Tiêu diệt cả S-400 trứ danh, tên lửa Neptune của Ukraine lợi hại ra sao?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trên bản đồ quân sự thế giới, Ukraine đã từng là một cường quốc. Nước này đã thửa hưởng tử Liên Xô tất cả những gì tinh tuý nhất về vũ khí quốc phòng. Nhưng năm tháng trôi đi, mọi chuyện đổi thay, Ukraine đã không thể giữ được phong độ ấy. Cho đến khi Nga cất quân tấn công vào mảnh đất này, người Ukraine mới bừng tỉnh. Họ cấp tốc phát triển nhiều chương trình chế tạo vũ khí nội địa đầy tham vọng, bao gồm các tên lửa tầm xa, phương tiện không người láI, v.v… Và một trong những sản phẩm trứ danh đang ghi dấu ấn mạnh mẽ trên chiến trường lúc này là Tên lửa chống hạm Neptune. Tên lửa này không chỉ đánh chìm soái hạm Moskva mà còn có thể tiêu diệt tên lửa phòng không S-400 nổi tiếng của Nga.

Cái tên Neptune trở nên nổi tiếng vào tháng 4 năm ngoái, khi tàu tuần dương Moskva, soái hạm của Hạm đội Biển Đen của Nga, bị trúng hai quả tên lửa Neptune do Ukraine phóng từ đất liền vào giữa đêm. Kết quả là tuần dương hạm Nga bị chôn vùi dưới đáy Biển Đen, trở thành nỗi đau lớn nhất của người Nga kể từ khi chiến tranh bùng nổ. Các loại radar phòng không được trang bị trên tàu tuần dương Moskva, cộng thêm các loại vũ khí phòng không khác nhau đều thất bại hoàn toàn trong việc ngăn chặn thảm kịch. Chúng ta thấy được sức mạnh thực sự của tên lửa Neptune do Ukraine phát triển độc lập là không hề đơn giản.

Neptune vốn là tên lửa chống hạm với nhiệm vụ chính là tấn công tàu chiến, nhưng mới đây Ukraine đã nâng cấp tên lửa này để tấn công các mục tiêu trên bộ. Nục tiêu đầu tiên của Neptune không gì khác chính là hệ thống S-400, vũ khí phòng không tiên tiến hàng đầu của Nga.

Đoạn video mà chúng ta đang xem hiện được đăng lên mạng vào giữa tháng 8, trong đó Ukraine sử dụng tên lửa chống hạm Neptune để tiêu diệt hệ thống tên lửa S-400 của Nga. Hệ thống phòng không S-400 trong video đã bị nổ tung, không còn nguyên xác. Có thể thấy, S-400 được triển khai gần một căn cứ quân sự của Nga, nhiệm vụ ban đầu là bảo vệ phòng không, nhưng kết quả là chính nó lại trở thành mục tiêu bị bắn hạ.

Thông tin tên lửa Neptune phá hủy S-400 đã được nhiều bên xác nhận. Gần đây, một bài viết đăng trên trang “The WarZone” của Mỹ cho biết, nhân viên Bộ Quốc phòng Ukraine đã nói xác nhận rằng, vào ngày 23/8, một tên lửa Neptune cải tiến đã bắn trúng hệ thống phòng không S-400 ở phía tây Bán đảo Crimea. Quan chức này còn nói thêm rằng, các kế hoạch trong tương lai của Ukraien sẽ bao gồm việc sử dụng phiên bản tấn công mặt đất của Neptune để tấn công thủ đô Moscow và các mục tiêu khác bên trong nước Nga.

Neptune là tên lửa hành trình cận âm có tốc độ tối đa không quá Mach 1. Tuy nhiên, tên lửa hành trình cận âm như vậy lại có thể phá hủy hệ thống S-400 tiên tiến nhất của Nga. Điều này cho thấy S-400 của Nga trước đó đã được thổi phồng lên đến mức nào.

S-400 được đánh giá là một trong những hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến nhất thế giới, tầm bắn có thể lên tới 400km, nghe nói nó có thể bắn 96 tên lửa chỉ trong một lần và đánh chặn 48 mục tiêu cùng lúc. Nó có thể phóng các loại tên lửa tầm ngắn, tầm trung, tầm xa và các loại tên lửa tầm thấp, tầm trung, tầm cao, tạo thành sự phối hợp chặt chẽ từ cao xuống thấp.

