Tổng thống Joe Biden tặng thưởng huân chương cho 'Đội quân ma': Lực lượng bí ẩn nhất thế giới?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 3/2 vừa qua, Tổng thống Joe Biden đã ký dự luật trao Huân chương Vàng Quốc hội cho một đơn vị tuyệt mật hay còn gọi là “Đội quân ma”. Trong suốt nhiều thập kỷ, những thành viên từng tham gia “Đội quân ma” này không được phép tiết lộ về nhiệm vụ kỳ lạ của họ, và họ cũng chưa từng nổ một phát súng nào. Vậy họ là ai?

Họ là các diễn viên, nghệ sĩ hóa trang, chuyên gia âm thanh, phóng viên, quân nhân chuyên nghiệp tập hợp lại, và bằng tài năng của mình đã bí mật dàn dựng những trò lừa vĩ đại nhất trong lịch sử quân sự thế giới. Vậy mục đích của “Đội quân ma” này là gì?

Đó chính là đánh lừa quân đội của Đức quốc xã và các đồng minh phát xít, góp phần trong thắng lợi kết thúc Chiến tranh Thế giới Thứ hai vào năm 1945.

Một đội quân bí ẩn trong Thế chiến II

Bất chấp những lời đồn âm ỉ trong suốt nhiều năm, Lầu Năm Góc đã từng phủ nhận sự tồn tại của Đội quân ma này. Nhưng giờ đây, sau hơn 70 năm, “Đội quân ma” đã được tái hiện trong một bộ phim tài liệu và một cuộc triển lãm ở Mỹ và được Tổng thống Joe Biden tặng thưởng Huân chương “để công nhận chiến thuật độc đáo và nổi bật của đội quân này trong Thế chiến thứ hai,” theo thông cáo báo chí của Nhà Trắng.

“Đội quân ma” ám chỉ Binh đoàn Đặc nhiệm của Bộ chỉ huy lực lượng đặc biệt số 23, kết hợp cùng Lực lượng truyền dẫn tín hiệu 3133 của Quân đội Mỹ đã bài binh bố trận đánh lạc hướng kẻ thù trong các chiến dịch ở châu Âu.

Chiến tranh Thế giới Thứ hai được cho là cuộc xung đột đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại. Để dễ hình dung, chúng ta cùng điểm qua một vài con số:

  • Đã có hơn 70 quốc gia với 1,7 tỷ người bị lôi kéo vào vòng chiến
  • Khoảng 60 triệu người chết, 90 triệu người tàn phế và nhiều làng mạc, thành phố bị phá hủy.
  • Thiệt hại về vật chất gấp 10 lần Thế chiến thứ nhất và bằng tất cả các cuộc chiến tranh trong 1000 năm trước đó cộng lại.
Chiến tranh Thế giới Thứ hai được cho là cuộc xung đột đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại.
Chiến tranh Thế giới Thứ hai được cho là cuộc xung đột đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại. (Piqsels)

Trong vài năm cuối của Thế chiến thứ hai, mức độ giao tranh ngày càng trở nên khốc liệt với sự tàn bạo điên cuồng của độc tài Adolf Hitler. Hàng trăm cuộc giao tranh đẫm máu đã diễn ra trên bộ, trên biển và trên không. Để giảm thiểu thương vong cho quân đội đồng minh tại châu Âu và tiêu hao sinh lực địch, một binh đoàn đặc biệt của quân đội Hoa Kỳ đã được thành lập vào ngày 20/1/1944.

Binh đoàn tối mật này đã chiến đấu không phải bằng súng đạn mà bằng kỹ thuật dàn dựng, sử dụng xe tăng, máy bay, xe tải… kích thước thật được bơm hơi, phù hiệu giả cùng hiệu ứng âm thanh và đường truyền vô tuyến sai lệch để đánh lừa quân đội Đức và Ý trên chiến trường châu Âu.

Đây là đơn vị đánh lừa chiến thuật đa phương tiện, di động đầu tiên trong lịch sử Quân đội Mỹ. Sử dụng sự kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật, "Đội quân ma" đã tổ chức 22 nhiệm vụ từ tháng 5 năm 1944 đến năm 1945 mà chưa từng nổ một phát súng, với mục tiêu duy nhất là đánh lừa quân đội Đức Quốc xã dồn về nơi tập kết của các lực lượng Đồng minh ở châu Âu, từ Normandy đến sông Rhine.

