Mỹ giới thiệu dự luật về bỏ tên gọi Chủ tịch nước của ông Tập Cận Bình

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một dự luật có tên "The Name the Enemy Act" (tạm dịch: Định danh Kẻ thù) đã được đề xuất lên Hạ viện Mỹ. Theo đó, ông Tập Cận Bình sẽ không được gọi là Chủ tịch nước Trung Quốc trong các tài liệu chính thức của chính phủ Mỹ.

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung tiếp tục leo thang trong các vấn đề: thương mại, tiền tệ, Biển Đông và Trung Đông, chính quyền Tổng thống Trump liên tiếp giới thiệu các dự luật về việc không công nhận sự tồn tại hợp pháp của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Chức vị Chủ tịch nước của ông Tập có thể không được công nhận tại Mỹ

Các nhà lập pháp ở Washington mới đây đề xuất một dự luật về thay đổi cách chính phủ liên bang đề cập đến chức danh của người đứng đầu Trung Quốc; đó là không sử dụng chức danh “Chủ tịch nước” đối với ông Tập Cận Bình.

Đạo luật "The Name the Enemy Act" (Tạm dịch: Định danh Kẻ thù" quy định các tài liệu chính thức của chính phủ Hoa Kỳ đề cập đến chức danh của ông Tập theo đúng vai trò của ông là người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tức là: Tổng Bí thư ĐCSTQ.

Người đứng đầu Trung Quốc, hiện là ông Tập Cận Bình, có ba chức danh chính thức -không có chức danh nào là “Tổng thống” - bao gồm: Chủ tịch nước, Chủ tịch quân ủy trung ương, và Tổng bí thư ĐCSTQ.

Tại những quốc gia nói tiếng Anh, bao gồm cả ở Hoa Kỳ, danh từ “president” có cả nghĩa là “tổng thống” và “chủ tịch nước”. Ở các quốc gia dân chủ này, tổng thống (president) là chức danh được lựa chọn thông qua bầu cử dân chủ. Ví dụ như gọi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Do vậy, giới phê bình cho rằng nếu dùng từ “president” (mang nghĩa là tổng thống/chủ tịch nước) cho những lãnh đạo không thông qua bầu cử dân chủ như ông Tập sẽ không hợp pháp.

“Việc xưng hô với người đứng đầu nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bằng từ “president” (chủ tịch nước/tổng thống) gây ra một sự hiểu lầm rằng người dân của nước này, thông qua các phương thức dân chủ, đã bầu chọn người đứng đầu quốc gia của họ”, luật nêu rõ.

Dân biểu Scott Perry thuộc Đảng Cộng hòa đã đệ trình dự luật lên Hạ viện Mỹ. Theo đó dự luật này sẽ cấm sử dụng quỹ cấp liên bang để "tạo hoặc phổ biến" các tài liệu và thông tin chính thức đề cập đến người đứng đầu Trung Quốc là "chủ tịch nước/tổng thống".

Dự luật này được đưa ra khi nhiều quan chức nội các hàng đầu, do Ngoại trưởng Mike Pompeo khởi xướng, gần đây đã bắt đầu bỏ cách việc dùng chức danh “president" (tổng thống/chủ tịch nước) và chuyển sang dùng chức danh "Tổng Bí thư" đối với người đứng đầu Trung Quốc. Một báo cáo của Nhà Trắng hồi tháng Năm về cách tiếp cận chiến lược của Washington với Trung Quốc đã sử dụng chức danh Tổng Bí thư của ông Tập.

Anna Ashton, người đứng đầu các vấn đề chính phủ tại Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Trung Quốc, cho biết dự luật này “chính thức hóa một số điều mà chúng tôi đã lưu ý trong các tuyên bố của chính quyền Tổng thống Trump”.

Tuy Tổng thống Trump hiện vẫn chưa dùng chức danh Tổng Bí thư mà ông Pompeo khởi xướng, nhưng ông đã không còn gọi ông Tập là “bạn” kể từ khi quan hệ Mỹ - Trung rạn nứt nghiêm trọng vì sự lây lan của đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

“Hiện giờ tôi không muốn nói chuyện với Trung Quốc”, ông Trump nói hôm 18/8.

Các quan chức Mỹ hiện gọi ông Tập Cận Bình là 'Tổng Bí thư' thay vì 'Chủ tịch nước' Trung Quốc

Dân biểu Perry cho biết vào hồi tháng Năm rằng,“Sự thiếu trung thực trắng trợn của ĐCSTQ với cộng đồng quốc tế đã [khiến thế giới] phải trả giá bằng mạng sống, ĐCSTQ và [Tổ chức Y tế Thế giới] phải chịu trách nhiệm về những thất bại của họ”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không còn coi ông Tập như một “người bạn”.

Trong những tháng gần đây, ông Perry đã đưa ra một loạt các dự luật mạnh mẽ liên quan đến Trung Quốc, bao gồm cả đạo luật cắt giảm tài trợ của Mỹ cho Liên Hợp Quốc cho đến khi cơ quan này trục xuất Trung Quốc và công nhận Đài Loan, và các dự luật cho phép Tổng thống Mỹ công nhận Hong Kong và Tây Tạng là các quốc gia độc lập với Trung Quốc đại lục.

