Nga dội bom đạn khốc liệt sau khi NATO thêm thành viên, hứa tăng cường viện trợ vũ khí cho Ukraine 'anh hùng'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Coi Nga là mối đe doạ nguy hiểm nhất và rõ ràng nhất của hoà bình, ổn định, NATO cam kết tăng cường viện trợ vũ khí cho đất nước Ukraine anh hùng và rộng cửa đón hai thành viên mới. Cuộc họp của NATO ở Madrid trong hai ngày 29-30/6 này đang thúc đẩy lượng bom đạn dội xuống Ukraine từ Nga, vốn đã hết sức khốc liệt suốt 4 tháng qua.

Leo thang căng thẳng - đe doạ mở rộng bất ổn ở Helsinki và Stockholm

Tại cuộc họp thượng đỉnh của khối NATO, bị chi phối bởi cuộc xâm lược của Nga vào một thành viên mà khối đang xem xét tư cách gia nhập là Ukraine, NATO đã mời thêm hai thành viên gia nhập vào khối là Thuỵ Điển và Phần Lan. NATO cũng cam kết tăng gấp 7 lần các lực lượng chiến đấu (lên 300.000 quân) trong tình trạng cảnh giác cao độ dọc theo sườn phía đông của khối trước bất kỳ cuộc tấn công nào từ Nga trong tương lai.

Đáp lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga sẽ đáp trả bằng hành động và hiện vật [bom đạn] nếu NATO thiết lập cơ sở hạ tầng [ám chỉ vũ khí, dàn tên lửa đất đối không] ở Phần Lan và Thuỵ Điển sau khi họ tham gia liên minh quân sự này.

Dẫn lời ông Putin, các hãng thông tấn Nga đồng loạt phát đi thông điệp rằng không loại trừ căng thẳng quân sự sẽ xuất hiện trong mối quan hệ giữa Moscow với Helsinki và Stockholm khi các nước này gia nhập NATO. Với sự đồng thuận của Thổ Nhĩ Kỳ, Thuỵ Điển và Phần Lan đang rộng cửa tiến vào NATO.

Sẵn sàng nghênh địch

Tướng Timo Pekka Kivinen, Tổng trưởng Quốc phòng Phần Lan từ năm 2019, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Reuters hôm 23/6 rằng Phần Lan luôn chuẩn bị cho bất kỳ xung đột vũ trang nào với Nga từ hàng chục năm nay. Ông Kivinen cho biết, quốc gia này không sợ rằng vì gia nhập NATO mà sẽ phải đối đầu với Nga bởi toàn quân và dân Phần Lan đã và luôn sẵn sàng chiến đấu.

Phần Lan đã dành hàng thập kỷ nâng cao năng lực quân sự, từ tăng cường, hiện đại hoá kho vũ khí tới việc rèn luyện sức chiến đấu, tinh thần cảnh giác. Quốc gia Bắc Âu này đã xây dựng một kho vũ khí đáng kể.

Nga sắp mất đi vị thế thống trị về năng lượng
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto tổ chức một cuộc họp báo để thông báo rằng Phần Lan sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO tại Phủ Tổng thống ở Helsinki, Phần Lan, vào ngày 15/05/2022. (Ảnh: Alessandro Rampazzo / AFP qua Getty Images)

Tướng Kivinen nói: “Chúng tôi đã phát triển một cách có hệ thống khả năng phòng thủ quân sự của mình để đảm bảo chống lại hiệu quả cho loại hình chiến tranh đang được Nga tiến hành ở đó (ở Ukraine), như việc sử dụng ồ ạt hỏa lực, lực lượng thiết giáp và cả lực lượng không quân”.

"Ukraine là một mảnh đất khó nhằn (đối với Nga) và Phần Lan cũng vậy", Tướng Kivinen khẳng định

Quốc gia 5,5 triệu dân này có lực lượng quân đội thời chiến khoảng 280.000 người với 870.000 người được huấn luyện làm quân dự bị. Nước này không bãi bỏ chế độ quân dịch đối với nam giới như nhiều quốc gia phương Tây khác đã làm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Phần Lan đã xây dựng một trong những cơ sở chế tạo mạnh nhất châu Âu và tích trữ tên lửa hành trình có tầm bắn lên tới 370 km (230 dặm). Quốc gia nhỏ bé này cũng tới 2% GDP cho quốc phòng, cao hơn nhiều các nước khác trong liên minh NATO.

Tổng thống Hoa Kỳ ông Joe Biden đã tuyên bố về việc triển khai thêm lực lượng bộ binh, hải quân và không quân trên khắp Châu Âu, từ Tây Ba Nha ở phía tây của khối NATO đến Romania và Ba Lan ở phía đông, giáp biên giới Ukraine.

"Cuộc chiến của Tổng thống Putin chống lại Ukraine đã phá vỡ hòa bình ở châu Âu và tạo ra cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong một cuộc họp báo sau ngày đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh của khối, theo Reuters.

Ông nói: “NATO đã đáp trả bằng sức mạnh và sự đoàn kết".

Nga dội bom bỏng lửa vào Ukraine

Trong khi các lãnh đạo của 30 quốc gia thành viên khối NATO đang họp bàn thảo về chiến lược quốc phòng, an ninh, thành viên của khối tại Madrid, quân đội Nga đã tăng cường pháo kích, không kích tại các mục tiêu ở Ukraine, bao gồm các mục tiêu gần Mykolaiv gần tiền tuyến và Biển Đen.

