Chuyên gia: Nga dùng Ukraine làm bàn đạp để định hình lại tầm ảnh hưởng của mình ở Đông Âu (Kỳ 2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với ông Putin, Liên bang Nga được hiểu là quê hương của Người Đại Nga; bao gồm người Bạch Nga (Belarus) và người Tiểu Nga (Ukraine). Trong khi Châu Âu giải trừ quân bị để làm kinh tế, Nga phát triển quân trang quân bị như vũ bão. Trong khi Mỹ, vì địa lý, không thể xây dựng hệ thống khí đốt cho Châu Âu, hệ thống đường ống dẫn khí của Nga vươn khắp Châu Âu. Trong khi cả thế giới còn tranh cãi, Nga nhẹ nhàng lấy lại Crimea. Giờ đây, có lẽ Ukraine cũng nằm trong tính toán đã lâu của Nga; một bàn đạp để định hình lại tầm ảnh hưởng của họ ở Đông Âu

Nga luôn thẳng thắn gửi đi thông điệp với Mỹ và Phương Tây rằng Ukraine là giới hạn đỏ của Nga và là vùng mà NATO không được phép nghĩ tới. Quả thật, về địa chính trị, Ukraine và Crimea chặn yết hầu của Nga, là điểm yếu chí tử của Nga trước mũi dùi của Mỹ và Châu Âu.

Ukraine luôn nửa muốn được Mỹ và NATO bảo vệ chủ quyền, nửa không muốn gây hấn với Nga. Dù sao, nước xa không cứu được lửa gần, người Ukraine hiểu điều đó. Nhưng khi Crimea mất vào tay Nga, Ukraine không còn lưỡng lự được nữa.

Nga không thể không lường trước những vấn đề này. Và có lẽ, nó nằm trong một chiến lược dài hạn của Nga. Nếu nhìn lại chiến lược phát triển vũ trang của Nga trong khi cả Châu Âu giải trừ quân bị để làm kinh tế, nếu nhìn lại các tuyên bố chiến lược của Putin về lãnh thổ , nếu nhìn lại cách mà Nga lấy Crimea… Tất cả dường như gợi ý cho chúng ta một câu chuyện chiến lược thú vị của Nga. Cuộc khủng hoảng Ukraine với 175.000 quân Liên bang Nga áp sát biên giới có lẽ nằm trong chiến lược không - thể - từ bỏ của Nga; một bàn đạp để định hình lại tầm ảnh hưởng của họ ở Đông Âu, như lịch sử đã từng.

Nga ắt đã chuẩn bị rất lâu nếu Ukraine quay lưng

Mất đi Crimea hay Ukraine, Nga sẽ bị cô lập hoàn toàn. Tim Marshall, tác giả cuốn sách ‘Những tù nhân của địa lý’ đã mô tả hoàn hảo thế cô lập của Nga nếu mất đi Ukraine và Crimea.

Quân nhân Ukraine với xe tăng của họ gần chiến tuyến đụng độ với quân ly khai do Nga hậu thuẫn gần Lysychansk, Ukraine, vào ngày 7/4/2021. (STR / AFP qua Getty Images)
Quân nhân Ukraine với xe tăng của họ gần chiến tuyến đụng độ với quân ly khai do Nga hậu thuẫn gần Lysychansk, Ukraine, vào ngày 7/4/2021. (STR / AFP qua Getty Images)

Hạm đội Nga vẫn bị cô lập trong biển Đen, vì cửa ra Địa Trung Hải vẫn bị Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Âu kiểm soát. Vị thế của Nga vẫn bị kìm hãm khi tiếp tục thiếu vắng một cảng nước ấm để làm căn cứ cho những hạm đội của họ. Không có cảng nước ấm, toàn bộ hệ thống hải quân Nga bị vô hiệu; quân đội Nga vì thế cũng trở thành ‘những con vịt trên cạn’. Nga sẽ suy yếu hơn bao giờ hết.

Không chỉ vậy, tác giả Tim Marshall chỉ ra cho chúng ta lý do vì sao Ukraine trở thành điểm yếu chí mạng của Nga: Ukraine là vùng đệm của Nga.

Vùng đệm là yếu tố quyết định chính sách đối ngoại của nhiều cường quốc. Từ thời cổ đại, hai đế quốc La Mã và Ba Tư tuy đối đầu nhau nhưng vẫn tồn tại song song qua nhiều thế kỷ, vì chính giữa họ tồn tại một vùng đệm rộng lớn. Iraq là vùng đệm giữa hai thế lực Iran và Saudi Arabia.

