Ukraine nguy cơ đối diện khủng hoảng viện trợ, Nga thiếu đạn dược trầm trọng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ukraine và Nga đã rơi vào bế tắc trên chiến trường và chuyển sang sử dụng máy bay không người lái nhiều hơn để đối đầu. Trong nỗ lực phá vỡ thế bế tắc, Ukraine dường như đang tăng cường các cuộc tấn công vào quân sự, hậu cần và các tài sản quan trọng khác trên lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng và các khu vực phía sau hậu phương của Nga. Tuy nhiên, đạn dược là vấn đề khiến cả hai bên phải đau đầu khi chiến tranh vẫn kéo dài.

Cơ quan tình báo Quân sự chính của Ukraine (GUR) ngày 12/11 cho biết, du kích Ukraine đã tấn công trụ sở quân đội Nga ở Melitopol thuộc tỉnh Zaporozhye bị chiếm đóng vào ngày 11/11, khiến ít nhất 3 nhân viên an ninh Nga thiệt mạng.

Kể từ mùa hè năm 2023, quân đội Ukraine đã tiến hành các hoạt động tấn công đặc biệt nhắm vào Crimea bị chiếm đóng. Ngày 8/11, du kích Ukraine tấn công các cựu lãnh đạo dân quân Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LNR); ngày 9/11 tấn công các căn cứ quân sự của Nga ở Skadovsk và Kherson Oblast bị chiếm đóng và Hạm đội Biển Đen ở Crimea; ngày 11/11, 3 cuộc tấn công từ phía sau đã xảy ra ở Nga.

Ông Ruslan Muzichuk, phát ngôn viên Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine (NGU), hôm 9/11 cho biết trên Facebook rằng Nga đang thay đổi cách tấn công Avdiivka, và Nga đã mất 10.000 binh sĩ trong cuộc tấn công vào thành phố. Thời tiết đang buộc Nga phải chuyển sang sử dụng nhiều bộ binh tác chiến hơn. Ông cho biết Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã đẩy lùi hơn 10 cuộc tấn công của kẻ thù và các lực lượng đặc biệt cũng đang thực hiện nhiệm vụ. Avdiivka được bảo vệ tốt và quân đội ở đó đã ngăn chặn được quân Nga.

Những tổn thất nặng nề về thiết giáp và nhân lực trong cuộc tấn công vào Avdiivka đã khiến người Nga thay đổi phương pháp chiến đấu và phụ thuộc nhiều hơn vào máy bay không người lái. Ông Muzichuk cho biết việc sử dụng máy bay không người lái của kẻ thù đã tăng gấp đôi trong những tháng gần đây.

Chỉ huy Ukraine có mật danh Komrad cho biết: "Máy bay không người lái của họ hoạt động cả ngày lẫn đêm. Chúng ta có thể thấy rằng họ đã sản xuất hàng loạt máy bay không người lái để trinh sát, giám sát và tấn công".

Mặc dù rất khó để đánh giá chính xác ưu thế về số lượng máy bay không người lái của Nga, Komrad ước tính rằng số lượng máy bay không người lái của Nga ở các khu vực tiền tuyến gần gấp đôi so với Ukraine.

Tuy nhiên, quân dự phòng của Ukraine có thể đang trên đường đến. Bộ trưởng Kỹ thuật số Ukraine, Mykhailo Fedorov nói với giới truyền thông vào tháng 9 năm nay rằng đến cuối năm 2023, tổng sản lượng máy bay không người lái của Ukraine sẽ tăng hơn 100 lần và sản lượng máy bay không người lái hàng tháng sẽ đạt 100.000 chiếc.

Ở những nơi khác trên chiến trường, mặt trận phần lớn vẫn rơi vào bế tắc, không bên nào giành được hay mất lãnh thổ đáng kể. Ukraine đang tiếp tục vượt sông Dnieper vào Kherson bị chiếm đóng. Mục tiêu là tiếp tục xây dựng đầu cầu ở thị trấn Klinki và gây áp lực lên lực lượng Nga trong khu vực.