Thị trưởng thành phố Mykolaiv cho biết một tên lửa của Nga đã giết chết ít nhất 5 người trong một tòa nhà dân cư ở đó, trong khi Moscow cho biết lực lượng của họ đã bắn trúng nơi được gọi là căn cứ huấn luyện lính đánh thuê nước ngoài trong khu vực.

Hôm 27/6 (giờ địa phương), một tên lửa của Nga đã đánh trúng một trung tâm mua sắm ở thành phố Kremenchug, tỉnh Poltava, miền trung nước này, khiến ít nhất 13 người thiệt mạng và 50 người bị thương.

Một trung tâm mua sắm bốc cháy sau khi trúng tên lửa của Nga ở Kremenchuk, vùng Poltava, Ukraine hôm 27/6/2022. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy thông báo rằng các lực lượng Nga đã tấn công một trung tâm mua sắm ở Kremenchuk với hơn 1.000 dân thường. (Ảnh: Getty Images)

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết có hơn 1.000 người ở trung tâm thương mại vào thời điểm xảy ra vụ việc và con số thương vong sẽ là "không thể tưởng tượng được".

“Cuộc tấn công của Nga hôm nay vào trung tâm mua sắm ở Kremenchuk là một trong những hành động khủng bố trơ trẽn nhất trong lịch sử châu Âu”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong chương trình phát thanh buổi tối đăng trên Telegram.

Ông Dmytro Lunin, thống đốc khu vực miền trung Poltava, viết trên Telegram rằng 13 người hiện đã được xác nhận thiệt mạng do cuộc tấn công, đồng thời nói thêm rằng còn quá sớm để nói về con số thương vong cuối cùng, vì lực lượng cứu hộ vẫn đang tiếp tục rà soát các đống đổ nát.

Thống đốc tỉnh miền đông Luhansk cho biết chiến trường vô cùng khốc liệt, quân đội Nga tăng cường bao vây, từng bước tiến lên xâm lược toàn bộ vùng Donbass phía đông nhân danh phe ly khai. Đây là khu vực vốn đã được công nghiệp hoá của Ukraine. Donbass bao gồm các tỉnh Donetsk và Luhansk.

Thống đốc khu vực Donetsk Pavlo Kyrylenko nói với truyền hình Ukraine, cáo buộc các cuộc tấn công của Nga đã giết chết một thường dân và làm 8 người bị thương hôm 29/6 vừa qua.

Tổng thống Volodymyr Zelensky một lần nữa nói với NATO rằng các lực lượng Ukraine cần nhiều vũ khí, tiền bạc và tốc độ nhanh hơn để làm xói mòn lợi thế khổng lồ của Nga về hỏa lực pháo binh và tên lửa, đồng thời cho biết tham vọng của Moscow không dừng lại ở Ukraine.

Có lẽ, tổng thống Zelensky ám chỉ rằng tham vọng của Nga có thể sẽ bành trướng và nhắm vào các quốc gia mới gia có dường biên giới chung với Nga đang chuẩn bị gia nhập NATO như Thuỵ Điển và Phần Lan, hoặc xa hơn nữa là các quốc gia thuộc khối Đông Âu cũ, có hệ tư tưởng muốn thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Nga một cách mạnh mẽ.

Cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào ngày 24/2 đã phá hủy các thành phố, giết chết hàng nghìn người và khiến hàng triệu người phải chạy trốn. phong cách lấy đất.

Đe doạ Thế chiến III nếu NATO 'nhòm ngó' Crimea

Một ngày trước cuộc họp của NATO tại Tây Ba Nha, cựu tổng thống Nga, ông Dmitry Medvedev, một chính trị gia trung thành của ông Putin, cảnh báo hôm 28/6 rằng bất kỳ một sự xâm phạm nào của NATO trên bán đảo Crimea cũng sẽ thổi bùng lên Thế chiến thứ ba.

"Đối với chúng tôi, Crimea là một phần của Nga. Và điều đó có nghĩa là mãi mãi. Bất kỳ nỗ lực nào xâm phạm Crimea đều là lời tuyên chiến chống lại đất nước chúng tôi", ông Medvedev nói với trang tin Argumenty i Fakty.

"Và nếu điều này được thực hiện bởi một quốc gia thành viên NATO, điều này có nghĩa là xung đột với toàn bộ liên minh Bắc Đại Tây Dương; một cuộc Chiến tranh thế giới thứ ba sẽ khai hỏa. Một thảm họa toàn diện".

Ông Medvedev, cựu tổng thống Nga, người hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng Bảo an Nga, cũng nói rằng nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, Nga sẽ củng cố biên giới của mình và sẽ "sẵn sàng cho các bước trả đũa". Ông cho biết thêm, điều đó có thể bao gồm triển vọng lắp đặt tên lửa siêu thanh Iskander "ở ngưỡng của họ..."; ám chỉ khả năng thiết lập các tên lửa siêu thanh Iskander ở tầm xa có thể bắn tới các mục tiêu trong các quốc gia này.

Quang Nhật



BÀI CHỌN LỌC

Nga dội bom đạn khốc liệt sau khi NATO thêm thành viên, hứa tăng cường viện trợ vũ khí cho Ukraine 'anh hùng'