Nước Mỹ là bạn hay kẻ thù của Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cùng với sự leo thang chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, trên khắp các phương tiện truyền thông và mạng xã hội của Trung Quốc là ngôn từ kích động chống Mỹ, căm thù Mỹ, coi Mỹ là kẻ thù xấu xa ngăn cản "Giấc mơ Trung Hoa" của người dân Trung Quốc. Tuy nhiên, sự thực có phải như vậy?

Lòng thù hận Mỹ của nhân dân Đại Lục đang ngày càng trỗi dậy. Các kênh truyền hình của Trung Quốc không ngừng phát sóng những bộ phim cũ về thể loại chống Mỹ trước đây. Họ còn dùng những ngôn từ thậm tệ như: “Dã tâm Đế quốc Mỹ tiêu diệt ta vẫn chưa hết”.

Tuy nhiên những ai thấu hiểu được lịch sử Trung Quốc cận đại đều biết nước Mỹ đã nhiều lần giúp đỡ Trung Quốc vượt qua rất nhiều đại nạn, có công lao to lớn. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng ta hãy tìm hiểu lại lịch sử bang giao giữa hai nước thời kỳ cận đại những năm cuối nhà Thanh.

Tăng Quốc Phiên, Lý Hồng Chương: “Dùng Mỹ để thoát lạc hậu"

Tăng Quốc Phiên là một đại danh thần nổi tiếng cuối triều đại nhà Thanh đồng thời cũng là nhân vật thấu hiểu phương Tây. Trong cuộc đối kháng các nước phương Tây cường mạnh, ông chỉ duy nhất tán dương nước Mỹ: “Nước Mỹ không giống các quốc gia khác, con người bản tính thuần hậu chất phác, lại suy nghĩ có lợi cho Trung Quốc".

Ông đã dựa vào thiết bị, kỹ thuật của nước Mỹ mà lập nên “Tổng cục chế tạo Giang Nam" nổi tiếng một thời. Ông cũng là người đặt nền tảng cho cuộc vận động “Tây phương hóa”, ủng hộ Dung Hoằng thiết lập nền giáo dục phương Tây, tổ chức lứa học sinh đầu tiên của Trung Quốc đưa sang Mỹ du học. Sau khi lứa học sinh này du học trở về đã đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực luyện kim, đường sắt, điện báo, tạo nên một diện mạo tích cực cho sự phát triển của Trung Quốc.

Lý Hồng Chương vừa là học trò của Tăng Quốc Phiên đồng thời cũng là bậc danh thần nổi tiếng cuối triều nhà Thanh. Đồng tình theo quan điểm của thầy, Lý Hồng Chương cho rằng: “Cần phải dựa nhiều vào nước Mỹ, Mỹ là đất nước hoàn toàn khác biệt với đa số các nước phương tây khác, là quốc gia nói đạo lý, trọng tín nghĩa…”.

nước mỹ là bạn hay kẻ thù của trung quốc
“Cần phải dựa nhiều vào nước Mỹ, Mỹ là đất nước hoàn toàn khác biệt với đa số các nước phương tây khác, là quốc gia nói đạo lý, trọng tín nghĩa…” (Ảnh: Wikipedia/CC BY-SA 3.0)

Trong cuộc chiến tranh khốc liệt với các cường quốc như Nhật, Nga và cuộc chiến Pháp - Trung những năm cuối triều đại nhà Thanh, Trung Quốc đã nhận được không ít lợi ích từ việc tương trợ lực lượng lớn mạnh của nước Mỹ.

