Triều Tiên thông qua luật cho phép tấn công hạt nhân 'tự động' chống lại 'lực lượng thù địch'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA hôm 08/9 đưa tin, Triều Tiên đã thông qua luật cho phép nước này tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân 'tự động/ chống lại bất kỳ 'thế lực thù địch' nào gây ra mối đe dọa có thể có đối với quốc gia này.

Hội đồng Nhân dân Tối cao hôm 08/9, đã thông qua luật mới cho phép Triều Tiên “tiêu diệt ngay lập tức các thế lực thù địch” để tự vệ, cơ quan ngôn luận Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin.

Luật này quy định rằng Triều Tiên sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân như một biện pháp cuối cùng, nhưng lực lượng hạt nhân sẽ là lực lượng phòng thủ chính của quốc gia để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và người dân của đất nước.

“Với điều này, vị thế của nhà nước chúng tôi là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đã trở nên không thể đảo ngược”, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un được KCNA dẫn lời trong một báo cáo riêng.

Ông Kim tuyên bốm đất nước của ông sẽ “không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân”, bất kể tình hình quân sự trên Bán đảo Triều Tiên như thế nào và ngay cả khi Triều Tiên phải chịu “100 năm trừng phạt”.

Ông gọi Mỹ là "kẻ thù hạt nhân" của Triều Tiên trong khi đổ lỗi cho Hàn Quốc về việc làm trầm trọng thêm căng thẳng quân sự trong khu vực do vị thế phòng thủ chung với Washington.

"Chừng nào vũ khí hạt nhân còn tồn tại trên trái đất và chủ nghĩa đế quốc vẫn còn, thêm vào việc Hoa Kỳ và các lực lượng chư hầu từ chối ngừng các hoạt động chống Triều Tiên, thì hành trình xây dựng lực lượng hạt nhân của chúng tôi sẽ không bao giờ kết thúc", ông Kim tuyên bố.

Hoa Kỳ 'không có ý định thù địch'

Trong khi đó, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre hôm thứ Sáu (09/9) lặp lại rằng Washington “không có ý định thù địch” đối với Triều Tiên và tiếp tục theo đuổi chính sách ngoại giao.

“Như chúng tôi đã nói — và các quan chức Triều Tiên, bao gồm cả ông Kim Jong Un, đã công khai lưu ý — chúng tôi tiếp tục tìm kiếm ngoại giao và sẵn sàng đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên, phía Triều Tiên vẫn tiếp tục không hồi đáp”, bà nói với các phóng viên.

Bà Jean-Pierre tuyên bố rằng Washington vẫn tập trung vào việc phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác của mình để giải quyết các mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.

Triều Tiên đã tiến hành một loạt vụ phóng tên lửa trong năm nay, bao gồm một vụ liên quan đến tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lớn nhất của nước này, Hwasong-17, tất cả đều bị cấm theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc về chương trình tên lửa của Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã đề nghị cung cấp cho Triều Tiên cái mà ông gọi là “một kế hoạch táo bạo” sẽ “cải thiện đáng kể nền kinh tế của đất nước và đời sống của người dân theo từng giai đoạn” để đổi lấy việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Nhưng Triều Tiên đã từ chối lời đề nghị của ông Yoon, gọi đó là một “giấc mơ vô lý”. Theo KCNA, ông Kim nói rằng sẽ không có các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa, cũng như không có "con bài mặc cả" trong quá trình đó.

Hàn Quốc đang thúc đẩy tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950–1953 để xoa dịu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Hai nước đồng ý đình chiến vào năm 1953.

Nhưng Triều Tiên khẳng định rằng bất kỳ hiệp ước chính thức nào nhằm chấm dứt chiến tranh trước hết phải được đặt trước bằng việc chấm dứt “các hành động thù địch” của Hoa Kỳ chống lại nước này.

Lam Giang



BÀI CHỌN LỌC

Triều Tiên thông qua luật cho phép tấn công hạt nhân 'tự động' chống lại 'lực lượng thù địch'