Đánh giá mới nhất của Viện Nghiên cứu Chiến tranh Mỹ cho thấy, bộ chỉ huy quân sự Nga có thể gặp khó khăn trong việc tái triển khai quân tiếp viện có khả năng chiến đấu, để đáp trả các hoạt động đang diễn ra của Ukraine ở phía đông tỉnh Kherson, đồng thời tiến hành phòng thủ ở phía tây tỉnh Zaporozhye và duy trì các hoạt động tấn công khác ở miền đông Ukraine

Vào ngày 10/11, hệ thống phòng không tích hợp của Ukraine đã nhận được hai bộ Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS) do Lithuania tài trợ. Bộ Quốc phòng Anh cho rằng, cuộc tấn công của Ukraine vào hệ thống phòng không S-400 tiên tiến của Nga có thể buộc Moscow phải bố trí lại hệ thống phòng không từ các địa điểm khác. Phân tích cho thấy, để duy trì tầm phủ sóng trên bầu trời Ukraine, Nga có thể cần phải phân bổ lại các tên lửa đất đối không thường được sử dụng để bảo vệ các khu vực xa xôi của Nga. Điều này có thể mang lại cho Ukraine những cơ hội mới để sử dụng máy bay không người lái tầm xa để tấn công các mục tiêu ở Nga. Các cuộc tấn công như vậy đã chậm lại trong những tháng gần đây.

Sự xuất hiện của đạn dược do Triều Tiên cung cấp trong quân đội Nga ở tiền tuyến là dấu hiệu gián tiếp cho thấy cuộc chiến của Nga ở Ukraine đang gặp phải tình trạng thiếu đạn dược trầm trọng.

Tin tức về việc quân đội Nga sử dụng đạn dược của Triều Tiên bắt đầu lan truyền sau khi tình báo Hàn Quốc tiết lộ hoạt động chuyển đạn dược liên tục và có phương pháp của Triều Tiên sang Nga.

Đầu tiên, hình ảnh đạn pháo 122mm và 152mm xuất hiện vào cuối tháng 10. Đầu tiên, tên lửa không điều khiển 122mm của Triều Tiên sử dụng trong Hệ thống phóng tên lửa Grad (Grad MLRS) xuất hiện trên các vị trí của quân đội Nga, sau đó những bức ảnh về súng cối 120 mm được cho là do Triều Tiên chế tạo bị rò rỉ. Chúng được cho là được sản xuất ở Triều Tiên, mặc dù chúng rất giống với đạn pháo của Liên Xô.

Nếu bằng chứng là đúng, điều đó có nghĩa là Triều Tiên cung cấp tất cả đạn pháo chính cho Nga. Điều đáng chú ý là đạn dược từ Triều Tiên được gửi ngay ra tiền tuyến chứ không phải cất giữ trong kho chờ luân chuyển. Điều này có thể có nghĩa là mức độ mà quân đội Nga đang phải đối mặt với tình trạng thiếu các loại đạn dược có thể tồi tệ hơn nhiều so với những gì các nhà tuyên truyền Nga đang miêu tả.

Khi chiến tranh tiếp diễn, Ukraine cũng gặp phải vấn đề tương tự. Khi viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Ukraine sắp cạn kiệt, đang chậm lại, đặc biệt khi viện trợ quân sự chuyển sang phân bổ theo khẩu phần.

Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh hôm 9/11 cho biết, nguyên nhân là do Quốc hội không thông qua kế hoạch viện trợ bổ sung. Bà nói, trong bối cảnh các cuộc thảo luận về ngân sách đang diễn ra tại Quốc hội và đàm luận về vấn đề Ukraine là trọng yếu. Tất cả xảy ra trong bối cảnh quỹ sẽ cạn kiệt vào cuối tuần tới. “Chúng tôi buộc phải giảm sự hỗ trợ dành cho Ukraine”.

Chính phủ Hoa Kỳ có kế hoạch cung cấp gói viện trợ trị giá 106 tỷ USD, bao gồm Ukraine, Israel, các quỹ nhằm thúc đẩy cạnh tranh với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và chi phí an ninh dọc biên giới Mỹ - Mexico. Nhưng Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua gói viện trợ.

Bà Singh nói: "Lầu Năm Góc đã sử dụng hết 95% trong số 62,3 tỷ USD nguồn lực bổ sung ban đầu mà chúng tôi có ở Ukraine. Điều đó có nghĩa là chúng ta đã cạn kiệt mọi nguồn tài trợ cho các sáng kiến ​​an ninh Ukraine. Vì vậy, chúng tôi chỉ còn lại 1 tỷ USD". Bà Singh cho biết các chương trình viện trợ cho Ukraine đã bị thu hẹp lại do thiếu kinh phí, nhưng Mỹ và các đồng minh vẫn sẽ hỗ trợ cuộc chiến ở Kiev. Bà nói: “Chúng tôi chân thành cầu xin Quốc hội thông qua yêu cầu bổ sung của tổng thống để chúng tôi có thể tiếp tục đáp ứng nhu cầu chiến trường của Ukraine”.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Pat Ryder cho biết hôm 31/10 rằng hơn 5,4 tỷ USD trong Ủy quyền Phân bổ của Tổng thống (PDA) đã được khôi phục vẫn có sẵn để Ukraine sử dụng.

