Chuyên gia phân tích về việc Mỹ thử nghiệm hệ thống Vòm Sắt ở đảo Guam

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đối đầu quân sự Mỹ - Trung đang nóng lên, quân đội Mỹ đang thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt (Iron Dome) ở đảo Guam. Theo phân tích của chuyên gia, đây là hoạt động triển khai mang tính phòng bị của Hoa Kỳ nhằm đối phó với các cuộc xung đột trong tương lai ở eo biển Đài Loan, điều này sẽ răn đe Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Vào ngày 9/11, The Wall Street Journal đưa tin rằng Hoa Kỳ đang thử nghiệm hệ thống phòng thủ Vòm Sắt trên đảo Guam để tăng cường khả năng phòng thủ trước các tên lửa đạn đạo của ĐCSTQ.

Lãnh thổ Guam của Mỹ là căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ ở Thái Bình Dương. Vị trí quân sự của Mỹ ở Guam cho phép Mỹ nhanh chóng tiếp cận eo biển Đài Loan và Nam Hàn. Guam giống như một lãnh thổ của Mỹ, chỉ là chưa hợp nhất (người dân Guam chưa có quyền bầu cử ở Mỹ).

Thái Bình Dương tiếp giáp bờ Tây của nước Mỹ. Cuối con đường xa mênh mông tới 1/3 vòng trái đất để tiến vào Châu Á từ bờ Tây nước Mỹ, trước cửa ngõ bước vào Châu Á từ Thái Bình Dương, Mỹ có Guam; một hòn đảo bé đến mức rất khó tìm trên bản đồ thế giới, nhưng lại là một căn cứ quân sự quan trọng nhất của Mỹ ở khu vực này.

Cánh cửa cuối cùng trên con đường hàng hải tiến vào Châu Á của Mỹ qua Thái Bình Dương chính là eo biển Đài Loan và quần đảo Ryukyu của Nhật Bản.

Có vị trí sát sườn với chuỗi đảo này, nhưng lịch sử lại không ưu ái cho Trung Quốc nhiều đến thế. Trung Quốc được “bao bọc” bởi một chuỗi các đảo gần nhau kéo dài về phía nam từ Nhật Bản, qua Ryukyu, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Indonesia và Úc.

Để đi vào Thái Bình Dương, các tàu hải quân của Trung Quốc phải đi qua một trong những điểm tắc nghẽn khác nhau giữa các đảo này. Tàu thương mại (cũng như hải quân của nước này), để đi đến Trung Đông và Châu Phi, nơi Trung Quốc thu được phần lớn năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, phải đi về phía nam qua eo biển Malacca, nơi Trung Quốc đang bị nhiều hạn chế tương đương với các hạn chế ở quần đảo Nhật Bản - Đài Loan.

Một số chiến lược gia Trung Quốc gọi chuỗi đảo ở Đông Á là “Vạn lý trường thành ngược”. Các sĩ quan và chiến lược gia hải quân của Trung Quốc coi Trung Quốc như bị “đóng hộp” bởi chuỗi quần đảo này. Rõ ràng địa lý không có lợi cho Trung Quốc trong mục tiêu mở rộng ảnh hưởng ra Thái Bình Dương, nếu không có Đài Loan.

Nếu Đài Loan trở thành một phần của Trung Quốc, điều này sẽ thay đổi. Hải quân của Trung Quốc sẽ không còn bị bó buộc nữa. Trên thực tế, họ sẽ có thể mở rộng phạm vi hoạt động của mình tới “chuỗi đảo thứ hai” — Guam, Marianas và một số đảo nhỏ khác ở trung tâm Thái Bình Dương — không phải là rào cản khó khăn.

Rất quan trọng, các cảng ở bờ biển phía đông của Đài Loan sẽ mang lại cho các tàu ngầm của Trung Quốc, vốn là trụ cột của hải quân nước này, một lợi ích to lớn. Từ Đài Loan, họ có thể nhanh chóng tiến vào vùng nước sâu không thể bị phát hiện và có thể tiến đến bờ biển phía Tây Hoa Kỳ để thị uy và đe dọa Hoa Kỳ.

Và các đời tổng thống Mỹ không chỉ tạo ra thể chế thân Mỹ ở dãy đảo ‘Vạn lý trường thành ngược’ mà còn rất thành công khi đặt được căn cứ quân sự ở ngay chuỗi đảo gần nhất với dãy ‘Vạn lý trường thành ngược', trong đó có Guam; ngăn Trung Quốc tiến vào Thái Bình Dương, tiếp cận bờ tây của Mỹ.

Trong bối cảnh Trung Quốc khao khát chiếm lại Đài Loan càng sớm càng tốt, việc Mỹ tăng cường hệ thống đánh chặn tên lửa ở Guam, tăng cường năng lực cho căn cứ quân sự này giống như một lời cảnh báo, cũng giống như một quyết tâm và một nhận định rõ rằng một cuộc chiến, một cuộc thử nghiệm vũ khí mới, có thể xảy ra ở eo biển Đài Loan; và Mỹ không thể để mất.

Chuyên gia: Mỹ coi Trung Quốc là mối đe dọa chính

Ông Steven Xia, một nhà bình luận quân sự, từng đảm nhiệm vị trí quản lý kỹ thuật phát triển trang bị cho quân đội ĐCSTQ. Ông nói với The Epoch Times rằng việc quân đội Mỹ đi đầu thử nghiệm hệ thống phòng thủ Vòm Sắt ở Guam cho thấy Mỹ coi Trung Quốc là mối đe dọa chính của mình.

