Trung Quốc thực hiện bước đi chiến lược ở Trung Đông trước cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ở khu vực Trung Đông, Trung Quốc tự coi mình là đồng minh trung thành của Iran và Syria do thái độ thù địch của nước này đối với Hoa Kỳ. Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc cũng đang nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của mình tới các đồng minh truyền thống của Mỹ ở khu vực Vịnh Ba Tư.

Vào ngày 11/10, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin một lực lượng đặc nhiệm hải quân Trung Quốc đã đến thăm Oman để tạo điều kiện “hữu nghị” và “hợp tác” với nước này. Oman là thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và có truyền thống là đồng minh của Hoa Kỳ.

Nhà Trắng hôm 10/11 tiết lộ Tổng thống Joe Biden đã điện đàm với Quốc vương Oman để tái khẳng định mối quan hệ lâu dài giữa hai nước trong bối cảnh cuộc chiến Israel -Hamas. Sự việc này chỉ diễn ra 5 ngày trước cuộc gặp rất được mong đợi giữa ông Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tháng trước, các quan chức quân sự của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) được cho là đã đề xuất ý tưởng về việc thành lập một căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Oman với các đối tác Oman của họ. Động thái này sẽ là một phần trong nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm thiết lập các căn cứ ở Trung Đông và Ấn Độ Dương phù hợp với chương trình nghị sự quân sự theo chủ nghĩa bành trướng của họ.

Oman nằm trên bờ biển phía nam của Bán đảo Ả Rập, giáp Biển Ả Rập ở phía nam và phía đông, và Vịnh Oman ở phía đông bắc. Đáng chú ý nhất là eo biển Hormuz nối Iran và Oman, khiến nơi đây trở thành vị trí chiến lược vì đó là tuyến đường biển duy nhất nối Vịnh Ba Tư giàu dầu mỏ với phần còn lại của thế giới.

Trung Quốc bành trướng sang Trung Đông

Ông Carl Schuster, cựu Giám đốc hoạt động tại Trung tâm Tình báo chung của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ ở Hawaii, nói với The Epoch Times: “Việc Trung Quốc theo đuổi các căn cứ ở Trung Đông báo hiệu lợi ích ngày càng tăng của Trung Quốc ở Trung Đông nói chung và Vịnh Ba Tư nói riêng. Theo quan điểm của tôi, Bắc Kinh hy vọng thiết lập sự hiện diện thường trực có giới hạn nhưng đáng chú ý ở Tây Ấn Độ Dương và Trung Đông”.

Ông Schuster giải thích rằng Trung Quốc chọn thành lập căn cứ quân sự ở Oman do vị trí chiến lược của quốc gia này.

"Oman có vị trí chiến lược để giám sát và nếu cần, kiểm soát việc tiếp cận Vịnh Ba Tư, nơi cung cấp khoảng 50% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc. Ngoài ra, nước này còn cung cấp cho PLA một căn cứ gần Gwadar, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc trong việc bảo vệ các chuyến hàng dầu và khí tự nhiên hóa lỏng đến cảng đó để vận chuyển trên bộ bằng đường ống. Oman cũng cung cấp cho Trung Quốc những lựa chọn bổ sung nếu quan hệ với Iran hoặc Pakistan trở nên xấu đi”.

Ngoài việc bảo vệ huyết mạch dầu mỏ của Trung Quốc, Oman còn có tầm quan trọng về mặt quân sự đối với chính quyền Trung Quốc.

Ông Schuster cho hay: “Quốc gia này sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực hàng hải ở Tây Ấn Độ Dương. Các hoạt động của Hải quân Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương, cũng như của Ấn Độ, sẽ phải tính đến sự hiện diện của PLA khi căng thẳng hoặc khủng hoảng leo thang”.

Năm 2017, Trung Quốc đã thành lập một căn cứ quân sự ở quốc gia châu Phi Djibouti, đánh dấu căn cứ quân sự đầu tiên của Bắc Kinh ở hải ngoại

“Oman cách căn cứ của Trung Quốc ở Djibouti 1330 hải lý (khoảng 2.563 km)”.

