Trung Quốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân, gây áp lực lên an ninh Đông Á

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo báo cáo do Viện nghiên Cứu hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) của Thụy Điển công bố ngày 12/6, trong năm ngoái có nhiều quốc gia trên thế giới đã tăng kho dự trữ vũ khí hạt nhân của mình, mà phần lớn trong đó là Trung Quốc. Giới chuyên gia cảnh báo, việc Trung Quốc phát triển vũ khí hạt nhân sẽ trở thành mối đe dọa an ninh ở Đông Á.

Trung Quốc phát triển vũ khí hạt nhân, đặt an ninh của Đông Á vào thế khó

Theo “Niên giám SIPRI năm 2023” do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, một tổ chức tư vấn của Thụy Điển, công bố, khi căng thẳng địa chính trị gia tăng, lượng đầu đạn hạt nhân hiện có trên toàn cầu cũng đã tăng lên, hầu hết trong số đó là của Trung Quốc. Kho hạt nhân của nước này đã tăng từ 350 lên 410 đầu đạn.

Hiện nay, các quốc gia có số lượng vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới là Nga và Mỹ, tổng cộng chiếm khoảng 90% toàn cầu, và đứng thứ ba là Trung Quốc. Báo cáo trên cũng cho biết, dựa trên việc triển khai xây dựng quân đội của Trung Quốc, đến năm 2030, Trung Quốc có khả năng sẽ sở hữu lượng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đáng kể, ít nhất là ngang bằng Mỹ hoặc Nga.

Ông Dan Smith, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, cho biết: “Những gì bạn có thể thấy là Trung Quốc đang trỗi dậy như một cường quốc thế giới”.

Ông Hans M. Kristensen, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, đồng thời là Giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), chỉ ra rằng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đang mở rộng đáng kể. Xu thế này đi ngược lại với mục tiêu "chỉ giữ năng lực hạt nhân ở mức độ thấp nhất" mà Trung Quốc tuyên bố.

Các chuyên gia cho rằng, việc Trung Quốc gia tăng kho đầu đạn hạt nhân sẽ mang lại những thách thức lớn hơn đối với vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu, đồng thời sẽ dẫn đến những thay đổi trong cán cân quân sự ở Đông Á.

Xe quân sự chở tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân DF-41 của Trung Quốc trong cuộc duyệt binh tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào ngày 1/10/2019, để kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. (GREG BAKER/AFP via Getty Images)

Trước mối đe dọa hạt nhân từ Trung Quốc, Nhật Bản điều chỉnh chính sách an ninh quốc gia

Ông Tatsujiro Suzuki, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bãi bỏ Hạt nhân (RECNA) tại Đại học Nagasaki của Nhật cho biết, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida có truyền thống ôn hòa với Trung Quốc, nhưng trước áp lực từ Trung Quốc, đặc biệt là mối đe dọa hạt nhân, ông đã phải cân nhắc điều chỉnh đường lối thúc đẩy "chính sách phi hạt nhân".

Ông Suzuki chỉ ra rằng, với tư cách là đồng minh chính thức của Mỹ, Nhật Bản lại nằm dưới chiếc ô hạt nhân của Hoa Kỳ, nên hai nước không cần phải thảo luận quá sớm về "chia sẻ hạt nhân". Nhưng Nhật Bản cần tăng cường khả năng phòng thủ của chính mình để đối phó với mối đe dọa đến từ Trung Quốc.

Ông Tần Tấn (Qin Jin), Tiến sĩ xã hội học tại Đại học Sydney ở Úc, cho rằng Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng các đầu đạn hạt nhân và quốc gia lo lắng nhất chính là Nhật Bản. Điều này cũng mang đến cho Nhật Bản cơ hội lớn nhất để nhận thức về khủng hoảng xã hội và sửa đổi hiến pháp.

Do sự trỗi dậy của Trung Quốc và mối đe dọa mà nước này đặt ra trong khu vực, Nhật Bản đã sửa đổi các tài liệu chiến lược của mình, đồng thời cũng tăng đáng kể ngân sách quốc phòng, tăng cường triển khai quân sự tại các đảo phía tây nam.

Ông Tần nói rằng, Nhật Bản luôn bị giới hạn bởi hiến pháp hòa bình thời hậu chiến và ba nguyên tắc cấm vũ khí hạt nhân. Động thái gia tăng kho dự trữ hạt nhân của Trung Quốc sẽ kích thích xã hội Nhật Bản nhận thức lại cuộc khủng hoảng. Điều này sẽ đẩy nhanh việc sửa đổi hiến pháp, cho phép Nhật Bản một lần nữa có quân đội riêng và trở lại trường quốc tế với tư thái là một quốc gia dân chủ cao độ.