Giới chuyên gia quân sự cho rằng, những đóng góp của “Đội quân ma” đã giúp phe Đồng minh giành thắng lợi trong Thế chiến thứ hai, và cứu mạng hàng chục nghìn binh lính Đồng minh.

“Đội quân ma” bao gồm một nhóm nghệ sĩ, kỹ sư, quân nhân chuyên nghiệp được lựa chọn kỹ càng, trong đó cũng có sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng như nhà thiết kế thời trang Bill Blass, họa sĩ Ellsworth Kelly, và nhiếp ảnh gia Art Kane. Nhiều sinh viên tốt nghiệp trường quân sự West Point và những người từng tham gia Chương trình Huấn luyện Chuyên ngành Quân đội cũng được chỉ định vào Lực lượng đặc biệt số 23 này. Đa số các thành viên trong “Đội quân ma” được cho là những người có chỉ số IQ cao nhất trong Quân đội Mỹ, với mức trung bình là 119.

Binh đoàn tối mật này đã chiến đấu không phải bằng súng đạn mà bằng kỹ thuật dàn dựng, sử dụng xe tăng, máy bay, xe tải… kích thước thật được bơm hơi
Binh đoàn tối mật này đã chiến đấu không phải bằng súng đạn mà bằng kỹ thuật dàn dựng, sử dụng xe tăng, máy bay, xe tải… kích thước thật được bơm hơi. (Wikipedia)

“Đội quân ma”: Đỉnh cao của Nghệ thuật lừa dối trong chiến tranh

Nói về Đội quân ma, người phụ trách Bảo tàng Thế chiến II là ông Larry Decuers cho biết: “Trước đây, các hoạt động lừa gạt trong chiến tranh vẫn diễn ra, nhưng thường chỉ được coi là nhiệm vụ tạm thời. Nhưng lực lượng 23 là một đơn vị được lập ra chỉ nhằm mục đích đặc biệt là để lừa dối."

Các nhà chiến lược quân sự tài ba đã nghĩ ra cách tiếp cận gồm 4 phần để đưa Đoàn quân ma “tham chiến” y như thật.

  • Đầu tiên là tiểu đoàn kỹ sư chuyên thiết kế ngụy trang. Họ là những người tạo ra những chiếc xe bơm hơi với kích cỡ to như xe tăng, xe chiến đấu đời thực. Những chiếc xe tăng này có thể dễ dàng nâng lên và di chuyển vào vị trí chỉ bởi một vài người lính, nhưng nhìn từ xa chúng gần như không thể phân biệt được đó chỉ là mô hình.
  • Bước tiếp theo là nhiệm vụ của đơn vị tín hiệu tạo ra sóng vô tuyến giả và bắt chước mã morse được sử dụng trong các đơn vị quân đội cụ thể để làm cho các công văn giả trở nên chân thực.
  • Một phần quan trọng không kém chính là hiệu ứng âm thanh. Các kỹ sư âm thanh đã ghi âm trước tiếng hô, tiếng chuyển động của binh lính, xe cộ trong huấn luyện quân sự, cũng như âm thanh ồn ào khi xây dựng cầu cống. Sau đó, họ chỉnh sửa và truyền phát thông qua hệ thống loa đài để khuếch đại âm thanh vọng vang vọng trong vòng bán kính 24km, nơi quân Đức đóng quân. Mục đích là để dụ các lính trinh sát Đức xác nhận vị trí căn cứ của quân Đồng minh.
  • Và cuối cùng là nhiệm vụ của các quân nhân chuyên nghiệp. Họ giả vờ mặc quân phục, mang phù hiệu của các lực lượng quân đội khác để gây nhầm lẫn cho quân Đức, hoặc đánh lừa hệ thống gián điệp tiềm năng của trục phát xít nằm vùng ở các thành phố, thị trấn lân cận “hiện trường” giả.

Từ đây, quân đội Đức và đồng minh của họ dần bị đưa vào tròng.