Tránh khỏi kết cục Trung Quốc bị chia cắt

Cuối thế kỷ 19 chính phủ nhà Thanh hậu thuẫn phong trào bạo lực Nghĩa Hoà Đoàn lạm sát các nhà truyền giáo, thậm chí cả những phụ nữ và trẻ em cũng không tha nên dẫn tới sự phẫn nộ của cộng đồng quốc tế. Khi ấy 8 nước liên minh cùng xuất quân tiến đánh Bắc Kinh để giải cứu các đại sứ quán bị bao vây. Sau khi chiếm được Bắc Kinh, Mỹ từ chối tham gia vào các thế lực chia cắt Trung Quốc, chủ chương “Mở cửa" cho các nước tự do buôn bán trên lãnh thổ Trung Quốc, nên đã tránh được kết cục Trung Quốc bị một số quốc gia xâm chiếm.

Sau khi chính phủ nhà Thanh thất bại buộc phải bồi thường tổn thất cho 8 nước liên minh 67 triệu bảng Anh (tương đương với 450 triệu lạng bạc), tức nhiều hơn tiền thuế của triều đình trong một năm, và phải trả trong 39 năm cho 8 nước liên minh. Tuy nhiên nước Mỹ lại chủ động bỏ ra 60% số tiền bồi thường của mình giúp đỡ Trung Quốc xây dựng Thanh Hoa học đường (Đại học Bắc Kinh) và nhận hàng ngàn du học sinh Trung Quốc đến Mỹ học tập. Đương thời, gần một nửa thành viên Viện Nghiên cứu sinh Trung ương, Viện Khoa học đều thuộc số du học sinh diện này.

Mỹ xây dựng các cơ sở giáo dục, chữa bệnh tại Trung Quốc

Các nhà truyền giáo của Mỹ trong quá trình truyền bá tín ngưỡng của mình cũng đồng thời sáng lập (hoặc tham gia sáng lập) nên một loạt những đại học ưu tú tại Trung Quốc như Đại học Tề Lỗ, Đại học Yên Kinh, Đại học Saint. John's, Đại học Kim Lăng, Đại học Phụ Nhân... Trong đó Đại học Yên Kinh là một trong số những trường đại học có quy mô lớn nhất thời cận đại, được liệt vào danh sách những trường đại học danh tiếng nhất thế giới.

Ngược lại, đáp lại sự giúp đỡ đó, Mao Trạch Đông lại chỉ trích Stuart, người có công lớn nhất trong việc xây dựng trường Đại học Yên Kinh là “Kẻ xâm lược đế quốc Mỹ".

nước mỹ là bạn hay kẻ thù của trung quốc
Stuart - người có công lớn trong việc xây dựng Đại học Yên Kinh quy mô và danh tiếng thời cận đại - bị Mao Trạch Đông lên án là "kẻ xâm lược đế quốc Mỹ" (Ảnh: Wikipedia)

Cuối thời nhà Thanh, đầu thời Dân quốc, trình độ y học trị liệu của Trung Quốc vô cùng lạc hậu. Năm 1917 John Rockefeller, một doanh nhân người Mỹ đã đầu tư sáng lập Học viện Y học Hiệp Hòa Bắc Kinh, chuyên giảng dạy, đào tạo phương pháp y học phương Tây. Ngoài ra các nhà truyền giáo người Mỹ khác cũng đã xây dựng trên 800 bệnh viện như Đồng Tế ở Thượng Hải, Hoa Tây ở Thành Đô, Đồng Nhân ở Thượng Hải, Bác Tế ở Quảng Châu, Vĩnh Xuân ở Phúc Kiến, Mã Giai ở Đài Loan... và giúp người dân Trung Quốc nhận được những lợi ích to lớn.

Giúp Trung Quốc chống Nhật và trở thành cường quốc

Trong giai đoạn kháng chiến gian khổ nhất, hơn một nửa đất nước Trung Quốc bị quân Nhật chiếm đóng, bị mất các cửa ngõ thông ra biển, mất quyền kiểm soát đất nước, vật chất cực kỳ thiếu thốn. Nước Mỹ đã thông qua tuyến đường vận chuyển The Hump để vận chuyển một lượng lớn vật tư chiến lược cho Trung Quốc. Việc này cũng đã phải trả giá bằng sinh mệnh của hơn 3000 phi công Mỹ lúc bấy giờ.