Ukraine và Ba Lan là vùng đệm ngăn ngõ tiến công của các nước Tây Âu vào Nga. Crimea không chỉ là vùng đệm, nó là con đường để Nga có cảng nước ấm. Chính ở những quốc gia vùng đệm này, tranh chấp và mâu thuẫn giữa các cường quốc sẽ diễn ra. Điều đó quyết định chính sách tiếp cận về quân sự, ngoại giao và kinh tế của các cường quốc.

Ba Lan đã thuộc vào NATO. Ngay khi Balan gia nhập NATO, dàn tên lửa của Mỹ đã lập tức đặt ngay ở biên giới Ba Lan. Giống như một lưỡi dao sáng loà tiếp cận sát nách Nga, chỉ còn cách Ukraine.

Hiển nhiên, nếu Ukraine gia nhập NATO, giàn tên lửa - lưỡi dao của Mỹ - sẽ dịch chuyển tiệm cận sườn của nước Nga; ngay cả Crimea, mấu chốt duy trì một cảng nước ấm cho Nga cũng khó lòng giữ được.

Nga hiển nhiên có những nỗi thống khổ của riêng mình; Ukraine hiển nhiên là giới hạn đỏ của Nga. Bản thân Ukraine biết rõ điều đó. Họ biết rõ ‘nước xa không cứu được lửa gần’ nên một bộ phận chính trị gia đã không ủng hộ gia nhập NATO. Tổn thất Crimea hồi năm 2014 khiến Ukraine phẫn nộ. Họ không cách nào hài hoà với Nga và quên đi nỗi đau Crimea. Họ buộc phải lựa chọn. Nga đã đẩy Ukraine vào vòng tay NATO. Nhưng như đã phân tích, Nga buộc phải ngăn chặn tiến trình này nếu không muốn tương lai nước Nga trở thành kẻ cô độc và hoàn toàn yếu đuối.

Nhưng có vẻ như cuộc hỗn chiến của Nga ở phía Đông của NATO không hoàn toàn là cuộc chiến bị động. Nga từ lâu đã chuẩn bị cho tình huống này, đảo ngược và thậm chí mở rộng nó để đảo ngược trật tự thế giới ngày nay: Ukraine từ bỏ Nga và tìm tới NATO

Cuộc chiến hỗn hợp của ông Putin dọc theo sườn phía Đông của NATO

Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 4/2014 với truyền thông Nga, ông Putin đưa ra khái niệm biến cuộc khủng hoảng với Ukraine thành một trường hợp kinh điển về chủ nghĩa phục hồi lãnh thổ. Chiến lược mà ông Putin từng tuyên bố, thực tế, đe dọa sự ổn định của toàn châu Âu. Khi làm như vậy, ông đã đặt ra khuôn khổ cho cuộc cạnh tranh chiến lược trong những năm tới giữa Nga với Mỹ và các đồng minh NATO.

Ngày hôm đó, trên truyền hình Nga, ông Putin nhắc đến khái niệm lịch sử “Novorossiya”; ám chỉ một vùng lãnh thổ bị người Romanov chinh phục từ Đế chế Ottoman đang sụp đổ vào thế kỷ XIIX. Hai thế kỷ trước, Novorossiya bao phủ khoảng ba mươi phần trăm lãnh thổ Ukraine thời hậu Chiến tranh Lạnh ngày nay, bao gồm cả Crimea.

Tổng thống Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bắt đầu hội nghị thượng đỉnh. Ảnh: POOL / AFP qua Getty Images

Theo Andrew A. Michta là hiệu trưởng của Trường Cao đẳng Nghiên cứu Quốc tế và An ninh tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Âu George C. Marshall, thông điệp này phản ánh quan điểm địa chính trị khu vực của ông Putin. “Novorossiya mở rộng” của ông Putin hiện là tiền tuyến và trung tâm đóng quân của quân đội Nga dọc biên giới Ukraine, chưa kể đến các cuộc tấn công hỗn hợp được phát động từ Belarus chống lại Latvia, Lithuania và đặc biệt là Ba Lan. Người di cư từ Belarus ùn ùn kéo về biên giới với Ba Lan để xâm phạm giới hạn phía Đông của NATO.

Mục tiêu của Nga: Tầm ảnh hưởng toàn cầu

Theo ông Michta, thế giới đang chứng kiến chương thứ hai của cuộc khủng hoảng Ukraine. Kết cục của cuộc khủng hoảng này có thể sẽ quyết định tương lai của Nga theo hướng mở rộng cán cân quyền lực ở châu Âu. Ông Putin không còn chút lập lờ khi nói đến mối quan hệ với phương Tây trong tương lai. Ông kiên quyết buộc Châu Âu xem xét lại khu vực ảnh hưởng, trong đó Nga đã giành được quyền phủ quyết quan trọng về các vấn đề an ninh và kinh tế của Châu lục trong tương lai.

