BRICS mời 6 quốc gia gia nhập khối, sẽ kiểm soát 80% trữ lượng dầu mỏ thế giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

BRICS, một liên minh gồm các nước đang phát triển, đã chính thức mời 6 nước gia nhập khối, theo tuyên bố của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 15 của khối này ở Johannesburg.

BRICS đã đạt được thỏa thuận mời Iran, Ảrập Xêút, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Argentina, Ai Cập và Ethiopia gia nhập khối; tư cách thành viên của 6 nước này sẽ có hiệu lực vào tháng 1/2024.

Trước đó, tất cả các quốc gia được mời đều đã gửi đơn đề nghị được trở thành thành viên của BRICS.

Tổng thống Nam Phi Ramaphosa cho biết trong một tuyên bố ngày 24/8: “Chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm của các quốc gia khác trong việc xây dựng quan hệ đối tác với BRICS. Chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho các bộ trưởng ngoại giao của mình trong việc phát triển hơn nữa mô hình quốc gia đối tác BRICS, lập danh sách các quốc gia đối tác tiềm năng, và báo cáo tại hội nghị thượng đỉnh tiếp theo".

Có thông tin cho rằng khoảng 19 quốc gia khác đã bày tỏ sự quan tâm đến việc trở thành thành viên của BRICS.

Tổng thống Nam Phi phát biểu trong một cuộc họp báo rằng, mục tiêu đằng sau việc củng cố quan hệ đối tác BRICS là “mở khóa cơ sở hạ tầng và tài trợ phát triển”, cũng như cải cách hệ thống thương mại đa phương, để “tạo ra một môi trường thuận lợi cho thương mại công bằng”.

Ông Ramaphosa nói: “Đây là một phần trong tầm nhìn sáng lập của Ngân hàng Phát triển Mới. Ngân hàng đang đóng vai trò dẫn đầu trong nỗ lực tăng cường khả năng phục hồi của miền Nam bán cầu, đồng thời mang lại sự công bằng cho các hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu bằng cách tăng cường sử dụng các loại tiền tệ BRICS".

Trước cuộc họp, cũng là một tuần sau khi công bố trái phiếu bằng đồng rand Nam Phi, Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) - trước đây gọi là Ngân hàng Phát triển BRICS - xác nhận rằng họ có kế hoạch phát hành trái phiếu bằng đồng rupee Ấn Độ đầu tiên vào tháng 10.

Ông Vladimir Kazbekov - Giám đốc điều hành của NDB - cho biết: “NDB đang tìm cách tăng cường sự hiện diện của mình trên thị trường vốn địa phương của các nước thành viên, từ đó để tài trợ cho danh mục cho vay bằng đồng nội tệ mạnh mẽ của mình”. Ông nói về một ví dụ là, một dự án cơ sở hạ tầng ở Nam Phi sẽ được tài trợ bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc chứ không phải bằng đô-la Mỹ.

Hội nghị thượng đỉnh năm tới của BRICS sẽ diễn ra tại thành phố Kazan của Nga.

Tầm ảnh hưởng của BRICS

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi lời chúc mừng đến các thành viên mới trong một tin nhắn video.

Ông Putin nói: “Tôi xin chúc mừng các thành viên mới của chúng ta, những nước sẽ có đầy đủ tư cách thành viên vào năm tới. Tôi muốn đảm bảo với tất cả các đồng nghiệp của mình rằng chúng tôi sẽ tiếp tục công việc mà chúng tôi đã bắt đầu với các bạn vào ngày hôm nay, để mở rộng ảnh hưởng của BRICS trên thế giới".

Lúc đầu, Moscow phản đối việc mở rộng tổ chức này. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, người gọi việc có thêm thành viên là bước ngoặt “lịch sử”, đã vận động mở rộng khối nhằm “đoàn kết và hợp tác với các nước đang phát triển”.

Ông Tập cho biết tại hội nghị thượng đỉnh: “Nó sẽ tạo động lực mới cho cơ chế hợp tác BRICS và tăng cường hơn nữa sức mạnh của hòa bình và phát triển của thế giới”.

Dân biểu Hoa Kỳ Marjorie Taylor Greene (Cộng hòa - Georgia) viết trên X rằng, bà "hoàn toàn chán ghét" việc các ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa không thừa nhận sự thật "BRICS là do Trung Quốc thúc đẩy".

Bà viết: “Tất cả họ đều không biết rằng mối đe dọa lớn hơn đối với Hoa Kỳ là: BRICS vốn là do Trung Quốc thúc đẩy, thứ sẽ cản trở nền kinh tế của chúng ta [Mỹ] và phá hủy đồng đô-la của chúng ta”.