Chiến dịch Bertram cho trận El Alamein, tháng 10 năm 1942; trong đó xe giả và trạm nạp giả tại đường ống dẫn nước Diamond (cũng là giả) được dựng lên để đánh lừa quân đội Đức.
Chiến dịch Bertram cho trận El Alamein, tháng 10 năm 1942; trong đó xe giả và trạm nạp giả tại đường ống dẫn nước Diamond (cũng là giả) được dựng lên để đánh lừa quân đội Đức. (Wikipedia)

Hitler sập bẫy

Đầu năm 1944, lấy cảm hứng từ chiến thuật đánh lừa thành công của Anh trước quân đội Đức trong trận chiến El Alamein ở Bắc Phi vào năm 1942, khi nguyên soái Bernard Montgomery của Anh đã dùng những cỗ xe tăng giả để đánh lừa tướng Erwin Rommel của Đức, hai nhà hoạch định quân sự của Mỹ là Đại tá Billy Harris và Thiếu tướng Ralph Ingersoll đã thành lập “Đội quân ma” trước D- Day (6/6/1944) - ngày mà quân Anh, Mỹ đổ bộ lên bờ biển Normandy ở miền bắc nước Pháp.

Tháng 5/1944, “Đội quân ma” được điều tới Anh và đóng quân gần thành phố Stratford-on-Avon. Cùng với quân Anh, họ tạo nên những căn cứ quân sự và sân bay giả. Mục đích là khiến quân Đức tin rằng phe Đồng minh sẽ đổ bộ gần thành phố Calais (Anh) hoặc Na Uy chứ không phải Normandy (Pháp).

Với quân số chỉ có 82 sĩ quan và 1.023 thành viên dưới sự chỉ huy của Đại tá kỳ cựu Harry L. Reeder, “Đội quân ma” có biệt tài mô phỏng khiến tình báo Đức tin rằng đó là một đội quân lên tới 30.000 người.

8 ngày sau cuộc đổ bộ Normandy, Đội quân ma được điều sang Pháp để đánh lừa quân Đức về vị trí và ý đồ của phe Đồng minh.

Bằng cách phát những thông tin “tuyệt mật” qua sóng radio và sử dụng xe tăng, máy bay, xe jeep bơm hơi để tạo nên thế trận hư cấu, họ còn ghi âm tiếng nổ của động cơ xe tăng, tiếng ồn của binh sĩ rồi khuếch đại phát lại, Đội quân ma khiến lính trinh sát và các máy bay do thám của Đức tin rằng đó là một một lữ đoàn lớn đang chuẩn bị đánh trận.

“Đội quân ma” còn sử dụng những kỹ thuật tương tự để dựng lên một cảng di động giả trên bãi biển Normandy để kéo hỏa lực quân Đức về phía trận địa mô phỏng trong chiến dịch đổ bộ của quân đồng minh tại Normandy. Họ đã khiến lực lượng phòng thủ của quân đội Đức ở thành phố Brest (Pháp) tin rằng chúng bị bao vây bởi một đội quân đông hơn nhiều.

Loạt máy bay giả được quân đội Mỹ sử dụng để đào tạo kỹ thuật viên trong Thế chiến 2. (Wikipedia)
Loạt máy bay giả được quân đội Mỹ sử dụng để đào tạo kỹ thuật viên trong Thế chiến 2. (Wikipedia)

Do hiệu ứng dàn trận lừa phỉnh của “Đội quân ma”, các tướng lĩnh của Đức và phát xít Ý cũng tin rằng quân Anh và Mỹ có ý định vượt qua sông Rhine. Một trong những chiến công mưu mẹo và phức tạp nhất của Lực lượng đặc biệt số 23 chính là Chiến dịch Viersen (từ ngày 18/3 đến ngày 24/3/1945) hay còn gọi là chiến dịch sông Rhine. Đây cũng được coi là một trong những mặt trận quan trọng cuối cùng để đè bẹp Đức quốc xã.

"Đội quân ma" đã sử dụng một lực lượng “mồi nhử” gồm xe tăng, đại bác, máy bay và xe tải bơm hơi, đồng thời gửi các tin nhắn vô tuyến sai lệch về việc di chuyển của binh lính Mỹ; và sử dụng hệ thống loa phát thanh để mô phỏng âm thanh của những người lính đang xây cầu phao. Tất cả để nhằm đánh lừa quân Đức tin rằng Sư đoàn bộ binh 30 và Sư đoàn bộ binh 79 của quân Đồng minh đang chuẩn bị vượt sông Rhine.

