9 điểm chính của thỏa thuận thương mại Mỹ -Trung, Trung Quốc phải nhượng bộ Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hoa Kỳ và chính quyền Trung Quốc vào ngày 15/1 đã ký “Thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1” - động thái giúp hạ căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong một cuộc chiến thương mại kéo dài 18 tháng.

Trước thỏa thuận, Hoa Kỳ đã đồng ý cắt giảm thuế quan từ 15% xuống còn 7,5% đối với khoảng 120 tỷ USD hàng tiêu dùng do Trung Quốc sản xuất, bao gồm Tivi màn hình phẳng, tai nghe Bluetooth và giày dép. Hoa Kỳ cũng loại bỏ thuế quan theo kế hoạch đối với khoảng 156 tỷ USD sản phẩm tiêu dùng, bao gồm điện thoại di động, đồ chơi và máy tính xách tay.

Mức thuế quan 25% vẫn được áp dụng đối với khoảng 250 tỷ USD hàng hóa và linh kiện công nghiệp của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.

Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẽ xóa bỏ tất cả các mức thuế nếu cuộc đàm phán “Giai đoạn 2” thành công.

Trước khi thỏa thuận được ký kết, ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế cấp cao của Nhà Trắng, nói với Fox News rằng thỏa thuận Mỹ - Trung sẽ tăng tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ thêm 0,5 điểm mỗi năm vào năm 2020 và 2021.

Dưới đây là các cam kết chính từ bản thỏa thuận dài 90 trang với 9 điểm quan trọng.

Trung Quốc mua hàng hóa Mỹ

Chính quyền Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỷ đô la hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ trong hai năm tới, so với 186 tỷ USD trong năm 2017. Trung Quốc cam kết tăng thêm 77,7 tỷ đô la trong giai đoạn hai năm mua hàng hóa sản xuất của Hoa Kỳ, như máy bay, dược phẩm và máy móc công nghiệp.

Trung Quốc tăng 37,9 tỷ đô la mua các dịch vụ của Hoa Kỳ, bao gồm điện toán đám mây và dịch vụ tài chính, đồng thời tăng 52,4 tỷ đô la mua các sản phẩm năng lượng, như dầu thô và khí tự nhiên hóa lỏng.

Mua các sản phẩm nông nghiệp

Bắc Kinh đã đồng ý mua thêm 32 tỷ đô la hàng nông sản Mỹ trong hai năm tới, bao gồm đậu nành, bông, ngũ cốc và thịt. Họ cũng cam kết sẽ mua thêm 5 tỷ đô la các sản phẩm nông nghiệp hàng năm. Ngoài ra, chính quyền nước này cũng đồng ý mở cửa thị trường hơn đối với các mặt hàng của Mỹ như thịt, gia cầm, sữa, thức ăn cho vật nuôi và công nghệ sinh học nông nghiệp.

Bảo vệ tài sản trí tuệ

Thỏa thuận bao gồm các biện pháp nhằm ngăn chặn và trừng phạt hành vi trộm cắp bí mật thương mại.

Điều này giúp các công ty Hoa Kỳ dễ dàng hơn trong việc yêu cầu các cơ quan chức năng khởi xướng điều tra hình sự ở Trung Quốc, và cũng giúp họ dễ chứng minh vụ việc của mình trong tố tụng dân sự. Chính quyền Trung Quốc cũng đồng ý thiết lập các thủ tục bắt buộc dành cho người có quyền trong các trường hợp vi phạm trực tuyến.

Bắc Kinh đã đồng ý chấm dứt hoạt động lâu đời của mình là buộc các công ty Hoa Kỳ chuyển giao công nghệ cho các đối tác kinh doanh trong nước như một điều kiện tiếp cận thị trường. Bất kỳ sự chuyển nhượng hay cấp phép công nghệ nào cũng phải “dựa trên các điều khoản thị trường tự nguyện và phản ánh thỏa thuận chung”.

Thao túng tiền tệ

Chính quyền Trung Quốc cam kết sẽ kiềm chế phá giá tiền tệ hoặc thực hiện các can thiệp quy mô lớn trên thị trường tiền tệ. Họ cũng đồng ý sẽ thường xuyên tiết lộ dữ liệu về dự trữ ngoại hối của mình.