Ở đây, chúng tôi xin được chia sẻ với mọi người một số đánh giá về Tên lửa S-400 ở Trung Quốc. Ví dụ, một bài viết trên tờ Nhân dân Nhật báo có tiêu đề "Tên lửa đất đối không S-400 của Nga vượt qua tên lửa Patriot của Mỹ". Bài báo Trung Quốc nói rằng "Tên lửa S-400 được cho là hệ thống phòng không hoạt động tốt nhất trên thế giới hiện nay". Giờ dây nếu mọi người đọc lại bài viết này, quả thực là phải cười đến rớt răng!

Nga đã sử dụng tên lửa Dao Găm Kinzhal được mệnh danh là vũ khí siêu thanh mạnh nhất thế giới, với tốc độ có thể đạt tới trên Mach 10 và cộng thêm cái gọi là khả năng thay đổi quỹ đạo cơ động. Nga đã tiến hành 9 cuộc tấn công vào các tên lửa Patriot của Mỹ đang bảo vệ Kyiv. Nhưng kết quả là Patriot vẫn ổn, trong khi tất cả tên lửa Dao Găm đều bị đánh chặn.

Nếu nhìn vào dữ liệu trên giấy tờ, tốc độ cuối cùng của tên lửa siêu thanh Dao Găm đạt Mach 10. Các chuyên gia Nga và Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố rằng, tên lửa này không thể bị đánh chặn, nhưng cuối cùng nó đã bị đánh chặn bởi Patriot. Đối với một số vũ khí của Nga và Trung Quốc, nếu không lên chiến trường thì quả thực là thích nói gì cũng được, thoả sức tung hô tận 9 tầng mây. Chỉ khi chúng được sử dụng thì bí mật ngay lập tức bị bật mí ngay.

Tại sao S-400 không đánh chặn được Neptune?

Chúng ta hãy quay lại thời điểm Neptune bắn trúng S-400. Từ góc độ kỹ thuật, chúng ta có thể phân tích cách Neptune phá hủy S-400 và tại sao S-400 không đánh chặn thành công.

Khả năng lớn nhất là radar Nga không đủ khả năng phát hiện mục tiêu bay ở độ cao thấp. Neptune với tư cách là tên lửa chống hạm, trọng tâm chính của nó là bay lướt trên mặt biển, có thể bay ở độ cao từ 10 đến 20 mét so với mực nước biển và tiếp cận các tàu chiến Nga. Đây là lý do tại sao khi soái hạm Moskva bị Neptune tấn công vào tháng 4 năm ngoái thì tất cả vũ khí, thiết bị trên tàu đều không có chút phản ứng nào. Bởi vì soái hạm Nga hoàn toàn không phát hiện ra sự xuất hiện của Neptune, thậm chí còn không phóng ra được một quả tên lửa phòng không nào.

Điều đó cho thấy các radar của Nga và Liên Xô trước đây có những sai sót lớn trong khả năng phát hiện mục tiêu bay lướt trên biển và bay ở tầm thấp. Đây vẫn luôn là một vấn đề với các thiết bị của Liên Xô từ trước đến nay. Tính năng trên giấy nhìn có vẻ tốt, nhưng nhiều chi tiết quan trọng thì lại không được ổn cho lắm. Ví dụ, radar tìm kiếm của họ tuyên bố có khả năng thăm dò mục tiêu rất xa, nhưng độ chính xác cụ thể và khả năng phát hiện các mục tiêu ở độ cao thấp lại thường không thể nghiệm chứng.

Hãy lấy xe tăng làm ví dụ nữa. Khi Thụy Điển mua xe tăng vào những năm 1990, họ đã mời nhiều nước khác gửi xe tăng chiến đấu chủ lực đến, trong đó chính là có xe tăng T-80 của Nga. Chiếc xe tăng này sử dụng động cơ tua-bin khí giống như chiếc M1 Abrams của Mỹ, nên động lực rất mạnh mẽ, người Thụy Điển nhận xét chiếc xe tăng này quả thực tràn đầy động lực khi lái và chạy cũng rất nhanh. Tuy nhiên, nó có một số nhược điểm là không thể lùi, nguyên nhân chủ yếu là do công nghệ hộp số của Nga chưa đạt tiêu chuẩn, tốc độ lùi rất chậm, hơn nữa tầm nhìn của người lái rất hạn chế. Đồng thời loại xe tăng này không đủ khả năng tác chiến ban đêm, thậm chí còn có trang bị tác chiến ban đêm kém, khiến nó không thể hoàn thành bài kiểm tra.

Năm ngoái, tên lửa Neptune đã phá hủy soái hạm Moskva, năm nay Neptune lại đánh nổ S-400. Từ tên lửa chống hạm đến phiên bản tấn công mặt đất, tên lửa cần được nâng cấp để sử dụng hệ thống phù hợp với địa hình. Khi tên lửa bay trên mặt nước biển, độ cao sẽ không thay đổi đáng kể, chỉ cần duy trì độ cao nhất định là được. Nhưng nếu đang bay trên mặt đất, trên đất liền có núi có sông, còn có nhiều chướng ngại vật, nói chung là độ cao thay đổi liên tục. Do vậy tên lửa phải có khả năng xác định địa hình hiện tại và điều chỉnh độ cao bay sao cho phù hợp với địa hình.

Thực tế, việc chuyển đổi tên lửa chống hạm thành phiên bản tấn công mặt đất vốn không khó, điều này trước đây cũng đã từng có tiền lệ. Tên lửa chống hạm Type 12 của Nhật Bản thực sự có khả năng tấn công các mục tiêu trên bộ. Quân đội Nhật Bản khi phát triển tên lửa chống hạm Type 12 vốn đã có hệ thống phù hợp với địa hình. Mặc dù trên danh nghĩa nó là tên lửa chống hạm, nhưng thực chất nó không khác gì tên lửa hành trình. Chỉ là Nhật Bản không muốn tuyên truyền quá mức về vũ khí tấn công do những hạn chế của hiến pháp hòa bình. Vậy nên họ chỉ có thể nói là tên lửa chống hạm được sử dụng với mục đích tự vệ, trong khi tên lửa hành trình tấn công mặt đất lại có phần mang tính tấn công.

Từ ví dụ về tên lửa Type 12 của Nhật Bản, chúng ta có thể thấy rằng việc biến đổi tên lửa chống hạm thành phiên bản tấn công mặt đất không khó. Ukraine đã đạt được điều đó trong vòng một năm. Tên lửa Neptune được quân đội Ukraine cải tiến rất có thể nằm ở hai điểm, thứ nhất là lắp đặt hệ thống phù hợp với địa hình, thứ hai là gia tăng tầm bắn.

Gần đây, Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố rằng, tên lửa mới được phát triển của Ukraine có tầm bắn 700km và đã có thể tấn công vào nội địa Nga. Các quan chức của Bộ Quốc phòng Ukraine cũng đã nói rằng Neptune được cải tiến có thể tấn công thẳng vào các thành phố như Moscow.

Khoảng cách từ đất liền Ukraine đến Moscow là 500km, điều đó có nghĩa là phạm vi hoạt động của phiên bản tấn công mặt đất Neptune rất có thể sẽ vượt quá 500 km, trong khi trước đây nó chỉ có tầm bắn chưa đến 300 km. Nói cách khác, trên cơ sở Neptune của Ukraine, hệ thống phối hợp địa hình được lắp đặt ở Ukraine cho phép tên lửa này có thể tấn công các mục tiêu trên bộ, đồng thời gia tăng tầm bắn, cho phép nó mở rộng đáng kể phạm vi tấn công của mình.

Đánh giá về đòn tấn công của hệ thống phòng không S-400 lần này, radar của Nga có khuyết điểm lớn trong khả năng phát hiện mục tiêu tầm thấp. S-400 hiện là hệ thống vũ khí tiên tiến nhất của Nga, tuy nhiên ở Crimea nó đã không thể đánh chặn được Neptune, rồi ở Moscow cũng như vậy.

Trong tương lai, nếu Ukraine có thể sản xuất hàng loạt tên lửa Neptune, thì sẽ mang đến nhiều đòn tấn công mang tính hủy diệt hơn cho nội địa nước Nga. Trong vài tháng qua, chúng ta đã thấy Ukraine mỗi ngày sử dụng số lượng lớn máy bay không người lái để tấn công các căn cứ quân sự của Nga và thủ đô Moscow. Trong vài tháng tới, không chỉ có máy bay không người lái, Ukraine rất có thể sẽ sử dụng số lượng lớn tên lửa hành trình để tiến hành các cuộc không kích vào Moscow.

S-400 bị đánh nổ, rốt cuộc ai là người sợ hãi?

Đầu tiên là Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này vì khăng khăng đòi mua tên lửa S-400 của Nga đã bị Hoa Kỳ loại khỏi kế hoạch sản xuất chiến đấu cơ F-35. Không những không mua được máy bay chiến đấu tiên tiến nhất mà ngay cả việc nâng cấp chiến đấu cơ F-16 cũng bị tạm dừng. Đây là trường hợp điển hình “tham cái nhỏ mất cái lớn”. Khả năng phòng không như S-400 chỉ có như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ mua nó để làm gì đây? Thiết nghĩ lúc này trong tâm Tổng thống Erdogan có thể đang rất hối hận.

Khi xem thấy thông tin này, người mà trong tâm cảm thấy khó chịu, ngoài Thổ Nhĩ Kỳ ra, e rằng còn có Trung Quốc. Trung Quốc đã chi gần 3 tỷ đô la mua 6 tiểu đoàn tên lửa S-400, trong đó còn chưa bao gồm mô hình tên lửa tầm xa nhất. Tên lửa S-400 được Nga bán cho Trung Quốc có tầm bắn xa nhất chỉ 200 km mà thôi.

Hệ thống phòng không của Trung Quốc hoàn toàn phụ thuộc vào Nga, họ đã nhập khẩu một số lượng lớn tên lửa phòng không từ Nga và tiến hành sao chép chúng. Kể từ những năm 1990, Trung Quốc đã liên tiếp nhập vào 24 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-300 của Nga, và điều này đã trở thành lực lượng chủ lực của hệ thống phòng không Trung Quốc. Năm 2014, Trung Quốc lại chi thêm gần 3 tỷ USD mua 6 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-400. Sau khi chi nhiều tiền như vậy, vũ khí được nhập vào thậm chí không thể đánh chặn được một tên lửa hành trình cận âm nào.

Trong khi đó, công nghệ tên lửa của Đài Loan mạnh hơn Ukraine rất nhiều, hiện Đài Loan đã sản xuất hàng loạt phiên bản Hùng Phong II, Hùng Phong III và Hùng Phong III tầm bắn mở rộng. Ngoài ra, còn có tên lửa tấn công mặt đất tầm trung, ví như Tên lửa Vân Phong. Trình độ kỹ thuật của những tên lửa này không thua kém gì, thậm chí là vượt trội so với Neptune của Ukraine. Nếu S-400 ngay cả tên lửa Neptune cũng không thể đánh chặn được thì làm sao có thể đánh chặn được tên lửa Đài Loan đây?

Nói từ một góc độ khác, Trung Quốc nhập khẩu hệ thống phòng không S-300 và S-400 của Nga cũng là bất đắc dĩ. Bởi vì bản thân nước này không có công nghệ xuất sắc, và cũng không mua được tên lửa từ các nước phương Tây, nên chỉ có thể nhập khẩu các hệ thống tên lửa phòng không này từ Nga. Sau đó Trung Quốc sao chép và bắt chước để phát triển tên lửa phòng không của riêng mình. Nhưng bản thân Nga cũng chỉ là một con hổ giấy, vậy công nghệ được bắt chước sẽ tốt hơn bao nhiêu đây?

Theo NTD Tiếng Trung
Viên Minh biên dịch

Thế giới Quân sự


BÀI CHỌN LỌC

Tiêu diệt cả S-400 trứ danh, tên lửa Neptune của Ukraine lợi hại ra sao?