Việc xây dựng quân đội của Nga dọc theo biên giới Ukraine với khoảng 175.000 binh sĩ và đang tiếp tục tăng, là thông điệp rõ ràng của ông Putin đối với Hoa Kỳ và các đồng minh Châu Âu, rằng Moscow quyết tâm sử dụng tất cả các phương tiện chính trị, kinh tế và quân sự theo ý mình để thiết lập một phạm vi ảnh hưởng không thể tranh cãi xung quanh lõi Đông Slav của đế chế Nga trước đây.

Trong thiết kế này, Liên bang Nga - được hiểu là quê hương của Người Đại Nga - sẽ kiểm soát và/hoặc trực tiếp liên kết với người Bạch Nga (Belarus) và người Tiểu Nga (Ukraine).

Đối với ông Putin, khu vực tân đế quốc này sẽ đóng vai trò là khu vực thống trị không thể nghi ngờ của Nga. Phần này hợp với phần còn lại của châu Âu trở thành một khu vực, nơi các lợi ích và ưu tiên của Moscow phải luôn được xem xét.

Trong thiết kế này, Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ phải chấp nhận rằng NATO sẽ không bao giờ mở rộng thêm về phía Đông. Ông Putin dường như chắc chắn rằng những mâu thuẫn trong NATO và sự khác biệt giữa các đồng minh khi nói đến các nguyên tắc cơ bản như chính sách năng lượng và tái vũ trang đã tạo cơ hội cho ông thể hiện thái độ hung hãn và quyết liệt. Ông có vẻ chắc chắn rằng địa chính trị và địa kinh tế, ở châu Âu và trên toàn thế giới, hiện đang tạo lợi thế cho Nga.

Ba thập kỷ sau Chiến tranh Lạnh vừa qua là kỷ nguyên hòa bình, ổn định và tăng trưởng chưa từng có ở Trung Âu, mang lại sự hiện đại hóa nhanh chóng cho hành lang từ Baltic đến Biển Đen. Những thay đổi này được tạo điều kiện thuận lợi bởi hai hiện tượng liên quan đến nhau sau năm 1991: (i) việc trục xuất sức mạnh quân sự của Nga ra khỏi khu vực; (ii) sự tham dự của Châu Âu thời hậu cộng sản trong hệ thống an ninh xuyên Đại Tây Dương.

Cách đây ba mươi năm kể từ năm 1945, Nga đã mất khả năng cạnh tranh ảnh hưởng ở châu Âu. Sự mở rộng của NATO và sự mở rộng tiếp theo của Liên minh châu Âu sang phía Đông đã chứng tỏ sự chuyển đổi. NATO muốn chấm dứt nỗi sợ rơi vào “vùng xám”, một “vùng đất không người ở thời hậu Xô Viết vốn có thể gây ra bất ổn và xung đột.

Châu Âu giải trừ quân bị để kiếm tiền, Nga tăng cường quân bị

Năm 2004, ông Putin quyết định gác lại việc hợp tác với phương Tây. Thay vào đó, ông đưa ra các chính sách nhằm đưa Nga trở lại chính trường Châu Âu, không theo bất kỳ ý nghĩa thể chế nào mà thông qua việc áp dụng trực tiếp quyền lực nhà nước.

Hai chu kỳ hiện đại hóa quân sự của Nga được hoàn thành trong bối cảnh Châu Âu đang nhanh chóng giải trừ quân bị, háo hức lợi dụng thời cơ làm giàu vào thời kỳ "lịch sử" kết thúc chiến tranh lạnh. Điều này đã làm lệch cán cân phòng thủ quan trọng dọc theo sườn phía Đông theo hướng có lợi cho Nga.

Lính Nga đã và đang tập trận tại Crimea. Nguồn ảnh: GETTY IMAGES

Quyết định của ông Putin vào năm 2008 đẩy quân đội Nga vào Abkhazia và Nam Ossetia, chia cắt các tỉnh này khỏi Gruzia, và sau đó vào năm 2014 để chiếm Crimea từ Ukraine. Sau khi chiếm xong Crimea, một cuộc chiến phục hồi lãnh thổ phía Đông của nước Nga đã rất hiệu quả trong việc ngăn sự mở rộng hơn nữa của NATO về phía Đông.