Ông Xia nói: "Guam là lực lượng chủ chốt để quân đội Mỹ kiểm soát Tây Thái Bình Dương, và việc đi đầu triển khai Vòm Sắt ở Guam là điều hợp lý. Điều đó cũng cho thấy rằng sự bành trướng của ĐCSTQ đã bắt đầu đặt ra mối đe dọa đối với đảo Guam, nơi cách đó [Trung Quốc] khoảng 3.000 km. Đối với Hoa Kỳ, đây là điều mà trước đây chưa có đối thủ nào làm được. Vì vậy, việc Hoa Kỳ coi ĐCSTQ là mối đe dọa chính, cho thấy họ rất thực tế, đây cũng là điều cần thiết".

Ông nói thêm rằng, sau khi được cải tiến, hệ thống phòng thủ Vòm Sắt có uy lực rất mạnh. "Hệ thống phòng thủ Vòm Sắt có đặc điểm là, có tỷ lệ thành công hơn 90% trong các hoạt động tác chiến phòng thủ tầm ngắn, và nó đã được thử nghiệm thực chiến. Israel và Hoa Kỳ chưa bao giờ ngừng cải tiến hệ thống Vòm Sắt".

Chuyên gia: Đảm bảo không có sai sót ở eo biển Đài Loan

Giáo sư Ông Minh Hiền (Wong Ming-hsien) là Giám đốc Viện nghiên cứu Chiến lược và Các vấn đề Quốc tế thuộc Đại học Tamkang ở Đài Loan. Ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng, Hoa Kỳ đã triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa "Patriot" và "THAAD" ở Guam, nay lại thêm hệ thống phòng thủ Vòm Sắt, động thái này là nhằm đảm bảo rằng không có sai sót trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan.

"Căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ trên đảo Guam không chỉ có hệ thống phòng thủ tên lửa truyền thống Patriot PAC 3 mà còn có hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), nếu kết hợp với hệ thống Vòm Sắt linh hoạt và tiện lợi của Israel, sẽ càng có thể duy trì an ninh cho căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở Guam".

Vậy tại sao Hoa Kỳ lại phải nhấn mạnh việc bổ sung một hệ thống phòng thủ tên lửa khác cho Guam?

Giáo sư Ông nói: "Vì trong tương lai nếu eo biển Đài Loan giao chiến, Giải phóng quân (quân đội ĐCSTQ, PLA) có thể sẽ phải tấn công phủ đầu để ngăn chặn các lực lượng nước ngoài như Nhật Bản, Hoa Kỳ và Úc can thiệp. Do đó, căn cứ của quân đội Hoa Kỳ ở Guam, hoặc căn cứ Kadena ở quần đảo Ryukyu hay căn cứ Futenma ở Okinawa của Nhật Bản, cũng có thể phải hứng chịu các cuộc tấn công phủ đầu từ PLA".

"Các cuộc tấn công phủ đầu không chỉ bao gồm các tên lửa đạn đạo tầm trung truyền thống thông thường, mà có khả năng còn huy động cả tên lửa siêu thanh hiện đang được phát triển ở Trung Quốc đại lục. Từ góc độ này có thể thấy, [việc Mỹ triển khai hệ thống Vòm Sắt] cũng là một sự bố trí mang tính phòng ngừa để đối phó với các cuộc xung đột có thể xảy ra trong cuộc chiến ở eo biển Đài Loan trong tương lai".

Về cuộc đối đầu Mỹ - Trung ngày càng gay gắt và công khai, Giáo sư Ông cho rằng sự bành trướng quân sự của ĐCSTQ đã dẫn đến việc Hoa Kỳ tăng cường triển khai phòng thủ quân sự ở eo biển Đài Loan.

Ông nói: "Nguyên nhân chính là do PLA liên tục có mặt tại chuỗi đảo đầu tiên, bao gồm Biển Hoa Đông và quần đảo Điếu Ngư; máy bay và tàu quân sự cũng [quấy nhiễu] ở eo biển Đài Loan và hải phận Tây Nam của Đài Loan; thêm vào đó là Trung Quốc cũng không ngừng xây dựng ở Biển Đông; do đó, Hoa Kỳ đã tăng cường triển khai chiến lược quân sự ở Biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan và Biển Đông".

Giáo sư Ông cho rằng, động thái của Hoa Kỳ đã có tác dụng ngăn chặn sự bành trướng của ĐCSTQ.

"Bởi vì các triển khai chiến lược và chiến thuật phòng bị của Hoa Kỳ đã làm gia tăng độ khó cho PLA, và ở một mức độ nhất định cũng có thể răn đe các hoạt động quân sự ở nước ngoài của PLA”, ông nói.

Cựu Viện trưởng Học viện Chính trị và Chiến tranh của Đại học Quốc phòng Đài Loan, ông Dư Tông Cơ (Yu Zongji), cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng, việc quân đội Mỹ thử nghiệm hệ thống Vòm Sắt ở Guam là đang xây dựng mạng lưới phòng không hoàn chỉnh bao gồm cả tầm ngắn, trung, và xa.

Ông Dư nói: "Patriot là tên lửa phòng không tầm trung, còn Vòm Sắt là tên lửa phòng không tầm ngắn. Có thể thấy, họ đang triển khai mạng lưới 3 loại tên lửa phòng không ở tầm ngắn, trung và xa, vậy thì trong tương lai Đài Loan cũng có thể áp dụng cách phòng vệ tương tự. Tôi nghĩ sức chiến đấu sẽ được cải thiện rất nhiều".

Đàm Thanh - Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung

Thế giới Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia phân tích về việc Mỹ thử nghiệm hệ thống Vòm Sắt ở đảo Guam