Bình luận: Nhìn nhận nguyên nhân cái chết đột ngột của Lý Khắc Cường từ góc độ lịch sử của các chế độ toàn trị

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 27/10, tin tức về cái chết bất ngờ của ông Lý Khắc Cường, cựu Thủ tướng Quốc vụ viện Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã gây chấn động trong và ngoài nước. Đa số cho rằng đó là điều “không thể tin được”, có người cho rằng nguyên nhân cái chết đột ngột của ông Lý khá đáng ngờ, có thể là “bị chết”.

Bác sĩ Đài Loan Thái Y Tranh (Tsai I-Chen) cho rằng ở vị trí đặc biệt của Lý Khắc Cường, “đột tử vì đau tim” sẽ là không hợp lý nếu xét theo tiêu chuẩn y tế ngày nay. Ông Thái nói: “Về phần lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ, việc ‘xử lý’ nhân vật số 2 đã được truyền qua nhiều thế hệ. Mao Trạch Đông đã xử lý Lâm Bưu - người được cho là người kế nhiệm ông, Mao Trạch Đông cũng không cho Chu Ân Lai - người đã giúp ông giữ được một nửa giang sơn - điều trị ung thư bàng quang, đều là như vậy".

Ông Akio Yaita, Giám đốc chi nhánh Đài Bắc tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản, cũng đăng trên Facebook rằng cá nhân ông rất bất ngờ trước cái chết đột ngột của Lý Khắc Cường. Bởi vì các nhà lãnh đạo đã nghỉ hưu của ĐCSTQ nằm trong số những nhóm khỏe mạnh nhất và sống lâu nhất trên thế giới. Mỗi người đều có đội ngũ y tế riêng để chăm sóc chu đáo 24 giờ. Sau thời Giang Trạch Dân, cái chết đột ngột của các cựu lãnh đạo ĐCSTQ hiếm khi xảy ra.

Xét theo lịch sử của các hệ thống toàn trị, cái chết của Lý Khắc Cường quả thực là bất thường và phù hợp với quy luật “bị chết” trong các hệ thống toàn trị.

Đối với một hệ thống toàn trị, quyền lực tập trung vào kẻ độc tài, trong khi kẻ độc tài độc đoán và chuyên quyền, hắn luôn sợ mất quyền lực và sợ sự xuất hiện của những kẻ thách thức. Kẻ độc tài càng thiếu năng lực thì càng sợ sự xuất hiện của những kẻ thách thức mạnh hơn mình, quyền lực cực lớn và sự kém cỏi trong tâm tạo thành một mâu thuẫn lớn, khiến những kẻ độc tài luôn sống trong lo sợ . Do đó, những kẻ độc tài trong các hệ thống toàn trị thường có tâm lý khác thường, hay ngờ vực, đa nghi và mất đi lý trí bình thường nên sẽ thanh trừng những kẻ không trung thành hoặc kẻ thách thức tiềm tàng.

Những tình huống tương tự đã xảy ra trong suốt lịch sử của các hệ thống toàn trị.

Stalin, nhà độc tài đa nghi và hay thay đổi của Đảng Cộng sản Liên Xô, đã phát động một cuộc thanh trừng khủng khiếp vào năm 1937. Hầu hết các đảng viên cao cấp nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô đều bị kết án tử hình, và gần một nửa số đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô bị xử tử. Đặc biệt là trong quân đội, hầu như tất cả sĩ quan của Hồng quân Liên Xô đã bị tiêu diệt. Việc Stalin liên tục loại bỏ những người xung quanh khiến mọi người sợ hãi đến mức Lavrenty Beria, Nikita Khrushchev và những người khác đã nhất trí chờ đợi mà không gọi nhân viên cấp cứu khi Stalin lâm bệnh, chờ cho đến khi Stalin qua đời.

Sau khi Mao Trạch Đông, lãnh đạo ĐCSTQ, thất bại trong việc phát động "Đại nhảy vọt" và làm chết đói 37,5 triệu người Trung Quốc, để duy trì “địa vị lãnh đạo” của mình, ông ta đã chỉnh đốn và giết hại dã man Lưu Thiếu Kỳ, người từng được ông ta chỉ định làm người kế nhiệm. Thời đó, Lưu Thiếu Kỳ chỉ đứng sau Mao Trạch Đông và là nhân vật số 2 trong ĐCSTQ.

Trong thời kỳ Đức Quốc xã, Nguyên soái Đức Quốc xã Erwin Rommel, người được Bộ Tuyên truyền Đức Quốc xã miêu tả là "Cáo sa mạc" và "Đại bàng hoàng gia", đã bị Hitler hạ lệnh phải uống thuốc độc để tự sát vào ngày 14/10/1944.

Đánh giá từ dữ liệu lịch sử, lúc đó Hitler biết Rommel vẫn trung thành với mình và không thể tham gia vào vụ mưu sát nào. Tuy nhiên, Hitler biết rằng Rommel có uy tín cao ở cả trong và ngoài nước. Ở Đức, Rommel là "Thần chiến tranh" trong mắt lính Đức Quốc xã và là "anh hùng" trong mắt người dân Đức.

Theo khảo sát dư luận Mỹ, Rommel là người Đức nổi tiếng nhất sau Hitler. Ở nước ngoài, vì Rommel phản đối chính sách diệt chủng của Hitler đối với người Do Thái, không giết người vô tội một cách bừa bãi và đối xử nhân đạo với tù binh Anh nên ông đã giành được sự công nhận của các quốc gia phương Tây như Anh, Mỹ.

