Nhật Bản lên tiếng về hành vi của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 29/7, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi lên tiếng báo động về hành vi của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhân chuyến thăm Washington. ÔNg nói rằng 'logic của vũ lực' đang có trọng lượng hơn là 'pháp quyền' ở khu vực này.

Trong bài phát biểu tại một cơ quan nghiên cứu của Washington hôm 29/7, ông Hayashi đề cập đến cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và kêu gọi ngăn các hành động như thế xảy ra ở nơi khác. Ông cho hay, cần phải dập tắt cuộc xâm lược trên như một ‘thất bại rõ ràng’, bằng không các quốc gia khác sẽ cố gắng thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực.

Đề cập đến các chuyến bay chung của máy bay ném bom Trung Quốc và Nga gần Nhật Bản vào hồi tháng 5, ông Hayashi nói sự phối hợp quân sự mạnh mẽ hơn giữa Trung Quốc và Nga đang nổi lên như một mối quan ngại về an ninh.

Ngoại trưởng Nhật tuyên bố tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở thủ đô Mỹ rằng: “Chúng ta đang đứng ở ngã ba lịch sử, đầy ắp cảm giác khủng hoảng". “Chúng ta đang đối mặt thời khắc bước ngoặt".

“Thậm chí trong khu vực này, ‘logic của vũ lực’ đang có trọng lượng hơn so với ‘pháp quyền’ và cân bằng chiến lược trong khu vực ngày càng là một thách thức đối với Nhật Bản và Hoa Kỳ”, Ngoại trưởng Nhật nói, đề cập đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ông Hayashi nói “những nỗ lực đơn phương đang diễn ra nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng bức ở Biển Hoa Đông và Biển Đông” là mối quan tâm ngày càng tăng. Đồng thời ông nhắc tới căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc với Đài Loan khi nói rằng sự ổn định trên eo biển Đài Loan là ‘cực kỳ quan trọng’.

Trong khi liên tục nhấn mạnh các mối đe dọa do Trung Quốc gây ra, ông Hayashi phần lớn tránh nhắc tên nước này, nhưng nói rằng điều cần thiết là duy trì một ‘cuộc đối thoại thẳng thắn, cấp cao’ với Bắc Kinh. Đồng thời, ông nói rằng việc hợp tác với Trung Quốc cũng rất quan trọng về một vài phương diện, chẳng hạn như về biến đổi khí hậu và vấnd đề Triều Tiên.

Ông Hayashi cho biết nhu cầu cấp thiết là phải tăng cường khả năng răn đe và phản ứng của liên minh Nhật-Mỹ và cho biết chính quyền Tokyo có kế hoạch tăng đáng kể ngân sách quốc phòng và tăng cường cơ bản khả năng quốc phòng trong vòng 5 năm.

Ông Hayashi đang ở Washington để khởi động một cuộc đối thoại kinh tế “hai cộng hai” mới với Hoa Kỳ, nhấn mạnh cần tính tới tất cả các giải pháp, bao gồm cả ‘khả năng phản công’, và tăng cường khả năng phòng thủ công nghệ cao.

Ông cũng nói điều quan trọng là phải củng cố sự tin tưởng về khả năng răn đe mở rộng của Hoa Kỳ - ám chỉ đến chiếc ô vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ bảo vệ các đồng minh gồm cả Nhật Bản - trong khi kêu gọi Trung Quốc, nước mà ông nói đang ‘nhanh chóng xây dựng lực lượng hạt nhân trong tình trạng không minh bạch’ tham gia vào các nỗ lực giảm thiểu rủi ro hạt nhân.

Nhật Bản thảo luận về việc chuẩn bị cho xung đột trong chuyến thăm hiếm hoi tới Đài Loan

Trong một động thái khác, một phái đoàn cấp cao của Nhật Bản đã đến thăm Đài Loan để thảo luận về việc chuẩn bị cho các cuộc xung đột tiềm tàng khi hòn đảo tự quản này đang chịu áp lực quân sự gia tăng từ Bắc Kinh, Văn phòng Tổng thống Đài Bắc cho hay hôm 28/7.

“Chúng ta cần suy nghĩ trước nhất về một loạt tình huống có khả năng xảy ra”, ông Shigeru Ishiba, nhà lập pháp và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, cho biết trong cuộc gặp với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn vào hôm 28/7. “Sau đó là các đạo luật và thỏa thuận nào mà chúng ta nên chuẩn bị, cũng như loại lực lượng vũ trang nào chúng ta có thể sử dụng để giải quyết các tình huống đó".

"Chúng ta cần phối hợp cùng nhau để đạt được sự đồng thuận về điều này trước mọi tình huống có khả năng xảy ra", ông Ishiba nói tại Văn phòng Tổng thống Đài Bắc.

Ông Ishiba dẫn đầu phái đoàn lưỡng đảng gồm các nhà lập pháp Nhật Bản đã đến Đài Loan vào ngày 27/7 trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày. Chuyến đi tập trung thảo luận về an ninh khu vực, điều mà nhà lập pháp Nhật Bản mô tả là “hiếm gặp”.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên eo biển Đài Loan khi Bắc Kinh tăng cường quấy rối quân sự xung quanh hòn đảo bằng cách thường xuyên điều máy bay chiến đấu quấy rối gần hòn đảo trong hai năm qua.

Trung Quốc coi hòn đảo tự trị cách đại lục khoảng 100 dặm là lãnh thổ riêng của họ và sẽ hợp nhất với đại lục bằng vũ lực nếu cần thiết.

Sau các báo cáo cho hay, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đang lên kế hoạch cho một chuyến đi đến Đài Loan, ĐCSTQ đã đe dọa "các biện pháp mạnh mẽ" chống lại Hoa Kỳ và Đài Loan.

Hành động khiêu khích của Trung Quốc cũng thu hút sự chú ý của nước láng giềng Nhật Bản, quốc gia đã dành không gian quan trọng của báo cáo quốc phòng năm nay cho Đài Loan.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Nhật Bản lên tiếng về hành vi của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương