Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Ukraine giảm mạnh vì khủng hoảng với Nga, bất lực trước tham nhũng và xung đột

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một cuộc thăm dò hồi tháng 1 của Viện Xã hội học Quốc tế Kyiv, chỉ 30% người dân nước này muốn Tổng thống đương nhiệm Zelenskyy tranh cử nhiệm kỳ thứ hai và thậm chí ít hơn - chỉ 23% cử tri - sẽ bỏ phiếu cho ông. Người Ukraine có vẻ như đã hoàn toàn thất vọng vì Tổng thống mà họ đặt nhiều kỳ vọng đã không thể xử lý được tình trạng tham nhũng trong khi đẩy cuộc khủng hoảng với Nga lên mức tồi tệ nhất.

Một người mới gia nhập sân chơi chính trị, gần như không có khả năng tranh cử tổng thống, ông Volodymyr Zelenskyy đã bất ngờ có chiến thắng 'long trời lở đất' trong cuộc bầu cử năm 2019. Thời điểm đó, ông Volodymyr Zelenskyy đã chiến thắng nhờ lời thề trịnh trọng và mạnh mẽ rằng ông sẽ giải quyết triệt để xung đột giữa chính quyền Ukraine với các phiến quân do Nga hậu thuẫn ở phía đông cũng như mạnh tay với tham nhũng.

Nhưng sau 2 năm cầm quyền, sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân Ukraine dành cho tổng thống của họ đang dần tan biến. Người Ukraine bắt đầu thấy nguy cơ rằng dưới thời tổng thống Zelenskyy, Nga có thể không chỉ thâu tóm các vùng đòi tự trị ở phía đông của Ukraine mà còn có thể 'xơi tái' cả quốc gia này.

Không chỉ vì vấn đề khủng hoảng biên giới với Nga đi vào bế tắc, trên chính trường, tổng thống Zelenskyy cũng đang phải đối diện với thế lực chính trị đối lập đang trỗi dậy mạnh mẽ dưới sự hỗ trợ của Nga. Đối thủ mà ông Zelenskyy đã đánh bại vào năm 2019 mạnh dạn trở lại Ukraine để đối mặt với cáo buộc phản quốc (vốn là cáo buộc gây ra sự phản đối mạnh nhất với ông) của chính quyền đương nhiệm.

Các cơ quan tình báo của Anh vào tháng trước tuyên bố rằng Nga đang tìm cách lật đổ chính phủ của Zelenskyy và thay thế ông ta bằng lãnh đạo của một đảng nhỏ; đảng này vốn phản đối tham vọng gia nhập NATO và Liên minh châu Âu của Ukraine.

Các cuộc điều động và sự mất tinh thần của những người Ukraine bình thường là một thách thức đáng kể đối với một đất nước nơi nền dân chủ đã trở nên tồi tệ trong nhiều thập kỷ. Trong 20 năm qua, Ukraine đã phải chịu đựng hai cuộc nổi dậy: một cuộc nổi dậy khiến Ukraine buộc phải tổ chức lại cuộc bầu cử tổng thống gian lận và một cuộc biểu tình đẫm máu khiến tổng thống thân với điện Kremlin phải bỏ chạy khỏi đất nước vào năm 2014. Nền chính trị của Ukraine chưa bao giờ ổn định sau đó.

“Rủi ro lớn nhất đối với Ukraine và rủi ro lớn nhất đối với chủ quyền của nhà nước chúng ta… là sự bất ổn trong nhà nước của chúng ta,” Zelenskyy nói vào tháng trước, theo AP.

Nhưng người dân Ukraine không mấy tin tưởng rằng Zelenskyy có thể đảm bảo sự ổn định đó. Theo một cuộc thăm dò hồi tháng 1 của Viện Xã hội học Quốc tế Kyiv, chỉ 30% người dân nước này muốn Zelenskyy tranh cử nhiệm kỳ thứ hai và thậm chí chỉ 23% cử tri cho biết sẽ bỏ phiếu cho ông.

Đẩy cuộc khủng hoảng biên giới với Nga lên cao trào và việc ông Putin cam kết sẽ hỗ trợ độc lập cho đấu tranh ly khai miền đông Ukraine trong khi NATO và Mỹ không hỗ trợ được nhiều trừ các tuyên bố trừng phạt kinh tế với Nga. Nhưng trong bối cảnh giá dầu tăng cao khi Nga có hậu thuẫn ở Trung Đông, có Trung Quốc cam kết mua 101 tỷ USD dầu và khí đốt, có Châu Âu cần khí đốt từ Nga, các cảnh báo trừng phạt không còn là đòn tử huyệt với ông Putin lúc này.