Các quân nhân xuất ngũ của Mỹ đứng đầu là tướng Claire Lee Chennault đã thành lập Phi Hổ Đội, tham gia không chiến chống Nhật, bắn rơi gần 300 máy bay, tiêu diệt hàng nghìn phi công của quân Nhật. Việc này trợ giúp đắc lực cho Chính phủ Quốc dân đảo ngược cục diện bất lợi của lực lượng không quân. Sau chiến tranh, nước Mỹ với vai trò nòng cốt đã tổ chức một hội nghị đưa Trung Quốc trở thành một trong 5 nước thành viên thường trực của Liên Hợp Quốc. Trung Quốc đã từ một vũng lầy ô nhục hàng trăm năm đứng dậy trở thành một cường quốc thế giới.

Nội chiến Trung Quốc: Ca ngợi, lợi dụng Mỹ

Ngày 4/7/1943, Mao Trạch Đông đích thân viết một bài văn hô hào: “Nước Mỹ dân chủ muôn năm”, nhiệt tình ca ngợi sự tự do dân chủ của nước Mỹ, "khiến cho tất cả những người đang gặp cảnh khó khăn đều cảm thấy ấm áp, cảm thấy thế giới này vẫn còn nhiều hy vọng". Sau này Mao Trạch Đông còn nhiều lần nói với các quan chức của Mỹ rằng: “Nước Mỹ dân chủ tốt", điều này đã khiến cho nước Mỹ tín nhiệm mà bàn giao một lượng lớn vũ khí kháng Nhật cho Mao Trạch Đông.

Mùa xuân năm 1946, toàn bộ quân đội của Đảng cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh bị thất bại, chính phủ Mỹ đã yêu cầu Tưởng Giới Thạch phải ngừng đánh ĐCSTQ để chừa lại cho Mao Trạch Đông một con đường sống.

Sau một thời gian được nghỉ ngơi dưỡng sức, ĐCSTQ đơn phương hủy bỏ hiệp định ngừng chiến và tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn chống lại quân đội Quốc gia. Sau khi ĐCSTQ lấy lại được vùng Đông Bắc, thấy được chiến thắng trong tầm mắt nên đã vạch kế hoạch dùng mỹ nhân kế, sai nữ đảng viên Thẩm Sùng quyến rũ và có quan hệ với người chỉ huy quân đội Hoa Kỳ là Pearson.

Tiếp đó ĐCSTQ dùng cái cớ này để ra yêu sách với Hoa Kỳ. ĐCSTQ tổ chức cho các học sinh sinh viên biểu tình quy mô lớn để "phản đối sự tàn bạo của quân đội Hoa Kỳ" dẫn đến việc Mỹ thất bại trong việc "hòa giải cuộc nội chiến ở Trung Quốc". Từ đó ĐCSTQ đứng lên độc chiếm chính quyền điều hành chính phủ Trung Quốc.

Ngăn cản cuộc tấn công hạt nhân của Liên Xô đánh Trung Quốc

Sau khi thành lập, ĐCSTQ hoạt động như một con tốt của Liên Xô, gây hấn chiến tranh với Hàn Quốc, Việt Nam, quyết định đối đầu với nước Mỹ. ĐCSTQ truyền bá tư tưởng chống Mỹ, giáo dục trẻ em từ mẫu giáo nhi đồng ca hát, tuyên truyền: “Đánh bại dã tâm lang sói của đế quốc Mỹ".

Embed from Getty Images

Nếu không có sự can thiệp của Mỹ thời bấy giờ, thì lịch sử Trung Quốc đã rẽ theo một hướng khác.

