Mỹ lãnh đạo Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chống lại sự xâm lược của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden hiện cam kết tăng cường can dự của nước này ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, để chống lại sự gây hấn ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.

“Tương lai của mỗi quốc gia chúng ta — và thực sự là thế giới — phụ thuộc vào một Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, Tổng thống Joe Biden phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của các nhà lãnh đạo Nhóm Bộ Tứ (Quad) vào ngày 24/9/2021. Nhóm Quad bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Úc, và Nhật.

Vào ngày 11/2/2022, Nhà Trắng đã đăng tải sách trắng Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong đó tuyên bố rằng, các chính phủ tại khu vực này nên có quyền tự do đưa ra các lựa chọn chủ quyền của riêng họ. Điều này bao gồm việc duy trì cách tiếp cận dựa trên quy tắc đối với việc quản lý và sử dụng chung khu vực hàng hải, bao gồm cả ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Theo sách trắng này, chính quyền Trump “đã công nhận Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là trung tâm trọng điểm của thế giới”.

Nói về sách trắng này, một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ đã chia sẻ với Reuters: “Chiến lược Trung Quốc của chúng tôi có phạm vi toàn cầu. Nó công nhận Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một khu vực cạnh tranh đặc biệt gay gắt”.

Nhà Trắng có lý chính đáng khi coi mối đe dọa từ Trung Quốc không chỉ giới hạn ở Châu Á - Thái Bình Dương, mà là một vấn đề toàn cầu, chia sẻ bởi tất cả các quốc gia.

Sự gây hấn của Bắc Kinh

Chính quyền Trung Quốc đang huy động sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự, và công nghệ để mở rộng phạm vi và sự thống trị của mình trên toàn cầu. Và trong quá trình này, họ đã bắt nạt các quốc gia khác.

  • Úc đã bị đe dọa và bị bắt nạt bởi chính quyền Trung Quốc, trong một động thái trả đũa Úc vì đã kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của COVID-19.
  • Đài Loan đã phải hứng chịu 961 cuộc xâm nhập của quân đội Trung Quốc vào vùng biển và không phận của họ chỉ trong năm 2021.
  • Trong 3 năm qua, Trung Quốc đã vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ, dẫn đến một số cuộc giao tranh.
  • Hải quân Trung Quốc liên tục quấy rối các tàu dân sự và quân sự của Việt Nam.
  • Các tàu Trung Quốc đã bắn vòi rồng vào các tàu Philippines bên trong lãnh hải của Philippines vào 2021.
  • Nhật và Trung Quốc có tranh chấp kéo dài về quần đảo Senkaku.
  • Malaysia cáo buộc Trung Quốc xâm phạm không phận của nước này vào năm 2021.
  • Indonesia thấy cần phải trang bị lực lượng hàng hải của mình, để ngăn chặn các tàu Trung Quốc đi vào vùng biển xung quanh quần đảo Natuna của họ.
  • Các nước thuộc Liên minh châu Âu cũng như Vương quốc Anh đã nhiều lần tranh chấp ngoại giao với Trung Quốc về việc nước này vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
  • Bắc Kinh nhằm vào Litva vì ủng hộ Đài Loan.

Mỹ và Đồng minh chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phụ thuộc vào các thỏa thuận quốc phòng với các đồng minh của Mỹ trong khu vực này — nhiều nước trong số đó đã có tranh chấp gần đây hoặc đang tiếp diễn với Trung Quốc. Các nước này bao gồm Nhật, Hàn Quốc, Philippines, và Thái Lan. Thông qua các hiệp ước hiện có — chẳng hạn như AUKUS, Ngũ Nhãn, và Bộ Tứ — chiến lược phòng thủ này bao gồm Úc, Vương quốc Anh, Ấn Độ, và New Zealand. Sách trắng Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Joe Biden cũng kêu gọi liên kết với EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), những tổ chức có lợi ích chung trong việc chống lại chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc.