Quân Đức đã mắc mưu và dồn sức tập kích pháo binh vào đội quân và trận địa “giả tạo”, trong khi các sư đoàn bộ binh thực tế của Mỹ và đồng minh đã vượt sông Rhine một cách dễ dàng mà hầu như không gặp trở ngại gì từ quân đội Đức.

Các thành viên trong “Đội quân ma” cũng là những bậc thầy trong hoạt động tình báo và gián điệp. Bernie Bluestein hiện 98 tuổi, là một trong 10 thành viên duy nhất còn sống của “Đội quân ma” kể lại rằng, trong chiến dịch đó, ông và những thành viên trong nhóm đã mặc quân phục giả mạo rồi la cà đến các tụ điểm, quán bar ở các thành phố, thị trấn mà quân Đồng minh vừa giành được từ tay quân Đức, nơi vẫn còn rất nhiều mật vụ của Đức quốc xã vẫn đang nằm vùng tại đó.

Bernie Bluestein và đồng đội của ông thường đóng giả là các sĩ quan cấp cao của phe Đồng minh, vờ uống rượu say rồi lỡ miệng để lộ những thông tin quân sự quan trọng. Thực chất là nhằm tạo ra những lời đồn thổi trong cộng đồng dân cư địa phương về các kế hoạch điều quân của người Mỹ và đồng minh, với hy vọng tin tức ấy sẽ đến tai các điệp viên Đức và từ đây bậu sậu đầu não của Đức sẽ bị định hướng sai.

Kết

Có thể nói, những người lính của “Đội quân ma” đã góp một phần công sức không hề nhỏ trong chiến thắng của quân đồng minh trước trục phát xít. Họ cũng được cho là những người đã cứu hàng chục nghìn sinh mạng của quân Đồng minh cũng như dân thường tại những nơi gần chiến sự.

Tuy nhiên “Đội quân ma” đã tuyên thệ giữ bí mật về sứ mệnh của họ, chính vì vậy mà rất ít người biết đến sự tồn tại của binh đoàn số 23 tối mật này. Các thành viên trong “Đội quân ma” đã trở thành những người anh hùng vô danh mãi cho tới tận 45 năm sau khi Thế chiến II kết thúc, khi Binh đoàn đặc biệt số 23 được chính thức công khai vào giữa thập niên 1990.

Trong cuộc phỏng vấn vào ngày 3/2 vừa qua, ông Bernie Bluestei cho biết việc chính phủ Mỹ trao Huân chương Vàng Quốc hội - một trong hai huân chương cao quý nhất của nước Mỹ - để vinh danh công trạng của “Đội quân ma” đã mang lại cho ông một cảm xúc tự hào khó tả. Nhưng ông cũng bày tỏ sự buồn bã vì có quá ít cựu chiến binh còn sống được hưởng vinh dự này cùng ông. Khi thành lập vào năm 1944, “Đội quân ma” có khoảng 1.200 thành viên và đến năm 2022, chỉ có 10 thành viên còn sống và tất cả họ đều ở độ tuổi từ 97 đến 99.

Ngoài ông Bernie Bluestein, 9 thành viên khác còn sống của “Đội quân ma” gồm: Bill Anderson (97 tuổi); James T. Anderson (99 tuổi); John Christman (97 tuổi): George Dramis (97 tuổi); Manny Frockt (97 tuổi); Nick Leo (99 tuổi); Mark Mallardi (98 tuổi); Bill Nall (97 tuổi); và Seymour Nussenbaum (98 tuổi).

Đông Bắc

Tham khảo:
[1] - https://www.nytimes.com/2022/02/03/us/ghost-army-world-war-2.html
[2] - http://www.ghostarmylegacyproject.org/overview.html
[3] - https://vi.wikipedia.org
[4] - https://www.livescience.com/wwii-ghost-army.html



BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Joe Biden tặng thưởng huân chương cho 'Đội quân ma': Lực lượng bí ẩn nhất thế giới?