Trong những năm thập niên 60, quan hệ Trung - Xô ngày càng có chiều hướng xấu đi. Tháng 3 năm 1969 Trung - Xô phát sinh xung đột vũ trang tại đảo Trân Bảo. Liên Xô quyết định tiến hành tấn công hạt nhân đánh Trung Quốc, đồng thời đem kế hoạch này thông báo cho Mỹ. Tổng thống Mỹ khi ấy là Richard Nixon đã bày tỏ sự phản đối của mình với Liên Xô. Thông qua báo chí, Tổng thống Richard Nixon đã tiết lộ thông tin này cho Trung Quốc. Tháng 10, nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Brezhnev đã nhận được một báo cáo: "Căn cứ tên lửa của Trung Quốc đã bước vào tình trạng chiến tranh, và Hoa Kỳ cũng đã lên kế hoạch cụ thể cho các cuộc tấn công hạt nhân chống lại các thành phố của Liên Xô. Cuối cùng, Liên Xô đành bất lực và từ bỏ cuộc tấn công hạt nhân vào Trung Quốc".

Thiết lập bang giao: Mỹ đã nuôi dưỡng mầm họa "hổ Trung Cộng"

Năm 1971, Thành phố Nagoya đã tổ chức một giải đấu bóng bàn tại Nhật Bản. Mao Trạch Đông, người có mối quan hệ ngày càng xấu đi với Liên Xô, đã lợi dụng cơ hội này mời đội bóng bàn Mỹ đến thăm Trung Quốc. Việc diễn ra các chuyến thăm này đã dẫn đến chuyến thăm của cựu Tổng thống Nixon tới Trung Quốc vào năm 1972. "Ngoại giao bóng bàn" đã phá vỡ cánh cửa bị đóng kín giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong hơn 20 năm.

Nước Mỹ mở cửa cho kinh tế Trung Quốc, chấp nhận cho học sinh Trung Quốc sang du học, giúp Trung Quốc bồi dưỡng một lượng lớn các nhà khoa học hàng đầu và những cây đại thụ kinh doanh cho Trung Quốc như Dương Chấn Ninh - nhà vật lý đạt giải Nobel vật lý, Trương Triêu Dương - người sáng lập Sohu, Lý Ngạn Hoằng - người sáng lập Baidu.

Đồng thời ĐCSTQ lại thúc đẩy “Kế hoạch nghìn nhân tài", lấy đãi ngộ lương thưởng cực cao cộng với thị trường rộng mở để kêu gọi hàng trăm hàng ngàn nhà khoa học, nhân tài xuất sắc của Mỹ đến Trung Quốc.

Vì muốn dùng kinh tế dẫn động chuyển biến chính trị, Mỹ đã đồng ý cho Trung Quốc gia nhập WTO đồng thời đầu tư một lượng lớn kinh tế vào Trung Quốc, giúp GDP của Trung Quốc tăng lên gấp 9 lần, trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới.

Embed from Getty Images

ĐCSTQ đã lợi dụng sự "ngây thơ" trong chính sách đối ngoại của Mỹ nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư khổng lồ; lôi kéo nhân tài; đánh cắp công nghệ, kỹ thuật tạo thành thâm hụt thương mại to lớn cho Mỹ.

Tuy nhiên ĐCSTQ lại dùng rào cản thương mại để cưỡng chế chuyển giao kỹ thuật, đánh cắp tri thức công nghệ của Mỹ khiến nước Mỹ phải tổn thất hàng trăm tỷ USD mỗi năm, tạo thành thâm hụt thương mại to lớn cho nước Mỹ. Đặc biệt, năm 2018, con số này đã chiếm 1/2 thâm hụt mậu dịch toàn cầu của Mỹ.

ĐCSTQ không giống như kỳ vọng ban đầu của Mỹ: “Mang hy vọng tự do to lớn cho người dân Trung Quốc". Ngược lại, ĐCSTQ đã lợi dụng khoa học kỹ thuật cao của Mỹ để thành lập một mạng lưới giám sát không gì có thể so sánh được. Hiện nay Trung Quốc có hàng trăm triệu Camera với trí tuệ thông minh nhân tạo AI được lắp đặt khắp nơi, từ đầu đường cuối phố cho đến những công trình kiến trúc công cộng. Người dân Trung Quốc hầu như đã mất đi sự riêng tư vốn có, quyền tự do của người dân bị khống chế cực độ.