Hành động này đã thu hút sự ủng hộ của một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa khác, bao gồm Dân biểu Ted Yoho - thẳng thắn lên tiếng chống lại ĐCSTQ trước Quốc hội Hoa Kỳ. Ông cũng quan tâm đặc biệt đến các vấn đề về Đài Loan.

Tuy nhận được sự ủng hộ, nhưng trong vài tháng còn lại của kỳ họp quốc hội này, dự luật này sẽ có thể không phải là một quan tâm hàng đầu khi nhiều vấn đề lập pháp khác liên quan đến đại dịch virus Corona Vũ Hán và cuộc bầu cử tháng Mười Một trong chương trình nghị sự của các nhà lập pháp.

“Tôi không thể biết được dự luật này sẽ đi theo hướng nào tại phiên họp này,” một thành viên thuộc Đảng Dân chủ cho biết.

Bất kỳ dự luật nào chưa đến được bàn của Tổng thống trước khi phiên họp kết thúc vào đầu tháng 1/2020 sẽ bị xóa sổ và phải được trình lại vào phiên họp sau.

Ông Ashton nhận định rằng dự luật mà Dân biểu Perry đề xuất ít có khả năng thu hút được sự quan tâm so với các dự luật liên quan đến Trung Quốc khác, như dự luật về lao động cưỡng bức, về chuỗi cung ứng và dự luật quy định công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn chứng khoán Mỹ.

Mỹ đang xem xét dự thảo luật cấm thành viên ĐCSTQ nhập cảnh vào Hoa Kỳ

Hôm 16/7, một số kênh truyền thông Hoa Kỳ trích dẫn các nguồn tin tiết lộ rằng, chính quyền Tổng thống Trump đang thảo luận về lệnh cấm đi lại với các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và gia đình của họ. Các nhà phân tích cho rằng lệnh cấm thị thực sẽ tước đi tính hợp pháp của ĐCSTQ.

Thời báo New York là tờ đầu tiên có bài viết về tin tức này hôm 16/7, sau đó tờ Tạp chí Phố Wall và Reuters cũng lần lượt đưa tin.

Theo nguồn tin, trong sắc lệnh hành pháp đang được soạn thảo, Hoa Kỳ không chỉ cấm các đảng viên ĐCSTQ và người nhà của họ đến nước này, mà còn ủy quyền cho các cơ quan chính phủ có liên quan hủy bỏ thị thực của các đảng viên ĐCSTQ và người nhà hiện đang ở Hoa Kỳ; theo đó các đảng viên ĐCSTQ, người nhà và con cái của họ sẽ bị trục xuất và bị cấm học đại học ở Hoa Kỳ.

Ông Mike Pillsbury, Giám đốc Trung tâm Chiến lược Trung Quốc tại Viện Washington Hudson và là Cố vấn không chính thức của Tổng thống Trump về vấn đề Trung Quốc, nói với tờ Tạp chí Phố Wall (The Wall Street Journal): "Đây sẽ là một bước tiến quan trọng trong những tháng qua của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhằm chống lại ĐCSTQ, loại bỏ tính hợp pháp của ĐCSTQ và 90 triệu đảng viên của nó".

Trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông hôm 16/7, khi được hỏi liệu chính phủ Mỹ có đang thảo luận về việc cấm các đảng viên ĐCSTQ và gia đình của họ vào Hoa Kỳ hay không, Ngoại trưởng Pompeo trả lời: "Dưới sự chỉ đạo của Tổng thống, chúng tôi đang nỗ lực tìm cách phản kích ĐCSTQ. Các bạn có thể nhận thấy điều này trong các vấn đề thương mại, trong các hoạt động kinh tế khác và cả vấn đề ngoại giao".

Về lệnh cấm đi lại, ông Pompeo cho biết: "Chúng tôi đang tìm kiếm phương thức chính xác để cân nhắc về vấn đề này. Chúng tôi muốn bảo đảm rằng việc này được thực hiện theo cách có thể thể hiện truyền thống của nước Mỹ. Tổng thống và nhóm của chúng tôi đang xem xét nhiều phương pháp".

Các đòn trừng phạt của Mỹ với Trung Quốc ngày càng gia tăng và đều nhắm vào trọng tâm sinh tồn của thể chế này. Đầu tiên là phá vỡ thế mạnh nguồn cung hàng giá rẻ của Trung Quốc cho toàn thế giới bằng cách thiết lập chuỗi cung ứng mới, lấp đầy nền sản xuất trong nội bộ nước Mỹ. Tiếp đến là cắt đứt các dòng tài chính đổ vào Trung Quốc hoặc được Trung Quốc hút về từ hệ thống tài chính Mỹ và phương Tây thông qua xóa bỏ đặc quyền của Hong Kong, loại bỏ doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, xem xét loại bỏ doanh nghiệp, ngân hàng Trung Quốc ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT,... . Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng công khai ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông và gia tăng kiểm soát, trừng phạt các "đồng minh" của Trung Quốc tại Trung Đông. Khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu khó khăn và khô kiệt, thì đòn trừng phạt "không công nhận tính hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc" thực sự là nhát cắt cuối cùng, không đường lui trong mối quan hệ Mỹ - Trung trong trận chiến cuối cùng.

Lê Minh

Thế giới Mỹ


BÀI CHỌN LỌC

Mỹ giới thiệu dự luật về bỏ tên gọi Chủ tịch nước của ông Tập Cận Bình