T-14, xe tăng tiên tiến nhất của Nga, trở thành vật trưng bày

Giúp NTDVN sửa lỗi

Được biết đến là xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata tiên tiến nhất của Nga, từng được ca ngợi là dẫn đầu hướng phát triển thiết bị bọc thép. Tuy nhiên, thành tích của T-14 trong cuộc chiến Ukraine không chỉ mờ nhạt mà gần đây, để giữ thể diện, T-14 có thể sẽ tránh xa chiến trường vô thời hạn với lý do chi phí quá cao, làm dấy lên nghi ngờ về khả năng triển khai trang bị hiện đại nhất và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Nga.

Ngày 4/3, Sergey Chemezov, người đứng đầu tập đoàn sản xuất vũ khí nhà nước Rostec của Nga, tiết lộ rằng cuối cùng Moscow khó có thể sử dụng xe tăng T-14 chiến đấu chủ lực ở Ukraine vì chúng có giá quá cao, dù vũ khí được cho là tiên tiến hơn và mạnh mẽ hơn, có khả năng hơn các xe tăng hiện có của Moscow. Ông Chemezov nói với hãng thông tấn Nga rằng, tóm lại, T-14 quá đắt. Nói một cách tương đối, việc mua một chiếc T-90 sẽ dễ dàng hơn. Ông Chemezov nhấn mạnh rằng chi phí cao của T-14 là yếu tố chính cản trở việc sản xuất hàng loạt và triển khai rộng rãi, đặc biệt là trong bối cảnh xung đột với Ukraine.

Đến nay, tổng sản lượng T-14 không vượt quá 50 xe, so với mục tiêu ban đầu là 2.300 xe, đồng thời tuyên bố của Nga về việc triển khai hoạt động loại xe này vẫn chưa được xác nhận nên tương lai của T-14 đầy bất ổn.

Mặc dù thiết kế của T-14 sử dụng một số khái niệm tiên tiến như tháp pháo không người lái và buồng lái được cải tiến, nhưng chức năng và tác động chiến đấu của nó vẫn chỉ là giả thuyết và chưa được chứng minh trong thực tế chiến đấu. Nga đã quyết định ưu tiên mua các phiên bản T-90 hoặc biến thể của nó, có độ trưởng thành tương đối hơn, thay vì T-14 tiên tiến hơn, nhấn mạnh rằng chiến lược mua sắm quân sự của Nga tập trung hơn vào hiệu quả chi phí chứ không phải T-14 có khả năng thực tế chưa xác định. Điều này được xác định bởi khả năng tài chính của Nga và nhu cầu thực tế của chiến tranh hiện đại, và sự phát triển này cũng phản ánh sự khó khăn của Bộ Quốc phòng Nga trong việc thỏa thuận giữa tham vọng và tính khả năng thi.

Nga tuyên bố T-14 Armata mới là loại xe tăng tiên tiến và mạnh mẽ, có thể thống trị chiến trường hiện đại, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy nó đang tiến hành các hoạt động chiến đấu ở Ukraine, hoặc thậm chí là đã được triển khai ở Ukraine. Vấn đề tương tự cũng tồn tại với máy bay chiến đấu Su-57 thế hệ thứ năm của Nga. Quân đội Nga dường như đang để dành những vũ khí tối tân nhất và không sử dụng chúng trên chiến trường Ukraine. Các đánh giá tình báo phương Tây cho rằng, câu trả lời là Điện Kremlin có thể lo lắng về sự sụp đổ danh tiếng và hình ảnh nếu mất xe tăng T-14 hoặc máy bay chiến đấu Su-57 trong chiến đấu.

Ban đầu, Lữ đoàn Xe tăng Bộ binh Nga số 1 dự định nhận lô đầu tiên của T-14 vào năm 2021, thậm chí Moscow còn xem xét triển khai các xe tăng này tới Ukraine vào đầu năm 2023. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Anh trong thông tin tình báo ngày 5/3 cho biết, việc giao T-14 cho bất kỳ đơn vị tiền tuyến nào là rất không có khả năng. Cập nhật thông tin tình báo của Anh cho thấy cho đến nay, có thể khẳng định rằng T-14 Armata chưa được triển khai tới Ukraine. Điều này có thể là do mất mát một chiếc xe tăng tiên tiến ‘được thần thoại’ trong trận đánh có thể mất danh tiếng. Hơn nữa, số lượng ít ỏi của các xe tăng tiên tiến không thể đáp ứng nhu cầu trên chiến trường, việc sản xuất thêm nhiều xe tăng chính phải thông qua việc chế tạo các biến thể khác để đáp ứng.