Giải quyết tranh chấp

Thỏa thuận này tạo ra một hệ thống giải quyết tranh chấp quy định các khung thời gian cho các hành động tại các giai đoạn khác nhau: bắt đầu từ cấp độ làm việc, rồi tăng lên đến cấp Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) và phó thủ tướng của cả hai quốc gia.

Hệ thống này được thiết kế có thời hạn 75 ngày kể từ khi bắt đầu kháng cáo cho đến khi giải quyết tranh chấp, theo một quan chức chính quyền cấp cao. Nếu không thể giải quyết trong khung thời gian đó, thì có thể sẽ có một cuộc hội đàm nhanh về biện pháp khắc phục trong 15 ngày tiếp theo. Nếu các bên không đạt được một nghị quyết, họ có quyền lựa chọn từ bỏ thỏa thuận, quan chức này nói.

Sở hữu trí tuệ

Cả hai bên cần thực thi đầy đủ, công bằng và hiệu quả các quyền về sở hữu trí tuệ và đảm bảo rằng đối phương có quyền tiếp cận thị trường công bằng và ngay chính.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hứa sẽ thực hiện nhiều biện pháp hơn để bảo vệ chủ sở hữu bằng sáng chế khỏi mối đe dọa của hàng giả. Bắc Kinh cũng đã cam kết chấm dứt việc bán hàng giả.

Trong vòng 30 ngày sau khi thỏa thuận có hiệu lực, Trung Quốc sẽ đệ trình "Kế hoạch hành động tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ", liệt kê "các bước Bắc Kinh sẽ làm để thực thi nghĩa vụ của thỏa thuận" và "ngày có hiệu lực của từng bước".

Phía Trung Quốc phải dành ít nhất 45 ngày để thảo luận, trưng cầu ý kiến ​​công chúng về các bước phác thảo sẽ được thực thi để hoàn thành theo đúng thỏa thuận.

Dịch vụ tài chính: Xóa bỏ hạn chế liên doanh

Các nội dung liên quan đến dịch vụ tài chính trong thỏa thuận hầu hết là những nội dung mà phía Trung Quốc đã hoàn thành các sửa đổi luật để loại bỏ các rào cản gia nhập thị trường. Người thụ hưởng bao gồm các ngành như thanh toán điện tử, chứng khoán, quản lý quỹ và bảo hiểm. Trong tương lai, các ngành công nghiệp này sẽ hoạt động tại Trung Quốc và có được nhiều quyền kiểm soát hơn, không còn bị hạn chế bởi các doanh nghiệp liên doanh của Trung Quốc.

Ngoài ra, trong nhiều năm qua, các công ty thẻ tín dụng như Visa, MasterCard và American Express không thể vào được thị trường Trung Quốc. ĐCSTQ hứa sẽ tiếp nhận đơn xin phép của các công ty này.

Tính hiệu lực, chấm dứt thỏa thuận và đàm phán trong tương lai

Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký. Nếu một trong hai bên có ý định chấm dứt thỏa thuận này, cần thông báo cho bên kia bằng văn bản trước 60 ngày hoặc theo thời điểm do hai bên thỏa thuận.

Hai bên có thể thỏa thuận về thời gian đàm phán tiếp theo, trong thỏa thuận không nêu rõ thời gian chính xác cho đàm phán tiếp theo.

Các vấn đề quan trọng không bao gồm trong thỏa thuận giai đoạn đầu tiên

Trong một thời gian dài, Hoa Kỳ lo ngại việc ĐCSTQ lợi dụng trợ cấp công nghiệp, nuôi dưỡng các doanh nghiệp nhà nước để thành lập các ngành công nghiệp chủ đạo như thép và pin mặt trời. ĐCSTQ từ chối đưa các vấn đề về trợ cấp, cải cách chính sách kinh tế của họ trong đàm phán giai đoạn 1. Các vấn đề khác không bao gồm trong thỏa thuận giai đoạn 1 còn có bảo mật mạng, nội địa hóa dữ liệu.

Hôm thứ ba (14/1), Hoa Kỳ cùng với Liên minh châu Âu và Nhật Bản đã ban hành một tuyên bố chung kêu gọi tiến hành 6 cải cách đối với thỏa thuận trợ cấp của WTO, bao gồm tăng thêm các loại hình trợ cấp bị cấm và nâng cao hiệu quả thông báo trợ cấp.

Minh Thanh



BÀI CHỌN LỌC

9 điểm chính của thỏa thuận thương mại Mỹ -Trung, Trung Quốc phải nhượng bộ Mỹ