3 thành viên mới là các cường quốc dầu mỏ

BRICS, được thành lập vào năm 2009, hiện chiếm khoảng 40% dân số thế giới và sở hữu khoảng 25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Đóng góp của liên minh này cho nền kinh tế thế giới tính theo ngang giá sức mua (PPP) đã vượt G7 vào năm ngoái, đạt 32%, nhiều hơn so với 30% của G7.

Bằng cách kết nạp thêm các nền kinh tế đang phát triển, BRICS được dự đoán sẽ chiếm 30% GDP toàn cầu, với tổng trị giá khoảng 30 nghìn tỷ USD.

Ông Jeffrey Sachs - nhà kinh tế học và nhà phân tích chính sách công người Mỹ - cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Die Weltwoche: “Chúng ta đã đang sống trong một thế giới hậu Mỹ và hậu phương Tây. Chúng ta đang ở trong một thế giới mà các nước BRICS lớn mạnh hơn các nước G7. Mỹ đã lỗi thời trong khoảng ¼ thế kỷ".

Một diễn biến quan trọng tại cuộc họp thường niên là an ninh năng lượng của các nước BRICS, đặc biệt là đối với các nước nhập khẩu nhiều gồm Trung Quốc và Ấn Độ. Tổ chức này sẽ có các nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới: Iran, Nga, Ảrập Xêút và UAE.

Các ước tính cho thấy các nước BRICS sẽ kiểm soát khoảng 80% trữ lượng dầu mỏ của thế giới. Ví dụ, Trung Quốc nắm giữ gần 1 tỷ thùng dầu thô, trở thành quốc gia có kho dự trữ do chính phủ điều hành lớn nhất thế giới.

BRICS mời 6 quốc gia gia nhập khối, sẽ kiểm soát 80% trữ lượng dầu mỏ thế giới
Người đàn ông đi ngang qua một hầm chứa tại cơ sở dầu mỏ của công ty Saudi Aramco tại thành phố Jeddah ở Biển Đỏ của Ảrập Xêút, ngày 24/11/2020. (Ảnh: Fayez Nureldine/AFP qua Getty Images)

Đồng đô-la dầu mỏ sắp sụp đổ?

Thông lệ dùng đồng USD để thanh toán cho các nền kinh tế sản xuất dầu đã có tuổi đời hàng thập kỷ.

Tuy vậy, trong những tháng gần đây, thị trường xuất hiện ngày các nhiều các thanh toán không bằng USD. Đầu tháng này, Ấn Độ và UAE đã hoàn tất một thỏa thuận bằng đồng rupee; hai bên có kế hoạch thực hiện thêm nhiều hoạt động thương mại song phương được thanh toán bằng đồng rupee và đồng dirham.

Năm qua, đã có nhiều đồn đoán rằng BRICS sẽ tạo ra một rổ tiền tệ dự trữ mới.

Trong một video được phát khi hội nghị thượng đỉnh thường niên khai mạc, ông Putin nói rằng khái niệm về đồng tiền chung cho khối BRICS là một “câu hỏi khó” và là điều mà các nhà hoạch định chính sách sẽ giải quyết. Tuy nhiên, các nước BRICS vẫn kiên định trong nỗ lực phi đô-la hóa; họ không còn muốn sử dụng đồng bạc xanh, mà muốn chuyển sang giao dịch bằng đồng nội tệ.

Các nhà kinh tế của ING đánh giá rằng, quá trình phi đô-la hóa và các chiến lược khác nhau được sử dụng trong suốt quá trình đó sẽ diễn ra chậm chạp.

“Cho đến khi các tổ chức phát hành và nhà đầu tư quốc tế cảm thấy vui vẻ khi phát hành và nắm giữ nợ quốc tế bằng các loại tiền tệ không phải là đồng USD, và việc tiếp nhận trái phiếu Panda (trái phiếu bằng đồng CNY ở Trung Quốc) thực sự đang rất chậm, chúng tôi cho rằng sẽ cần một tiến trình kéo dài hàng thập kỷ để tới được một thế giới đa cực - một thế giới mà có lẽ đồng USD, đồng EUR và đồng CNY đều trở thành những loại tiền tệ thống trị ở châu Mỹ, châu Âu và châu Á", các nhà kinh tế của ING viết trong một báo cáo nghiên cứu vào ngày 24/8.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

BRICS mời 6 quốc gia gia nhập khối, sẽ kiểm soát 80% trữ lượng dầu mỏ thế giới