Sẽ nổ ra một cuộc chiến giữa Trung Quốc và Nhật Bản?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang ở mức thấp nhất trong 50 năm. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cáo buộc Trung Quốc xâm phạm thô bạo chủ quyền của Nhật và làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Giờ đây, khi hai nước tranh giành ảnh hưởng ở Đông Á và hơn thế nữa, một số nhà bình luận lo ngại rằng chiến tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản là điều rất có thể xảy ra.

Đã 50 năm kể từ khi Trung Quốc và Nhật Bản bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Sau đó, thật đáng tiếc là lòng căm thù Nhật Bản dường như lại gia tăng ở Trung Quốc. Theo cuộc thăm dò do một tổ chức tư vấn Nhật Bản và một nhà xuất bản Trung Quốc tiến hành, khoảng 66% công dân Trung Quốc có ấn tượng xấu về người Nhật và 90% người Nhật có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc.

Trong nhiều năm, Tokyo và Bắc Kinh xung đột về quần đảo Senkaku (được Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư) do Nhật Bản kiểm soát và Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Dù Nhật Bản kiểm soát các đảo không có người ở này từ năm 1895, nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) luôn không ngừng thách thức quyền kiểm soát của Nhật Bản. Tại sao? Bởi vì xung quanh các đảo có trữ lượng khí đốt có khả năng sinh lợi cao. Vào tuần cuối cùng của tháng 11, một số tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc, trong đó có một tàu trang bị súng 76 mm, đã xuất hiện ở gần các đảo không người ở này.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản, một khu vực mà Nhật Bản, một quốc gia có chủ quyền, có quyền tài phán đối với các nguồn tài nguyên.

cuộc chiến giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Nhật Bản, Trung Quốc đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc cùng các tàu khác xuất hiện trong “cuộc tập trận thực chiến” trên Biển Hoa Đông vào ngày 23/04/2018. Màn phô trương lực lượng này của Bắc Kinh ở vùng biển tranh chấp đã khiến các nước láng giềng nổi giận. (Ảnh: AFP qua Getty Images)

Căng thẳng leo thang

Đáng lo ngại hơn là ở Trung Quốc, bầu không khí đã trở nên tồi tệ đến mức ngay cả những dấu hiệu nhỏ nhất của văn hóa Nhật Bản cũng bị tấn công. Vào tháng 8, một phụ nữ trẻ, theo những hãng tin đáng tin cậy, đã bị bắt, bị giam giữ trong nhiều giờ và bị buộc tội gây rối. Tội của cô gái này là gì? Mặc một bộ kimono Nhật Bản và chụp ảnh trên đường phố ở Tô Châu, một thành phố phía tây Thượng Hải.

Ba ngày sau khi các sĩ quan cảnh sát nhắm mục tiêu vào người phụ nữ trẻ, ông Akiba Takeo, người đứng đầu Ban thư ký An ninh Quốc gia Nhật Bản, đã bay tới Trung Quốc để gặp ông Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), cố vấn đối ngoại cấp cao của ĐCSTQ. Hai bên thảo luận về việc ĐCSTQ đe dọa Đài Loan và về các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc trên vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Các cuộc thảo luận, theo nhiều nguồn tin, đã diễn ra hết sức căng thẳng. Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, ông Dương nói với ông Takeo rằng “vấn đề Đài Loan liên quan đến nền tảng chính trị của mối quan hệ Trung - Nhật và lòng tin cơ bản cũng như thiện chí giữa hai nước”. Nói cách khác, Nhật Bản phải tán thành nguyên tắc “một Trung Quốc”. Để làm rõ quan điểm của mình, ông Dương nói thêm, “Nhật Bản nên… hình thành nhận thức đúng đắn về Trung Quốc, theo đuổi chính sách tích cực, thực tế và hợp lý về Trung Quốc, đồng thời duy trì định hướng đúng đắn trong xây dựng hòa bình”.

