Tổng thống Pháp nói Châu Âu không nên theo Mỹ, Trung về vấn đề Đài Loan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết trong các bình luận được công bố hôm Chủ nhật (9/4) rằng châu Âu không nên vướng đến việc gia tăng khủng hoảng ở eo biển Đài Loan và nên theo đuổi một chiến lược độc lập với cả Washington lẫn Bắc Kinh.

Ông Macron vừa trở về sau chuyến thăm cấp nhà nước 3 ngày tới Trung Quốc, nơi ông đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ Chủ tịch Tập Cận Bình. Vài giờ sau khi ông Macron về nước, Trung Quốc đã bắt đầu các cuộc tập trận quanh Đài Loan vào hôm thứ Bảy (8/4) trong sự tức giận bởi cuộc gặp của Tổng thống Thái Anh Văn với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy vào ngày 5/4.

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là phần lãnh thổ không thể chia tách của mình và chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để kiểm soát hòn đảo này. Chính phủ Đài Loan phản đối mạnh mẽ yêu sách của Trung Quốc.

Tổng thống Pháp Macron cho biết châu Âu không nên đẩy nhanh xung đột mà hãy dành thời gian để xây dựng vị thế của mình như một cực thứ ba giữa Trung Quốc và Mỹ trong các bình luận gửi cho tờ báo Pháp Les EchosPolitico trong chuyến thăm Trung Quốc.

Politico dẫn lời ông nói: “Điều tồi tệ nhất là nghĩ rằng người châu Âu chúng ta phải tham gia vào câu chuyện này và thích ứng với nhịp điệu của Mỹ hoặc phản ứng thái quá của Trung Quốc”.

Lãnh đạo Pháp nhấn mạnh "chúng ta phải làm rõ quan điểm của mình trùng khớp với Mỹ ở đâu, nhưng cho dù đó là về Ukraine, quan hệ với Trung Quốc hay lệnh trừng phạt, ta đều phải có một chiến lược của riêng châu Âu".

Ông Macron cho hay, châu Âu nên tài trợ tốt hơn cho ngành công nghiệp quốc phòng của mình, phát triển năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ để hạn chế phụ thuộc vào Mỹ.

"Chúng ta không muốn sa vào logic khối đối đầu khối", ông nói, thêm rằng châu Âu cũng "không nên bị cuốn vào hỗn loạn của thế giới và những cuộc khủng hoảng không phải của mình".

Cuộc phỏng vấn ông Macron được tờ Les Echos Politico thực hiện trên chuyến bay hôm thứ Sáu (7/4) giữa Bắc Kinh và Quảng Châu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham gia cuộc họp hội đồng doanh nghiệp Pháp-Trung tại Bắc Kinh vào ngày 6 tháng 4 năm 2023. (Ảnh: LUDOVIC MARIN/POOL/AFP via Getty Images)

Hôm 7/4, một cố vấn của Tổng thống Pháp nói với các phóng viên ở Quảng Châu rằng ông Tập và ông Macron đã có một cuộc thảo luận "dày đặc và thẳng thắn" về vấn đề Đài Loan trong các cuộc gặp của họ.

“Cảm giác của Tổng thống là chúng ta nên cẩn thận để không xảy ra tai nạn hoặc leo thang căng thẳng (có thể dẫn đến) việc Trung Quốc tiến hành cuộc tấn công”, cố vấn của Điện Elysée nói.

Ông Macron đã tới Trung Quốc cùng một phái đoàn gồm 50 doanh nghiệp bao gồm Airbus và nhà sản xuất năng lượng hạt nhân EDF, những công ty đã ký kết các thỏa thuận trong chuyến thăm.

Theo giới quan sát, những bình luận của Tổng thống Pháp có nguy cơ khiến Mỹ mất lòng và làm nổi bật lên mối chia rẽ trong EU về cách tiếp cận Bắc Kinh.

Là một trong những đồng minh lâu đời nhất của Mỹ, thời gian qua Pháp dường như đang nghiêng về Bắc Kinh thay vì Washington khi Tổng thống Macron khởi động lại chiến lược của nước này ở châu Á - Thái Bình Dương.

Năm 2021, quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Mỹ đã trở nên xấu đi khi Úc đơn phương hủy thương vụ mua tàu ngầm của Pháp để chuyển sang đóng tàu ngầm hạt nhân theo hợp đồng với Mỹ và Anh dựa trên hiệp ước quân sự ba bên AUKUS.

Trong bài phát biểu ở hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), ông Macron đã bác bỏ nỗ lực chia rẽ thế giới thành các khối cạnh tranh. Nhấn mạnh nhu cầu về một “trật tự toàn cầu duy nhất”, ông Macron cho biết đối đầu gia tăng giữa Mỹ - Trung Quốc đã buộc một số quốc gia phải chọn phe. Với cách tiếp cận “cân bằng” ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Tổng thống Macron tuyên bố Pháp tin vào sự ổn định và kêu gọi hợp tác hơn nữa với Bắc Kinh.

Theo giới phân tích, lời kêu gọi “chấm dứt đối đầu” của lãnh đạo Pháp có vẻ đang bảo vệ trật tự quốc tế dân chủ hiện có. Nhưng so sánh với những bình luận quen thuộc của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, rằng thế giới nên cùng nhau loại bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh, giới chuyên môn cho rằng những phát biểu của ông Macron chính là sự bác bỏ đối với chính sách đối ngoại của Mỹ về Trung Quốc.

Viên Minh (Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Pháp nói Châu Âu không nên theo Mỹ, Trung về vấn đề Đài Loan