Việc mời các nước này tham gia NATO sẽ có nghĩa là các thành viên NATO sẽ được yêu cầu bỏ phiếu quyết định chiến tranh với Nga. Người ta cho rằng ông Putin gần đây tự tin đến mức yêu cầu phương Tây phải đáp ứng yêu cầu tái thiết lập phạm vi ảnh hưởng của Nga. Mặc dù tư cách thành viên NATO của Gruzia và Ukraine đã bị thu hồi thông qua hành động quân sự trực tiếp trước đây của Nga, nhưng giờ ông Putin lại yêu cầu phương Tây công khai thừa nhận chiến thắng của mình.

Kiềm chế hiệu quả Châu Âu hiệu quả bằng đường ống dẫn khí

Nga đã "tái nhập" chính trường châu Âu không chỉ thông qua việc thực thi sức mạnh quân sự. Nước này cũng đã thận trọng sử dụng vũ khí năng lượng, tận dụng nguồn khí đốt tự nhiên rộng lớn của mình trong bối cảnh Liên minh châu Âu quyết định chuyển sang “năng lượng sạch”.

Bất chấp các cuộc tranh luận đang diễn ra ở EU về việc liệu năng lượng hạt nhân có đủ tiêu chuẩn như một nguồn năng lượng sạch hay không, khí đốt tự nhiên đã được chấp nhận rộng rãi và được coi như một cửa ngõ dẫn đến năng lượng tái tạo. Tại đây, đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 của Nga-Đức đã đưa Moscow vào vị trí độc tôn để trở thành nhà cung cấp năng lượng lớn nhất cho châu Âu, trong quá trình đưa Đức trở thành nhà phân phối khí đốt lớn nhất của Nga.

Ngày nay, bất kể Liên minh châu Âu phát triển như thế nào - cho dù nó tiếp tục như một liên minh của các quốc gia châu Âu có chủ quyền hay chuyển sang chủ nghĩa liên bang - một khi đường ống thứ hai đi vào hoạt động hoàn toàn, sự can dự trực tiếp của Moscow với Berlin về năng lượng sẽ mang đến cho Moscow quyền lực chính trị vượt trội ở Châu Âu.

Tiến trình chiến lược của ông Putin

Bình luận về chiến lược dùng Ukraine làm bàn đạp, chuyên gia địa chính trị, quân sự ông Michta nhận định: Khi áp lực quân sự dọc theo biên giới Ukraine tăng lên, ông Putin dường như đã kết luận rằng thời điểm đã chín muồi để giải quyết nút thắt lâu năm về một một Ukraine thân phương Tây trong 7 năm từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược Donetsk và Lugansk. Nga khó có thể nhẫn nại với một quốc gia muốn thây Mỹ và phương Tây sát sườn nước Nga, ảnh hưởng tới cảng nước ấm duy nhất của Nga, sinh tồn hải quân Nga trong mùa đông. tồn tại của một Ukraine.

Đối với Mỹ và các đồng minh, câu hỏi nên đặt ra là liệu quân đội Nga có tấn công qua biên giới Ukraine một lần nữa hay không? Bóng ma về một cuộc chiến tranh Nga-Ukraine quy mô lớn có thể kéo nước khác vào cuộc.

Tuy nhiên, bất kể ông Putin trong thời gian ngắn có quyết định xâm lược Ukraine hay không, mối đe dọa chính đối với nền an ninh châu Âu là: ông Putin muốn đưa nước Nga trở lại chính trường châu Âu với tư cách là một cường quốc, định hình và ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong khối châu Âu nói riêng và khu vực xuyên Đại Tây Dương nói chung, ông Michta nhận định.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đứng sau Tổng thống Nga Vladimir Putin (ngoài cùng bên phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi họ đến để chụp ảnh chung trước một sự kiện văn hóa tại Osaka Geihinkan ở Công viên Lâu đài Osaka trong Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka vào ngày 28 / Tháng 6/2019. (Ảnh của Dominique JACOVIDES / POOL / AFP) (Nguồn ảnh nên đọc DOMINIQUE JACOVIDES / AFP qua Getty Images)

Theo ông Michta, ông Putin đang đánh cược rằng Mỹ, sau hai thập kỷ của Cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu bất phân thắng bại, chưa sẵn sàng đáp trả một cách dứt khoát trước thách thức của ông ta ở châu Âu.