Ông Schuster cho biết: “Máy bay tuần tra hàng hải ở cả hai căn cứ sẽ cung cấp phạm vi bao phủ bổ sung và miễn phí cho Vịnh Ả Rập và Vịnh Aden, cũng như Tây Ấn Độ Dương”.

“Ngoài ra, một căn cứ ở Oman sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Lực lượng hải quân Trung Quốc (PLAN) ở Vịnh Ba Tư và cung cấp một đối trọng với căn cứ USN ở Bahrain và Bộ Tư lệnh phía Tây của Ấn Độ”.

Cảng Gwadar ở Pakistan là một thành phần quan trọng trong “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ và “Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược trong mọi điều kiện” giữa Trung Quốc và Pakistan. Cảng Gwadar nằm ở sườn phía đông của Vịnh Oman, ngoài khơi eo biển Hormuz, đối diện Oman.

ĐCSTQ đã thuê một số cảng ở Ấn Độ Dương. Ngoài cảng Gwadar, Trung Quốc còn kiểm soát cảng ở Colombo, Sri Lanka. Công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc đã đầu tư 1,4 tỷ USD vào Sri Lanka để thu hồi một khu đất rộng 665 mẫu Anh (khoảng 2,7 km vuông) ở Colombo tính từ biển. Đổi lại, công ty được cấp 43% đất theo hợp đồng thuê 99 năm. Ông Schuster tin rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ bao vây Ấn Độ bằng hàng loạt căn cứ và cảng dọc bờ biển Ấn Độ Dương.

Quan chức này cho biết: “Oman cách Gwadar, Pakistan khoảng 1.500 hải lý (khoảng 2.700 km)và cách Colombo, Sri Lanka khoảng 2.200 hải lý (khoảng 4.075 km). Tôi tin rằng Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng một loạt căn cứ ở Ấn Độ Dương vào năm 2030, trải dài từ Myanmar đến Maldives, sau đó tới Seychelles, Djibouti và Durbin, Nam Phi. Nỗ lực này sẽ bao vây Ấn Độ và cung cấp các căn cứ của PLAN để bảo vệ các tuyến đường biển trọng yếu của Trung Quốc, nơi phần lớn dầu và nguồn cung cấp nguyên liệu thô quan trọng của nước này phải đi qua”.

Tham vọng xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng quân sự toàn cầu của Trung Quốc

Ông Anders Corr, người sáng lập Corr Analytics và nhà xuất bản Tạp chí Rủi ro Chính trị (Journal of Political Risk), nói với The Epoch Times rằng chính quyền Trung Quốc đã cố gắng xây dựng một mạng lưới căn cứ quân sự toàn cầu trong nhiều năm.

Ông nói: “Trong nhiều năm, Trung Quốc đã nỗ lực xây dựng một mạng lưới các căn cứ quân sự toàn cầu. Căn cứ mới ở Oman sẽ hỗ trợ Ấn Độ trên nhiều cấp độ, bao gồm chiến lược 'chuỗi ngọc trai' để kiểm soát thương mại với châu Âu và Trung Đông, cũng như nỗ lực rõ ràng nhằm bao vây Ấn Độ thông qua tăng cường liên kết kinh tế và quân sự với các quốc gia trên đất liền và biên giới trên biển”.

Cái gọi là chiến lược “Chuỗi ngọc trai” là một khái niệm do các nhà bình luận chính trị Ấn Độ phát triển, mô tả những suy đoán của họ về tham vọng của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương. Chiến lược này đề cập đến các căn cứ quân sự và dân sự của ĐCSTQ giữa Trung Quốc và Cảng Sudan ở rìa vùng Sừng châu Phi, cũng như tầm quan trọng của nó đối với các tuyến đường vận chuyển then chốt của Trung Quốc.

Ông Corr nói: “Bắc Kinh đặc biệt tìm kiếm các căn cứ quân sự tại các điểm huyết mạch thương mại lớn trên toàn cầu, bao gồm Djibouti mà họ có, Singapore và bây giờ là Oman”.