Không giống như nhiều quốc gia khác, Nhật Bản không công nhận tuyên bố của ĐCSTQ về “quyền sở hữu” Đài Loan. Ông Shinzo Abe, thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản, người bị ám sát vào tháng 07/2022, đã đóng vai trò quan trọng trong việc thắt chặt quan hệ giữa Đài Bắc và Tokyo. Theo một bài viết trên CFR, trước khi ông Abe trở thành thủ tướng, “các quan chức Nhật Bản rất không thoải mái khi bàn về khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực để chống lại Đài Loan, về tác động của một động thái như vậy đối với an ninh Nhật Bản, cũng như về cách Nhật Bản cần phản ứng trước một kịch bản như vậy”. Tuy nhiên, ông Abe đã nhận ra mối đe dọa từ Bắc Kinh. Ông bắt đầu định hướng lại chính sách của Nhật Bản đối với quốc đảo. Hơn nữa, ông bắt đầu “công khai nhấn mạnh các giá trị chung giữa Nhật Bản và Đài Loan”, đề cập đến chính phủ Đài Loan như một “đối tác quan trọng” và một “người bạn quý giá”.

Ông Abe đã ra đi, nhưng di sản của ông vẫn còn đó. Người dân Đài Loan thực sự yêu mến người Nhật Bản. Một cuộc thăm dò được thực hiện bởi một tổ chức nghiên cứu cho thấy 60% người Đài Loan hiện coi Nhật Bản là quốc gia nước ngoài yêu thích của họ; 70% số người được hỏi, một mức cao kỷ lục, đánh giá quan hệ Đài Loan - Nhật Bản đang ở trạng thái tốt đẹp. Hơn ¾ người Đài Loan nói rằng họ cảm thấy gần gũi với Nhật Bản.

Mối quan hệ chặt chẽ giữa Đài Loan và Nhật Bản có thể giải thích cho thái độ chống Nhật của người dân Trung Quốc. Một mối quan hệ thân thiết khác, mối quan hệ giữa Tokyo và Washington, cũng khiến Bắc Kinh tức giận. Trong con mắt của ĐCSTQ, bạn của Hoa Kỳ mặc định là kẻ thù của ĐCSTQ. Thực tế này được Nhật Bản và Hoa Kỳ, hai quốc gia vốn nhận biết được mối nguy hiểm do các quan chức chuyên quyền ở Bắc Kinh gây ra, nhìn nhận một cách nghiêm túc.

Nhật Bản là thành viên của Đối thoại An ninh Tứ giác (QSD), còn gọi là QUAD, một sáng kiến chiến lược mà ông Abe lần đầu tiên đưa ra vào năm 2007. Các thành viên khác bao gồm Úc, Ấn Độ và Hoa Kỳ. Năm 2007, QUAD gặp trục trặc khi ông Kevin Rudd, khi đó là Thủ tướng Úc, trở nên lo lắng về căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. QUAD bị đóng băng cho đến năm 2017, khi ông Abe, ông Malcolm Turnbull (Thủ tướng Úc lúc bấy giờ), ông Narendra Modi (Thủ tướng Ấn Độ), và ông Donald Trump (Tổng thống Mỹ) quyết định hồi sinh liên minh. Trong 5 năm kể từ khi nhóm tái hợp, phần lớn cuộc đối thoại tập trung vào Trung Quốc; cụ thể hơn là vào các hoạt động của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Có vẻ như Nhật Bản kiên quyết cam kết chống lại mối đe dọa từ chính quyền Bắc Kinh. Nhưng người Nhật không thể làm điều đó một mình. QUAD phải duy trì sức mạnh, đặc biệt là hiện nay khi trục Trung Quốc - Nga - Iran mới nổi đang cố gắng hết sức để tạo ra trật tự thế giới mới. Khi trục này phát triển mạnh mẽ, chúng ta sẽ phải chứng kiến nhiều “tội ác và bất hạnh” hơn nữa.

Trong ngắn hạn, một cuộc chiến giữa các quốc gia Đông Á là khó xảy ra. Tuy nhiên, nếu các mối quan hệ tiếp tục xấu đi, không nên loại trừ khả năng chiến tranh sẽ nổ ra trong tương lai.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch

Tác giả John Mac Ghlionn là nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Bài viết của ông được đăng trên nhiều tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US, và những tờ báo uy tín khác. Ông chuyên viết về tâm lý và quan hệ xã hội, rất quan tâm đến các rối loạn chức năng xã hội và thao túng truyền thông.



BÀI CHỌN LỌC

Sẽ nổ ra một cuộc chiến giữa Trung Quốc và Nhật Bản?