Chiến tranh Lạnh 2.0 có thể không phải là điều tồi tệ nhất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã buộc các nước dân chủ phải đối mặt với viễn cảnh về một thời kỳ đối đầu kéo dài ở châu Âu. Điều này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc, hiện là đối thủ cứng đầu và đáng gờm nhất của phương Tây, đã trở thành bên đầu tiên sẵn sàng tham chiến trong một cuộc xung đột khó có thể tránh khỏi trên toàn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Nếu tình hình không được kiểm soát, nạn nhân tiếp theo của Bắc Kinh sẽ là Đài Loan; điều này có thể khuyến khích các quốc gia nguy hiểm khác như Iran và Triều Tiên theo đuổi tham vọng của riêng họ. Chẳng bao lâu nữa, thế giới có thể sẽ phải đối mặt với những thực tế của Thuyết Domino 2.0. [Thuyết Domino cho rằng một sự kiện chính trị ở một quốc gia sẽ gây ra những sự kiện tương tự ở các quốc gia láng giềng, giống như một quân cờ domino bị đổ sẽ khiến toàn bộ bàn cờ đổ theo]. Nếu phương Tây phản ứng chậm trễ thì có thể dẫn đến việc một số quốc gia chỉ đơn giản là đầu hàng, hoặc buộc phải tiến hành một cuộc chiến tranh nóng vô cùng tốn kém và có khả năng thua cuộc.

Mặt khác, việc không sử dụng vũ lực, không tăng cường đầy đủ, không triển khai kịp thời các nguồn lực quân sự và ngoại giao trong một tình thế chiến lược lại có thể ngăn chặn các diễn biến kể trên và tạo ra một bế tắc. Đó chính là kịch bản của Chiến tranh Lạnh 2.0 - một cuộc đối đầu có thể không còn xa, cho dù người ta có thích nó hay không. Cuộc chiến tranh lạnh mới này, thậm chí có thể có quy mô và cường độ tương đương hoặc lớn hơn Chiến tranh Lạnh 1.0, đã chạm đến được các chính sách về địa chính trị ở phương Tây ngay cả trước khi Nga xâm lược Ukraine; và bây giờ, nó đã hiện hữu mạnh mẽ trong nhận thức của công chúng.

Chỉ riêng suy nghĩ về một cuộc chiến tranh lạnh đã đủ khiến người ta sợ hãi. Nhiều người nhớ lại cuộc sống luôn phải nơm nớp lo về một cuộc tàn sát hạt nhân trong Chiến tranh Lạnh 1.0. Cũng có người lo rằng chiến tranh lạnh dễ dẫn đến chiến tranh nóng. Do đó, xuất hiện tâm lý chung là cần kiên quyết tránh chiến tranh lạnh.

Chiến tranh Lạnh 2.0 có thể là ‘điều tốt đứng thứ hai’

Tuy nhiên, có một lập luận thuyết phục là: việc lôi những kẻ thách thức hòa bình vào một cuộc chiến tranh lạnh không nhất thiết là xấu, trong chừng mực chiến tranh lạnh khiến kẻ hiếu chiến sử dụng hết tài nguyên mà đáng ra kẻ đó có thể sử dụng trong chiến tranh nóng. Hãy tưởng tượng về việc mua táo và cam: [với một số tiền nhất định] nếu quý vị chi nhiều hơn cho táo thì quý vị sẽ mua được ít cam hơn; cái này là mặt hàng thay thế cho cái kia. Lập luận này vẫn có giá trị ngay cả khi phần lớn chi tiêu của chiến tranh lạnh đổ vào các loại vũ khí có thể được sử dụng để chống lại chiến tranh nóng, chẳng hạn như tên lửa tấn công tầm xa, bởi vì chúng có thể được đưa vào trong khuôn khổ chiến tranh lạnh như biện pháp răn đe.

Tất nhiên, người ta có thể cho rằng việc theo đuổi chiến lược hòa bình, Không Chiến tranh Dưới Mọi Hình thức (NWAK) là điều tốt nhất; nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu đối thủ của quý vị nghĩ rằng vì quý vị muốn hòa bình bằng mọi giá và muốn tăng cường phòng thủ, thì đó sẽ là cơ hội tốt để họ bất ngờ tấn công quý vị bằng một cuộc chiến tranh nóng? Thật không may, đó chính xác là câu chuyện của Ukraine. Châu Âu, với tư tưởng giống như chính sách Östpolitik của Đức, đã mơ về hòa bình với Nga bằng cách cung cấp đầu tư và thương mại.

Việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014 có thể đã thực sự khiến bà Merkel nghĩ rằng châu Âu chưa đủ lòng nhân ái, và do đó nên thúc đẩy đường ống Nord Stream 2. Việc ông Biden quyết tâm rút khỏi Afghanistan đã giúp hoàn thiện bức tranh NWAK về một phương Tây yếu ớt trong tâm trí Tổng thống Nga Putin. Các nhà lãnh đạo phương Tây, và trớ trêu nhất là các nhà lãnh đạo Đức, dường như đã hoàn toàn quên điều tương tự ở Thế chiến 2: Thỏa thuận Munich 1938 khét tiếng. Bằng thỏa thuận đó, Thủ tướng Anh Neville Chamberlain, với ý định tránh kéo dài chiến tranh, đã khiến các đồng minh châu Âu đồng ý để Đức Quốc xã chiếm đóng Sudetenland - khu vực nói tiếng Đức của Tiệp Khắc. Tất nhiên, Hitler đã nhanh chóng thôn tính phần còn lại của Tiệp Khắc [hiện giờ là Cộng hòa Séc và Slovakia] và hơn thế nữa. Đi theo chiến lược NWAK và tìm kiếm hòa bình, những gì ông Chamberlain đã làm là làm thỏa mãn kẻ xâm lược.

Chúng ta đang sống trong một thế giới không hoàn hảo, trong đó tính cao thượng của NWAK thực sự dẫn đến nhiều cuộc chiến hơn, nhiều tàn phá hơn và nhiều cái chết hơn. Do vậy, về cơ bản, phương Tây chỉ còn 2 chiến lược khác để đối phó với cuộc khủng hoảng đang đến gần: chiến tranh lạnh hoặc chiến tranh nóng. Nhưng trước khi kết luận rằng chiến tranh lạnh là điều tốt đứng thứ hai, chúng ta cần phải đảm bảo rằng nó sẽ không dẫn đến một cuộc chiến tranh nóng trên toàn cầu - mà trong trường hợp đó, chiến tranh lạnh và nóng không phải là sự thay thế mà là một cặp bổ sung, giống như rượu vang và phô mai vậy. Do vậy, các bài học từ Chiến tranh Lạnh 1.0 là vô giá.

Bài học từ Chiến tranh Lạnh 1.0

Nếu có 2 điều nổi bật về Chiến tranh Lạnh 1.0 thì đó là: Bên miệng hố hạt nhân giữa hai đối thủ chính và Chiến tranh Việt Nam. Chúng ta hãy cùng xem xét từng điều một.

Đảm bảo Hủy diệt Lẫn nhau

Bên miệng hố chiến tranh hạt nhân, được gọi một cách khéo léo là Đảm bảo Hủy diệt Lẫn nhau (Mutually Assured Destruction - MAD), đề cập đến thực tế rằng, nửa chừng của cuộc chiến tranh lạnh đó, cả Liên Xô và Mỹ đã triển khai đủ đầu đạn hạt nhân trên các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) để tiêu diệt phía bên kia. Nghĩ lại điều này mang đến cảm giác đáng sợ khủng khiếp. Từ viết tắt MAD cũng làm người ta liên tưởng đến việc những kẻ chịu trách nhiệm xây dựng kho dự trữ ‘đồ chơi’ phóng xạ cực kỳ nguy hiểm như vậy là những tâm hồn ma quái, hoàn toàn vô trách nhiệm và điên rồ (mad). Nhưng ngay cả vào thời điểm đó, các chuyên gia - những người mô hình hóa cuộc xung đột hạt nhân tiềm ẩn - đã chỉ ra rằng trạng thái cân bằng trên toàn cầu nhờ MAD là trạng thái cân bằng siêu ổn định và mang tính hòa bình.

Không ai trong số các nhà lãnh đạo siêu cường với khả năng nhấn nút xóa sổ hoàn toàn con người lại muốn đánh cược sự tồn vong của chính họ. Họ đã được khắc họa trong các tác phẩm văn học phản chiến như những kẻ phi lý trí, điên cuồng, rác rưởi. Người ta có thể than thở rằng việc tìm kiếm sự sống trong những khe nứt hẹp của MAD đã phản ánh tình trạng thảm hại của con người. Tuy nhiên, hãy tưởng tượng: Nếu phương Tây lắng nghe lời khẩn cầu “Ban The Bomb!” (Hãy cấm ném bom!) của nhà hoạt động Katie Morosky (do Barbara Streisand thủ vai) trong bộ phim The Way We Were (tên tiếng Việt: Thuở ấy đôi mình) thì phần lớn dân số ngày nay đã sống dưới chế độ cộng sản. Theo một ý nghĩa thực sự phức tạp thì MAD là tốt.