Nhiều học giả sau này cho rằng ở Đức Quốc xã, Rommel là một nhà lãnh đạo tinh thần, nhiều tướng lĩnh quân đội thà không tuân lệnh Hitler nhưng lại nguyện ý nghe theo Rommel. Nếu âm mưu ám sát Hitler thành công, các thủ lĩnh kháng chiến Đức hy vọng rằng vị cứu tinh chấm dứt chiến tranh và ngăn chặn nội chiến sẽ không ai khác chính là Rommel.

Sau khi Rommel uống thuốc độc tự sát, Đức Quốc xã chính thức tuyên bố ông chết vì bệnh tim, Hitler cũng ra lệnh tổ chức tang lễ cấp nhà nước hoành tráng để thương tiếc Rommel và công bố cáo phó ca ngợi thành tích của ông.

Có một sự việc về ông Tập Cận Bình được lan truyền khá rộng rãi ngày nay là ông ấy chỉ có trình độ tiểu học, trong khi đó ông Lý Khắc Cường thực sự tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh với bằng luật và kinh tế. Hơn nữa, Lý Khắc Cường đã nhiều lần phát biểu trái ngược với các chính sách của Tập Cận Bình. Tập Cận Bình muốn quay trở lại con đường cũ nên đã lấy Mao Trạch Đông làm lá chắn để tạo tính hợp pháp cho sự khuynh tả của mình, nhưng Lý Khắc Cường luôn nhấn mạnh đến cải cách, mở cửa.

Vào tháng 3/2020, trong bối cảnh chính quyền ĐCSTQ tuyên truyền về việc bước vào một xã hội khá giả, ông Lý Khắc Cường đã tiết lộ sự thật trong Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng, 600 triệu người dân Trung Quốc có thu nhập hàng tháng chỉ 1.000 nhân dân tệ. Tuyên bố này khiến dư luận bàng hoàng.

Vào tháng 8/2022, khi Lý Khắc Cường đặt vòng hoa trước tượng nhà lãnh đạo cải cách kinh tế Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, ông đã thề: “Cải cách và mở cửa sẽ không dừng lại, sông Trường Giang và sông Hoàng Hà sẽ không chảy ngược”. Vào tháng 3 năm nay khi rời nhiệm sở, ông Lý Khắc Cường nói: "Người đang làm, Trời đang nhìn, ông Trời có mắt", v.v, dường như muốn nhắm vào điều gì đó.

Trong nội bộ ĐCSTQ, do Tập Cận Bình liên tục tiêu diệt những người bất đồng chính kiến ​​thông qua chống tham nhũng nên nhiều người trong đảng không dám lên tiếng. Tập Cận Bình dùng áp lực cao để kiểm soát chặt chẽ dư luận nhằm ngăn chặn tiếng nói phản đối của người dân. Ông còn không ngừng đi lùi, gây hấn với bên ngoài, gây thù khắp nơi, rải tiền khắp nơi, dẫn đến việc vốn nước ngoài tháo chạy khỏi Trung Quốc, các doanh nghiệp tư nhân sụp đổ, cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước ngày càng sâu sắc và tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục gia tăng. Sự kém cỏi, thiếu hiểu biết cùng những hành động chuyên quyền, độc đoán của ông ta đã khiến cả quan chức ĐCSTQ lẫn người dân Trung Quốc khốn khổ.

Sau khi Tập Cận Bình loại bỏ các phe phái và củng cố quyền lực tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, ông cho rằng mình đã nắm được quyền lực to lớn. Tuy nhiên, danh tiếng của Lý Khắc Cường trong nội bộ ĐCSTQ và trong nhân dân cao hơn Tập Cận Bình rất nhiều. Tập Cận Bình không thể không nhận ra rằng hiện tại, không ai trong số các thành viên Bộ Chính trị của ĐCSTQ có danh tiếng có thể sánh bằng Lý Khắc Cường. Nếu lực lượng chống Tập công khai thách thức Tập Cận Bình, hiện tại người duy nhất trong ĐCSTQ có thể được các bên công nhận là Lý Khắc Cường.

Một số cư dân mạng cho rằng: “Dư luận nghiêng về ông Lý nhiều hơn ông Tập, làm sao có thể để ông ta tồn tại được”.

Bác sĩ Đài Loan Thái Y Chanh cho rằng, Lý Khắc Cường luôn được coi là người quan tâm đến kinh tế nhiều hơn, đồng thời cũng là nguồn hy vọng quan trọng cho nhiều người vẫn còn ôm hy vọng vào Trung Quốc, vì họ hy vọng rằng ông sẽ thay đổi được vận mệnh quốc gia đang suy thoái dưới thời Tập Cận Bình cai trị Trung Quốc. Trong bối cảnh kinh tế trượt dốc, Lực lượng Tên lửa bị thanh trừng, các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao bị loại bỏ, rất có khả năng ông Tập Cận Bình căm ghét "những tiếng rì rầm" và đã rơi vào trạng thái đa nghi và thanh trừng của thời kỳ Stalin.

Theo Lý Ngọc Thanh - The Epoch Times

Lý Ngọc biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Nhìn nhận nguyên nhân cái chết đột ngột của Lý Khắc Cường từ góc độ lịch sử của các chế độ toàn trị