Cảnh tỉnh ngoại giao: Mỹ nhìn thấu bản chất tà ác của ĐCSTQ

Năm 2019 tròn 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung - Mỹ, giới quan chức cấp cao ĐCSTQ tiến hành hoạt động kỷ niệm quan hệ ngoại giao hai nước. Ngược lại, giới chính trị, nhân sĩ tri thức Mỹ lại nhận định rằng việc thừa nhận chế độ ĐCSTQ là chính phủ chính thức của Trung Quốc là sai lầm to lớn trong chính sách ngoại giao của Mỹ.

Ngay từ tháng 10/2018 phó tổng thống Mike Pence đã có bài phát biểu phê phán ĐCSTQ một cách toàn diện, bao gồm việc phong tỏa mạng lưới Internet, đàn áp, bức hại tôn giáo, dân chủ, đánh cắp quyền trí tuệ, có ý đồ can thiệp cuộc bầu cử của Mỹ, uy hiếp sự tự do dân chủ của Mỹ và rất nhiều phương diện khác.

Năm 2019 tròn 30 năm thảm sát Thiên An Môn, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Morgan đã phát biểu vào ngày 30 tháng 5: “Chúng ta không nên quên rằng đây là một cuộc thảm sát cực kỳ nghiêm trọng đối với những người biểu tình ôn hòa. Đây là một hành vi bạo lực, đáng sợ, khủng khiếp, có hệ thống của Đảng Cộng sản ở Trung Quốc”.

Ngày 4 tháng 6 Mike Pompeo, Ngoại trưởng Mỹ cũng có bài phát biểu tưởng nhớ các anh hùng nhân dân Trung Quốc đồng thời kêu gọi Bắc Kinh phóng thích cho những người đấu tranh vì tự do để kỷ niệm 30 năm vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4 tháng 6.

Embed from Getty Images

Nước Mỹ dưới thời của tổng thống Donald Trump đã thức tỉnh.

Kết luận

Hơn một thế kỷ gần đây, nước Mỹ trong vấn đề cân đối chiến lược toàn cầu, luôn hy vọng Trung Quốc trở thành một cường quốc dân chủ. Trong thời khắc quan trọng, thậm chí ảnh hưởng tới sự tồn vong của dân tộc Trung Hoa, Mỹ không ngại giúp đỡ Trung Quốc vượt qua khó khăn. Đối với sự giúp đỡ của Mỹ, những năm cuối cùng Chính phủ nhà Thanh, Chính phủ Dân Quốc đều cảm kích, khắc cốt ghi tâm, được chép vào sử sách. Ngược lại, chính phủ ĐCSTQ đối với sự giúp đỡ của nước Mỹ, hoặc là im lặng, hoặc là đổi trắng thay đen, hoặc là “vong ân bội nghĩa” chỉ trích nước Mỹ, thậm chí còn “lấy oán báo ân”.

Hiện nay Tổng thống Trump đã nhìn rõ bản chất tà ác thực sự của ĐCSTQ, đã tách biệt rõ ràng ĐCSTQ và nhân dân Trung Quốc. Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cho dù ĐCSTQ có lừa gạt, kéo dài, cũng như gây ra bất kể những phiền phức quốc tế, thì chính quyền Tổng thống Trump vẫn trước sau kiên trì nguyên tắc thương mại quốc tế, tuân thủ, thực thi giá trị phổ quát. Theo đó, ĐCSTQ sẽ ngày một cô độc trong cộng đồng quốc tế, quyền lực chính trị trong nước đang ngày càng lung lay. Sự tồn vong của ĐCSTQ chỉ còn là vấn đề sớm hay muộn mà thôi.

Vũ Minh biên dịch
Tác giả: Du Nguyên
Theo: zhengjian.org



BÀI CHỌN LỌC

Nước Mỹ là bạn hay kẻ thù của Trung Quốc?