Đánh giá này mâu thuẫn với tuyên bố của truyền thông nhà nước Nga rằng T-14 đã hoạt động ở Ukraine trong suốt cuộc chiến. Tuy nhiên, không thể loại trừ khả năng T-14 ở lại tiền tuyến trong thời gian ngắn hoặc tiến hành hỏa lực tầm xa mà không đối đầu trực tiếp.

Kiev cũng bác bỏ tuyên bố của Moscow rằng những chiếc xe tăng mới nhất này đã tham gia chiến đấu, nói rằng họ không thấy bằng chứng nào cho thấy xe tăng Armata đã tham gia cuộc chiến. Điều này phù hợp với đánh giá của tình báo Anh.

Mối quan hệ giữa Armata và cuộc chiến ở Ukraine cũng giống với những đánh giá trước đây về Su-57 của các chuyên gia tình báo và hàng không Anh. Bị NATO mệnh danh là "tội đồ", Su-57 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 được đánh giá cao của Nga, được giao cho Không quân Nga vào năm 2020 và được cho là sẽ phô diễn trong cuộc chiến Ukraine. Tuy nhiên, số lượng Su-57 rất ít và cũng chỉ có rất ít thông tin cho thấy loại tiêm kích này đã tham gia hoạt động tác chiến ở Ukraine, chẳng hạn như Nga từng đưa tin Su-57 phóng tên lửa từ vị trí khá xa tiền tuyến. Tuy nhiên, không có bằng chứng trực tiếp nào, bao gồm cả những hình ảnh và video được xác nhận, cho thấy Su-57 đã tham gia các cuộc tấn công trên không hoặc trên bộ nhằm vào Ukraine.

Theo phân tích thông tin tình báo của Bộ Quốc phòng Anh vào năm 2023, có khả năng cao Nga sẽ ưu tiên tránh việc Su-57 bị tổn thất trong cuộc chiến ở Ukraine, gây tổn hại đến danh tiếng, giảm thiểu triển vọng xuất khẩu và rò rỉ công nghệ nhạy cảm. Moscow không muốn phụ thuộc quá nhiều vào Su-57, điều này cho thấy họ thiếu sự tự tin vào khả năng tàng hình của máy bay này. Trên thực tế, Không quân Nga có thể đã biết rõ liệu tiêm kích Su-57 có thể sống sót trước các cuộc tấn công bằng tên lửa phòng không của Ukraine hay không. Thay vì lo lắng rằng việc mất đi cái gọi là máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến nhất, sẽ dẫn đến việc công nghệ nhạy cảm rơi vào tay NATO, điều mà Nga lo lắng hơn chính là sợ NATO sẽ biết được tình hình thực sự của các máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của mình. Bởi vì nhiều điều ở Nga được cho là quá cường điệu thực ra lại không phải như vậy.

Không rõ liệu Moscow có lo ngại tương tự về khả năng của T-14 Armata hay không, nhưng một bản cập nhật tình báo trước đó của Anh lưu ý rằng các chỉ huy quân sự Nga ở Ukraine không tin tưởng vào loại xe tăng mới và dường như không mong chờ hiệu suất của nó trong chiến đấu.

Điện Kremlin ca ngợi Armata là xe tăng chiến đấu chủ lực tiên tiến nhất thế giới cho đến nay. Bất chấp sự cường điệu hóa, trên thực tế Moscow dường như không mấy tin tưởng vào nền tảng này. Ông Chemezov cũng đề nghị Điện Kremlin mua các xe tăng khác. Ông Chemezov nói, "Bây giờ cần có vốn để chế tạo xe tăng mới, vũ khí mới và có thể là vũ khí rẻ hơn. Vì vậy, nếu có cơ hội mua xe tăng rẻ hơn và vũ khí mới, tại sao không?"

Ngay cả nhà sản xuất T-14 cũng không khuyến nghị Nga mua T-14, điều này cho thấy mức độ kỳ vọng thấp đối với loại xe tăng mới nhất này.