Nhóm tàu tấn công tháp tùng tàu sân bay Carl Vinson tiến hành lễ vinh danh với Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật, 19/09/2021. Tàu sân bay lớp Nimitz này đang được triển khai theo lịch trình trong khu vực hoạt động của Hạm đội 7 của Mỹ, để tăng cường khả năng tương tác thông qua các liên minh và đối tác, đồng thời đóng vai trò là lực lượng sẵn sàng ứng phó để hỗ trợ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. (Ảnh từ Hải quân Mỹ, chụp bởi Chuyên viên Truyền thông Đại chúng Hạng nhì Haydn N. Smith)

Các kế hoạch phòng thủ của Mỹ nhằm duy trì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do là dựa trên việc bảo tồn nền độc lập của Đài Loan. Hạm đội tàu ngầm Đài Loan sẽ đóng một vai trò không thể thiếu, cùng với các hạm đội của Mỹ và Úc, trong việc kìm hãm Hải quân Trung Quốc trong các đảo san hô phía nam Nhật, phía đông Đài Loan, và phía bắc Malaysia. Từ đó sẽ cho phép Hạm đội 7 của Mỹ kiểm soát việc tiếp cận dầu của Trung Quốc, vốn được vận chuyển qua eo biển Malacca (nằm giữa bán đảo Malaysia và đảo Sumatra của Indonesia).

Sách trắng tuyên bố rằng, Mỹ sẽ “bảo vệ lợi ích của chúng tôi (Mỹ), ngăn chặn sự xâm lược quân sự chống lại đất nước chúng tôi, cũng như chống lại các đồng minh và đối tác của chúng tôi — bao gồm cả trên eo biển Đài Loan”.

Việc chỉ đề cập đến eo biển Đài Loan cho thấy một cam kết tăng cường của Mỹ đối với việc bảo tồn Đài Loan. Thông qua Đạo luật Quan hệ Đài Loan, Mỹ đã cam kết cung cấp cho Đài Loan vũ khí để tự vệ. Vào tháng 1/2022, Đạo luật Vũ trang Đài Loan được đưa ra tại Quốc hội Mỹ, đạo luật này sẽ tăng cường cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ Đài Loan.

Sách trắng này cũng đề cập đến Khung kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mà chính quyền Biden dự kiến ​​khởi động trong những tháng tới. Mối quan hệ đối tác đa phương này sẽ là cơ sở cho việc tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư, và ngoại giao của Mỹ với khu vực này. Chiến lược kinh tế này được đặt ra nhằm đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, và tự do thông tin, ngăn cho chúng không bị thao túng. Những mục tiêu này gắn liền với việc thiết lập một mạng internet đáng tin cậy và an toàn, viễn thông toàn cầu đáng tin cậy, và 5G, cũng như công nghệ Mạng truy cập vô tuyến mở (O-RAN).

Ngoài ra, một mục tiêu nữa là nâng cao chất lượng dân chủ trong khu vực, bao gồm việc hỗ trợ các thể chế dân chủ, hỗ trợ pháp quyền, tính minh bạch, và trách nhiệm giải trình của chính phủ. Điều này, cùng với sự gia tăng thương mại và đầu tư từ Mỹ, sẽ đặt các quốc gia tại khu vực này vào vị thế tốt hơn trong việc chống lại sự ép buộc kinh tế của Bắc Kinh.

Để cải thiện mức sống trong khu vực, Mỹ có kế hoạch tham gia kinh tế với mục tiêu phát triển đổi mới và tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế, điều này sẽ dẫn đến việc tạo ra các công việc được trả lương cao.

Một ưu tiên khác là xây dựng và đảm bảo mạng lưới chuỗi cung ứng khu vực. Vì vậy, sách trắng này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp với các đối tác ASEAN, cũng như tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư với các quốc gia đó.

Cuối cùng, sách trắng Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương kêu gọi nỗ lực phối hợp giữa Mỹ và các đồng minh. Nói tóm lại, Nhà Trắng đang kêu gọi hơn một phần ba dân số thế giới lập ra một mặt trận thống nhất chống lại chính quyền Trung Quốc.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả bài bình luận Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA chuyên về Trung Quốc của Đại học Giao thông Thượng Hải. Ông Graceffo là một giáo sư kinh tế và là nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, viết cho nhiều hãng truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách của ông về Trung Quốc bao gồm "Ngoài vành đai và con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc", và "Khóa học ngắn hạn về Kinh tế Trung Quốc".

Cao Dương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ lãnh đạo Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chống lại sự xâm lược của Trung Quốc