Anatoly Rudenko, một người lái xe 48 tuổi ở Kyiv cho biết: “ông Zelenskyy đã hứa sẽ chấm dứt chiến tranh và đánh bại tham nhũng, nhưng điều này đã không xảy ra". "Giá cả đang tăng, tham nhũng vẫn chưa biến mất và chúng tôi đã bắt đầu sống nghèo hơn", theo AP.

“Điều kỳ diệu đã không xảy ra [như lời hứa của ông Volodymyr Zelenskyy]. Tình hình chỉ ngày càng trở nên tồi tệ hơn”, Tatyana Shmeleva, một nhà kinh tế 54 tuổi, nói với hãng tin AP.

Zelenskyy ban đầu thành danh ở Ukraine với tư cách là một diễn viên truyện tranh, ông được miêu tả trên truyền thông như một giáo viên tình cờ trở thành tổng thống nhờ khao khát chống tham nhũng. Nhưng việc động tới các thành trì lợi ích ăn sâu bám rễ trong hệ thống chính trị, kinh tế của Ukraine là không đơn giản với một tổng thống, một chính trị gia "tay ngang" như ông Zelenskyy.

“Ông Zelenskyy đã mắc sai lầm khi bắt đầu cuộc đối đầu với tất cả các nhà tài phiệt Ukraine cùng một lúc, những người kiểm soát các lực lượng chính trị chính, các đảng phái, các kênh truyền hình. Đây là một trò chơi rất nguy hiểm, rất rủi ro”, Vladimir Fesenko, người đứng đầu trung tâm phân tích Penta chia sẻ quan điểm với AP.

Trong số các nhà tài phiệt mà Fesenko đề cập có Petro Poroshenko, ông trùm bánh kẹo đồng thời là tổng thống Ukrain tiền nhiệm; người hiện phải đối mặt với cáo buộc phản quốc với cáo buộc tạo điều kiện cho việc bán than tài trợ cho quân nổi dậy miền đông. Ngoài ra còn phải kể đến nhà công nghiệp Rinat Akhmetov, đến từ miền đông Ukraine, người kiểm soát một phe đối lập. Ông Zelenskyy cũng lập tức động tới Viktor Medvedchuk, chính trị gia thân Nga nổi tiếng nhất của đất nước, người có ba đài truyền hình, nhưng bị chính quyền ông Zelenskyy chặn phát sóng với cáo buộc phát tán thông tin sai lệch. Chính trị gia này là người thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cha đỡ đầu của một trong những cô con gái của ông Putin.

Các nhà tài phiệt này không thống nhất về tư tưởng chính trị: ông Medvedchuk và Akhmetov liên kết với các phe phái đối lập trong khi tổng thống Poroshenko có sự ác cảm mạnh mẽ đối với Nga. Nhưng nhiều nhà quan sát tin rằng Moscow đang cố gắng khai thác bất kỳ thế lực nào chống đối ông Zelenskyy.

“Không có lực lượng thân Nga công khai nào có thể lên nắm quyền hợp pháp trong các cuộc bầu cử, điều đó có nghĩa là Điện Kremlin phải tìm kiếm các đồng minh giấu mặt và tiến hành các cuộc đàm phán bí mật với một số người chơi [trên chính trường] Ukraine cùng một lúc” ông Fesenko chia sẻ. Nga “đang kéo các sợi dây kinh tế, năng lượng, chính trị, cố gắng tìm kiếm các lực lượng chính trị linh hoạt”.

Với vị thế địa chính trị đặc biệt, vùng đệm của nước Nga, Ukraine khó có thể tự do quyết định số phận của mình. Nếu muốn tự quyết định số phận của mình, họ cần một tổng thống có thực lực hơn, cần một nội lực quốc gia lớn hơn và có lẽ là một nước Nga mà Mỹ và EU thoả sức chèn ép. Đáng tiếc, tất cả 'thiên thời - địa lợi - nhân hoà' đều chưa xuất hiện ở Ukraine lúc này.

Ông Putin thực sự muốn gì? Muốn một Ukraine không có mơ tưởng tới Mỹ, EU hay NATO, một vùng đệm sạch sẽ, an toàn với Moscow. Điều này có lẽ giống như Tây Tạng, Nội Mông với Trung Quốc, Biển Đông với Việt Nam hay Khasmir với Ấn Độ.

Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Ukraine giảm mạnh vì khủng hoảng với Nga, bất lực trước tham nhũng và xung đột