“Djibouti có sự hiện diện mang tính chỉ huy trên eo biển Bab al-Mandab giữa Biển Đỏ và Vịnh Aden, Oman nằm ở eo biển Hormuz và Singapore ở eo biển Malacca. Cả ba eo biển này đều có những điểm tắc nghẽn chính cho hoạt động vận chuyển giữa Trung Đông, Châu Âu và Châu Á, đồng thời sẽ hỗ trợ ĐCSTQ giành quyền kiểm soát thương mại quốc tế cũng như đạt được mục tiêu lâu dài của họ là bá chủ toàn cầu”.

Tầm quan trọng của Trung Đông đối với mục tiêu thống trị toàn cầu của ĐCSTQ

Trung Đông là mục tiêu quan trọng trong chương trình nghị sự toàn cầu của ĐCSTQ. Có thể thấy rõ tham vọng lật đổ “đồng đô la dầu mỏ” (petrodollar) của Trung Quốc qua thái độ của chế độ này đối với cuộc chiến Israel - Hamas.

Sau cuộc tấn công tàn bạo của lực lượng khủng bố Hamas vào Israel vào ngày 7/10, Mỹ đã hoàn toàn ủng hộ Israel. Tuy nhiên, Trung Quốc đã chỉ trích Israel. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố rằng hành động quân sự của Israel "vượt quá khả năng tự vệ". Sự hỗ trợ ngầm của Trung Quốc dành cho Hamas không có gì đáng ngạc nhiên vì chính quyền Trung Quốc ủng hộ Iran và Syria.

Vào tháng 2, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã đến thăm Bắc Kinh. Hai chế độ độc tài này đã ký 20 thỏa thuận trong các lĩnh vực thương mại, vận tải, công nghệ thông tin, du lịch, nông nghiệp và ứng phó khủng hoảng. Những thỏa thuận này có thể trị giá hàng tỷ USD.

Vào tháng 9, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã đến thăm Trung Quốc và được đón tiếp với những vinh dự cao quý nhất. ĐCSTQ thậm chí còn ra lệnh cho ngôi chùa Linh Ẩn đầy lịch sử ở Hàng Châu, Trung Quốc, phá bỏ truyền thống nghìn năm tuổi và mở cổng chính để chào đón nhà cai trị Syria.

Iran và Syria là “kẻ thù không đội trời chung” của Israel và Mỹ. Sau khi Mỹ gửi quân tới Trung Đông để hỗ trợ Israel, phiến quân được Iran hậu thuẫn đã tiến hành nhiều cuộc tấn công vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria và Iraq. Vào ngày 10/11, một tổ chức có trụ sở tại Syria đã phóng một máy bay không người lái đâm vào một trường học ở thành phố Eilat, nằm ở cực nam của Israel.

Chính phủ Trung Quốc đang tìm cách làm suy yếu đồng đô la dầu mỏ bằng cách hỗ trợ các lực lượng chống Mỹ ở Trung Đông, nơi Hoa Kỳ và Ả Rập Xê Út đã đồng ý sử dụng đồng đô la Mỹ làm tiền tệ giao dịch dầu mỏ từ những năm 1970. Đồng USD sau đó đã trở thành đồng tiền dự trữ thống trị thế giới.

Trong sáu năm qua, Trung Quốc đã đàm phán và thúc đẩy Ả Rập Xê Út sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc làm tiền tệ cho giao dịch dầu mỏ. Đồng thời, Trung Quốc đang nỗ lực để lấy lòng Ả Rập Xê Út. Các công ty được ĐCSTQ hậu thuẫn đã đầu tư đáng kể vào các dự án được Thái tử Mohammed bin Salman đánh giá cao, và ĐCSTQ đã giúp Ả Rập Xê Út sản xuất tên lửa đạn đạo và cung cấp tư vấn về chương trình hạt nhân tiềm năng.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc thực hiện bước đi chiến lược ở Trung Đông trước cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập