Australia điều tra việc các cựu phi công nước này đã huấn luyện cho quân đội Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles đã yêu cầu Lực lượng Phòng vệ Australia (ADF) mở cuộc điều tra về cáo buộc các cựu phi công nước này đã huấn luyện cho các phi công ở Trung Quốc, sau khi Vương Quốc Anh đưa ra báo cáo tương tự hôm 18/10. Ông Marles cho biết, Australia có thể thực hiện hành động pháp lý để ngăn các phi công làm như vậy vì lý do an ninh quốc gia.

Sự việc xảy ra sau khi đài BBC đưa tin, có tới 30 cựu phi công quân sự của Vương quốc Anh được cho là đã được Trung Quốc tuyển dụng để huấn luyện các thành viên của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), khiến Bộ Quốc phòng Anh (MOD) phải đưa ra một thông báo cảnh báo mối đe dọa về chiến dịch này.

Đài BBC cáo buộc rằng, chính phủ Anh đã biết về đợt tuyển dụng nhắm mục tiêu vào các phi công quân sự có kinh nghiệm lái máy bay phản lực như Typhoon, Jaguar, Harrier và Tornado. Theo đó, Bắc Kinh đang tăng cường nỗ lực hiện đại hóa quân đội và lực lượng quân sự nước này.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles cho biết, ông đã yêu cầu bộ quốc phòng điều tra các cáo buộc rằng, các cựu phi công quân sự Australia cũng đã được tuyển dụng để tham gia huấn luyện tại một trường bay của Nam Phi hoạt động tại Trung Quốc.

Trong một email gửi tới The Epoch Times, ông Marles nói rằng ông đã “yêu cầu Bộ Quốc phòng điều tra những tuyên bố này và giải thích rõ ràng về vấn đề này".

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Úc Richard Marles phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Đối thoại Shangri-La ở Singapore vào ngày 11/6/2022. (Ảnh: Roslan Rahman/AFP/Getty Images)

Ông Marles, hiện cũng là Phó Thủ tướng Australia, lưu ý rằng Australia rất biết ơn các nhân viên quốc phòng phục vụ cho đất nước và ông sẽ rất sốc nếu các cựu quân nhân chấp nhận lời đề nghị này.

“Nhân viên ADF của chúng tôi đăng ký vào Lực lượng Phòng vệ để phục vụ đất nước và chúng tôi vô cùng biết ơn về điều đó”, ông nói.

Ông Marles nói trong một tuyên bố: “Tôi sẽ vô cùng sốc và vô cùng lo lắng khi biết rằng, có những nhân sự đang bị thu hút bởi một khoản lương từ một quốc gia nước ngoài để phục vụ cho chính đất nước của họ".

Học viện bay thử nghiệm Nam Phi (TFASA) trước đó đã quảng cáo tìm kiếm một số người hướng dẫn phi công để làm việc tại một địa điểm không được tiết lộ ở miền “Viễn Đông Á” với cam kết hợp đồng ban đầu trong bốn năm.

Các yêu cầu bao gồm tốt nghiệp từ các trường bay thử nghiệm quân sự ở Mỹ hoặc Anh.

TFASA cũng điều hành một trường dạy bay cho các phi công của hãng hàng không Trung Quốc ở Nam Phi với tư cách là liên doanh với một trong những công ty hàng không quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc, AVIC, theo trang web.

Chính phủ Anh sẽ đưa ra luật mới để ngăn chặn hoạt động thu thập thông tin tình báo của Bắc Kinh

Yêu cầu của Bộ trưởng Quốc phòng Anh về cuộc điều tra được đưa ra khi Bộ trưởng Các Lực lượng Vũ trang và Cựu chiến binh, James Heappey, cho biết chính phủ Anh sẽ tìm cách ban hành luật mới để đảm bảo các thành viên quốc phòng đã nghỉ hưu không để lọt thông tin tình báo ra nước ngoài trong tương lai.

Ông nói với chương trình Today của đài BBC Radio 4 rằng, sự việc này chắc chắn không phù hợp với yêu cầu phục vụ đất nước ngay cả khi đã nghỉ hưu để sau đó làm việc với một "thế lực" nước ngoài. Đặc biệt, đây là một "thế lực" đang là thách thức to lớn đối với Vương quốc Anh, ông nói.

Phi công quân sự Trung Quốc
Nữ phi công lái máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc Yu Xu rời khỏi máy bay sau khi trình diễn tại Airshow China ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, hôm 11/11/2014. (Ảnh: Johannes Eisele/AFP/Getty Images)

Bộ Quốc phòng Anh viết trên Twitter rằng, các phi công Anh có liên quan đã được thông báo rằng họ có nguy cơ bị truy tố theo Đạo luật Bí mật Chính thức và một Dự luật an ninh quốc gia sẽ đề ra các cách thức khác để truy tố.

Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Anh cho biết: "Chúng tôi đang thực hiện các bước mang tính quyết định để ngăn chặn các kế hoạch tuyển dụng của Trung Quốc nhắm vào các cựu phi công của Lực lượng Vũ trang Vương quốc Anh".

"Tất cả các nhân viên đang phục vụ và cựu nhân viên phải tuân theo Đạo luật Bí mật Chính thức. Chúng tôi đang xem xét việc sử dụng các hợp đồng bảo mật và các thỏa thuận không tiết lộ trong nội bộ cơ quan Quốc phòng. Trong khi đó, Dự luật An ninh Quốc gia mới sẽ tạo ra các công cụ bổ sung để giải quyết các thách thức an ninh đương đại bao gồm cả vấn đề này".

Theo đài BBC, phát ngôn viên của MOD trong một cuộc họp báo cho biết, không có bằng chứng cho thấy các phi công đã vi phạm Đạo luật Bí mật Chính thức hoặc họ đã phạm bất kỳ tội hình sự nào. Mục đích của cảnh báo là để ngăn chặn hoạt động này và nhắc nhở nhân viên về nghĩa vụ của họ trong việc bảo vệ thông tin nhạy cảm.

Thanh Hải



BÀI CHỌN LỌC

Australia điều tra việc các cựu phi công nước này đã huấn luyện cho quân đội Trung Quốc