Chiến tranh Việt Nam

Chiến tranh Việt Nam là một thảm kịch. Nước Mỹ đã thua trong cuộc chiến đó và dường như danh dự của họ cũng vậy. Số người chết khiến chúng ta cảm thấy tê liệt. Tổng số quân đồng minh tử vong, chủ yếu là người Mỹ, lên tới khoảng 60.000 người. Gấp 50 lần con số đó là những người Việt Nam thiệt mạng. Chúng ta không thể đổ lỗi cho những người phản đối mang gánh nặng lương tâm ở Mỹ - những người từ chối tham chiến. Có những câu chuyện về những người Mỹ trẻ tuổi đã bắn đứt ngón tay trỏ của họ để tránh vào quân đội. Cuộc chiến đã không ngăn được Bắc Việt tràn vào Nam Việt. Nó cũng không lật đổ được Khmer Đỏ ở nước láng giềng Campuchia - những kẻ sau đó đã thực hiện tội ác diệt chủng. Bây giờ, Việt Nam đang thực thi kinh tế thị trường và làm hòa với Mỹ; và cuộc chiến dường như vô nghĩa.

Nhưng tất cả không phải là vô nghĩa.

Lực đẩy của phong trào cộng sản đến phần còn lại của Đông Nam Á đã mất dần sức mạnh, vì chiến tranh đã ăn mòn các nguồn lực của Việt Nam và cả các nguồn lực của Trung Quốc ở một mức độ đáng kể đến nỗi vào cuối những năm 1970, cả hai quốc gia này đều ở bờ vực sụp đổ kinh tế. Vì vậy, lần lượt, các phong trào cộng sản ở Philippines, Indonesia, Myanmar, Malaysia, Thái Lan, v.v., mất đi sự hỗ trợ quan trọng và bị dập tắt.

Những quốc gia này đã trở thành các nền dân chủ, thực thi kinh tế thị trường sôi động. Một đánh giá công bằng về tác động của Chiến tranh Lạnh 1.0 phải bao gồm chủ nghĩa xét lại: Chiến tranh Lạnh đã tạo ra cuộc chiến tranh nóng cục bộ tốn kém ở Việt Nam nhưng cũng có tác động tích cực đáng kể đối với người dân trong khu vực.

Phương Tây cuối cùng đã chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh 1.0. Sự cân bằng mang tính hòa bình do MAD mang đến được chứng minh là rất mạnh mẽ; mặc dù đã xảy ra một số cuộc chiến tranh nóng cục bộ khá tồi tệ, nhưng mọi chuyện đã không dẫn đến Thế chiến III. Nó đã rất tốn kém, nhưng nó làm suy yếu rất nhiều các quốc gia cộng sản và dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô.

Chiến tranh Lạnh 2.0 có sự góp mặt của Trung Quốc - một đối thủ mạnh hơn nhiều so với Liên Xô trước đây, một đất nước đang hung hãn thách thức nước Mỹ - vốn không còn ở vị thế nhà lãnh đạo không thể thay thế của phương Tây. Vì nhiều lý do, cả chính phủ và người dân Mỹ đều không thể hiện rõ quyết tâm chống lại cuộc chiến tranh lạnh này; nhưng sớm hay muộn họ sẽ buộc phải làm vậy — dù chỉ để ngăn chặn các cuộc chiến tranh nóng hay đẩy lùi sự thống trị trên toàn cầu của Trung Quốc.

Một nước Mỹ thiếu quyết tâm đã được thể hiện rõ ràng nhất trong cuộc khủng hoảng gần đây ở eo biển Đài Loan và vị trí chiến lược ngày càng sa sút của Mỹ ở Biển Đông. Đối mặt với chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc, điều mà Mỹ đang làm là thỉnh thoảng điều một hoặc hai tàu chiến đi qua các vùng biển tranh chấp. Có thể dự đoán, những chuyến tàu không đáng để tâm như vậy đã không thể ngăn cản Bắc Kinh từng bước thay đổi hiện trạng ở 2 vùng biển có tầm chiến lược cao gắn liền với Chuỗi đảo đầu tiên [chuỗi đầu tiên các quần đảo lớn ở Thái Bình Dương tính từ bờ biển lục địa Đông Á].

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Xuân Hoa

Theo Joseph Yizheng Lian - The Epoch Times

Giáo sư Joseph Yizheng Lian sinh ra và lớn lên ở Hong Kong. Ông tốt nghiệp Cử nhân Toán học tại Đại học Carleton và Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Minnesota (Mỹ). Ông Lian đã xuất bản nhiều ấn phẩm học thuật và chuyên môn. Một trong số những cuốn sách của ông là quyển du ký về chuyến đạp xe vòng quanh Đài Loan.



BÀI CHỌN LỌC

Chiến tranh Lạnh 2.0 có thể không phải là điều tồi tệ nhất