Gói viện trợ cuối cùng vào ngày 3/11 là 125 triệu USD. Điều này bao gồm số lượng đạn 155 mm cũng như các loại đạn khác không được tiết lộ.

Lầu Năm Góc cho biết các chương trình viện trợ cho Ukraine, chẳng hạn như chương trình hồi đầu tháng 11 bao gồm đạn pháo 155mm, đang bị thu hẹp lại do Quốc hội vẫn chưa thông qua dự luật Chương trình Hỗ trợ Bổ sung.

Ukraine cũng phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng viện trợ của EU, trong đó Hungary đe dọa phủ quyết gói viện trợ mới trị giá 50 tỷ euro (khoảng 53,4 tỷ USD). Những người quen thuộc với vấn đề này cho biết, nếu Budapest ngăn chặn việc xem xét ngân sách dài hạn của EU, bao gồm cả gói viện trợ Ukraine, điều đó sẽ ảnh hưởng đến những đảm bảo mà các quốc gia thành viên có thể đưa ra để gây quỹ trên thị trường.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã phản đối việc đưa gói viện trợ trị giá 53 tỷ USD cho Ukraine vào ngân sách EU, vốn đòi hỏi phải có sự đồng ý nhất trí của tất cả 27 quốc gia thành viên mới được thông qua.

Ngoài ra, chính phủ mới của Slovakia cũng hủy gói viện trợ cho Ukraine ước tính trị giá 40,3 triệu euro (tương đương 43 triệu USD). Có tin cho biết chính phủ dân túy cánh tả của Slovakia đã từ chối lời đề nghị viện trợ quân sự cho Kiev. Ngay cả khi gói viện trợ 43 triệu USD bị chặn, nó cũng khó có thể thay đổi đáng kể năng lực chiến trường của Ukraine. Nhưng quyết định của chính phủ tại một cuộc họp nội các được đưa ra khi Nga đã bước vào cuộc xâm lược được hai năm và có dấu hiệu ngày càng mệt mỏi trong số những người ủng hộ NATO của Kyiv.

Tuy nhiên, Đức sẽ tăng gấp đôi viện trợ quân sự cho Ukraine vào năm tới. Liên minh cầm quyền do Thủ tướng Đức Scholz dẫn đầu đã đồng ý về nguyên tắc tăng viện trợ quân sự của Đức cho Ukraine lên 8 tỷ euro (khoảng 8,5 tỷ USD) vào năm tới. Các nguồn tin ở Berlin cho biết, nếu được quốc hội, nơi đảng của Scholz chiếm đa số chấp thuận, mức tăng này sẽ đưa chi tiêu quốc phòng của Đức lên 2,1% tổng sản phẩm quốc nội, vượt mức 2% mà tất cả các thành viên NATO cam kết.

Các nhà lập pháp từ Đảng Dân chủ Tự do của Đức, Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Xã hội của Scholz đã đồng ý bổ sung các đề xuất cho ngân sách liên bang năm 2024 trước khi Ủy ban Ngân sách Bundestag (hoặc Hạ viện) tổ chức cuộc họp chính thức vào ngày 16/11.

Cán bộ ngân sách quân sự SPD Andreas Schwarz cho biết việc tăng gấp đôi chi tiêu quân sự là đúng đắn và quan trọng. Ông nói: “Động thái này sẽ nhấn mạnh cam kết của chúng tôi trong việc cung cấp nguồn tài chính cần thiết cho Ukraine. Việc chúng tôi cũng có thể thực hiện nghĩa vụ của mình với NATO là một thành công lớn đối với liên minh”.

Theo Hạ Lạc Sơn - The Epoch Times

Lý Ngọc biên dịch

Thế giới Quân sự


BÀI CHỌN LỌC

Ukraine nguy cơ đối diện khủng hoảng viện trợ, Nga thiếu đạn dược trầm trọng