biết tình báo Mỹ đánh giá rằng Trung Quốc đang xem xét cung cấp vũ khí và đạn dược cho Nga, mặc dù các quan chức Nhà Trắng cho biết họ chưa thấy bằng chứng về việc Bắc Kinh thực hiện điều đó.

Năm ngoái, có thông tin cho rằng Đại sứ Nga tại Bình Nhưỡng Alexander Matsegora gợi ý Triều Tiên có thể gửi công nhân đến hai vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát ở miền đông Ukraine để giúp xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị chiến tranh tàn phá.

Ông Matsegora cho biết có “rất nhiều cơ hội” hợp tác kinh tế giữa Triều Tiên và các nước Cộng hòa nhân dân tự xưng ở Donetsk và Luhansk tại vùng Donbas của Ukraine, bất chấp lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Trước đó vào hôm thứ Năm (30/3), Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ đã công bố các lệnh trừng phạt đối với một công dân Slovakia, Ashot Mkrtychev, với cáo buộc ông này đã cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch vũ khí giữa Nga và Triều Tiên.

Ông Kirby cho biết Mkrtychev là trung tâm của thỏa thuận mới chưa được hoàn thành giữa Triều Tiên và Nga. Ông nói thêm rằng Mỹ không có bằng chứng cho thấy Mkrtychev có liên quan đến việc chuyển giao vũ khí trước đó cho Tập đoàn Wagner của Nga. Lính đánh thuê Wagner hiện đang chiến đấu trong trận chiến kéo dài nhiều tháng ở thành phố Bakhmut miền đông Ukraine.

Từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, Bộ Tài chính cho biết Mkrtychev đã làm việc với các quan chức Triều Tiên để mua hơn 20 loại vũ khí và đạn dược cho Nga, đổi lại máy bay thương mại, nguyên liệu thô và hàng hóa sẽ được gửi đến Triều Tiên. Mkrtychev đã làm việc với một công dân Nga để tìm máy bay thương mại chuyển hàng hóa đến Triều Tiên trong cuộc trao đổi.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết: “Nga đã mất hơn 9.000 thiết bị quân sự hạng nặng kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Và một phần nhờ các biện pháp trừng phạt đa phương và kiểm soát xuất khẩu, ông Putin ngày càng mong muốn thay thế chúng... Các kế hoạch như thỏa thuận vũ khí mà ông ta theo đuổi cho thấy Putin đang chuyển sang tìm kiếm các nhà cung cấp vũ khí như Iran và Triều Tiên".

Bất kỳ thỏa thuận vũ khí nào với Nga sẽ vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc cấm Triều Tiên xuất khẩu hoặc nhập khẩu vũ khí từ các quốc gia khác.

Triều Tiên là quốc gia duy nhất ngoài Nga và Syria công nhận nền độc lập của các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát, Donetsk và Luhansk, ở miền đông Ukraine.

Việc Nga công khai nỗ lực mua vũ khí từ Triều Tiên chỉ là ví dụ mới nhất về việc chính quyền Biden nới lỏng các hạn chế đối với các phát hiện tình báo và công khai chúng trong suốt cuộc chiến ở Ukraine.

Chính quyền Biden trước đó đã giải mật thông tin tình báo để đưa ra bằng chứng cho thấy Iran đã bán hàng trăm máy bay không người lái tấn công cho Nga trong mùa hè. Hay như việc Tập đoàn Wagner, một công ty quân sự tư nhân của Nga, đã nhận vũ khí từ Triều Tiên để giúp củng cố lực lượng của họ khi chiến đấu bên cạnh quân đội Nga tại Ukraine.

Washington cho biết họ đã tìm cách phổ biến phát hiện tình báo mới để các đồng minh và công chúng hiểu rõ về ý định của Moscow và để Tổng thống Nga Vladimir Putin suy nghĩ kỹ về hành động của mình.

Mỹ nhiều lần cáo buộc Triều Tiên cung cấp vũ khí cho Nga. Tình báo Mỹ hồi tháng 9/2022 cho rằng Nga đang tìm mua hàng triệu quả đạn pháo và rocket từ Triều Tiên do "thiếu hụt nguồn cung trầm trọng". Nhà Trắng cuối tháng 12/2022 tuyên bố "Triều Tiên đã hoàn tất đợt chuyển giao vũ khí đầu tiên cho nhóm Wagner".

Triều Tiên và Nga khi đó đều bác bỏ cáo buộc. Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia nói thông tin của tình báo Mỹ là "tin giả", trong khi ông chủ Wagner Yevgeny Prigozhin tuyên bố đây là "tin đồn và phỏng đoán". Bình Nhưỡng cáo buộc Mỹ "cố gắng bôi nhọ hình ảnh của Triều Tiên bằng cách vẽ ra những thứ không tồn tại", gọi đây là "động thái gây hấn nghiêm trọng".

Phương Tây gần đây nhiều lần cho rằng Nga thiếu đạn dược, tên lửa và các loại khí tài khác trong xung đột với Ukraine. Giới chức Nga bác thông tin này, đồng thời tuyên bố các doanh nghiệp quốc phòng của họ đang tăng năng suất chế tạo một số loại đạn dược và vũ khí để đáp ứng nhu cầu từ quân đội.

Trong khi đó, Ukraine cũng đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược và vũ khí. Tổng thư ký NATO thừa nhận chiến Ukraine đang tiêu thụ lượng lớn đạn dược, vượt quá năng lực sản xuất của các thành viên liên minh và làm cạn kiệt nhiều kho dự trữ.

Viên Minh (Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Nga cạn nguồn đạn dược, muốn đổi lương thực lấy vũ khí Triều Tiên?