Moscow xem việc Mỹ rút quân thảm bại khỏi Afghanistan như một dấu hiệu suy yếu năng lực quân sự của Hoa Kỳ. Hoặc ít nhât là Mỹ cần thời gian để tái cơ cấu, định dạng lại, đào tạo lại và trang bị lại cho lực lượng quân sự liên bang trước khi bước vào cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc.

Ông Putin cũng nhận thấy những căng thẳng kéo dài trong các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang diễn ra có lợi cho Nga. Ông cũng coi Brexit vẫn đang diễn ra trên khắp Liên minh châu Âu là cơ hội tuyệt vời. Anh quốc, một cường quốc hàng hải tinh tuý rời khỏi Châu Âu, Châu Âu mang đặc tính Đức và lục địa nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử.

Thêm vào đó, quyết định của chính quyền Biden về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt còn lại đối với Nord Stream 2 được Moscow nhìn nhận rằng Washington đã ưu tiên mối quan hệ của Mỹ với Berlin. Một Châu Âu của Đức hiển nhiên có lợi cho Nga; không phải Mỹ.

Phần lớn cuộc khủng hoảng Ukraine này diễn ra như thế nào và liệu nó có làm thay đổi chính trị và an ninh châu Âu hay không phụ thuộc vào các quyết định của chính phủ mới của Đức.

Chính phủ Merkel dựa vào sự kết hợp của các phương tiện chính trị và kinh tế để quản lý mối quan hệ của mình với Moscow, tránh việc tái vũ trang toàn lực của Đức. Olaf Scholz, tân Thủ tướng Đức, đã phát biểu vào mùa hè năm ngoái về sự cần thiết của một Ostpolitik mới theo phong cách Willy Brandt đối với Nga, nhấn mạnh yêu cầu của Berlin rằng Moscow phải tuân thủ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Còn quá sớm để đánh giá chính sách về Nga của Đức sẽ như thế nào và mức độ hiệu quả của nó trong việc giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, điều khiến tình hình hiện tại khác với thời Brandt là trong Chiến tranh Lạnh, Đức đang đàm phán từ một vị thế có sức mạnh quân sự. Ngày nay, nếu Berlin đề nghị cung cấp cho Bundeswehr trong khả năng của họ, thì thông điệp rõ ràng của họ có nghĩa là, họ đã sẵn sàng bổ sung sức mạnh quân sự vào hộp công cụ chính sách của Nga - điều mà Berlin không hề muốn.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo và rủi ro tiềm ẩn

Chuyên gia Michta nhấn mạnh, khi cuộc khủng hoảng Ukraine tiếp tục diễn ra, chúng ta cần nhớ rằng mục tiêu bao trùm của ông Putin không chỉ là phát triển lại Đông Slav cũ của Nga mà quan trọng nhất là buộc phương Tây phải công nhận trên thực tế ảnh hưởng của Moscow ở Đông Âu. Đây là thông điệp cơ bản trong yêu cầu của Putin rằng NATO cần hủy bỏ cam kết năm 2008 về việc kết nạp Gruzia và Ukraine vào liên minh.

Nếu Putin đạt được mong muốn của mình, điều này sẽ đảo ngược những lợi ích mà phương Tây đạt được sau khi nước Đức thống nhất. Nga sẽ một lần nữa thống trị khu vực bên ngoài sườn phía Đông của NATO (sau khi Putin thôn tính xong Ukraine và trên thực tế là việc sáp nhập Belarus vào Liên bang Nga thì ngay cả Moldova cũng có thể sẽ mất chủ quyền).

Trên thực tế, châu Âu sẽ quay trở lại mô hình ảnh hưởng thuộc phạm vi ảnh hưởng của tân đế quốc với những hậu quả có thể tàn phá sự đoàn kết của NATO và các đồng minh. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, nếu NATO cho phép Putin thoát khỏi canh bạc này, bước tiếp theo của Moscow có thể sẽ gây sức ép với các quốc gia Baltic, Ba Lan và Romania, với mục tiêu gây bất ổn trong vành đai NATO.

Bài báo sử dụng nhiều phân tích chiến lược và lập luận của Giáo sư Andrew A. Michta trong một bài báo cùng tên đăng trên trang 19fortyfive. Ông Michta là hiệu trưởng của Trường Cao đẳng Nghiên cứu Quốc tế và An ninh tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Âu George C. Marshall. Ông đồng thời là cựu Giáo sư về Các vấn đề An ninh Quốc gia tại Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ và nguyên Nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu.

Bài báo chỉ phản ánh quan điểm cá nhân của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Thanh Đoàn



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Nga dùng Ukraine làm bàn đạp để định hình lại tầm ảnh hưởng của mình ở Đông Âu (Kỳ 2)