Giáo sư Trần Văn Giáp (Chen Wenjia), nhà nghiên cứu về chiến lược Đông Á, cho rằng dưới sự bao vây của ba cường quốc hạt nhân Nga, Trung Quốc và Triều Tiên, hoạt động cấm hạt nhân của Nhật Bản có thể khiến nước này đối mặt với các mối đe dọa an ninh. Nhật Bản có thể gặp bất lợi về quân sự nếu các nước khác không sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Giáo sư Trần cho rằng lệnh cấm hạt nhân có thể gây ra sự phản đối trong nước Nhật Bản và quốc tế. Bởi vì trước mối đe dọa từ các quốc gia có vũ khí hạt nhân, Nhật Bản nên giữ lại lựa chọn phát triển vũ khí hạt nhân để duy trì không gian "khắc chế nước khác, nhưng không bị nước khác chế ngự”.

Một người đàn ông xem màn hình tin tức truyền hình chiếu hình ảnh vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 gần đây của Triều Tiên, tại một nhà ga đường sắt ở Seoul vào ngày 17/3/2023. (JUNG YEON-JE/AFP via Getty Images)

Chuyên gia cảnh báo: ‘Tư duy cực hạn’ của ông Tập Cận Bình có thể đẩy nhanh quá trình tấn công Đài Loan

Vào ngày 30/5, khi Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì cuộc họp đầu tiên của Ủy ban An ninh Quốc gia sau Đại hội 20, ông đã tuyên bố: “Phải giữ vững tư duy cốt lõi và tư duy cực hạn, chuẩn bị sẵn sàng để chống lại những khảo nghiệm trọng đại sóng to gió lớn".

Tờ Wall Street Journal đưa tin, cụm từ "cực đoan" đang trở thành câu cửa miệng mới và xuất hiện ở khắp các cấp chính quyền địa phương Trung Quốc. Theo thông tin chính thức, các nhà lãnh đạo địa phương, từ vùng đô thị ven biển Thượng Hải cho đến tỉnh Hồ Nam trong nội địa, cũng cho biết họ sẽ chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống "cực đoan", nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.

Đại tá Không quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu Rob Maness từng viết kế hoạch chiến tranh hạt nhân trong chiến khu số 1 của Mỹ. Ông cũng là người thiết kế các công cụ ra quyết định cho Sổ tay Chính sách Hạt nhân của Tổng thống. Ông nói với Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng, đây là tín hiệu mà ông Tập Cận Bình gửi tới Hoa Kỳ, các đồng minh và cả người dân Trung Quốc, nhằm chuẩn bị cho chiến tranh. Ông ấy có thể đang lên kế hoạch sử dụng khoảng thời gian khi Hoa Kỳ đang tập trung vào cuộc chiến Nga - Ukraine để đẩy nhanh thời gian phát động cuộc chiến eo biển Đài Loan.

Đại tá Maness cho rằng, chiến tranh eo biển Đài Loan có nguy cơ leo thang thành chiến tranh hạt nhân. Do đó, trên khu vực tác chiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ cần:

  • Khẩn trương bổ sung vật tư dự trữ cho chiến tranh sau khi đã tiêu hao trước đó ở Trung Đông và Ukraine;
  • Tái triển khai các máy bay ném bom chiến lược có năng lực hạt nhân, chẳng hạn như máy bay chiến đấu B-52, tới đảo Guam và các phần xa hơn của lãnh thổ Hoa Kỳ, đồng thời xây dựng thêm các căn cứ không quân;
  • Cung cấp máy bay chiến đấu với khả năng răn đe hạt nhân mở rộng cho Nhật Bản và Hàn Quốc, giống như cách họ đã làm với một số quốc gia NATO;
  • Nhanh chóng xây dựng và nỗ lực tái thiết quân sự ở phía Bắc Philippines để ứng phó kịp thời với cuộc khủng hoảng Đài Loan.
Các thành viên của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines tham gia mô phỏng trong cuộc tập trận biển ba bên với lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản và Hoa Kỳ vào ngày 6/6/2023. (Jes Aznar/Getty Images)

Nếu Bắc Kinh đe dọa Đài Loan bằng vũ khí hạt nhân, các nước phương Tây sẽ phản ứng thế nào?

Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G7 đã ra tuyên bố chung "Tầm nhìn Hiroshima của các nhà lãnh đạo G7 về giải trừ vũ khí hạt nhân" tại Hiroshima, Nhật Bản vào ngày 20/5. Trong đó chỉ rõ rằng hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân của Trung Quốc thiếu minh bạch và làm gia tăng lo ngại về ổn định toàn cầu và khu vực.

Tình hình eo biển Đài Loan ngày càng trở nên bất ổn định, nếu Trung Quốc bắt chước Chiến tranh Nga - Ukraine và dùng vũ khí hạt nhân uy hiếp Đài Loan, thì Đài Loan và các đồng minh nên làm thế nào để giảm thiểu nguy cơ? Vấn đề này đã trở thành chủ đề bàn tán của dư luận thế giới.

Giáo sư Trần Văn Giáp cho rằng, nếu Trung Quốc tuyên bố rằng họ có thể đe dọa Đài Loan bằng vũ khí hạt nhân, các nền dân chủ phương Tây do Hoa Kỳ đứng đầu chắc chắn sẽ gây áp lực chính trị lên Bắc Kinh, cũng như áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao. Nhưng đó chưa chắc đã là một cuộc can thiệp quân sự trực tiếp, bởi họ sẽ cân nhắc tới chiến thuật và chiến lược răn đe vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Nhưng họ sẽ cung cấp vũ khí phòng thủ, viện trợ nhân đạo và hỗ trợ Đài Loan thực hiện hành động pháp lý quốc tế.

Tiến sĩ Tần Tấn cho rằng, khả năng xảy ra chiến tranh giữa hai bờ eo biển Đài Loan là rất thấp, bởi vì diễn biến của cuộc chiến tranh Nga - Ukraine đã làm cản trở kế hoạch thu phục Đài Loan đầy tham vọng của ông Tập Cận Bình. Nhất là hiện nay khi Nga đang dần rút lui, điều này sẽ khiến ông Tập phải đánh giá lại khả năng tấn công Đài Loan và điều chỉnh kế hoạch.

Ông Tần nói: "Cuộc chiến Nga - Ukraine đã kéo dài hơn một năm và tình hình ngày càng trở nên bất lợi cho ông Putin. Điều này chẳng khác nào lời cảnh báo đối với ông Tập Cận Bình. Trung Quốc phải suy nghĩ kỹ về quyết định tấn công Đài Loan. Về cơ bản, trừ khi ông Tập Cận Bình đang gặp khó khăn chính trị cực độ, nếu không, ông ta sẽ không tấn công Đài Loan một cách hấp tấp, bởi vì thực lực của Hoa Kỳ vẫn trên cơ Trung Quốc".

Ông Tần cho rằng, mặc dù khả năng này hiện nay là cực kỳ thấp, nhưng về lâu dài, thực sự cần phải ngăn chặn Trung Quốc đột ngột sử dụng vũ khí hạt nhân khi chưa có sự cân nhắc kỹ lưỡng. Các quốc gia dân chủ cần có một bộ đầy đủ các chính sách chiến lược thực tế và khả thi để ngăn chặn hiệu quả mối đe dọa mà nhà cầm quyền Bắc Kinh mang lại cho cộng đồng quốc tế.

Máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất thả pháo sáng trong cuộc tập trận Hán Quang 23 ở thị trấn Tô Áo, huyện Nghi Lan, phía đông Đài Loan vào ngày 16/5/2007. (SAM YEH/AFP via Getty Images)

Ông Tập cần cân nhắc tới cái giá đắt đỏ khi phát động chiến tranh ở eo biển Đài Loan

Ông Harry Kazianis là người phụ trách của “Dự án Các quốc gia Lừa đảo” (Rogue States Project) – một tổ chức cố vấn an ninh quốc gia lưỡng đảng có trụ sở tại Washington, DC. Ông nói rằng:

"Nếu ông Tập Cận Bình quyết định xâm lược Đài Loan, Trung Quốc sẽ phải trả một cái giá rất, rất, rất đắt... Liệu người dân Trung Quốc có thực sự ủng hộ cuộc xâm lược Đài Loan không? Binh lính Trung Quốc thực sự sẵn sàng chiến đấu với những người mà về cơ bản là đồng bào của họ không?Thành thật mà nói, tôi không nghĩ như vậy. Ông Tập Cận Bình đã có nhiều lời lẽ gay gắt và đe dọa, nhưng cuối cùng, ông ấy sẽ phải cân nhắc kỹ càng. Vì một khi ông ấy xâm lược Đài Loan, toàn bộ cộng đồng quốc tế sẽ quay lưng lại với ông ấy, và ông ấy sẽ không có bất kỳ đồng minh nào, có lẽ là ngoại trừ Triều Tiên”.

Ông Kazianis chỉ ra rằng, nếu ông Tập Cận Bình ra lệnh dùng vũ lực thống nhất Đài Loan, thì cái giá khổng lồ mà ông ấy phải đối mặt có thể bao gồm nhiều năm chiến tranh tiêu hao, hàng triệu sinh mệnh thiệt mạng, kinh tế thiệt hại hàng nghìn tỷ USD và thậm chí là chấm dứt sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Theo Vision Times

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân, gây áp lực lên an ninh Đông Á