Xe tăng T-14 lần đầu tiên được trưng bày trong cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ vào tháng 5/2015. Nó có đường nét rõ ràng, thân gồm các đường thẳng và tháp pháo hình vuông, rất giống thiết kế của xe tăng phương Tây. Một trong những tính năng được đánh giá cao của nó là tháp pháo không người lái, bao gồm pháo chính nòng trơn 125mm 2A82-1M và bộ nạp đạn hoàn toàn tự động. Người lái, xạ thủ và chỉ huy được bố trí trong cabin bọc thép ở phía trước thân xe, cách ly với bộ nạp đạn tự động và băng đạn ở giữa xe tăng. Thân thấp của Armata có thể làm giảm nguy cơ tiếp xúc với hỏa lực của đối phương và cải thiện sự an toàn cũng như khả năng sống sót của tổ lái ba người. Nó được truyền thông Nga mô tả là loại vũ khí "tiên tiến" với công nghệ mới và các tính năng tự động, bao gồm pháo điều khiển từ xa, cảm biến tiên tiến, máy bay không người lái, vũ khí chống tăng và hệ thống phòng thủ.

Tuy nhiên, những người khác tin rằng không có loại vũ khí nào được cường điệu hóa quá mức như T-14 nhưng lại không hoạt động như mong đợi. Điều này đã được tiết lộ khi nó ra mắt vào năm 2015. Trong buổi diễn tập một ngày trước lễ duyệt binh chính thức, một chiếc xe tăng Armata tham gia duyệt binh đã không thể di chuyển do hỏng gầm trước cửa hàng bách hóa GUM trên Quảng trường Đỏ. Vào thời điểm đó, người ta đã cố gắng kéo chiếc xe bằng máy kéo bánh xích nhưng không thành công. Sau 15 phút, chiếc xe tăng dường như lấy lại được khả năng di chuyển và tự rời đi. Một chương trình phát sóng trực tiếp sau đó thông báo rằng việc dừng đột ngột được lên kế hoạch để trình diễn cách sơ tán các thiết bị quân sự trong khi chiến đấu. Sau đó, Alexey Zharich, phó tổng giám đốc nhà máy sản xuất xe tăng Ural của Nga, đã chỉ ra trên Twitter rằng Lực lượng vũ trang Nga chịu trách nhiệm tổ chức buổi diễn tập duyệt binh. Ông nhấn mạnh chiếc xe tăng đang hoạt động bình thường và có thể tự di chuyển.

Chỉ 5 năm sau cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ, có thông tin cho rằng 3 chiếc T-14 đã bị trúng vũ khí chống tăng ở Syria và một chiếc trong số đó đã bị phá hủy hoàn toàn.

Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã biến thành một cuộc chiến kéo dài. Dữ liệu do Bộ Quốc phòng Ukraine công bố ngày 8/3 cho thấy kể từ khi Nga phát động cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine vào ngày 24/2/2022, Nga đã mất hơn 6.700 xe tăng. Mặc dù con số này chưa được xác minh độc lập nhưng ước tính của phương Tây cho thấy hàng nghìn xe tăng Nga đã bị thu giữ, phá hủy hoặc vô hiệu hóa.

Cuộc chiến đã gây ra sự suy giảm nghiêm trọng về trang bị của quân đội Nga. Với sự tiếp tục của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây, Moscow đang cố gắng khôi phục lại nỗ lực để tái thiết các trang bị đã bị phá hủy, đặc biệt là các nỗ lực công nghiệp hóa đã bị tước đoạt do chiến tranh tiêu thụ nhanh chóng, điều này khiến Kremlin không thể chịu đựng được mất mát trang bị quy mô lớn và không thể tập trung sức mạnh để tiến hành tấn công trực diện.

Điều này có thể cung cấp cơ hội cho quân đội Ukraine để xây dựng các đường phòng vệ mới, sử dụng lực lượng đặc nhiệm để phá hủy tuyến cung cấp và cơ sở hạ tầng quan trọng của Nga, đồng thời tích trữ vật tư hậu cần và chờ đợi sự hỗ trợ từ phương Tây. Vào năm 2024, việc viện trợ của phương Tây đối với Ukraine cuối cùng sẽ có một quyết định.

Theo Shishi Junshi
Lý Ngọc biên dịch

Thế giới Quân sự


BÀI CHỌN LỌC

T-14, xe tăng tiên tiến nhất của Nga, trở thành vật trưng bày